Cuộc chơi mới của ông Phú chọi trâu

Cuộc chơi mới của ông Phú chọi trâu
TP - Trước khi nổi tiếng về chống tham nhũng, người Hải Phòng đã biết ông Đại tá an ninh về hưu Đinh Đình Phú với sự đắm đuối với trâu, cũng như cách luyện trâu chọi của ông khác người. Giờ, ông lại bỏ chơi trâu chọi dồn tiền để làm phim... và còn định viết hồi ký.

Ông bỏ tiền túi đi làm phim làm gì?

Thì cũng vì quá yêu, quá tâm huyết với lễ hội truyền thống chọi trâu của quê hương thôi. Tôi muốn tìm cách để giữ gìn, lưu lại nét đặc sắc của lễ hội truyền thống ở Đồ Sơn. Mà chọi trâu là một trong mười lăm lễ hội cấp quốc gia đấy. Cũng chưa thấy có ai làm bộ phim đầy đủ về lễ hội chọi trâu cả nên tôi đành bỏ tiền túi ra làm vậy.

Tôi mong bộ phim này sẽ góp phần quảng bá văn hoá Việt ra nước ngoài để họ biết Việt Nam mình cũng có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, qua đó thu hút được du khách trong và ngoài nước đến với Đồ Sơn.

Làm phim có khó bằng chơi trâu chọi không, thưa ông?

Mỗi thứ khó một kiểu. Không phải cứ có tiền là làm phim được đâu. Để làm bộ phim, tôi phải khăn gói đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm ra được con trâu chọi ưng ý để lên phim cho tốt.

Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Lao Cai... không xong, tôi xuôi nam với hy vọng mong manh thì may lại gặp được con trâu ưng ý ở gần Lái Thiêu vốn là trâu vô địch của một sới có tiếng ở đây.

Có trâu rồi lại tìm mướn xe ô tô tải đưa trâu ra Hà Đông “giấu” ở đó. Mãi rồi mới thuê xe chở về Đồ Sơn để phục vụ quay phim. Việc này đã mất đứt hơn 70 triệu đồng rồi. Rồi còn tham gia lo cảnh quay, lời bình... Cũng may là tôi đã tích lũy tư liệu về lễ hội chọi trâu từ năm 1993.

Vậy ông phải chăm con trâu này kỹ hơn những con trâu chọi khác?

Vâng. Chăm con trâu “diễn viên” đến khổ. Phải mua cả sào ngô chăm trâu ăn. Gặp cái rét miền Bắc, trâu lăn ra ốm, nhiều đêm canh trâu mà lo sốt vó nhỡ nó bị lở mồm long móng thì số tiền dành dụm để mua trâu chọi quay phim thành tay trắng đến nơi. Chữa trị đủ thứ thuốc, rất may trâu khỏi bệnh, tôi vội đưa về Đồ Sơn để chăm sóc thì bỗng nó lại bị ngã nước, phải tập trung chữa trị.

Cay nhất là trâu mình vừa mua về chưa kịp hoàn hồn sau hai trận ốm nặng thì đối thủ biết tin dắt trâu ra đòi đấu loại ngay lập tức. Tôi cuống lên cầu cứu chính quyền xin hoãn đấu loại vì trâu vừa ốm dậy. Rất may, ông Lê Khắc Nam, khi ấy là Chủ tịch thị xã Đồ Sơn hiểu ra sự tình kịp thời can thiệp cho cả hai trâu vào vòng trong (lễ hội năm 2007).

Rất may, trâu của tôi thắng trận lọt tiếp vào vòng chung kết thì mới có những kháp đấu gay cấn, quyết liệt như vậy trong bộ phim. Tôi phải vời một võ sĩ người Nghệ An trông coi, bảo vệ trâu nghiêm ngặt nếu không sát ngày thi đấu, địch thủ chơi khăm châm dái trâu là trâu mình chạy gió (thua) luôn.

