Hai sĩ quan Xô Viết đi tìm đồng đội Việt Nam

Cuộc gặp cảm động sau 42 năm của những người đồng chí

Cuộc gặp cảm động sau 42 năm của những người đồng chí
TP - Được sự cộng tác nhiệt tình của Ban biên tập trang web www.nuocnga.net  (NNN), sau một thời gian ngắn, Tiền phong đã xác định được danh tính của hai sĩ quan Việt Nam trong các bức ảnh mà cựu chiến binh V.I.Todorasko đã gìn giữ suốt hơn 40 năm qua.
Cuộc gặp cảm động sau 42 năm của những người đồng chí ảnh 1
Ông Skoryak, ông Todorasko, nhà thơ Dương Kỳ Anh và các cựu chiến binh  
Ảnh: Hồng Vĩnh

Sau khi báo Tiền phong số 269, ra ngày 26/9/2007 đăng thông tin về hai cựu chiến binh Xô viết từng công tác tại Việt Nam thời kỳ 1965-1970 muốn tìm lại các đồng đội Việt Nam đã chung vai sát cánh chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam XHCN, báo Tiền phong đã nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ bạn đọc khắp cả nước.

Từ một cú điện thoại…

Một ngày cuối tháng Chín, có một cú điện thoại của anh Nguyễn Thông, công tác tại báo Thanh Niên gọi cho Ban biên tập NNN. Anh cho biết, quê anh ở xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Năm 1966, khi anh Thông đang học lớp Sáu, máy bay Mỹ đã bắn trúng trận địa tên lửa của quân ta đóng trên địa bàn xã. Anh Thông nhớ rõ rằng, có một chiến sĩ tên là Trần Phúc Cán đã hy sinh trong trận đó và được mai táng tại nghĩa trang xã nhà. Người thứ hai trong tấm ảnh trông rất giống liệt sĩ Cán.

Nhận được tin, sáng hôm sau BBT cử Ngô Thạch-một thành viên của NNN phóng xe xuống xã Thụy Hương để xác minh. Đến trưa, kết quả đã rõ ràng: Người thứ hai trong tấm ảnh chính là liệt sĩ Trần Phúc Cán, hy sinh tại trận địa tên lửa Thụy Hương ngày 22/11/1966. Người thanh niên quê Bình Định này đã hy sinh ở tuổi 33, trong túi áo ngực vẫn còn nóng hổi những dòng thư gửi người bạn gái cùng học Đại học Sư phạm năm nào. 

Cũng trong buổi sáng này, Ban biên tập NNN đã được bác Vũ Trọng Hùng nhắn tin muốn tìm gặp. Bác Hùng nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285. Trong câu chuyện của mình, bác Hùng cho biết, vào thời điểm hy sinh, đồng chí Trần Phúc Cán là chính trị viên đại đội, lúc này đã là một sỹ quan rất am hiểu về tên lửa.

Bác Quách Hải Lượng, nguyên đội trưởng phiên dịch tiếng Nga của các sỹ quan phiên dịch của lực lượng tên lửa phòng không, thuộc Trung đoàn 236 (đơn vị đánh thắng trận đầu trên bầu trời miền Bắc) cũng cho biết thêm, năm 1965 đồng chí Trần Phúc Cán là phiên dịch tiếng Nga thuộc Tiểu đoàn 63, còn chuyên gia Liên Xô Todorasko là sỹ quan RPK (sỹ quan điều khiển nhận phát tin).

Được biết, ngày 27/7 vừa qua, hài cốt của liệt sĩ Trần Phúc Cán đã  được em trai ông là Trần Sỏi và đồng đội chuyển về quê  tại  Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định.

Như vậy, người thứ nhất trong bức ảnh đã được xác định một cách nhanh chóng. Chúng tôi qua các kênh thông tin khác nhau vẫn chưa nhận được tín hiệu gì khả quan về người còn lại trong hai tấm ảnh.

Cũng nói thêm là vào thời điểm này, các thông tin về cuộc kiếm tìm đồng đội sau 40 năm này đã được các báo Quân đội nhân dân, Tiền phong,  www.nuocnga.net  đăng rộng rãi. Nhưng thông tin dội về thì vẫn mịt mờ...

