Cuộc đọ sức tháng Chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội

Cuộc đọ sức tháng Chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội
TP - Đòn đánh rơi tại chỗ B52 đã gây cho phi công Mỹ những căng thẳng. Sau khi bị bắt sống, họ bắt đầu “tự thú” về tâm trạng lúc “siêu pháo đài bay” bị lưới lửa phòng không của Hà Nội bủa vây và bắn hạ…

>> Kỳ I: Vạch nhiễu tìm thù hạ 'ngáo ộp' B52

Kỳ II: Tự thú của phi công Mỹ

Cuộc đọ sức tháng Chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội ảnh 1
Bắt giặc lái B52. Ảnh: TTXVN

“Chuyến dạo chơi” bi thảm

Trong cuộc hỏi cung vào sáng ngày hôm sau, ngày 19/12/1972, thiếu tá Richard Edgar Johnson, số lính 561-54-4696, hoa tiêu radar  trên chiếc B52G bị bắn rơi ở Phù Lỗ, kể lại: “Tôi được cấp chỉ huy cho biết tất cả các sân bay của MIG đều đã bị đánh hỏng, không quân Bắc Việt coi như bị loại khỏi vòng chiến.

Trước khi cất cánh tại căn cứ Anderson, sĩ quan tình báo trên không còn cho chúng tôi xem những bức không ảnh chụp các dàn tên lửa bị đánh phá tan hoang và vỗ vai tôi: “Yên trí đi, lực lượng phòng không tầm cao của Bắc Việt đã mất sức chiến đấu rồi. Cứ thoải mái cắt bom rồi quay về. Cứ coi đây chỉ là một cuộc dạo chơi”.

Thế mà khi tiếp cận mục tiêu, tôi thấy từ dưới đất bay lên cơ man đạn pháo phòng không các tầm, các hướng. Thỉnh thoảng, một quả tên lửa lại xẹt qua làm tôi lạnh gáy.

Vừa cắt bom xong, chưa kịp rời mắt khỏi kính đo toạ độ thì máy bay bỗng rung mạnh rồi chao đảo. Lửa khói bùng lên khắp khoang lái. Tiếng cơ trưởng gào lên trong ống nghe: “Trúng SAM rồi. Thoát ra”.

Tôi nắm tay kéo cần bật dù và rơi tõm vào khoảng không. Giây lát sau, dù mở. Nhìn xuống dưới, tôi thấy chiếc B52 của mình bị lửa khói trùm kín đang lao nhanh xuống. Vừa chạm đất, chưa kịp cắt dây dù, tôi đã bị các ông bắt”.

Cùng bị bắt với Richard Johnson còn có viên phi công phụ lái, đại uý William Thomas Mayor. Bốn phi công còn lại chết cháy trong máy bay.

Thảm họa của các siêu pháo đào bay trong đợt đầu đêm 18/12 chưa phải đã kết thúc. Tốp B52 số hiệu 673 vừa ném bom Hà Nội bay ra đã bị “lạc đường”, bay sâu về phía Nam và rơi đúng vào cánh sóng sục sạo của tiểu đoàn tên lửa 52 - E267 (đoàn Điện Biên) đang bố trí tại trận địa Đất Thịt (Nghệ An).

Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Vĩnh và sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam đã kịp thời chỉ huy kíp trắc thủ phóng 2 đạn bắn đuổi theo phương pháp T/T. Chiếc B52G bị thương nặng phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng lúc 21 giờ 15 phút. Mấy hôm sau, nó bị tháo dỡ, đưa xuống tàu về Mỹ vì sân bay Đà Nẵng không có cơ sở sửa  chữa, bảo trì, bảo dưỡng máy bay B52.

Đây là lần đầu tiên B52 bị hạ tại chỗ trên đất miền Bắc. Thế nhưng, Bộ Tư lệnh tập đoàn không quân số 8 và lực lượng đặc nhiệm 77 của quân đội Mỹ lại cho rằng đây chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp” và ra lệnh cho các tốp B52G đã cất cách từ căn cứ Anderson (đảo Guam) tiếp tục vào đánh. Vào nửa đêm, các tốp B52D ở căn cứ Utapao cũng được lệnh cất cánh tham chiến.

