Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều

Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều
TP - Từ quê hương Vân Kiều tập kết ra Bắc. Lấy vợ, sinh bầy con đông đúc. Đã từng học trường Nông lâm Việt Bắc. Nhưng rồi trở lại thành người sống du canh du cư.
Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều ảnh 1
Ông Hồ Lòi

Chiến tranh, đói nghèo và nhiều điều kỳ lạ mà chỉ có thể nói là số phận đã xô đẩy người đàn ông Vân Kiều này phiêu bạt trên những miền rừng heo hút không chỉ ở Việt Nam và lập thêm gia đình khác.

Trí nhớ suy tàn của ông chỉ còn nhớ vài từ địa danh - nơi vợ con ông vẫn sống ở miền rừng phía Bắc...

Kỳ 1: Quanh co một kiếp người

Chúng tôi tình cờ gặp ông ở bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trong chuyến công tác dọc Tây Trường Sơn, vào cuối tháng 4 vừa rồi. Ông là Hồ Lòi.

Không nhớ mình bao nhiêu tuổi, cuộc đời ông là một câu chuyện đau lòng, mà ông, người kể ra nó, cũng chỉ dám oán trách bản thân chứ không thể đổ lỗi cho số phận.

Hành trình tìm quê

54 năm trước, sau Hiệp định Gienève, chú bé Hồ Lòi 12 tuổi, con một người cán bộ ở xã Hướng Lập, cùng với các bạn mình được gửi ra Bắc để học tập. Sau những năm học ở Trường con em cán bộ miền Nam trên đất Ninh Bình, Hồ Lòi được cử lên Thái Nguyên học trường Nông lâm Việt Bắc. Ra trường, Hồ Lòi được phân công công tác tại Lâm trường Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, một lâm trường cấp Bộ.

Năm 1969, chàng cán bộ miền Nam người Vân Kiều làm công tác điều tra quy hoạch rừng đã bén duyên cùng cô gái Cao Lan là Ninh Thị Hồ, người địa phương. Sống trong hòa bình, có gia đình đầm ấm, có công việc ổn định, nhưng trong lòng người đàn ông Vân Kiều luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, cộng đồng của mình.

Sau khi đất nước thống nhất, ông khát khao được trở về quê hương, tìm lại người thân. Tuy vậy, ký ức của ông chỉ là ký ức của chú bé 12 tuổi, đến cha mẹ mình còn không nhớ rõ mặt. Quê hương vời vợi xa, đường về mù mịt góc bể chân trời, cha mẹ, người thân chẳng biết ai còn, ai mất.

Nhưng nỗi ám ảnh về cội rễ vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của người đàn ông Vân Kiều xa xứ. Niềm khao khát càng cháy bỏng khôn nguôi, đến một ngày bừng lên, thành quyết định trở về. Người vợ đã có với ông 6 đứa con nhỏ, biết là không thể giữ chân chồng mình được, đành gạt nước mắt dặn dò: “Ông về quê, nếu sau ba tháng mà không tìm được bố mẹ anh em thì về với mẹ con tôi”.

Đầu năm 1982, chỉ với sáu từ: “Hướng Lập - Hướng Hóa - Quảng Trị” và chút lộ phí ít ỏi, ông Hồ Lòi lặn lội tìm về quê nhà. Sau nhiều ngày, cuối cùng ông tìm về bản Cù Bai, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thật may là cha và anh trai ông vẫn còn sống.

Về quê, ông mới biết là người thân đã lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ, vì tưởng ông đã chết rồi. Những năm ấy, cả nước cơ hàn, Cù Bai kiệt quệ, xơ xác vì sự tàn phá của chiến tranh, đất đai đầy bom mìn, không canh tác gì được.

Tay trắng trở về, nhìn cha già, gia cảnh xơ xác, ông lần lữa không trở ra Bắc. Hàng ngày, ông vác dao lên rừng, làm nương phát rẫy cùng những người họ hàng của mình, kiếm củ sắn, củ mài để xóa cái đói dai dẳng.

Dần dần, không hiểu sức mạnh nào, sợi dây huyết thống cội rễ và cả sự túng thiếu đã neo ông lại với mảnh đất chôn nhau cắt rốn này. Ông trở thành kẻ phụ bạc, bỏ mặc người vợ thương yêu và 6 đứa con nhỏ, đứa út mới sinh ít ngày trước khi ông ra đi, đứa lớn nhất cũng mới 13 tuổi.

