Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều

Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều
TP - Cho tới ngày chúng tôi tìm đến Thiện Kỵ, vẫn không ai tin rằng Hà Văn Sơn từng lặn lội đi tìm cha ở tận nước Lào. Mà không phải Sơn chỉ tìm có một lần.

Hà Văn Sơn là con thứ ba trong nhà, có tiếng là bạo dạn, gan lỳ và hoạt ngôn từ nhỏ. Sự bạo dạn, gan lỳ và hoạt ngôn ấy đã giúp Sơn có thể lang thang đi làm thuê hết vùng này đến vùng khác, mà không sợ bị ai bắt nạt.

Năm mười sáu tuổi, Sơn cứ nhằm hướng Nam mà đi, chỉ với dòng địa chỉ nhỏ nhoi: “bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”. Anh em Sơn có được địa chỉ ấy là nhờ những lá thư bố gửi trong khoảng ba năm đầu về quê. Sau rồi, những lá thư cứ vắng dần rồi mất hẳn.

Không một đồng tiền giắt lưng, đi tới đâu Sơn làm thuê ở đấy, để lấy tiền đi tiếp. Sơn cũng không nhớ là sau bao lâu, và đã đi bằng bao nhiêu loại phương tiện, để rồi tìm đến được Khe Sanh. Từ Khe Sanh lên Cù Bai còn ngót trăm cây số nữa. Để có tiền đi tiếp, Sơn phải đi chăn bò thuê cho một gia đình ở Khe Sanh suốt hai tháng liền.

Vào được tới Cù Bai, Sơn mới biết tin bố đã sang Lào lấy vợ. Ý chí của một người con khao khát gặp cha đã giúp Sơn quyết vượt lên mọi khó khăn. Sơn thuê người dẫn đường, tiếp tục sang Lào.

Sơn kể lại rằng con đường sang Lào ngày ấy gian khổ ngoài sức tưởng tượng của chính Sơn. Chỉ có rừng già và rừng già thăm thẳm, rồi cơ man nào là vắt, là muỗi, Sơn phải đạp lên vắt mà đi. Hai bàn chân của Sơn phồng rộp, bỏng rát. Một ngày rưỡi đi bộ với sức vóc của chàng trai mười sáu, Sơn đến được bản bố ở. Và ông Hồ Lòi không thể tin vào mắt mình khi thấy con trai. Bố con ôm nhau khóc ròng. Lúc này, ông đã có người vợ mới. Sơn hiểu và thương bố nên quyết định ở lại với bố một thời gian để ông đỡ tủi.

Ở trong rừng không có lịch, chẳng đồng hồ, nên Sơn không biết ngày tháng đã trôi qua được bao lâu. Hàng ngày chỉ biết cắm cúi đi làm rẫy với bố. Một ngày tình cờ nghe được Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, thấy chương trình nói về Tết rất rộn ràng, Sơn chợt nhớ nhà, nhớ quê hương vô cùng. Thế là mặc dù thương bố nhưng Sơn nhất mực quay về. Bố con gạt nước mắt xa nhau.

Sơn lại nhờ người bên Lào dẫn đường trở về. Cứ 6 giờ sáng dậy đi một mạch, đến 2 giờ chiều thì nghỉ, đến đâu nghỉ đấy, Sơn đi sáu ngày thì ra đến Khe Sanh. Đôi chân tơ tướp máu.

Không ai tin nổi, dù đó là sự thật

Về quê, Sơn vội vã kể với mẹ và anh em, họ hàng về việc mình đã gặp bố và ở với bố suốt những tháng vừa qua.

Nhưng... không ai tin Sơn cả! Mọi người đều cho rằng, anh chàng lang bạt kỳ hồ, hay khoác lác này có thể bịa đặt lắm chứ! Không có bất cứ thứ gì có thể đưa ra làm chứng cớ cho câu chuyện của mình, Sơn đành chịu mang tiếng là người bịa chuyện.

Năm 1992, Sơn lại quyết định lên đường sang Lào với bố. Không nói câu nào với mẹ và cô vợ mới cưới, Sơn lẳng lặng khoác túi đi.