Chiếc B52 thứ hai nộp xác

Hồi 23 giờ 35 phút, các tốp máy bay B52 mang số hiệu 594, 598, 406, 753 và 407 từ hướng Tây Bắc tiếp tục lao về đánh Hà Nội, mở đầu đợt đánh phá thứ hai trong đêm 18/12. Các tiểu đoàn 77 (E257), 57 và 93 (E261) được lệnh đánh tập trung vào các tốp này, tiêu thụ 14 đạn nhưng không đạt kết quả.

Các tốp B52 này đã ném xuống các làng dân cư thuộc hai xã Uy Nỗ và Cổ Loa (sát cạnh các kho và chân hành ở ga Đông Anh) toàn bộ số bom mà chúng mang theo. Hơn 200 dân thường ở các xã Uy Nỗ và xã Cổ Loa chết và bị thương.

4 giờ 39 phút, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức và các trắc thủ Phạm Hồng Hà (cự ly), Lưu Văn Mộc (góc tà), Nguyễn Đình Tân (phương vị) của tiểu đoàn 77 đóng tại trận địa Chèm dưới sự chỉ huy của Thượng uý tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã “trói gọn” tốp B52 số 954 đang từ hướng núi Ba Vì bay vào.

Vì trận địa Chèm được bố trí nằm bên sườn các đường bay cơ bản của địch từ Tây Bắc xuống và Tây Nam lên nên ngay từ cự ly ngoài 40 km, các trắc thủ của ta đã nhìn rõ 3 tín hiệu B52 cùng lúc xuất hiện trên nền dải nhiễu.

Chớp thời cơ, tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn hạ lệnh đánh ngay ở cự ly 36 km, hai đạn, bám sát tự động quả thứ nhất, bám sát bằng tay quả thứ hai. Cả hai quả đạn của tiểu đoàn 77 phóng tới đều nổ trùm lên mục tiêu. Chiếc B52D bốc cháy sáng rực một góc trời và rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây.

Chiến thắng của tiểu đoàn 77 mở ra một triển vọng lớn về đánh tiêu diệt B52 cho bộ đội tên lửa ta vì B52D là loại mới được cải tiến, trang bị 18 máy gây nhiễu tích cực có phổ tần rộng, công suất lớn, cường độ mạnh kèm theo 2 máy gây nhiễu tiêu cực và 4 tên lửa QUICK.

Cuộc họp báo đặc biệt

Cuộc đọ sức tháng Chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội ảnh 2
Xác B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.

Bị dân quân huyện Hoài Đức tóm gọn trên cánh đồng An Khánh với hàng chục vết bỏng trên người, thượng sỹ Louis Edward Le Bland, nhân viên bắn súng máy trên chiếc B52D bị hạ ở Tam Hưng kể lại với giọng bất mãn: “Cái chỗ ngồi của tôi trên chiếc B52 không sang trọng bằng chỗ ngồi của các ngài sĩ quan. Tôi không có bộ phận tự động phóng ra khỏi máy bay.

Khi nhảy dù, tôi phải tự mở cửa nắp và leo ra. Khi thấy tên lửa của các ông vút lên và nổ sát sườn trái máy bay, tôi cầu chúa và tự nhủ: “Phải tự cứu mình thôi”. Thế là tôi mở của trèo ra, chẳng cần phải ai ra lệnh. Vì nhảy chậm nên tôi mới ra nông nỗi này”.

Được cán bộ quân báo của ta hỏi rằng: Điều lệnh chiến đấu của không quân Mỹ rất nghiêm, khi chỉ huy ra lệnh mới được rút lui, sao anh dám tự tiện rời máy bay mà không có lệnh; Louis Edward Le Bland buông một câu tỉnh bơ: “Nếu tôi làm theo đúng điều lệnh nhà binh thì giờ đây tôi đã không thể ngồi nói chuyện với ông được. Tôi phải sống để về với vợ con chứ”.

Cùng bị bắt sống với Louis Edward Le Bland còn có viên lái chính, đại uý Henry Charles Browne; viên hoa tiêu radar, đại uý Robert Gland Shorten, và đặc biệt là viên sĩ quan điện tử, đại uý Richard Thomas Simpson. Tại trại giam, cán bộ quân báo của ta hỏi Richard Simpson:

- Tại sao cấp bậc hàm của anh cao ngang lái chính mà anh lại không phải là cơ trưởng.