Lầm lũi suốt ngày với nương rẫy, ông đã trở thành một người nông dân miền núi lam lũ. Đến năm 1987, có người mối lái cho một cô gái mồ côi tên Hồ Thị Nhía, cũng người Vân Kiều ở tận bên Lào, cách hai ngày đường đi bộ. Thế là ông qua Lào sinh sống. Nhưng cuộc sống bên đó cũng chẳng khấm khá hơn, lại xa xôi cách trở.

Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều ảnh 2
Nhà ông Hồ Lòi ở bản Cù Bai

Và rồi số phận như không muốn buông tha, lại tiếp tục đầy ải ông già khốn khổ. Vợ chồng ông sinh được 3 đứa con, hai gái một trai. Cậu con trai khỏe mạnh, đẹp như thiên thần, năm lên 10 tuổi bỗng nhiên đổ bệnh động kinh. Lâu lâu em lại lên cơn, nằm mê man, ai nhìn thấy cũng rất đau lòng.

Năm 2001, ông dắt díu vợ con về nước. Từ ấy đến nay, không một tấc ruộng nước, không một chút vốn liếng, vợ chồng con cái quần quật làm nương rẫy kiếm ăn, nhưng quanh năm vẫn thiếu đói. Hộ của ông là hộ nghèo nhất của bản Cù Bai. 

Những người dân bản Cù Bai kể với chúng tôi rằng, người con trai thứ ba của ông tên là Sơn, từng vào tận trong này, sang tận Lào tìm bố. Biết ông có vợ con bên ấy, vợ con ông ở ngoài Bắc không liên lạc nữa.

27 năm từ ngày ra đi, mặc cảm của một kẻ phụ bạc khiến ông tủi hổ không dám nghĩ đến chuyện quay về với gia đình ngoài Bắc. Mà giả dụ có muốn quay về dù chỉ là để thăm con cháu lấy một lần, thì cũng không về nổi, vì ông không bao giờ có nổi tiền triệu để đi.

Ông còn cảm thấy nhục nhã vì từ một cán bộ lâm nghiệp được ăn học đàng hoàng, nay chỉ còn là một ông già nghèo hèn, khốn khổ. Ông không thể quay về miền Bắc, nơi ông đã từng có những ngày đẹp nhất của cuộc đời mình. 

“Ở trường Nông lâm Việt Bắc, tôi học sau Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có một khóa thôi!”, ông Hồ Lòi tự hào.

Thương ông, chúng tôi tỏ ý muốn giúp ông liên lạc được với các con ở Lạng Sơn thông qua báo chí. Đó là điều bất ngờ mà ông không thể nghĩ tới. Ông lặng lẽ khóc rồi khẽ nói :

- Tôi nhờ các nhà báo tìm hộ các con tôi. Nói với các con tôi là tôi nhớ chúng nó lắm nhưng tôi không về được. Chỉ mong được gặp lại chúng nó một lần...

Đi tìm với những địa chỉ mơ hồ

Câu chuyện buồn của ông Hồ Lòi ám ảnh chúng tôi rất nhiều. Giữa những ngày nắng nóng tháng 6, chúng tôi khoác ba lô lên đường, quyết tìm tới “làng Lần, xã Thế Kỷ, Hữu Lũng, Lạng Sơn” như lời ông dặn. Hành trang quan trọng nhất là mấy tấm ảnh của ông Hồ Lòi, ảnh gia cảnh của ông cùng bài viết của tôi về ông.

Trước khi đi, tôi tìm kiếm trên mạng, nhưng không thấy ở huyện Hữu Lũng có xã nào tên là xã Thế Kỷ. Gọi điện hỏi Bưu điện Hữu Lũng, nghe cô nhân viên tổng đài bảo rằng: “Ở Hữu Lũng không có xã Thế Kỷ, chỉ có xã Thiện Kỵ thôi chị ạ”.

Tôi ngớ người và hoang mang quá, không biết ông Hồ Lòi nhớ nhầm, hay tôi đã không nghe rõ vì giọng nói lơ lớ của ông? Tôi nhớ là mình đã nhắc lại hai chữ “Thế Kỷ”, nhưng ông gật đầu kia mà?

Chúng tôi đã lên đường với những cứ liệu mơ hồ như vậy. Huyện lỵ của huyện Hữu Lũng là thị trấn Mẹt, nằm ven quốc lộ 1, cách Hà Nội 90 km. Người dân ở đây quả quyết là chỉ có xã Thiện Kỵ, cách thị trấn Mẹt hơn 30km, ở đó có thôn Làng Lân, chứ không phải Làng Lần.

