Cựu binh Mỹ Tourison Lê Văn Tùng và mối lương duyên Việt Nam

Cựu binh Mỹ Tourison Lê Văn Tùng và mối lương duyên Việt Nam
TP - “Chiến tranh đã qua rồi, VN - Mỹ đang cố gắng xây dựng mối quan hệ mới. Nhiều cựu binh Mỹ như tôi mong muốn mối quan hệ đó ngày càng tốt đẹp hơn"- Cựu binh Mỹ Tourison Lê Văn Tùng nói.
Cựu binh Mỹ Tourison Lê Văn Tùng và mối lương duyên Việt Nam ảnh 1
Cựu binh Mỹ Tourison Lê Văn Tùng và tủ sách về Việt Nam của ông 

"Nay tôi muốn sử dụng tiếng Việt vào việc hàn gắn những vết thương và làm những điều có ích cho nhiều người. Đó là cách thiết thực nhất mà tôi có thể làm được để phần nào sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ, là cách để tâm trí tôi được thanh thản hơn trong quãng đời còn lại này”.

Đó là tâm nguyện của Sedgwick D. Tourison Jr., nguyên là sĩ quan thẩm vấn thuộc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ, nguyên nhân viên thuộc ủy ban đặc biệt về vấn đề người Mỹ mất tích, tù binh chiến tranh của Thượng viện Mỹ và đã từng ở Việt Nam những năm 1961-1963, 1965-1967 và ở Lào những năm 1971-1974.

Tôi gặp ông Tourison lần đầu tiên vào cuối năm 2005 khi thực hiện bài phỏng vấn các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam nhân dịp đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân-Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam-dẫn đầu thực hiện chuyến thăm và làm việc tại 12 bang, thành phố lớn của Mỹ, trong đó có thủ đô Washington.

“Tôi sẵn sàng ký tên vào đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đòi Chính phủ Mỹ và các Cty hóa chất phải có trách nhiệm bồi thường”. Đó là ý kiến của ông Tourison và cũng là của các nhóm cựu binh Mỹ đấu tranh vì hòa bình và công lý ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Đó là câu trả lời không chút đắn đo của ông Sedgwick D. Tourison, Jr., trong buổi trò chuyện với tôi tại nhà riêng trong một khu phố yên tĩnh ở bang Maryland (Mỹ).

... Năm 1961, anh lính trẻ Tourison, lúc đó 21 tuổi, được điều sang Việt Nam. ở đây anh đã gặp và cưới một người phụ nữ Việt gốc Hoa, và cũng vì lý do này mà anh và vợ phải buộc trở về Mỹ vào năm 1963.

Năm 1965, Tourison bị điều động trở lại Việt Nam và ở lại đó đến năm 1967. Đến nay sau hơn 40 năm chung sống, ông bà đã có 3 người con trai – tất cả đều đã có gia đình và thành đạt.

Trong những năm qua, phần do những người thân trong gia đình, nhất là vợ và các con trai ngăn cản,  phần bản thân ông cũng thấy lo lắng, Tourison không nghĩ đến chuyện quay trở lại Việt Nam. Nhưng rồi tháng 10/2005, ông đã quyết định trở lại Việt Nam với sự giúp đỡ của Trung tâm Việt Nam thuộc trường Đại học Công nghệ Texas.

“Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều”-ông nói. Đường phố rất đông xe cộ, nhất là xe gắn máy. Nhưng ông thích Hà Nội hơn. “Có nhiều người gặp tôi đều hỏi: Có phải là cựu binh Mỹ không?

Khi tôi trả lời là đúng, họ bắt tay tôi thật chặt. Tôi hiểu họ muốn nói với tôi rằng cuộc chiến tranh năm xưa nay đã qua rồi, và nay hai nước đang xây dựng mối quan hệ mới”.

Khi được hỏi ông đã kể lại những gì về chuyến đi cho bạn bè nghe, nhất là các cựu chiến binh như ông, Tourison nói: “Họ đến gặp tôi và hỏi: Thế nào, thấy mấy ông Cộng sản Hà Nội ra sao? Tôi trả lời: Họ cũng là những con người. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, và nay quay trở về với cuộc sống bình thường”.

Tại hội thảo nhân kỷ niệm 40 năm chiến dịch Plây Me-IaDrang (11/1965 -11/2005) do Trung tâm Việt Nam thuộc trường Đại học Công nghệ Texas tổ chức, Tourison là một trong số ít cựu binh Mỹ đã công khai thừa nhận phía B3 (bộ đội Việt Nam) đã thắng và phía Mỹ đã thua trong chiến dịch này.

Ông nói: “Không ai muốn nhận mình đã bị thua, vì ý nghĩ thua cuộc có một tác động tâm lý rất lớn. Nhưng tôi không sợ. Tôi đã nói bộ đội Việt Nam đã thắng trong trận này, và chúng tôi đã thua”.

Trong câu chuyện chúng tôi có nói về những di chứng sau chiến tranh, trong đó có vấn đề Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm nhân đạo đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Tourison nói: “Bản thân tôi cũng là một nạn nhân. Tôi rất thông cảm với các cựu chiến binh Việt Nam, nhất là những người bị nhiễm chất độc da cam. Họ đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hơn so với chúng tôi – các cựu binh Mỹ”.

Khi được hỏi về việc các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đang đưa đơn kiện các Cty hóa chất của Mỹ phải bồi thường, Tourison nói ông sẵn sàng ủng hộ họ.

Theo ông, để có thể thành công cần phải đạt được các điều kiện sau: Thứ nhất, các nghị sĩ Mỹ, nhất là những người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam cần đứng ra ủng hộ;

Thứ hai là các cựu chiến binh Mỹ cần ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tại tòa án Mỹ; Thứ ba là Nhà Trắng cần phải chấp thuận giải quyết vấn đề này. Ông nhấn mạnh đến vai trò của các cựu binh Mỹ.

Theo ông cần phải có sức ép từ bên ngoài cộng đồng và từ bên trong Chính phủ Mỹ thì vụ kiện mới có thể thành công được. Ông cho rằng hiện nay các Cty hóa chất của Mỹ chưa chịu nhận trách nhiệm của họ nên đã thông qua luật sư để kéo dài thêm thời gian.

Tôi cho rằng Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã giải quyết tốt về vấn đề liên quan đến căn bệnh ung thư và một số bệnh khác do chất độc da cam gây ra.

Nếu Quốc hội Mỹ đã sáng suốt bồi thường cho các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam, cho hơn 300 nhân viên hoạt động bí mật trước đây và gia đình của những người bị chết, cho gần 3.000 nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9 thì tôi cho rằng việc hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết và giúp đỡ cho những người Việt Nam hiện đang mang những nỗi đau do chất độc da cam gây nên là một việc làm đúng cần phải làm”- Tourison nói một cách quả quyết và cười vui vẻ.

Về cái tên rất Việt Nam của ông – Lê Văn Tùng – Tourison nói ông đã lấy theo tên của một người lính Việt Nam mà ông đã gặp trong thời gian ở Việt Nam – Lê Tùng. Ông thấy thích cái tên này, vì nó có chữ cái “T” trùng với chữ cái đầu tên của ông, và để cho khác đi ông thêm chữ “Văn” vào giữa.

“Tôi và vợ tôi sẽ lại sang thăm Việt Nam, nhưng lần này chúng tôi sẽ chỉ đến Hà Nội thôi”-Tourison Lê Văn Tùng nói. Tôi thấy trong mắt ông ánh lên chút niềm vui.  

Phượng Linh
(Từ Washington D.C)

MỚI - NÓNG