Vào Khe Sanh, Sơn đi bộ lên Cù Bai. Nhưng lần này Sơn gặp chuyện rắc rối. Do không có giấy tờ tùy thân, nên trên đường đi, Sơn bị dân quân bắt liên tục. Họ nghi Sơn là biệt kích, hay funrô gì đó. Sơn bị trói và bị giải về bản. Bị quây giữa một đám đông dân bản, bên cạnh là một đống lửa rừng rực, Sơn sợ lắm, nghĩ phen này chắc mình chết rồi. Dân quân tra hỏi rất lâu, và hỏi thế nào Sơn cũng chỉ nói:

- Tôi đi tìm bố tôi. Nếu không tin, đề nghị áp giải tôi đến Cù Bai xem có đúng không.

Hỏi đi hỏi lại cũng chỉ có thế. Mà Sơn còn nói được điều gì hơn thế nữa? Rồi dân quân bản ấy áp giải Sơn sang bàn giao cho bản kế tiếp. Dân quân bản kế tiếp lại áp giải Sơn giao cho bản kế tiếp nữa... Cứ như thế, về đến Cù Bai, gặp người họ hàng nhà bố mình, Sơn mới được thả.

Lại luồn rừng, lội suối, đạp vắt sang với bố. Lần này, gia đình bố đã có một em gái nhỏ. Nhưng đói nghèo thì vẫn vậy, lại du canh du cư rất khổ sở. Sơn ở với bố được chưa lâu thì bên Lào có đợt truy quét tội phạm, thổ phỉ dọc vùng biên giới. Sơn chẳng có giấy tờ tùy thân, nên bố không dám để Sơn lại đất Lào, sợ con bị bắt oan. Sơn lại về Việt Nam.

Về nhà, Sơn tiếp tục kể lại chuyện đi gặp bố. Ngoài người vợ của Sơn rất mực tin chồng, cả họ vẫn cho là Sơn nói năng ba láp, vì trong tay Sơn không có một bằng chứng nào. Ngày ở Lào, “rút kinh nghiệm” lần trước, Sơn đi tìm thợ ảnh về chụp, nhưng tìm khắp vùng bố ở chẳng có lấy một thợ ảnh. Có cái chứng minh thư thì bố làm mất từ bao giờ. Sơn đành im lặng chịu oan ức.

Năm tháng trôi qua. Các con ông Thích Loi cũng lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Mẹ con, anh em, vợ chồng đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. Trong ký ức họ, bố vẫn là nỗi đau đáu không khi nào nguôi. Nhưng họ không mấy nghĩ là bố mình còn sống. Với riêng Sơn, rất nhiều lần anh muốn trở lại nước Lào để tìm bố, nhưng gia đình bố sống du canh du cư khắp vùng thì biết tìm ở đâu?

Bây giờ, nhận tin về ông Hồ Lòi từ chúng tôi, cả nhà và bà con tới thăm mới thừa nhận:

- Hóa ra thằng Sơn nói thật!

Hà Văn Sơn khoái lắm. Sơn bảo: “Cả nhà ai cũng mừng về tin anh chị đem tới, riêng em thì mừng hơn nhiều, vì sau mấy chục năm em mới được minh oan!”.

Vẫn còn nhiều điều để tin vào cuộc đời này

Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều ảnh 1
Hà Văn Lập và mẹ

Có một sự trùng hợp lạ lùng, là buổi sáng trước khi chúng tôi đến, nhân chuyện cháu Nga - con Hà Văn Thích và cháu Xuân- con Hà Văn Sơn đều đạt học sinh giỏi, mẹ cháu Nga bảo:

- Chúng mày học giỏi là nhờ “lộc” của ông nội, là do ông phù hộ đấy. Phải biết ơn ông đấy nhá!

Cháu Nga bảo cháu Xuân:

- Năm nay đạt học sinh giỏi rồi, sang năm đạt học sinh giỏi nữa thì xin bố cho đi tìm ông.

Họ vừa nghỉ giải lao, vào nhà uống nước thì chúng tôi đến. Vì vậy, các con cháu bà Hồ hồ hởi coi câu chuyện buổi sáng là “điềm báo” may mắn về ông và bố mình.

Hà Văn Hưng kể:

- Cách đây hơn một tháng, em mơ thấy bố về nhưng chẳng dám nói với ai, chỉ kể với vợ em thôi.

