Cù lao bao giờ về Phố

Cù lao bao giờ về Phố
TP - Cù lao Phố xanh ngắt một màu hoang dại giữa dòng sông rộng Đồng Nai. Từ hai bên bờ nhìn sang cù lao, chỉ thấy lô nhô những bụi rậm và dăm ba đền miếu hắt hiu.

> Ươm mầm xanh trên đảo nhỏ Cù Lao Xanh

Sử sách chép lại: cù lao Phố “được kiến thiết mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm”.

Đình làng chìm trong cỏ dại. Ảnh: T.N.A
Đình làng chìm trong cỏ dại. Ảnh: T.N.A.

Nước Việt Nam có nhiều cù lao, nhưng chỉ có một cù lao được gọi là “Phố”, hẳn không phải chuyện vô tình. Số là khi xưa xứ Nam Bộ còn vô cùng hoang vắng, đâu cũng rừng hoang, sình lầy.

Tổ tiên chúng ta từ miền Bắc, miền Trung theo lệnh nhà vua vào mở mang khai phá Nam Bộ, đã chọn cù lao này làm nơi trú chân, mà lập nên đô thị đầu tiên của mình.

Nằm giữa dòng sông rộng, tránh được hổ báo và sự tấn công bất ngờ của kẻ thù, lại thuận tiện giao thông đường biển, cù lao như một thành lũy tự nhiên.

Trên cù lao cũng có nhiều người Hoa quy phục triều đình sinh sống buôn bán. Sử sách chép lại: cù lao Phố “được kiến thiết mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm”.

Đầu xuân Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất vào Nam kinh lược xác định cương thổ quốc gia.

Theo Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí thì nhờ đó “Đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ”.

Cù lao Phố hiện có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, là điều hiếm. Các di tích đều thuộc công trình được xây dựng đầu tiên ở xứ Nam Bộ, gồm Đền thờ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Chùa Đại Giác, Đình Bình Quan. Ngoài ra “còn có 17 di tích phổ thông, 3 bến đò 3 bến nước, một số nhà và mộ cổ hợp chất”.

Cù lao Phố nhìn từ trung tâm thành phố Biên Hòa
Cù lao Phố nhìn từ trung tâm thành phố Biên Hòa .

Khi chuyến phà sang cù lao cập bến, khung cảnh đập vào mắt tôi là một cù lao hoang hóa, cỏ dại mọc đầy. Người dân bảo: “Gần hai mươi năm sống trong quy hoạch, quê hương chúng tôi xác xơ như thế này đấy”. Hỏi quy hoạch như thế nào? Mọi người đều bảo: “Nghe bảo làm du lịch văn hóa sinh thái gì đó”.

Cù lao Phố hiện có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, là điều hiếm. Các di tích đều thuộc công trình được xây dựng đầu tiên ở xứ Nam Bộ, gồm Đền thờ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Chùa Đại Giác, Đình Bình Quan. Ngoài ra “còn có 17 di tích phổ thông, 3 bến đò 3 bến nước, một số nhà và mộ cổ hợp chất”.

Tổng diện tích đất đai cù lao khoảng hơn 694 ha, trong đó đất nông nghiệp gần 413 ha, nhưng theo số liệu thống kê phần lớn đất bỏ hoang, chỉ vỏn vẹn có khoảng hơn 50ha trồng lúa cộng với diện tích cây ăn trái hoa màu hơn 10ha.

Giữa cánh đồng thấy có khu nhà hai tầng vắng vẻ, tôi bèn ghé vào. Hóa ra trước kia nó là Trại thực nghiệm lúa Hiệp Hòa, thuộc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai.

Một trại giống lúa có nhiều ô tô, máy móc giờ chỉ còn lại hai nhân viên.

Anh Việt, người trông coi cơ quan, buồn bã nói: “Năm 1991 tôi về đây, cả cù lao trồng lúa. Đất đai cù lao Phố màu mỡ, gạo ngon. Từ khi quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái, người dân không trồng lúa nữa”.

Năng suất lúa từ hơn 7 tấn giờ chỉ hơn 4 tấn/ha, do chuột bọ phá. Ba vụ lúa giờ làm một vụ. Hệ thống kênh mương từng được đầu tư hàng trăm triệu đồng, đã hư hỏng hết cả. Việt bảo tôi rằng tương lai của anh rất mờ mịt, không biết thế nào. Khu nhà tập thể cửa đóng then cài, đã xuống cấp, nứt nẻ, rêu phong.

Người dân sống co cụm, quần tụ quanh đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Một cái chợ tạm dựng lên cạnh đó, thay cho lầu son gác tía một thời. Các khu dân cư khác thì đều khuất trong các lùm cây dại, nhà cửa tiêu điều.

