Cồn Sẻ chưa nguôi lại đau Tân Định

Cồn Sẻ chưa nguôi lại đau Tân Định
TP - Trong lúc 13 ngư dân xấu số của làng nổi Cồn Sẻ vẫn chưa được tìm thấy xác trong vụ chìm tàu cá hôm 30-12-2012, thì cách đó chừng 5 km người làng nổi Tân Định, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cũng vật vã trong nỗi đau xé lòng vì mất chồng, mất con đúng vào cái ngày định mệnh ấy.

> Xé lòng người làng nổi
> Cứu 7 thuyền viên tàu BĐ 95098

Ngồi ở nhà mình nhưng ông Nguyễn Xuân Quyết vẫn không tin là mình còn sống
Ngồi ở nhà mình nhưng ông Nguyễn Xuân Quyết vẫn không tin là mình còn sống.

Bất lực nhìn con chìm xuống biển

Đã ba ngày về đến nhà sau chuyến đi biển kinh hoàng, ông Nguyễn Xuân Quyết ở thôn Tân Định vẫn hoảng loạn. Ông mất hai đứa con, mất cả tàu. Gần một đời bám biển, ông Quyết không ngờ.

Sống giữa cồn nổi, bốn bề sông nước bao quanh, từ xưa người làng Tân Định vẫn lấy nghề sông nước làm kế sinh nhai.

Gia đình ông Quyết cũng không ngoại lệ. Sau nhiều năm đi bạn (đánh cá thuê), cách đây 10 năm, ông Quyết đứng ra cùng bà con lối xóm hùn vốn sắm được chiếc tàu cá có công suất 75 CV.

Rồi mới đây, gia đình ông lại sắm thêm chiếc tàu khác, công suất 90 CV. Chiếc tàu mới đóng, ông giao cho Nguyễn Đức Thắng, là con trưởng, SN 1975, quản lý. Còn ông vẫn chung thủy với chiếc tàu cũ.

Ngày 29-12-2012, hai tàu của hai cha con ông Quyết xuất bến ra biển mặc dù đã nghe đài báo gió mùa. Chiếc tàu mới có 8 thuyền viên, gồm: Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Xuân Thủy (em trai út), Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Khoa, Nguyễn Lâm, Nguyễn Văn Trọng (đều người trong làng), riêng Nguyễn Đông (trú tại xã Quảng Hải). Còn tàu ông Quyết có 6 thuyền viên đều là người trong làng.

Theo kinh nghiệm của ông Quyết, thì phải ba ngày sau gió mùa mới đến vùng biển Quảng Bình, nên chỉ cần buông lưới hai đêm, trước ngày biển động là đủ và vẫn kịp quay vào bờ.

Nhưng không ngờ vào rạng sáng 30-12, chỉ sau một ngày cha con ông Quyết ra biển, gió mùa đã ập về mang theo những trận cuồng phong.

Ông Quyết nhớ lại: Khi ra đến địa điểm đánh cá, cách bờ chừng 30 hải lý, ở tọa độ 17 độ 50 phút vĩ độ bắc, 106 độ 50, tàu của hai cha con ông chia ra buông lưới cách nhau chừng 1 hải lý. Hai tàu vẫn nhìn thấy nhau qua ánh đèn. Vừa buông được mẻ lưới đầu tiên thì gió mùa về.

Thấy gió mỗi lúc mỗi to, ông Quyết điện đàm cho Thắng dặn thu lưới để về, nhưng đã không kịp. Tiếng Thắng bị ngắt quãng trong gió: “Tàu con bị thủng, con đang xảm (bịt). Ba lên giúp con với”.

Ông Quyết biết rõ điều không hay đang xảy đến với con. Ông cố hướng mũi tàu ngược gió về phía tàu Thắng. Nhưng không thể, những con sóng cao như mái nhà cứ đẩy con tàu nhỏ bé của ông lùi dần.