Đến chuyến đi xác minh ở xứ Đoài

Cuộc gặp cảm động sau 42 năm của những người đồng chí ảnh 2
Nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo Tiền phong với ông Todorasko (bên trái) ông Skoryak (bên phải) cùng các đồng đội và người thân tại cuộc gặp  
Ảnh: Hồng Vĩnh

Ngày 27/9, hai thành viên Ban biên tập NNN là Ngọc Phương và Quỳnh Hương được bác Quách Hải Lượng dẫn đến thăm nhà bác Nguyễn Văn Thân - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63, một trong hai đơn vị đánh thắng trận đầu ra quân. Đến nơi, đã có thêm bác Lã Đình Chi, sĩ quan được đào tạo tại Liên Xô, người bạn chiến đấu của đại úy Todorasko ngồi chờ sẵn.

Sau khi đọc bài báo “Sau 40 năm, hai sĩ quan Xô viết tìm bạn chiến đấu Việt Nam” và xem kỹ hai tấm ảnh đăng trên Tiền phong, bác Chi quay sang nói với bác Thân: “Ông ơi, tôi thấy cậu này quen lắm, hình như ngày xưa làm phiên dịch tiếng Nga ở tiểu đoàn mình (!)”.

Bác Lượng cười to: “Thì đúng là phiên dịch, thì mới viết được tiếng Nga và tặng các bạn Nga chứ!”.

Bác Nguyễn Văn Thân xem lại tấm ảnh và nói:

- Đây là cậu Ta, lấy cô Tuyên, tôi làm chủ hôn cho đôi này khoảng năm 70 mà! Nhưng mà cậu ấy chết rồi, chết mấy năm rồi. Có 3, 4 con trai gì đó...

Và bác gọi điện thoại cho đồng chí Nguyễn Văn Thực, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT, nguyên Giám đốc Học viện Phòng không, và xác minh được con trai của bác Ta nay là thiếu tá, tiểu đoàn trưởng 61 tên lửa hiện đóng quân ở Phúc Yên. Quả là những thông tin còn quý hơn vàng...

Sáng sớm hôm sau,  Ngọc Phương cưỡi con ngựa sắt lên đường trực chỉ xứ Đoài mây trắng để xác minh. Cơn mưa ở Hoà Lạc đêm qua đã biến vùng ven thành phố Sơn Tây thành một vùng bùn đỏ đặc quánh.

Sau một buổi sáng đi tìm hiểu, nhân thân của quân nhân trong bức ảnh còn lại đã rõ ràng. Đó là đồng chí Trương Văn Ta, sinh năm 1937, phiên dịch tiếng Nga, là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236.

Khoảng năm 1967, bác xây dựng gia đình với cô Tuyên, một “chiến sỹ gái” cùng trung đoàn, lễ cưới của họ do phó trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân làm chủ hôn.

Họ có 4 người con, trong đó người con thứ hai là anh Trương Quang Ninh đi tiếp con đường của người bố kính yêu, hiện anh là thiếu tá, từng là tiểu đoàn trưởng  tiểu đoàn tên lửa 61 và đang học tại Học viện Phòng không. Năm 2002, bác Trương Văn Ta đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo.

Ngày 25/9/2007, các cựu chiến binh Xô viết V.I.Todorasko và V.V.Skoryak đã đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu cuộc hành trình thăm lại mảnh đất thân yêu mà họ đã từng góp công sức để bảo vệ.

Năm 1965, khi đến Việt Nam theo mệnh lệnh đặc biệt, chắc họ không thể ngờ sau hơn 40 năm, họ lại được quay trở lại đây trong sự tiếp đón trọng thị của những người bạn Việt Nam giàu tình nghĩa. Nhận được tin về hai người đồng đội Việt Nam trong tấm ảnh năm xưa nay đã khuất, trung tá V.I. Todorasko lặng người đi vì xúc động.

Dọc con đường miền Nam rồi miền Trung ra Bắc, đi trong cơn bão số 5 đang tràn về, lòng người chuyên gia Xô viết năm nào trĩu nặng nỗi nhớ thương những đồng đội cũ.