Nhà dân cù lao Phố đều là nhà tạm, nhà cấp bốn. Hơn 13.000 dân đã sống một cuộc đời lam lũ không phải vì họ không có ý chí vươn lên mà do không được phép xây dựng nhà kiên cố.

Anh Nhật Cường, một nhà báo làm việc ở Đồng Nai đã nghỉ hưu, ở gần bến đò An Hảo, chuyên giúp dân soạn văn bản đơn thư. Nhà anh nằm trong cái gọi là khu cây xanh. Nhưng chỉ thấy cỏ dại.

Người dân trong vùng thường nhờ anh thảo đơn thư vì chữ nghĩa của họ ít ỏi. Anh nói: “Muốn sửa một cái toa lét trong nhà, dân cũng phải làm đơn xin phép”.

Anh Nhật Cường đã phát biểu trong cuộc họp ở xã, rằng cù lao chúng ta đã thu hoạch được gì từ cái quy hoạch tương lai ấy, ngoài những cánh đồng đóng cọc bê tông? Ý của anh muốn phản ảnh việc nhiều “đại gia” đã tới mua đất đai của dân để ngồi chờ bán kiếm lời.

Một người phụ nữ mua nhà tại cù lao cách đây hơn chục năm nói rằng hồi trước chị mua giá một triệu đồng một mét vuông, giờ giá tăng gấp 4 lần. Nhưng: “Người ta không có việc gì làm, cứ bán đất ăn dần”.

Chị kể cách đây không lâu một người qua đời phải làm lễ động quan trong chùa. Trong xóm của chị, có những người dân cù lao giờ đây lại thuê nhà ở ngay trên cù lao chôn rau cắt rốn. Không biết hư thực lý do kinh tế khó khăn của họ bắt nguồn từ cái gì, nhưng câu chuyện về những kẻ vô gia cư vẫn được kể dưới gốc cây cổ thụ.

Tôi đã nhiều lần liên lạc với xã Hiệp Hòa, cơ quan hành chính trên cù lao. Phó chủ tịch xã cho biết: “Nhiều người gọi quy hoạch cù lao Phố là quy hoạch treo, điều đó thật không chính xác”.

Theo anh đính chính thì “Quy hoạch cù lao Phố chưa thành một dự án cụ thể, chưa giao cho chủ đầu tư nào cả, nên không thể gọi là quy hoạch treo. Mới chỉ là quy hoạch phát triển chung của thành phố Biên Hòa, trong đó có cù lao Phố thôi. Quy hoạch chung đến năm 2020”.

Chủ tịch xã cho biết chưa có bất kỳ công trình nào trong quy hoạch ấy được hiện thực hóa trên cù lao Phố.

Một quy hoạch mang tính tầm nhìn, đã nhiều lần chỉnh sửa. Đổi lại, người dân cù lao hàng chục năm nay không được xây dựng nhà cửa khang trang, sống trong những căn nhà tạm, khiến cho cù lao như một hình ảnh của những năm 1990 vẫn hiện diện trong hiện tại và có lẽ cả trong
tương lai.

Anh phó chủ tịch xã nói “quy định rồi, chỉ được cấp phép cho sửa chữa thôi, xây dựng mới nhà kiên cố thì không được phép”.

Sống nhờ cua hến
Sống nhờ cua hến.

Khi rời bến đò tôi gặp một chú bé tên Tùng, học lớp 6, đang bán cua đồng bên bờ sông. Chú cùng chị và mẹ suốt đêm đi mò cua bắt ốc. Cái đình làng cạnh đó cỏ dại mọc vây kín hết cả. Hẳn cua hến quanh đình
còn nhiều.

Một đêm ba mẹ con bắt được 3 kg cua đồng, bán với giá 60.000 đồng/kg. Mẹ của Tùng tên Tuyến, sinh năm 1971.

Gia đình họ đã bán phần đất sát mé sông cho một người khách từ xa mua làm nhà hàng, số tiền 300 triệu đồng chỉ đủ để sửa ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ và trang trải sinh hoạt một thời gian.

Chị Tuyến nói: “Chúng tôi phải câu nhờ điện từ khoảng cách hơn 1 cây số. Không có nước sạch, không có đường cáp xem ti vi”.

Người mẹ của 7 đứa con nói, ấp Tam Hòa nằm trong vùng trung tâm của quy hoạch, nên “chỉ sống như thế thôi”. Nước giếng nhà chị múc lên một xô, lắng xuống cả một nắm bùn. Họ phải bơm nước sông Đồng Nai lên để ăn uống hằng ngày.

12 - 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG