Cứu hộ trên bãi tắm biển - Họ là ai?

Cứu hộ nạn nhân đuối nước ở Cửa Lò
Cứu hộ nạn nhân đuối nước ở Cửa Lò
TP - Nắng nóng, du khách tràn về phía biển. Những bãi biển nổi tiếng như Cửa Lò, Nhật Lệ, Thuận An, Đà Nẵng... đông nghẹt. Phía sau những con sóng mát xanh của biển là ẩn họa rình rập. Canh cho bãi biển luôn yên bình là những đội cứu hộ phản ứng nhanh. Vậy, họ là ai?

>> Bãi biển ở Đà Nẵng: Có khoảng 70 dòng nước chết người
>> Dòng nước chết người nơi bãi tắm
>> Phát hiện, phòng tránh dòng nước chết người thế nào?

Cứu hộ nạn nhân đuối nước ở Cửa Lò
Cứu hộ nạn nhân đuối nước ở Cửa Lò.

Bài 1: Trăm lẻ một chuyện cứu người

Cửa Lò, bãi tắm dài hơn 10km trải dài từ đảo Lan Châu đến Cửa Hội, bãi tắm được du khách đánh giá đẹp và thơ mộng, nhưng đằng sau nó ẩn họa luôn rình rập. Ở đây luôn thường trực Đội quân cứu hộ, tả xung hữu đột, bất chấp hiểm nguy lao xuống nước cứu du khách khi có biến.

Cứu người suýt mất mạng

Phùng Ngọc Bình (đội 7, xã Nghi Hương) là người thạo sông nước. Bình như con rái cá giữa biển, có thể bơi ngược sóng lúc biển động sóng cồn. Ba năm làm nghề cứu hộ, Phùng Ngọc Bình từng hai lần xuống nước cứu sống 3 người đuối nước. Giám đốc Trung tâm Cứu hộ và Phòng chống thiên tai Cửa Lò - Nguyễn Xuân Hoàng bảo, Bình “có duyên cứu người”.

Một ngày hè, Phùng Ngọc Bình được giao nhiệm vụ cắm chốt tại bãi tắm đối diện khách sạn Thái Bình Dương. “Hôm đó trời trở gió, sóng lớn, nước xiết, khách du lịch chẳng ai dám xuống nước. Từ rặng phi lao, bất ngờ xuất hiện hai thanh niên dìu nhau xuống biển, dáng vẻ say tợn!”, Bình kể.

Tiến đến gần hai vị khách lạ, Phùng Ngọc Bình ngăn không cho hai người đang say xuống tắm. “Bọn tao bơi giỏi! Không chết được đâu! Tránh ra, không là no đòn!”, một người lấy chân đạp vào bụng Bình. Họ vác phao nhảy ùm xuống nước.

Hai du khách say xỉn hăng máu, ôm phao cắt sóng bơi ra xa. Bất ngờ, một con sóng lớn ập tới, đánh mạnh vào chiếc phao, nhấn chìm Nguyễn Ngọc Hùng (24 tuổi, trú tại huyện Can Lộc- Hà Tĩnh).

Không kịp khoác áo phao, Bình vọt ra phía người lâm nạn. Một mình Bình, ngụp lặn cố tìm kiếm vị khách đuối nước. Mười phút trôi qua, vô vọng. Bình nương theo dòng chảy, tiến về phía đảo Lan Châu. Chân anh đạp trúng Nguyễn Ngọc Hùng. Ngay lập tức, Bình lặn sâu xuống, nắm tóc kéo nạn nhân vào bờ. Say xỉn, uống no nước, sau 30 phút được sơ cứu Hùng mới tỉnh.

“Khó cứu nhất là những vị khách uống quá nhiều rượu, bia bị ngạt nước!”, Bình kể.

Cách đây không lâu, tại bãi tắm khu vực khách sạn Xanh (đường Bình Minh), hai thanh niên rủ nhau đi tắm, bị sóng cuốn ra cách bờ 200m, nguy cơ chết đuối cận kề. Nghe tiếng kêu cứu, Quang và Dũng- nhân viên cứu hộ bơi ra, nhưng vướng áo phao, cả hai anh đều bị sóng đánh dạt vào bờ.

Phùng Ngọc Bình cũng không thể tiếp cận vị trí người lâm nạn vì nước xiết. Anh tháo phao cứu sinh, mình trần, lựa thế nương theo dòng chảy vòng ra phía sau, đẩy họ vào bờ. Bình uống no nước, lả đi. May có anh Hoàng Khắc Lâm (chủ ki-ốt ở Cửa Lò) quăng dây trợ giúp, Bình mới thoát nạn.

Hiểu nhầm và mang vạ

Nắng nóng kéo dài, điện mất liên miên, khách tứ phương đổ xô đến Cửa Lò. Hằng ngày, thị xã đón khoảng 2 vạn lượt khách, ngày lễ hoặc cuối tuần con số này tăng gấp đôi. Canh chừng cho lượng du khách đông như vậy, Trung tâm Cứu hộ chia quân án ngữ tại ba vị trí.

Đài quan sát gồm 2 kính viễn vọng (tầm quan sát xa 30km), làm nhiệm vụ theo dõi, cảnh báo, phát tín hiệu vào hệ thống bộ đàm; lực lượng chốt trên bờ nhắc nhở du khách không bơi ra vùng nước nguy hiểm; nhân viên điều khiển mô tô cao tốc là đội quân vừa ứng cứu trực tiếp tai nạn trên biển, vừa cảnh giới vùng nước sâu.