Tôi đã bị một vố như vậy trước đó vài năm rồi nên biết. Rồi phải buông màn cho trâu để chống ruồi muỗi, mỗi ngày phải nấu một nồi cháo to, cho vào một cân đường, năm trăm viên B1 cho trâu ăn suốt hai tháng. Tôi còn huấn luyện trâu quì chân chào khách trước khi vào kháp đấu để quay phim nữa.

Việc sản xuất, phát hành bộ phim này ra sao, thưa ông?

Thì lai rai trong suốt hai năm đến cuối năm 2008 mới xong. May cho tôi là đạo diễn Trần Hùng và kíp quay phim cũng đam mê nên có những cuộc đi rất vất vả cũng không kêu ca gì. Có những đợt chúng tôi phải lên bản người Nùng trên Sơn La, Lai Châu ròng rã cả tháng trời để làm.

Tôi đã đặt vấn đề với Tổng cục Du lịch xin phát hành phim rộng rãi với nguyện vọng quảng bá lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn.

Nói đoạn, ông Phú mở tủ lấy đĩa DVD phim ra mở cho xem rồi lại cả giấy phép phổ biến phim có dấu đỏ của ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh mới ký được dăm tháng.

Viết hồi ký về chống tham nhũng

Làm phim xong, ông còn dự định gì nữa không?

Bộ phim tư liệu có tựa đề là Đấu ngưu, dài 64 phút đứng tên Hãng phim Hội Nhà văn vừa được Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép phổ biến phim cuối năm 2008.

Năm 2003, ông Đinh Đình Phú viết liền hai cuốn sách Đồ Sơn lịch sử và lễ hội chọi trâu và Tản mạn lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (NXB Văn hóa Thông tin) ghi chép lại phong tục, lễ hội lâu đời của người Đồ Sơn để lại.

Dự định thì nhiều lắm. Tôi đang bắt tay viết cuốn hồi ký gồm 10 chương, dài cỡ 200 đến 300 trang. Mới viết từ đầu năm nay nên mới được có hơn 40 trang, cố gắng đến cuối năm thì xong. Tôi dự định lấy tên là Người gióng lên hồi chuông chống tham nhũng cũng chỉ kể về việc chống tham nhũng thôi.

Ông vẫn tiếp tục chống tham nhũng chứ?

Tôi vẫn quan tâm theo dõi các vụ án tiêu cực lớn ở Hải Phòng. Vụ tham nhũng đất công ở Quán Nam việc thu hồi đất chưa được bao nhiêu nên việc chống tham nhũng như vậy chưa được hiệu quả, cụ thể. Chống tham nhũng là nhiệm vụ chung của đảng viên.

Tôi ủng hộ cái đúng, đấu tranh cái sai. Sai thì phải sửa, tội thì phải xử theo luật. Việc chống tham nhũng của tôi luôn được tổ chức cơ sở Đảng ủng hộ, người dân đồng tình, hoan nghênh. Năm 2008, tôi được bầu là đảng viên gương mẫu xuất sắc.

Rồi, ông Phú chỉ tay lên tường khoe Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Giấy khen của Giám đốc Công an TP Hải Phòng tặng ông được treo trang trọng ở phòng khách.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bị thương mại hóa

Cuộc chơi mới của ông Phú chọi trâu ảnh 1
Kháp đấu gay cấn

Ông là người rất tâm huyết với lễ hội chọi trâu, vậy vì sao ông lại bỏ chọi trâu?

Trâu của tôi vô địch hai năm (1999 và 2002) còn giải khuyến khích thì nhiều... Năm 1990, ông Phạm Tiến Dũng khi ấy là Bí thư thị xã cho khôi phục lại lễ hội chọi trâu truyền thống của người dân Đồ Sơn.

Khi đó, chính quyền vận động mãi người dân mới dám bỏ tiền mua trâu để tham gia lễ hội. Người nào có trâu tham gia được phường cho năm trăm nghìn để sắm lễ cúng Thành hoàng làng.

