Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều - Kỳ 2

Cuộc truy tìm người thân của ông già Vân Kiều - Kỳ 2
Đường vào xã Thiện Kỵ vòng vèo, lên dốc xuống đèo, khấp kha khấp khểnh, hai bên đường nhà cửa thưa thớt, tôi cố gắng lắm mà không phân biệt nổi đâu là đầu làng.

>> Kỳ 1: Quanh co một kiếp người

Gia đình ông “Thích Loi” và dòng họ Hà

Mừng mừng tủi tủi

Chừng 15 phút đi đường, Giang vừa bóp còi loạn xạ vừa rẽ vào một ngôi nhà gạch, trong một chòm nhỏ có 4 nhà nằm xế bên sườn đồi. Sân trước nhà rộng rãi, lát gạch sạch sẽ, trên sân dựng mấy chiếc xe máy.

Đón chúng tôi ở cửa là một anh trung niên da ngăm ngăm, người nhỏ nhắn, tóc xoăn tít, và tôi nhận ra ngay những nét hao hao ông Hồ Lòi. Chúng tôi chưa kịp nói gì thì Giang đã oang oang giới thiệu và nói rõ mục đích chúng tôi tìm đến nhà. Chủ nhà có vẻ luống cuống, nói không rõ lời, nhưng tôi hiểu là anh mời chúng tôi vào nhà. Nhà rộng nhưng đồ đạc sơ sài, ngồi bên bàn nước là một anh mặc áo trắng lốp, dáng vẻ quan chức địa phương. Chào hỏi nhau xong, chưa kịp nói gì thì một phụ nữ vừa gày vừa đen, mặc quần áo bảo hộ lao động đi vào. Thấy chị vào nhà, Giang bô bô: “Tìm thấy bố rồi đấy!”. Giang dứt lời, người phụ nữ dằn dỗi nói với Giang: “Đừng có mà nói dối em!”. Giang quay lại bảo tôi:

- Đây là cái Sen, chị ạ.

Nghe vậy, tôi hỏi luôn:

- Có phải em là Hồ Thị Sen không?

Người phụ nữ giật mình, trố mắt nhìn tôi và hỏi lại:

- Sao chị biết em?

- Ông Hồ Lòi có sáu người con, nếu tính tuổi thì em là Hồ Thị Sen.

Người phụ nữ đứng lặng, rồi rơm rớm nước mắt. Chị túm lấy tay tôi, hỏi dồn dập:

- Chị gặp bố em thật à?

- Thật mà, có gặp bố chị mới biết em là Sen chứ!

Giang chỉ người đàn ông da đen sạm, tóc xoăn, nhỏ thó loay hoay pha nước ở góc nhà, bảo tôi:

- Kia là anh Thích, anh cả đấy!  

Chúng tôi trình bày mục đích chuyến đi, rồi lấy ra mấy tấm ảnh đưa cho mọi người. Thế là cả nhà xúm xít vào xem. Thế rồi đột nhiên cả nhà huyên náo. Tiếng cười xen với tiếng thút thít. Một quang cảnh thật sự nằm ngoài dự tính của tôi.

Hóa ra người mặc áo trắng là cán bộ công an xã, nghe nói có nhà báo đến đây - chắc là do hai cuộc điện thoại của chúng tôi - nên đến để gặp xem có việc gì. Chúng tôi chủ động trình giấy tờ, thẻ nhà báo. Anh lập tức chuyển sắc thái từ nghiêm trang sang hồ hởi và mời chúng tôi về Ủy ban... uống rượu cho vui! Nghe vậy, chủ nhà tỏ thái độ rất kiên quyết giữ chúng tôi ở lại ăn cơm với gia đình. Anh công an xã ngồi thêm một lát rồi bắt tay chào chúng tôi để về trụ sở.