Qua trò chuyện, tình cờ chúng tôi mới biết ở nhà này… chỉ có trẻ con biết chữ, còn người lớn thì hầu như không! Anh em Hà Văn Thích đều chỉ học lớp 1, lớp 2 rồi bỏ học để kiếm sống, nên dần dần quên mặt chữ cả, hoặc chỉ đọc bập bõm, nhưng không biết viết.  Để họ hiểu thêm về cha, đồng nghiệp tôi chậm rãi đọc bài tôi viết về cha họ. Họ ngồi im lặng lắng nghe, rồi những giọt nước mắt, những giọt nước mắt lăn dài trên những gò má xạm đen. Chưa nghe hết bài viết, Hà Văn Hưng đã đứng lên đi xuống bếp. Tôi thoáng ngạc nhiên: Sao Hưng lại có thể bỏ đi, không nghe tiếp? Sau mới biết là Hưng xuống bếp, gục mặt vào bức vách, đứng khóc.

Hà Văn Lập chưa từng nhìn thấy mặt cha, mỗi lần nhìn ảnh cha là Hà Văn Lập lại rơm rớm nước mắt. Lúc chào cả nhà ra về, chúng tôi bắt gặp Hà Văn Lập ngồi ở vỉa hè đầu nhà, tay cầm ảnh cha và đang lẳng lặng ngồi khóc một mình.

Hà Văn Thích ra dáng anh cả. Ngày trước, Thích học được nghề mộc, rồi vì nhà nghèo quá, anh lại phải bán bộ đồ nghề để lấy tiền nuôi các em. Thích bảo:

- Việc của bố qua lâu rồi. Bây giờ mọi chuyện khác rồi. Bọn em thương bố lắm,  không giận bố đâu.

Tôi thành thật:

- Lúc đi đường, thật sự là chúng tôi cứ lo vào đây mọi người lạnh nhạt, không muốn nhận tin tức của ông. Vì ở trong Cù Bai, mọi người cho rằng…

Mấy anh em giãy nảy:

- Chết chết, sao chị lại nghĩ thế được? Nhà em không ai như thế đâu!

Từ khi nghe xong bài viết của tôi, bà Ninh Thị Hồ cởi mở hơn rất nhiều. Lúc tôi đề nghị chụp ảnh cả nhà, bà không từ chối nữa. Từ lúc cả nhà quây quần ăn cơm tới khi chúng tôi ra về, bà vui vẻ nói cười, còn giữ chúng tôi ở lại đến hôm sau, không muốn cho về.

Tỷ lệ nhỏ nhoi giữa  4 gia đình Vân Kiều là con cái ông Hồ Lòi - Hà Loi với 687 hộ người Cao Lan, người Tày, người Kinh... ở xã Thiện Kỵ làm cho họ trở thành “thiểu số” trong cơ cấu dân tộc của xã. Trong 4 hộ ấy, ngoài hộ của Hồ Văn Sơn, 3 hộ còn lại đều thuộc diện hộ nghèo, ở xã nghèo nhất của huyện Hữu Lũng.

Nhưng khi ngồi với chúng tôi, các con ông Hồ Lòi rơi nước mắt khi nghe tôi kể cha họ đang sống rất nhọc nhằn. Họ bàn nhau làm thế nào để vào thăm cha. Họ phác kế hoạch sẽ làm 15 mâm cơm để mời họ hàng bà con làng xóm đến chia vui.

Nghe chúng tôi kể ở Cù Bai hiện chưa có điện thoại, Hà Văn Sơn bảo rằng: “Thế thì phải viết thư ngay cho bố, chuyển theo đường bưu điện”... Chúng tôi kể về các con của ông Hồ Lòi trong ấy, nhất là em Bình tật nguyền, mấy anh em Hà Văn Thích bảo nhau: “Gì thì gì, cũng là em của mình”.

Lúc chúng tôi đưa bức ảnh em Hồ Thị Sinh và kể với Hà Văn Thích về sự vất vả kiếm sống của em trong những buổi chiều đi dò phế liệu trong rừng Trường Sơn nguy hiểm như thế nào, Hà Văn Thích ngồi lặng đi, rơm rớm nước mắt, anh nói với tôi và các em: “Em nó là em của mình, không được để em của mình làm việc nguy hiểm, phải đón nó ra”.

Ông trưởng họ Hà khẳng khái:

- Phải đón cả nhà Thích Loi ra ngoài này, tôi là trưởng họ, tôi quyết định là anh em chúng nó phải nghe.

Thấy vậy, tôi nói nhỏ với ông: “Phải xem ý bà Ninh Thị Hồ thế nào đã chứ”. Ông bảo luôn: “Ngoài này nghèo nhưng không được để người của họ Hà như thế, ra đây rồi thu xếp!”. Bà Hồ im lặng, không nói câu nào.

