Những người tù tôi gặp - Kỳ III:

Cử nhân trong tù muốn hiến xác cho khoa học

Cử nhân trong tù muốn hiến xác cho khoa học
TP - Tốt nghiệp cử nhân kinh tế - Đại học Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia) Hà Nội - Trần Hồng Chương là tù nhân có học nhất trại giam số 3.

>> Kỳ II: Hai nỗi sợ của cựu trùm ma túy
>> Kỳ I: Tử tù hơn 4000 đêm trắng chờ ra pháp trường

Bộ quần áo tù khiến Chương hòa vào hàng trăm tù nhân khác đang lao động  trên cánh đồng, nhưng khi  trò chuyện với tôi, người này lại có những nét khác biệt, chẳng phải vì những phi vụ lừa đảo ngoạn mục được kể lại bằng sự sám hối của một kẻ tự cho mình là trí thức...

Cử nhân trong tù muốn hiến xác cho khoa học ảnh 1
Trần Hồng Chương đang làm thơ trong trại giam

Trò lừa đảo

Đã chín năm ở tù, nhưng Chương vẫn tỏ ra ngượng khi kể về quãng đời tội lỗi của mình. Chương cúi đầu, chất giọng Hà Tĩnh nghe nghèn nghẹn:

“Tôi sinh năm 1972 ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Nhà có ba chị em, tôi là con trai một. Bố mẹ nghèo nhưng ba chị em tôi đều học đại học ở Hà Nội. Tôi  tốt nghiệp khoa kinh tế, trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia), lòng đầy những dự định lớn lao về tương lai. Nhưng tôi cầm hồ sơ chạy hết nơi này qua nơi khác mà vẫn không xin được việc, có nơi nhận nhưng đòi tôi 10 triệu đồng để bôi trơn. 10 triệu tôi kiếm đâu ra”.

Vào thời điểm những năm 1996 - 1997 của thế kỷ trước, phong trào đi xuất khẩu lao động ở Hàn quốc đang rầm rộ. Người có nhu cầu đi Hàn Quốc nhiều, nhưng làm thủ tục khá tốn kém và phức tạp.

Đúng lúc ấy, Chương phát hiện ra một đường dây sử dụng giấy tờ giả. Chương mua hộ chiếu công vụ đã hết hạn sử dụng ở Việt Nam, rồi thay ảnh.

Cầm những hộ chiếu công vụ đã được thay ảnh, Chương đưa người sang Thái Lan, Campuchia rồi từ đó làm thủ tục đi Hàn Quốc và Mỹ. Mỗi một phi vụ trót lọt, Chương thu ít nhất  5.000 USD.

Bằng những trò ảo thuật ấy, Chương đã tổ chức đi Mỹ và Hàn Quốc  cho khá nhiều người, Chương trở nên  uy tín, người có nhu cầu xuất ngoại kéo đến xếp hàng để mua giấy tờ...

Cũng trong thời gian này, Trần Hồng Chương xin được làm dự án trung tâm thông tin của Bộ Thương mại ở Hà Tĩnh.

“Hồi đó tôi rất tâm huyết với dự án này, vì nếu thành công sẽ đưa Internet về quê hương Hà Tĩnh. Có tiền từ đường dây làm giấy tờ đưa người đi nước ngoài, tôi bỏ ra đầu tư mua máy  móc cho văn phòng của trung tâm tin học.

Đường dây làm giấy tờ giả của tôi mỗi lúc một phình ra, tôi đã cảm nhận được sự nguy hiểm nhưng mình ở thế ngồi trên lưng hổ rồi. Giá như lúc đó có ai phân tích cho tôi, nói với tôi rằng “hãy dừng lại trước khi quá muộn, thì tôi đâu đến nông nỗi này”.

Ngày 26/12/2000, Trần Hồng Chương bị công an bắt vì tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Số tiền lừa đảo lên tới gần một tỷ rưỡi đồng. Số tiền lớn đó đã bay biến hết, Chương không có khả năng hoàn trả.

Chương chết lặng khi tòa tuyên án 24 năm tù giam. Những dự định tương lai  đầy màu hồng bỗng chốc sụp đổ,  Chương khóc một mình trên chiếc xe thùng về trại giam.

“Tôi đã ở tù được chín năm, nhưng nỗi đau vẫn không thể nào nguôi ngoai được. Từ nhỏ, lẽ sống của tôi là cống hiến cho xã hội, nhưng nào ngờ tôi lại trở thành một kẻ tội phạm, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Hơn một tỷ đồng tôi vẫn chưa thể đền bù được cho người bị hại. Điều đó giày vò tôi từng giờ từng ngày. Tôi có một nguyện vọng, chẳng biết có thực hiện được không”, giọng Chương đầy vẻ khẩn thiết.