Cuộc gặp gỡ cảm động

Cuộc gặp cảm động sau 42 năm của những người đồng chí ảnh 3
Ông Todorasko gặp gỡ gia đình đồng đội Trương Văn Ta

Được tin các cựu chuyên gia Xô viết đã đến Hà Nội, ngày 9/10,  nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo Tiền phong đã tổ chức ngay một cuộc gặp mặt giữa những cựu chiến binh tên lửa Xô viết - Việt Nam tại trụ sở báo Tiền phong.

Tham dự cuộc gặp mặt có nhà thơ Dương Kỳ Anh - Tổng biên tập báo Tiền phong, hai cựu chiến binh Xô viết V.V.Todorasko, V.I.Skoryak và các CCB bộ đội tên lửa: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thực, anh hùng LLVT; đại tá Quách Hải Lượng, nguyên đội trưởng phiên dịch tiếng Nga của Trung đoàn 236, các CCB Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Đình Khoan, Lã Đình Chi; Đoàn Đức Long; Tạ Sáu và một số cựu chiến binh từng công tác tại các Tiểu đoàn 61, 62, 63, 64, Trung đoàn 236 và gia đình đồng chí Trương Văn Ta.

Các cựu chiến binh, những người đồng đội cũ cùng nhau bồi hồi nhớ lại những năm tháng đầu tiên cùng nhau xây dựng lực lượng tên lửa Việt Nam.

Từ những buổi huấn luyện đầu tiên đầu năm 1965, rồi trận đầu ra quân thắng lợi ngày 24/7/1965... những ký ức xưa tràn về trong lòng những người lính già đầu bạc.

Một điều thú vị bất ngờ với các cựu chiến binh tên lửa: Nhà thơ Dương Kỳ Anh trước đây đã từng là sĩ quan điều khiển tên lửa thuộc Trung đoàn 236. Do vậy, cuộc gặp này đã trở thành một buổi giao lưu, trò chuyện ấm cúng, thân tình giữa những người đồng đội cũ.

“Tiền phong là tờ báo có uy tín của thế hệ trẻ Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để các bạn trẻ ngày nay thêm hiểu, thêm quý trọng quá khứ hào hùng của cha ông mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như biết trân trọng những người bạn đã giúp đỡ chúng ta vô tư, hiệu quả trong thời kỳ ác liệt của chiến tranh” - Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã nói như vậy tại cuộc gặp mặt.

Trung tá cựu chiến binh V.I.Todorasko vô cùng xúc động. Trong vòng tay thân mến của các đồng đội Việt Nam, ông chỉ biết thốt lên: “Thật là thần kỳ, tôi không bao giờ nghĩ rằng, sau gần nửa thế kỷ quay lại đây, tôi lại được gặp các bạn chiến đấu Việt Nam, vẫn ấm áp, gần gũi như thuở nào”.

Mắt ông ngấn lệ khi  nghe con gái người đồng đội cũ năm xưa hát tặng bài Địa chỉ của tôi-Liên bang CHXHCN Xô viết.  Cựu chiến binh V.V.Skoryak thì nói rằng, ông rất vui được đến thăm lại Việt Nam-một đất nước đang phát triển mạnh mẽ trên con đường xây dựng CNXH.

Các cựu chiến binh Xô viết-Việt Nam cùng say sưa cùng nhau hát “Ca chiu sa”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Đất nước tôi rộng lớn”... như hơn 40 năm về trước họ đã hát sau những giờ huấn luyện và chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Được biết, trước đó một ngày, Bộ tư lệnh PKKQ đã tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh Xô viết và mời các cụ đi thăm lại chiến trường xưa ở xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Tây. Đoàn cũng đã ghé thăm và thắp hương tưởng nhớ người đồng đội Trương Văn Ta của cụ Todorasko tại quê nhà.

Đại văn hào người Anh W.Shakespeare đã từng nói: “Cái gì mới cũng tốt, nhưng tình bạn cũ vẫn tốt hơn”. Đúng như thế, ở đây, ở Việt Nam này vẫn luôn có những người biết nâng niu, quý trọng những người bạn cũ.

MỚI - NÓNG