Họ nhiệt tình giúp chúng tôi tìm các cụ các bác từng làm việc ở Lâm trường Hữu Lũng từ những năm 60 của thế kỷ trước để hỏi thăm. Nhưng kết quả không khả quan, không ai biết ông Hồ Lòi, bởi nơi này chỉ là một trong ba lâm trường trên đất Hữu Lũng.

Ở một quán ăn sáng, nghe chuyện, một cô giáo trẻ vội giới thiệu: “Bố em trước làm ở lâm trường, hay là anh chị đến nhà em hỏi cụ?”. Chúng tôi phóng xe theo cô về nhà. Bất ngờ, người anh trai của cô nhìn ảnh ông Hồ Lòi, quả quyết:

- Đúng là ông này ở Thiện Kỵ rồi. Ông này làm điều tra quy hoạch rừng. Hồi xưa, ông này về quê trong Quảng Trị, còn đi cùng xe chúng tôi. Lái xe là ông Sạch ở đội Thiện Kỵ. Anh chị cứ tìm vào Thiện Kỵ, hỏi ông Sạch, vợ là Lý thì khắc ra!

Chúng tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng tạm yên tâm vì xem như đã “khoanh vùng” được khu vực Thiện Kỵ. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng gọi điện vào Ủy ban Nhân dân xã Thiện Kỵ, đầu kia một người đàn ông tên là Dượng cầm máy.

- Anh cho hỏi trong xã có bà nào tên là Ninh Thị Hồ không? Bà người Cao Lan, có 6 người con, có ông chồng người miền trong đã bỏ đi mấy chục năm nay?

Ông Dượng hỏi lại:

- Ông chồng người Vân Kiều ở Tây Nguyên chứ gì?

Chúng tôi cùng reo lên:

- Đúng, đúng! Ông ấy tên là Hồ Lòi!

Ông Dượng sửa lại:

- Hà Văn Loi chứ?

Tôi chợt nhớ ông Hồ Lòi có kể ở ngoài này ông lấy họ Hà, liền khẳng định:

- Đúng ông ấy rồi đấy! Tốt quá rồi!

Từ thị trấn Mẹt đến Thiện Kỵ hơn 30 km, hơn nửa là đường cấp phối rất xấu, nhỏ như đường làng và nhiều dốc quanh co.

Nắng và nóng kinh khủng. Chúng tôi dừng lại ở một cái quán nhỏ, tiếp tục hỏi thăm về gia đình ông Hồ Lòi. Vừa nghe đến chuyện “ông chồng người Vân Kiều về quê, bỏ lại vợ và sáu con”, chị chủ quán sáng mắt lên, giật tay áo chồng:

- Thế thì là nhà ông Thích Loi rồi, còn không phải á?

Anh chồng đang chuẩn bị cưỡi con xe Minxcơ, đèo mấy bao cám đi chăn gà trong trang trại, vội dựng xe, ngắm tấm ảnh ông Hồ Lòi, rồi kêu lên:

- Em biết ông này mà! Em chơi với mấy thằng con ông ấy mà! Anh chị hỏi đúng người rồi đấy!

Rồi anh chàng kể một loạt tên các con ông:

- Ông cả là Thích, rồi đến cái Bích, thằng Sơn, cái Sen, thằng Hưng, thằng Lập.

Tôi mừng quá, reo lên:

- Đúng rồi! Đúng rồi!

- Ở đây gọi ông bố là ông Thích Loi, gọi theo tên con cả. Ối dà, ông ấy vẫn còn sống à? Bà ấy vẫn còn khỏe, to béo lắm, thỉnh thoảng qua đây. Chúng nó mừng lắm đấy!

Nghe tôi kể sơ sơ về gia cảnh, hai vợ chồng xuýt xoa:

- Chết thôi, trông ông ấy nghèo khổ thế này à? Em nghe nói mà còn gai người lên đây! Chắc chúng nó khóc mất!

Rồi anh chồng - tên là Giang- sốt sắng đưa chúng tôi đi. Giang vui như thể chính mình tìm được người nhà mình vậy.

Tôi ngồi sau xe Giang, hồi hộp chờ đợi phút gặp gỡ với người vợ và những người con của ông Hồ Lòi - ông Thích Loi theo cách gọi ở nơi này. Không hiểu họ sẽ đón nhận những thông tin tôi mang tới thế nào đây?

Kỳ 2: Gia đình ông Thích Loi và dòng họ Hà (xem tiếp trên Tiền Phong cuối tuần số 30)

MỚI - NÓNG