Từ lúc xem ảnh ông Hồ Lòi, ngoài sân liên tục có tiếng xe máy rồ đi rồ lại. Con cháu ông Hồ Lòi đang đi gọi mọi người từ các nơi về. Chẳng mấy lúc ngôi nhà đã đầy người, sáu người con ông Hồ Lòi cùng mấy cô con dâu, các cháu nội ngoại, rồi đến ông bác, ông trưởng họ, các cháu con ông anh bà chị…  Thật thú vị là cả ông lái xe tên Sạch cũng được mời đến. Họ đều là những người thân thiết với nhau.

Họ Hồ và họ Hà

Rồi các kỷ niệm về ông Hồ Lòi liên tục được kể ra, tiếng cười sảng khoái và nụ cười hớn hở. Lại thấy mỗi khi chúng tôi nhắc tới hai chữ “Hồ Lòi” là mọi người có vẻ ngạc nhiên, chúng tôi tìm hiểu thì biết hoá ra khi ở Làng Lân, ông Hồ Lòi nói với mọi người họ tên ông là “Hồ Lòi”, giọng ông lơ lớ nên dân làng tưởng họ tên ông là “Hà Loi”, mà họ Hà ở Làng Lân cũng đông, thế là ông được kết nạp luôn vào họ Hà, ông phải làm mọi nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền lợi như mọi thành viên họ Hà. Vì thế, ở Làng Lân, ông Hồ Lòi có họ tên là Hà Loi. Đến khi vợ chồng ông sinh đứa con đầu lòng đặt tên là Hà Văn Thích thì ông Hồ Lòi - Hà Loi lại có tên gọi ở trong làng là... Thích Loi!

Ông anh ruột bà Ninh Thị Hồ vào đến nhà là hỏi “Bằng chứng đâu?”. Cầm bức ảnh của ông em rể, ông anh vợ nghẹn ngào, quay sang bảo với tôi:

- Thằng Hà Loi còn sống, tôi cứ tưởng nó “sang cát” rồi!

Ngồi bên bàn trò chuyện với mấy anh em Hà Văn Thích, tôi thấy họ ít nói và có vẻ hiền lành. Hà Văn Thích, Hà Văn Sơn, Hà Văn Hưng đã có vợ con và đã làm nhà ở riêng. Hà Văn Lập - người con út chưa từng biết mặt bố, năm nay 27 tuổi, chưa xây dựng gia đình, vẫn ở với mẹ. Trong bốn anh em trai, chỉ có Hà Văn Sơn là có vẻ “phong trần”, Hà Văn Sơn chính là người đã hai lần vào Cù Bai tìm bố. Chuyện đi tìm bố của Hà Văn Sơn dài và ly kỳ, chúng tôi sẽ kể sau.

Nhân vật mà chúng tôi quan tâm và e ngại nhất trong lần đến thăm này là bà Ninh Thị Hồ. Bà Hồ to béo, vấn khăn, nhai trầu bỏm bẻm, trông chất phác và phúc hậu. Sự e ngại còn tăng hơn khi thấy các con đưa bà tấm ảnh của ông Hồ Lòi - Hà Loi, bà gạt phắt đi và nói:

- Xem làm gì!

Thấy các con xúm xít với mấy tấm ảnh, rồi xuýt xoa vì ông Hồ Lòi nghèo khổ quá, bà nói mát mẻ:

- Tưởng bỏ bà này đi với bà khác thì sung sướng, chứ lại khổ hơn bà này à!

Rồi bà nguây ngẩy bỏ lên nhà trên, cách đó mươi mét. Tôi đi theo bà.

Căn nhà bà ở cũng trống tuềnh toàng, vách còn để mộc. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá. Bà Hồ lấy trầu cau ra nhai bỏm bẻm, ngồi yên lặng trên tấm phản kê giữa nhà, ngay dưới ban thờ. Tôi hiểu tâm trạng bà lúc này, một tâm trạng thật khó cắt nghĩa rành rẽ, bởi sự trỗi dậy của những điều tưởng chừng đã đào sâu chôn chặt. Ký ức tủi nhục của mấy chục năm đằng đẵng nuôi con một mình ùa về. Tôi lựa lời hỏi chuyện ngày xưa:

- Ông bảo cháu là ngày ông đi, Lập mới biết ngồi?