Tôi lặng người, chẳng biết nói gì hơn.

Những điều chúng tôi kể về vợ con ông Hồ Lòi - Hà Loi trên đây, tự chúng đã chứa đựng những ý nghĩa mà không lời bình luận nào có thể nói cho hết được. Những con người chất phác, hiền lành, dễ mến, mang hai dòng máu Vân Kiều - Cao Lan của ông Hồ Lòi - Hà Loi và bà Ninh Thị Hồ mà tôi gặp ở Thiện Kỵ đã đem tới cho chúng tôi nhiều điều phải suy nghĩ.

Tôi không biết bà Ninh Thị Hồ đã dạy các con những gì, không rõ anh em Hà Văn Thích đã bảo ban nhau ra sao, không hay dòng họ Hà ở Thiện Kỵ sống với nhau như thế nào, nhưng có một sự thật làm cho tôi phải kính trọng họ là anh em Hà Văn Thích và những người họ Hà, bất chấp những khúc quanh, những cực nhọc của cuộc đời, luôn dành cho ông Hồ Lòi - Hà Loi những tình cảm tốt đẹp, hơn cả những điều chúng ta vẫn gọi là “đạo hiếu”, “lễ nghĩa”.

Với hoàn cảnh của mẹ con bà Ninh Thị Hồ, chúng tôi không dám đưa ra một lời khuyên họ nên làm như thế nào, chỉ mong may mắn, an lành, no đủ sẽ đến với gia đình họ. Và hẳn là các bạn, những người đã đọc các bài viết về ông Hồ Lòi - Hà Loi và mẹ con bà Ninh Thị Hồ cũng sẽ chia sẻ với chúng tôi. 

Gia đình ông Hồ Lòi đã đoàn tụ

Khi bài viết cuối cùng của loạt bài này đã gửi về Tòa soạn, thì tối ngày 27/7, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Hà Văn Sơn. Vừa nghe tiếng tôi trả lời máy, Sơn hối hả báo tin: “Em là Sơn ở Lạng Sơn đây, chị ơi! Chúng em vừa đưa bố và em Sinh về ngoài này rồi! Mời các anh chị nhà báo lên chơi với bố em và gia đình!”.

Tôi hỏi kỹ về chuyến đi đón bố và tình hình gia đình hiện nay, Sơn vui vẻ cho biết:

Ba anh em Thích, Sơn và Hưng thay mặt gia đình và dòng họ Hà vào Cù Bai. Không báo trước, họ xuất hiện trước sự bàng hoàng của ông Hồ Lòi và bà con dân bản. Bố con, họ hàng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, “ai cũng khóc hết, đến em còn khóc nữa mà chị”. Sau mười ngày ở Cù Bai, ba anh em xin phép đón ông Hồ Lòi và cô con gái út Hồ Thị Sinh ra Bắc. Những người họ hàng Vân Kiều ở Cù Bai còn làm lễ cầu cúng cho năm bố con thượng lộ bình an.

Sự trở về của ông Hồ Lòi đang là một “sự kiện trọng đại” ở Thiện Kỵ. Khỏi phải nói các con cháu ông đã mừng rỡ đến thế nào. Bà con Thiện Kỵ đến hỏi thăm, đông vui suốt mấy ngày.

Nói chuyện với tôi qua điện thoại, cô bé Sinh vui lắm. Em vừa được các chị dâu đưa đi chợ mua sắm quần áo mới và chuẩn bị làm thủ tục nhập học ở trường tiểu học Thiện Kỵ. Còn ông Hồ Lòi không có nhà, ông đi ăn cỗ ở nhà một người bà con họ Hà. “Mấy tối nay, tối nào các nhà cũng tới đón bố đi ăn cỗ chị ạ! Còn bác trưởng họ thì sáng nào cũng tới đón bố em đi ăn phở!”. Sơn còn khoe: “Rời Cù Bai, bố em còn đang ốm, vậy mà về tới Thiện Kỵ, bố khỏe hẳn dù không dùng một viên thuốc nào”.

Thông tin quan trọng nhất là: với sự nhất trí của bà Ninh Thị Hồ, anh em Hà Văn Thích và bà con họ Hà đã quyết định trong thời gian tới sẽ cùng nhau đóng góp dựng một ngôi nhà nữa, đón bà Hồ Thị Nhía và 2 người con lớn ra Thiện Kỵ để đoàn tụ.   

MỚI - NÓNG