“Khi tôi chết, tôi muốn được hiến xác cho khoa học, cụ thể là cho trường Đại học Y Thái Nguyên. Có lần xem tivi thấy một phóng sự phản ánh tình trạng thầy trò của trường Đại học Y  phải dạy chay, học chay thiếu xác để thực hành nghiên cứu. Đó là mong muốn thực sự của tôi và tôi sẽ viết như thế trong di chúc”.

“Vì sao anh lại có ý định như vậy?”. “Cuộc đời tôi chưa làm được gì có ích cả, nên tôi muốn dùng chính thân xác của mình để tạ lỗi với đời. Bây giờ đây, khi tôi đang sống khỏe mạnh trong tù, tôi cũng sẵn sàng hiến tạng hay một số bộ phận trên thân thể mình cho người nghèo bị bệnh tật”.

“Nếu nguyện vọng này đăng lên báo, có người nghèo muốn xin một vài  bộ phận trên cơ thể của anh thì anh có đồng ý không?”. Chương nói  không chút đắn đo: “Tôi sẵn sàng nếu họ thực sự là người nghèo”. Mới đây, ở trong tù Chương vừa ký đơn ly hôn với vợ mà lòng không chút oán giận.

Đường về, ôi xa quá

Cử nhân trong tù muốn hiến xác cho khoa học ảnh 2 Có lúc tôi bi quan muốn chết. Nhưng  rồi tôi nhận thấy ở xung quanh tôi nhiều bạn tù có những cảnh đời còn bất hạnh hơn tôi nhiều.

Tôi đã viết về họ, về nhân tình thế thái. Tôi đã viết được mấy tập.

Tôi làm thơ về đời, về người quản giáo, về ngày mai.

Tôi không thể đánh mất niềm tin và hy vọng, vì đời tôi giờ đây gần như chỉ sống bằng niềm tin và hy vọngCử nhân trong tù muốn hiến xác cho khoa học ảnh 3 - Trần Hồng Chương, tù nhân ở trại 3

Tôi đã gọi điện trò chuyện với người vợ của Chương, chị (đề nghị được giấu tên) đang làm cho một công ty nhỏ ở Hà Tĩnh. Giọng người phụ nữ qua điện thoại nghe trĩu nặng: “Hồi anh Chương còn đang đi làm, tôi không biết anh ấy làm việc gì. Anh ấy cũng không mang tiền về nhà. Chỉ khi anh bị bắt tôi mới biết mọi chuyện.

Gần 10 năm nay, tôi nuôi con một mình, chịu trăm ngàn đắng cay khổ cực. Nhà tôi nghèo, đồng lương thấp, nhưng thỉnh thoảng cán bộ tòa án lại đến đòi tiền án phí.

Mới đây, tôi và anh Chương thống nhất sẽ ly hôn để con trai không phải chịu cái tiếng bố đi tù. Tôi đã gửi đơn đang chờ tòa gọi... Sau những đắng cay, mẹ con tôi muốn được sống cuộc sống bình dị, không bị người đời nhìn bằng con mắt kỳ thị  là “vợ con của thằng tù phạm tội lừa đảo”.

Trần Hồng Cẩm, em gái của Trần Hồng Chương đang làm cho một cơ quan Nhà nước ở tỉnh Hà Tĩnh, kể cho tôi nghe về người anh trai: “Anh Chương làm chi gia đình không được biết, cũng không đưa về cho bố mẹ được đồng nào. Đến khi anh ấy bị bắt, gia đình nghèo không có tiền mà đền bù cho người bị anh Chương lừa nên anh ấy phải chịu mức án nặng”.

Theo lời chị Cẩm, Chương có hai vợ, người vợ đầu vì không chấp nhận cảnh chồng nay đây mai đó, làm ăn đầy vẻ mờ ám nên đã bỏ đi vào Sài Gòn  để lại đứa con gái mới mấy tuổi đầu cho ông bà nội nuôi.

Bố mẹ Chương đều là thương binh, sức khỏe rất yếu những mong trông chờ vào cậu con trai duy nhất đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, nào ngờ...

Ngày Chương bị bắt, ông Trần Đình Lịch - bố Chương gần như ngất lịm. Vết thương do mảnh đạn găm vào đùi tái phát, chân ông bị liệt mất mấy tháng.

Chị Cẩm cho hay: “Từ đó, bố tôi đau ốm liên miên, hai ông bà  gắng gượng nuôi cháu gái. Con anh Chương năm nay đã học lớp 9. Bố vào tù, mẹ bỏ đi khiến cháu mất tự tin”.

Tôi nhớ buổi sáng ấy ở trại 3, đôi mắt người tù từng có bằng đại học ấy đẫm nước: “Sai một ly đi một dặm rồi, tôi đã kéo cả gia đình vào vòng đau khổ. Tôi mong một ngày về, lúc đó sẽ  làm việc đến kiệt cùng sức lực để trả lại tiền cho những người bị hại và báo hiếu cha mẹ, chăm nom hai con. Mà đường về ôi xa quá”. 

Còn nữa

MỚI - NÓNG