Cưu mang người mất trí nhớ suốt 42 năm

Cưu mang người mất trí nhớ suốt 42 năm
TP - Có một người lặng lẽ cưu mang, chăm sóc một phụ nữ không quen biết mất hết trí nhớ suốt bốn mươi hai năm ròng. Người phụ nữ ấy là mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Nhã. Người nuôi dưỡng mẹ là bà Nguyễn Thị Giản ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng.

Một đêm mùa đông năm 1964, rét cắt da, cắt thịt. Các bác sỹ ở Bệnh viện Hải Phòng tiếp nhận một ca cấp cứu. Bệnh nhân là một người đàn bà có bộ quần áo vải diềm bâu nhàu nát vừa đói, vừa rét, nằm ngất ở gầm cầu Hạ Lý được mấy người tốt bụng đưa vào viện. Khi ấy Nguyễn Thị Giản còn là một cô gái chưa đầy hai mươi tuổi đang chăm sóc bố tại bệnh viện.

Suốt một tuần lễ trôi qua, người đàn bà đói rét hôm nào đã đỡ hơn nhưng tuyệt nhiên không nói không rằng. Cũng không thấy có ai đến thăm hỏi. Các bác sỹ bảo, người đàn bà này không có giấy tờ tùy thân. Hỏi quê quán, gia cảnh, con cái, bà chỉ lắc đầu, xua tay và khóc. Theo kết luận của bác sỹ: bà bị bệnh mất trí nhớ, nguyên nhân có thể do bị một cú sốc, khủng hoảng về tinh thần quá mạnh nên thần kinh bị tổn thương nặng.

Trước tình cảnh ấy, cả phòng ai cũng chạnh lòng, xót thương cho bà. Nhiều người đã giúp bà từ manh quần, tấm áo đến mảnh chăn, mê chiếu. Riêng chuyện ăn uống,  cô gái tên Giản chăm lo cho bà. Sau một tháng, bố cô ra viện. Người phụ nữ sa cơ lỡ bước kia sức khỏe cũng khá lên nhiều.

Bà Giản kể: “Tôi đưa bố tôi về nhưng cứ nghĩ về cụ, đêm cứ trằn trọc không sao ngủ được, và tôi có bàn với bố tôi: “Hay mình hãy đón cụ về nhà ở, tới khi bà nhớ được quê quán sẽ báo cho con cháu tới đón”. Ý kiến của tôi được bố và cả gia đình chấp nhận, thế là tôi lập tức quay lại bệnh viện xin với y bác sỹ được đón bà về gia đình. Trong lúc giặt quần áo cho bà, tôi thấy có một mảnh giấy đã nhàu nát. Trên đó có mấy chữ cũng rất mờ, luận mãi mới ra đó là chữ: Vũ Thị Nhã”.

Bệnh tình của bố Giản ngày càng trầm trọng hơn. Khoảng một tháng kể từ khi ở bệnh viện về nhà thì bố cô mất. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông trăng trối rằng: “Con hãy sống cho tốt, biết yêu thương mọi người. Hoàn cảnh bà Nhã rất khổ, con cứ để bà ở gia đình ta. Con hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để lắng nghe và chia sẻ”.

Một năm sau, Nguyễn Thị Giản vào TNXP, ở Binh trạm 12 - Đoàn 559, là chính trị viên đại đội nhưng cô vẫn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Những ngày tháng Giản ra trận, bà Nhã vẫn tiếp tục sống với gia đình, với những người thân của cô ở quê nhà Vĩnh Bảo. Năm 1971, sau khi bị thương, Giản trở về làm cán bộ Đoàn ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng, đón bà Nhã ra thành phố ở cùng.

Trước khi nhận lời lấy anh Trịnh Phú Hải - một nhà giáo, cựu chiến binh, cô tâm sự với anh : “Em từ nhỏ đã không được nhìn thấy mẹ nhưng bây giờ em lại có hai người mẹ, một là mẹ kế, hai là mẹ nuôi của em là bà Vũ Thị Nhã. Nếu anh thông cảm với hoàn cảnh của em thì chúng ta mới đến được với nhau”. Và khi kết hôn, sống ở căn nhà cấp bốn ở khu tập thể Lâm Tường, hai vợ chồng không chỉ nuôi hai người già mà có tới bốn cụ. Đó là bố mẹ chồng bà Giản và hai người mẹ của bà.