Chừng hai giờ đồng hồ vật lộn với sóng biển, lần cuối cùng ông nghe được giọng của Thắng là “Tàu chìm, tàu chìm, ba ơi cứu con”. Ánh đèn trên tàu của Thắng phụt tắt.

Nguyễn Hoàn, người đã cố gượng dậy thay bố cầm lái đưa con tàu cập bến
Nguyễn Hoàn, người đã cố gượng dậy thay bố cầm lái đưa con tàu cập bến.

Gió ngày càng to, có khi phải giật trên cấp 9. Con tàu nhỏ bé của ông bắt đầu trụ không nổi, sóng đập vỡ kính chắn gió ở cabin, cột cờ gãy, toàn bộ lưới chài rơi xuống biển... Ông Quyết biết nếu cố cứu Thắng thì tàu ông cũng chìm.

Ông đành nuốt nước mắt, giữ ga cho máy nổ đều, hướng mũi tàu về phía gió, thả hai cái dù xuống nước phía sau lái nhằm giữ thăng bằng cho tàu nhằm chống chọi những trận cuồng phong.

Sau một ngày một đêm nhịn khát nhai gạo sống, ông Quyết và mọi người trên tàu kiệt sức. Cầm chắc cái chết, ông nhắc mọi người lấy dây cột người vào tàu với hy vọng sau này có ai đó tìm thấy xác.

Thấy cha buông xuôi, Nguyễn Hoàn, em trai kế Thắng gượng dậy nói: “Không thể chết ba ơi! Anh Thắng và thằng út Thủy chết rồi, giờ cha con mình mà chết nữa thì những người ở nhà sống sao đây?”. Vừa nói, Hoàn vừa đẩy cha ra để cầm lái.

Quyết tâm của Hoàn đã giúp chiếc tàu cầm cự được sang ngày thứ hai. Gió bắt đầu giảm dần. Cha con ông Quyết và bốn thuyền viên cập bến, xác xơ và đói lả. “Kinh nghiệm một đời đi biển của tui giờ đã không còn theo kịp với diễn biến của thời tiết nữa rồi. Răng lại rứa hả trời?!” - ông Quyết òa khóc.

Chiếc tàu xui xẻo

Chiếc tàu bị nạn do Thắng làm thuyền trưởng mang số hiệu QB 93469 TS được đóng cách đây 3 năm, chung vốn với ba người trong làng. Từ khi đưa vào khai thác đến nay nó luôn gặp xui xẻo nên vẫn chưa hoàn được nợ vay.

Cách đây 3 tháng, Mai Văn Hòa (34 tuổi, một trong những người chung vốn) khi đang kéo điện từ bờ ra để sửa chữa tàu, không may bị điện giật chết ngay trên tàu để lại vợ cùng bốn đứa con thơ và khoản nợ 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Cương, trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết, sau khi trục vớt, tàu bị chìm đã được đưa về Cồn Sẻ, công tác tìm kiếm đang được 500 thanh niên tình nguyện của thôn triển khai ở các vùng bờ biển bãi ngang. Vì có gió mùa mới nên tàu Cồn Sẻ không ra khơi tìm kiếm trên biển mà đợi khi lặng gió mới xuất phát trở lại.

Ông Nguyễn Đôn, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết, tàu cá của ông Nguyễn Chuẩn cùng 6 thuyền viên ở thôn Xuân Lộc, mang số hiệu QB 93977 TS đã mất tích ba ngày nay. Hiện gia đình đã cử hai tàu cá ra hướng đảo Cồn Cỏ và hướng lên phía Bắc để tìm kiếm.

Thắng cũng vậy, ra đi khi vừa tròn 38 tuổi để lại một cục nợ hơn 200 triệu đồng. Bốn đưa con của Thắng cứ ngơ ngác vì chúng chưa đủ hiểu là ba chúng sẽ mãi mãi không về.