Anh ta nhấp chút cà phê và cho biết:

- Đó mới chỉ là lái. Mà ông biết đấy, B52 kềnh càng như thế, có bổ nhào, bốc cao, ngoặt gấp, luồn lách đủ kiểu để tránh tên lửa và đạn phòng không của các ông như các máy bay chiến thuật được đâu. Bọn họ (chỉ các phi công khác trên B52) muốn sống được thì phải trông vào tôi.

Và thế là Richard Simpson ba hoa một hồi, khai tuốt tuồn tuột về tính năng, tác dụng của gần hai chục chiếc máy gây nhiễu điện tử hiện đại mà anh ta điều khiển trên chiếc B52D. Chưa hết, Richard Simpson còn hạ giọng:

- Nói nhỏ để ông biết nhé. B52 đời đầu chỉ có giá khoảng 9 triệu đô la Mỹ, nhưng đối với các loại cải tiến bây giờ thì chỉ riêng cái ruột điện tử của nó cũng đã có giá khoảng 20 triệu đô la, đắt hơn hẳn máy bay cánh cụp cánh xoè F111. Nhưng ông nên nhớ rằng Nhà trắng và Lầu Năm Góc vẫn còn rất nhiều tiền.

Không kể cái lối khoe khoang hợm hĩnh trong câu cuối cùng thì những lời khai của Richard Simpson cực kỳ có giá trị. Nó giúp chúng ta biết địch rõ hơn, biết được điểm mạnh, điểm yếu của B52 để đánh rơi tại chỗ chúng nhiều hơn.

Cuộc chiến đấu đêm 18, rạng ngày 19/12 còn tiếp tục kéo dài đến 5 giờ 30 phút sáng ngày 19/12. Lúc 4 giờ 59 phút, các tốp B52 527, 528, 529 rải một thảm bom hơn 200 quả xuống khu vực Mễ Trì, đánh hỏng trạm phát sóng chính của Đài tiếng nói Việt Nam. Hàng chục cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Đài đang chuẩn bị buổi phát sóng đầu tiên trong ngày đã hy sinh anh dũng.

Tuy nhiên, chỉ sau 9 phút tạm dừng, qua trạm phát sóng dự bị ở gần sân bay Bạch Mai, Đài tiếng nói Việt Nam đã lại dõng dạc lên tiếng tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ trước toàn thế giới, đồng thời thông báo chiến công đầu của bộ đội phòng không Việt Nam trong chiến dịch, đánh rơi 3 máy bay B52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 6 phi công Mỹ. Chiến thuật “bịt miệng đối phương lại để đánh” của Nixon cũng thất bại nốt.

Tổng kết đêm 18 rạng ngày 19/12, không quân Mỹ đã sử dụng 87 lần chiếc B521, 135 lần chiếc máy bay của không quân chiến thuật đánh Hà Nội và 28 lần chiếc máy bay của hải quân đánh Hải Phòng. Bộ đội tên lửa, lực lượng phòng không chủ lực đánh B52 đã chiến đấu 33 trận, tiêu thụ 62 đạn, bắn rơi 3 chiếc B52, có 2 chiếc rơi tại chỗ.

15 giờ chiều 19/12, một cuộc họp báo đặc biệt được tổ chức tại Câu lạc bộ Quốc tế cạnh Nhà hát thành phố. Tại đây, sau khi nghe người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông báo chiến thắng đêm 18 rạng ngày 19/12 của quân và dân Việt Nam, các nhà báo trong nước và nước ngoài được tận mắt chứng kiến 6 tù binh mới là 6 viên phi công Mỹ còn sống sót trên 2 chiếc B52 bị đánh rơi tại chỗ đêm trước.

Trả lời câu hỏi của nhà báo CHLB Đức Fredric Miller, viên đại uý lái chính Henry Charles Browne một mực cho rằng họ chỉ oanh kích các mục tiêu quân sự. Nhưng chính thượng sĩ Louis Edward Le Bland, đồng đội của anh ta đã bác lại: “Trên đường bị dẫn giải về trại giam, tôi chỉ thấy toàn là các nhà máy, xí nghiệp và khu dân cư bị tàn phá. Làm gì có chuyện đó là các doanh trại quân sự”.

Mặc dù bị băng gần kín đầu nhưng Henry Charles Browne đã ném về phía Louis Edward Le Bland một cái nhìn nảy lửa ý chừng muốn bảo: “Về nước anh sẽ biết tay tôi”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.