Những ngày tháng khó khăn nhất của thời bao cấp đã đè nặng lên vai mọi người nỗi lo miếng cơm manh áo. Nhưng cả bốn cụ già, rồi sau đó là hai con nhỏ lần lượt ra đời đều vẫn được chăm lo chu đáo. Bà Giản chẳng bao giờ mua một mảnh vải, một tấm áo mà lúc nào cũng dành dụm, chắt chiu để mua bốn tấm áo, bốn mảnh vải một lần, để làm sao “mỗi cụ đều có phần”.  

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi. Đã qua bốn tháng, rồi qua bốn năm, và đến nay đã hơn bốn mươi năm, cụ Nhã vẫn không nhớ được điều gì về quá khứ. Tuổi cao sức yếu, bố mẹ chồng và mẹ kế của bà Giản lần lượt ra đi, cụ Nhã vẫn sống dưới mái nhà đầy ắp yêu thương của vợ chồng bà Giản. Sáng sáng người ta vẫn thấy ông Hải xách cặp lồng đi mua bún mua phở, bánh cuốn về cho mẹ Nhã. Cụ Nhã nghiện trầu cau, nên dù ở chỗ nào ông Hải cũng mua cây trầu về trồng cho mẹ. Lúc khỏe, cụ nhặt giúp mớ rau, quét đỡ nhà, bếp; khi mệt mỏi, đau ốm cụ được cả nhà chăm sóc phụng dưỡng… 

Cụ Nhã không nhớ chuyện xưa cũ, không biết vì sao mình lại lưu lạc xuống Hải Phòng nhưng lại là người rất nhạy cảm. Ai đó nói đến chuyện chia ly, đến con cái mồ côi, đến sa cơ lỡ bước lưu lạc là cụ lại buồn tủi, lại khóc. Vì thế, không chỉ những người trong gia đình được quán triệt, mà kể cả khách khứa đến nhà cũng được dặn dò kỹ lưỡng rằng không nên kể những câu chuyện làm cụ chạnh lòng, tủi thân.

Hơn bốn chục năm qua, bà Giản chẳng nói với ai về chuyện nuôi cụ Nhã. Vì thế, nhiều người ở khu tập thể Lâm Tường, rồi sau này là hàng xóm ở đường Phạm Tử Nghi vẫn đinh ninh cụ Nhã là mẹ đẻ của bà Giản.

“Không được nghe, dù chỉ một lần về câu chuyện, hoàn cảnh, gia đình của mẹ nhưng tôi vẫn luôn tôn kính mẹ. Ánh nhìn của bà luôn toát lên một vẻ nhân hậu nhưng ẩn hiện nét u buồn. Tôi và chồng con càng quý trọng và coi mẹ như chính mẹ đã sinh ra tôi. Vì lúc nhớ lúc quên nên nhiều khi cụ đi vệ sinh cũng không nhớ!”.  Có lần cụ phải nằm viện hai mươi lăm ngày vì bị thiên đầu thống, tưởng mù cả hai mắt. Cả hai lăm ngày, bà Giản thức trông cụ. Những hôm trái gió trở trời, cụ mỏi mệt, đau yếu bà Giản sang nằm xoa bóp cho cụ. “Khi ấy mẹ tôi chỉ khóc và lần sờ, vuốt ve trên khuôn mặt tôi. Như  thể mẹ tìm kiếm điều gì đó. Tôi chỉ biết ôm chặt mẹ vào lòng những mong an ủi mẹ phần nào. Mấy năm gần đây, có đôi lần cụ Nhã nằm ngủ mơ. Trong cơn mơ, cụ gọi tên ông Mộc, cậu Căn, tên ai đó là Hòa, Thiện, Bảy và lại khóc. Rồi cụ mang máng nhớ ra, hình như mình quê ở Bắc Ninh”, bà Giản kể.

