Của hiếm cua da

Của hiếm cua da
TP- Đầu mùa rét năm ngoái, tôi được người bạn ở Bắc Giang gọi điện nói sẽ tặng tôi mười lăm con cua sông Cầu. Tôi cười, thầm nghĩ “mười lăm con thì ai ăn ai đừng”.

Nhưng ngạc nhiên sao chỉ mười lăm con cua thôi mà nặng tới gần hai cân. Hỏi ra mới biết, đó là một loại cua sông cỡ bằng con ghẹ nhưng có nhiều điểm khác lạ. Phía trên và dưới hai càng cua đều có một lớp da, trên lớp da ấy là một lớp lông trông giống như đám rêu! Bữa cua lạ miệng ấy đã thôi thúc tôi tìm xem ở đâu sinh ra loại cua kỳ dị ấy? 

Của hiếm cua da ảnh 1
Cua da vừa được đánh bắt dưới sông Cầu

Cua da, cua gia hay là… cua ra?

Khi nhận những con cua lạ ấy, tôi đã hỏi người đem tới biếu đây là cua gì mà sao trông kỳ lạ thế? Câu trả lời là cua da. Còn viết chính xác thế nào (da, ra, gia) thì chịu. Cho đến bây giờ, khi đã để tâm tìm hiểu, tôi vẫn không biết tên gọi đích thực của loài cua ấy. Có người nói rằng phải gọi là cua ra vì loài cua này gắn với câu tục ngữ “Tháng chín cua ra, tháng ba cua vào”.

Có người lại nói, phải gọi là cua da vì loài cua này có một lớp da trên càng. Đó là điểm rất khác biệt mà các loài cua biển, cua đồng không có được. Phe thứ ba thì cho rằng phải gọi cua gia, vì đơn giản là tên gọi ấy nghe có vẻ hay hơn, hợp hơn. Tôi tạm gọi theo quan điểm thứ hai, cua da.

Loài cua này chỉ bắt được vào cữ heo may đến tháng mười một âm lịch là hết. Cua da, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng nhưng chân dài hơn mình to gấp gần chục lần cua đồng.

Vì chân dài nên khi thả xuống đất, cua da chạy rất nhanh và luôn chọn được những nơi cư trú tối ưu. Người ta cho rằng, lớp da, lông phía trên và phía dưới càng cua là cái bẫy đã được nguỵ trang để cua bắt mồi sau khi vùi mình dưới bùn.

Sau kỳ sinh sản, những chú cua ở sâu dưới đáy sông mới rời hang kiếm mồi và khi ấy người dân vùng sông nước mới có cơ hội buông lưới, bắt cua. Cua da chủ yếu cư ngụ ở sông Cầu, sông Thái Bình (và rất có thể có ở những con sông nào đó khác nữa mà tôi chưa nghe chăng?).  Điều thú vị là, cũng trên sông Cầu thì chỉ có đoạn qua xã Yên Lư, Tư Mại và Thắng Cương của huyện Yên Dũng  tỉnh Bắc Giang người dân mới bắt được cua.

Của hiếm cua da ảnh 2
Ông Phan Văn Thạo chuẩn bị lưới bắt cua da

Cua da từ cho không ai lấy trở thành đặc sản

Hàng trăm năm nay, người dân sông nước xã Thắng Cương, Yên Lư đã bắt được cua da rồi.

Thực ra, trong quá trình đánh cá, ngẫu nhiên cua mắc vào lưới. Khi ấy, cua da thường cuốn, xé rách cả một mảng lưới và để gỡ chúng ra, nếu không chịu hy sinh cắt lưới, người ta thường phải mất khá nhiều thời gian để gỡ, sao cho cua không bị gãy chân, gãy càng. “Cua gãy chân bán không được giá, cá bong vảy bán chẳng được tiền”.

Chỉ dăm bảy năm trước, cua da chẳng được người dân Thắng Cương coi ra gì. Bắt được mấy chục con mang về sống trong bể, ăn chẳng ăn được, mang cho lại sợ người ta mắng! Thế là cua da chủ yếu để nuôi lợn.

Ông Phạm Văn Ly năm nay đã 77 tuổi ở thôn Tân Cương, xã Thắng Cương là người có thâm niên bắt cua da hơn năm chục năm qua cười khà khà, giải thích vì sao cua da lại bị ghét: “Cua da tanh lắm, luộc lên ai muốn ăn thì phải mang ra góc sân, bờ giếng mà ăn kẻo mùi tanh ám vào quần áo, nhà cửa. Ăn xong thì phải lấy lá cúc tần, thậm chí cả xăng để lau mồm lau miệng. Vì cua da không được ưu chuộng, nên có người khi nhấc lưới thấy cua da là kê vào mui thuyền lấy mái chèo đập cho nát cua rồi giũ cho sạch lưới”.