Bà lắc đầu:

- Làm gì! Thằng Lập đẻ mùng một Tết thì mười lăm hắn ta đi, tôi nhớ rõ mà.

Rồi bà nhắc đi nhắc lại:

- Hắn bạc lắm! Bạc với vợ con lắm, cháu mày ạ. Ngày ấy bà khổ lắm, trời không cho chết thì phải chịu thôi, chứ chết được thì chết cho đỡ khổ. Sáu đứa con, thằng bé còn đỏ hỏn, thằng lớn còn chưa biết cầm cuốc. Họ hàng bên ngoại thì giận và ghét vì đẻ nhiều. Nhà chẳng có ruộng, chỉ làm nương thôi. Một mình bà làm quần quật nuôi sáu đứa con, mà lúc nào cũng đói. Có nhiều lúc đi làm thuê chỉ kiếm được hai bơ gạo, mang về nấu cháo chứ không đủ nấu cơm. Ngày ấy cũng chẳng ai bán chịu như bây giờ, thiếu cứ thiếu thôi, mẹ con đói quanh năm. Thằng Thích phải đi chăn trâu thuê lấy thóc cho mẹ nuôi em. Bà còn gầy hơn cái Sen bây giờ.

Bà còn kể nhiều nữa. Tôi ngồi ngắm bà và hình dung những điều bà kể, thương bà vô cùng. Sen ngồi cạnh tôi, thỉnh thoảng lại chen vào vài câu. Tôi nhìn quanh nhà rồi hỏi:

- Cái nhà này có từ hồi ông còn ở nhà à?

Bà Hồ xua tay:

- Không đâu! Ngày ấy chỉ có cái nhà gianh, dột nát lắm cháu mày ơi! Cứ mưa là bà ôm con che hết góc này đến góc khác, khổ lắm!

Bà nghẹn ngào không nói nữa, giở túi lấy trầu ra têm, có lẽ để tránh bộc lộ cảm xúc. Sen thì khác, cô kể về những ngày vất vả của anh em mình bằng giọng nhẹ tênh, có pha chút tự hào:

- Mẹ nuôi bọn em, rồi đứa lớn lại nuôi đứa bé. Bọn em làm việc quần quật, cứ đùm bọc nhau mà sống thôi. Bọn em lớn lên, đến năm chín ba mới làm nhà này. Bây giờ mẹ em với thằng Lập ở. Bọn em ở riêng, đứa nào cũng có nhà có cửa cả. Cuối năm nó lấy vợ nữa là coi như mẹ em dựng vợ gả chồng cho con cái xong hết. Mấy năm nay mẹ em nhàn lắm, không phải làm gì, chị ạ.

Nói đến đây, Sen ngồi thừ ra:

- Bố em ở trong kia già rồi mà còn vất vả quá!

Rồi cô nói chắc nịch:

- Bọn em phải vào đón bố ra mới được!

Bà Hồ lắc đầu quầy quậy:

- Không đón! Kệ hắn ta!

Sen cười:

- Chúng con đón ra cho bố ở với mẹ! Mẹ sợ gì chứ!

- Không thèm, không thèm!

- Mẹ không cho bố ở thì bố ở với anh em con! 

- Không cho, không cho!

Sen giật tay áo tôi, kéo tôi ra một góc, thì thầm:

- Chị nói hộ em với mẹ em. Bọn em thương bố lắm, chứ không giận đâu. Tí nữa chị chụp ảnh mẹ em, gửi vào cho bố em với nhé. Chụp ảnh cả nhà em nữa, để bố em biết bây giờ gia đình em ngoài này thế nào, bố em mừng.

Nghe lời Sen, tôi “vận động” bà Hồ chụp ảnh. Bà nguây nguẩy:

- Không chụp, không chụp! Cho nhìn thấy mặt các con thôi, không cho thấy mặt bà này!

Rồi bà quay ngoắt đi, tránh ống kính máy ảnh của tôi.

>> Kỳ cuối: Sang Lào tìm bố (Mời đọc trên TPCT số 31)

MỚI - NÓNG