Hướng dẫn du khách
Hướng dẫn du khách . Ảnh: Q.L

“Cuối giờ chiều, 2-3 vạn người cùng ào xuống biển, khiến bãi tắm chật như nêm. Lực lượng cứu hộ canh cho được chừng ấy người, hết sức khó khăn!”, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Xuân Hoàng nói. Nhiều nhân viên cứu hộ, trong lúc tác nghiệp vì quá hăng hái quá nhiệt tình mà mang vạ vào thân.

“Không cho khách bơi ra xa bờ, có lúc chúng tôi bị chửi bới thậm tệ là chuyện thường! Có người nổi cáu còn đấm vào mặt nhân viên, cứu hộ!”, GĐ Nguyễn Xuân Hoàng kể tiếp.

Em ngã xuống cát, anh ta bỏ chạy. Nhân viên cứu hộ chịu đòn chứ không thể phản đòn. Quy định là vậy.

Phạm Văn Vinh (SN 1988, trú tại xã Nghi Hương, Cửa Lò) được phân công chốt giữ tại bãi tắm đối diện Nhà khách 382. Một hôm, có đoàn khách du lịch đến từ một tỉnh phía Bắc, thấy sóng lớn nên Vinh nhắc nhở du khách cẩn thận khi xuống nước. Bất thần, một vị khách trong đoàn, người nồng nặc mùi rượu xông vào, đánh tới tấp vào đầu và mặt anh. Tình thế căng thẳng buộc lãnh đạo trung tâm phải điện báo cho Công an Cửa Lò, nhờ can thiệp.

Anh Hoàng Văn Thân trực cứu hộ trên bờ biển đối diện khách sạn Hải Âu, phát hiện một khách say rượu nhưng vẫn cởi áo xuống nước. Anh tiến đến khuyên giải. Không nói năng gì, vị khách tặng Thân một quả thôi sơn. “Em ngã xuống cát, anh ta bỏ chạy. Nhân viên cứu hộ chịu đòn chứ không thể phản đòn. Quy định là vậy” - Hoàng Văn Thân nói, vẻ cam chịu.

Chuyện ở Cửa Hội

Đầu tháng 7, chúng tôi đến bãi tắm Cửa Hội lúc bóng chiều chạng vạng, khách đổ xô xuống khiến bãi tắm chật như nêm. Bỗng phía chân sóng đột ngột phát ra tiếng kêu cứu: “Có người chết đuối!”.

Hoàng Văn Thiên, nhân viên thuộc Trung tâm Cứu hộ và Phòng chống thiên tai Cửa Lò đang ngồi quan sát trên bờ, nghe tiếng kêu vội phóng ra phía đám đông. Một cụ già đang chìm dưới nước. Đồng nghiệp Hồ Xuân Thu, Mai Anh Nga kịp thời hỗ trợ. Ba nhân viên cứu hộ sục sạo dưới đáy biển, mò mẫm theo từng con sóng. Chưa đầy năm phút sau, nạn nhân được vớt lên.

Người bị đuối nước là cụ Lê Thị Phong, 72 tuổi, trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò. Cụ Phong được vớt lên trong tình trạng toàn thân tím tái, tim ngừng đập, hệ hô hấp tê liệt. Ngay lập tức, nạn nhân đuối nước được ôm lên bờ. Hoàng Văn Thiên đặt cụ xuống đất, thổi ngạt, xoa bóp ngực. Anh Hồ Xuân Thu, Mai Anh Nga hỗ trợ hô hấp nhân tạo, cụ Phong vẫn nằm im.

Thiên cởi áo phao đang mặc, bế phốc cụ già lên vai. Từ mép sóng, anh dốc ngược nạn nhân, đầu hướng xuống đất, nặng nhọc chạy trên bãi cát hướng về phòng y tế. Di chuyển được khoảng 100m, nhân viên cứu hộ thở hắt ra, khuỵu xuống. Anh không còn đủ sức đi tiếp.

Hàng trăm khách du lịch vây quanh khiến công tác cứu chữa càng khó khăn. Anh Thiên đặt cụ Lê Thị Phong trên cát, hà hơi tiếp sức. Thêm mười phút nữa trôi qua, nạn nhân vẫn bất động. “Còn nước, còn tát!”, anh Hồ Xuân Thu động viên. Thiên lại cúi xuống thuần thục thực hiện những động tác sơ cứu. Và cụ Phong thở hắt ra, tỉnh lại.

Năm năm bám biển, mô hình cứu hộ tại Cửa Lò dần dần kiện toàn, trở thành đội cứu hộ mạnh nhất nước. Toàn đội có 59 nhân viên, chủ yếu là hợp đồng thời vụ với ngư dân bản địa. Lính cứu hộ được tuyển chọn theo tiêu chí là những thanh niên khỏe mạnh, bơi lặn giỏi, có lòng thương người, xả thân vì nghĩa. Mức lương của lính cứu hộ từ 2 đến 2,9 triệu đồng/người/tháng. Với họ thế là đủ yên tâm.

Một số khuyến cáo khi đi tắm biển, tránh bị đuối nước

Những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp không nên tắm biển quá lâu, trước khi tắm phải vận động cơ thể tránh bị chuột rút.
Những người say rượu bia, bụng đói không nên xuống nước.
Không nên bơi ra xa, không vào vùng nước nguy hiểm (dòng rút, dòng xoáy).
Không tắm vào buổi tối hoặc trưa hè nắng gắt, dễ bị trúng gió, cảm.
Không nên đi tắm một mình.
Nên sử dụng phao, hoặc mặc áo phao cứu sinh.
Khách tắm thành từng nhóm, nên chú ý quan sát lẫn nhau.

Còn nữa

MỚI - NÓNG