Cua da ngày xưa là thế. Bây giờ, khi người dân đã biết ăn cua da bằng cách hấp bia, có xả, có gừng nhâm nhi cùng thứ rượu nếp thơm nồng nút bằng lá chuối; biết giã ra nấu riêu cua ăn với bún có đệm rau sống cùng một chút hoa chuối thì nó trở thành đặc sản.

Thịt cua da ngọt, lớp vỏ ở chân cua, càng cua khá mềm nên có thể dùng tay cũng tách ra được dễ dàng. Để có một nồi canh cho 5 người ăn chỉ cần 3-4 con cua là đủ sánh đặc ngọt lịm... Tuy vậy, không chỉ với người Hà Nội sành ăn mà không ít người dân sống ở Yên Dũng cho đến bây giờ vẫn chưa biết cua da là “mặt mũi” thế nào? Đa số những thứ quý đều được gia tăng giá trị từ yếu tố…hiếm.

Cua da cũng vậy. Không những đặc biệt do là loài cua sông có kích cỡ rất to lại có lớp da, lông ở càng mà cua da còn hấp dẫn người ta bởi chúng chỉ có ở một số khúc sông, chỉ bắt được trong vòng hai ba tháng rét.

Vì thế, những người đã biết mùi cua da thì ai ai cũng tủm tỉm khoe với bạn hữu: “Anh đã ăn cua da bao giờ chưa, hoặc anh đã thấy cua một con nước ngọt nặng gần hai lạng bao giờ?”.

Sau những “úp mở” ấy là sự săn lùng, đặt hàng và chiêu đãi bạn bằng được món cua da. Một người săn cua sẽ chẳng là gì nhưng nếu mười người, một trăm người cùng săn lùng thì giá cua da sẽ đội lên cao là điều đương nhiên theo quy luật cung cầu.

Nếu như một cân cua da năm ngoái phổ biến ở mức khoảng  70.000 đến 90.000 đồng thì năm nay, giá một cân cua đầu mùa là 150.000 đồng. Cua da ngày càng được nhiều người biết tới, nhắc đến.

Nỗi lo mất nguồn đặc sản

Gió mùa đông bắc đã về, mùa cua da đã đến. Người dân làng chài đã sẵn sàng vào vụ săn cua da. Anh Trần Văn Đóa, người dân làng chài Thắng Cương nói rằng, cua da thường sống ở những ghềnh đá dưới đáy sông, để bắt cua người dân thường đánh lưới dầm vào ban đêm và không gõ mái chèo, gặp may mỗi đêm có thể đánh được từ dăm bảy cân, không thì vài ba cân.

Cua da chủ yếu cư ngụ ở sông Cầu, sông Thái Bình (và rất có thể có ở những con sông nào đó khác nữa mà tôi chưa nghe chăng?). Điều thú vị là, cũng trên sông Cầu thì chỉ có đoạn qua xã Yên Lư, Tư Mại và Thắng Cương của huyện Yên Dũng  tỉnh Bắc Giang người dân mới bắt được cua.

Thịt cua da ngọt, lớp vỏ ở chân cua, càng cua khá mềm nên có thể dùng tay cũng tách ra được dễ dàng. Để có một nồi canh cho 5 người ăn chỉ cần 3-4 con cua là đủ sánh đặc ngọt lịm...

Bây giờ cua da được giá nên nhiều người đi bắt hơn và cũng giúp không ít gia đình thoát nghèo. Nghe anh nói, tôi bày tỏ nỗi lo cua da cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng vì bị khai thác quá nhiều. Anh Đóa cười cười không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi.

Anh bảo: “Sợ nhất là dòng sông bị ô nhiễm như nước sông Thị Vải gì đó ở Đồng Nai. Bên kia sông là huyện Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh cũng đang xây dựng nhà máy chế biến rác thải, chúng tôi rất lo nước thải của nhà máy sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cua cá trên sông Cầu. Khi nước sông không bị nhiễm và nếu cứ đánh bắt tự nhiên thì cua da chắc chắn sẽ vẫn còn tồn tại, vì tôi chưa từng bắt được hoặc nghe nói ai đó bắt được một con cua da có trứng hoặc có con con bao giờ. Điều đó chứng tỏ người dân chỉ bắt được cua da đã trưởng thành sau mùa sinh sản”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.