Nếu trâu lọt vào vòng chung kết thì được phường cho thêm năm trăm nghìn nữa. Nhiều năm thiếu trâu chọi, để cho đủ, tôi phải bỏ tiền túi mua thêm hai con trâu nữa tham gia chọi cho lễ hội hoành tráng. Rồi năm 1992, tôi lại bỏ tiền lên Phú Thọ mua gỗ bạch đàn về làm xảo xá (khán đài) để phục vụ người dân xem lễ hội chọi trâu...

Tâm huyết như thế nhưng, tôi vẫn quyết định bỏ tham gia chọi trâu từ năm ngoái (2008). Tiếc lắm! Đau lắm! Nhưng tôi không có tiền vì lễ hội chọi trâu truyền thống của người dân Đồ Sơn bao đời nay đã bị thương mại hóa hết cả rồi.

Giờ, ai có nhiều tiền là có trâu tham gia chọi nếu thích. Quy chế đặt ra, muốn tham gia chọi trâu phải nộp cho phường 3 triệu, cho khu dân cư 5 triệu, bảo hiểm 200 nghìn, cho chuồng trại hơn 1 triệu rồi phải đấu giá với nhau để tranh suất trâu chọi mất tới 15 triệu đồng nữa...

Tôi sợ lễ hội truyền thống của người dân Đồ Sơn giờ biến thành lễ hội của những người có tiền còn đâu là lễ hội của người dân bình thường nữa. Tâm huyết nhưng không có tiền liền bị đẩy ra rìa.

Tôi buồn vì nhiều người cố đấu được suất trâu chọi đâu phải vì tâm huyết với lễ hội mà chỉ vì thịt trâu chọi nó có giá, từ 300 nghìn đồng/kg trở lên, thịt con trâu vô địch giá 1 triệu/kg, đầu tư như vậy trúng to nên họ ham... Có người nhiều tiền đầu tư đấu giá cao được 3 suất trâu chọi, thậm chí 5 suất trâu chọi. Thế còn gì là lễ hội truyền thống của người dân nữa!

Sao ông không đề đạt ý kiến với lãnh đạo Đồ Sơn?

Có chứ. Hăng hái là khác. Năm 2008, UBND quận Đồ Sơn xuống lấy ý kiến để xây dựng quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống, tôi viết liền năm trang đề xuất. Như ngày xưa, các cụ đưa trâu về các giáp, nay là khu dân cư để người dân cùng góp công, góp của tham gia cùng chơi chọi trâu.

Nhưng, người ta đâu có nghe ý kiến mình mà cứ tổ chức đấu thầu trâu chọi nên tôi nản bỏ không chơi nữa. Vả lại, mình đâu có nhiều tiền để chơi. Buồn! Tôi dồn hết tiền dành để mua trâu chọi vào làm phim.

Đạo diễn Trần Hùng: Ông Phú rất cẩn thận, tư liệu chọi trâu tích luỹ từ lâu nên khá dồi dào, kịch bản thì bác Phú làm hết, đoàn làm phim phải ròng rã đi tầm ngưu cả năm trời rất công phu thì mới có được những cảnh quay đẹp.

Cứ khi nào dành dụm được ít tiền mua trâu thì ông Phú lại ới đoàn làm phim khăn gói quả mướp lên đường đi Lai Châu, Tuyên Quang, Nghệ An...

Cứ nghe ai kể vùng nào có con trâu hay lại tìm đến bằng được rất kỳ công. Sự tâm huyết, niềm đam mê lễ hội chọi trâu truyền thống đến kỳ lạ của ông Phú chính là ngọn lửa truyền cho chúng tôi nhiệt huyết tiếp tục lên đường đi khắp các nẻo đường để làm phim bằng được.

Đây là một trong cuộc đi làm phim vất vả, nhọc nhằn trong cuộc đời săn hình ảnh của tôi...

Lam Khê ghi

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.