Vợ ông Quyết cứ ôm con dâu khóc ngất: “Răng mà khổ ri con hè? Hai thằng bây (Thắng và Thủy) có thiêng thì trôi vô bờ cho ba mạ đưa xác bây về, chứ ở ngoài nớ lạnh lắm”.

Cạnh nhà anh Thắng là ngôi nhà trống hoác, bốn bên gió lùa lạnh ngắt của ngư dân Nguyễn Văn Hào. Chị Nguyễn Thị Thương ôm ba đứa con trong vô vọng. “Lúc sắp tàu chìm, anh ấy có điện về nói, tàu chìm, tàu chìm rồi em ơi, mẹ con cố sống nuôi nhau nhé” - chị Thương kể.

Bà Nguyễn Thị Thiện, mẹ của Hùng không thể gượng dậy khi hai đứa con lần lượt ra đi. Hùng đang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động thì đùng cái anh trai bị điện giật chết. Hùng hoãn đi xuất khẩu để ở nhà thay anh trai đi biển, giúp chị dâu trả khoản nợ mà anh trai đã hùn vốn vào con tàu. Nhưng anh chưa kịp...

Cách một con lạch là nhà của anh Nguyễn Văn Trọng (SN 1972). Chị Mai Thị Mến thất thần ôm đứa con gái 5 tuổi co ro trong góc nhà không nói không rằng. Người làng kể, từ khi anh Trọng đi chiếc tàu này là không biết bao nhiêu điều xui xẻo đến với gia đình chị.

Trước đó hai năm, đứa con gái đầu đột ngột ra đi mà không biết bệnh gì, rồi đến thằng em kế 7 tuổi ngã xuống ao cá chết đuối cách đây mấy tháng, và nay là anh Trọng chết mất xác ngoài biển. Nhà giờ chỉ còn lại mẹ chồng gần 80 tuổi và hai mẹ con chị Mến.

Chị Mến và con gái
Chị Mến và con gái.

“Không đất đai, nghề nghiệp, không biết rồi đây chị Mến làm gì để nuôi 3 miệng ăn và trả khoản nợ hơn 100 triệu đồng. Ngôi nhà lại sắp sập nữa chứ, không kịp sửa sang thì mùa lụt sau chắc chắn trôi mất” - chị Hoa, hàng xóm của chị Mến nói.

Ông Hoàng Sơn Thương, trưởng thôn Tân Định, cho biết: Vụ chìm thuyền đánh cá QB 93469 đã làm 7 người vợ góa chồng, gần 20 đứa trẻ mồ côi cha.

Theo ông Thương, thôn Tân Định đa số là dân nghèo, đầu tư tàu cá công suất nhỏ nên không thể tổ chức tìm kiếm quy mô như ở thôn Cồn Sẻ được.

Mấy ngày qua, người làng chủ yếu chia nhau đi về các làng biển trong vùng để tìm xác trôi dạt vào bờ. Đây là tại nạn kinh hoàng nhất từ trước tới nay mà người dân thôn Tân Định phải gánh chịu.

“Lâu nay ở làng, phụ nữ chỉ biết nội trợ, giờ mất chồng, mất con, mà toàn là trụ cột. Đúng là một tai họa” - ông Thương nói.

Hỗ trợ 310 triệu đồng tìm kiếm ngư dân

UBND tỉnh Quảng Bình vừa quyết định hỗ trợ 310 triệu đồng cho việc trục vớt tàu cá và tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu cá mang số hiệu QB 93714 TS, do ngư dân Nguyễn Phong (thôn Cồn Sẻ) làm thuyền trưởng, với 14 ngư dân gặp nạn ngày 30-12-2012.

Theo đó, 50 triệu đồng hỗ trợ các tàu của ngư dân trong công tác trục vớt tàu chìm; 260 triệu cho các đơn vị: Biên phòng, UBND huyện Quảng Trạch, Cảng vụ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân mất tích 2 triệu đồng, riêng gia đình nạn nhân Mai Khương Duy 3 triệu đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.