Cuộc hội ngộ kỳ lạ

Cưu mang người mất trí nhớ suốt 42 năm ảnh 1
Cụ Vũ Thị Nhã trong lễ trao tặng danh hiệu mẹ Việt Nam Anh hùng

Bà Giản kể tiếp: “Khi có một cô gái đến nhà nói rằng bà nhà bác rất giống bà của cháu, tôi có linh cảm lời cháu nói là sự thực, nhưng cũng mong việc ấy không phải là thật. Tôi không muốn xa mẹ nhưng cũng mừng cho mẹ.

Mẹ tôi ngày càng có nhiều lần mơ gặp lại thân nhân. Tôi thương mẹ quá mà chẳng biết phải làm sao. Từ năm 2005,  rất nhiều người từ Hà Nam, Phủ Lý, Thái Bình, Nam Định đi tìm thân nhân tới nhà tôi nhưng, khi gặp mẹ, thì đều lắc đầu thất vọng. Đầu năm 2006, một cháu gái chừng hai nhăm tuổi tới nhà tôi và nói: “Cháu nhìn khuôn mặt cụ giống bà cháu lắm. Bác cho phép cháu được chụp cho cụ tấm ảnh để mang về cho bà cháu xem. Biết đâu bà cháu lại tìm được người chị đã thất lạc mấy chục năm nay thì may quá”.

Sau một tuần, cô gái ấy gọi điện đến, nói với bà Giản: “Đúng là bà của cháu rồi, bác ạ”. Cô gái ấy kể cho bà rằng, cụ già đang ở với bà, mà bà vẫn gọi bằng mẹ, đã có chồng và một con trai. Loạn lạc, ông bà lạc nhau, nhiều năm đi tìm mà không thấy. Bà Giản lặng người đi.

Rồi các cháu ở Bắc Ninh, Bắc Giang xuống nhà tôi nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa đồng ý để các cháu đón cụ. Và rồi như một định mệnh, cái gì đến ắt phải đến, tôi quyết định lên Bắc Ninh, Bắc Giang để xem mẹ tôi có đúng là có ruột rà như thế không.  Khi tôi gặp cụ Vũ Thị Bẩy, tôi không tin vào mắt mình. Cụ Bẩy với mẹ tôi giống nhau như hai giọt nước. Tôi khóc. Cụ Bẩy ôm chầm lấy tôi: “Con là ân nhân của gia đình ta đó” - Bà Giản kể 

Cưu mang người mất trí nhớ suốt 42 năm ảnh 2
Vợ chồng bà Giản

Qua câu chuyện với cụ Bảy, và con dâu của cụ Nhã, là bà Phạm Thị Nối, bà Giản được biết một chuyện cảm động khác. Cụ Nhã- người mà bà nuôi dưỡng suốt bốn mươi hai năm qua quê ở Ninh Xá - Bắc Ninh có chồng tên Đoàn Văn Mộc, quê ở Hà Nam.

Hoàn cảnh đất nước loạn lạc, mỗi người phiêu dạt một phương. Ông Mộc đưa con đi tìm vợ từ Nam Hà đến Bắc Ninh, lang thang phiêu bạt lên vùng Yên Thế, Chợ Đồn – Thái Nguyên rồi quyết định ở lại lập nghiệp tại thôn Ngò, xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc.

Dân thôn Ngò thấy hoàn cảnh gà trống nuôi con nên nhiều người giúp đỡ, chia sẻ. Không ít người đã làm mai mối để ông đi bước nữa, nhưng ông vẫn lẳng lặng nuôi con một mình. Ông vẫn tin và hy vọng sẽ có ngày tìm thấy vợ. Khi con trai lớn, ông Mộc thường đưa con về với bà Bẩy ở Ninh Xá - Bắc Ninh, là em gái của bà Nhã.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, hai bố con quần quật, lam lũ chắt chiu gây dựng rồi trời cũng chẳng phụ công người. Ông Mộc cũng dựng được gian nhà dù bé nhỏ, đơn sơ. Con trai ông, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Tháng 2/1961, anh Đoàn Văn Nhuận (con trai ông Mộc), khi ấy là một cán bộ tín dụng của ngân hàng, viết đơn bằng máu, xin được vào quân đội để cầm súng bảo vệ tổ quốc, vào binh chủng pháo binh bảo vệ cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa.

Năm 1967, chiến tranh phá hoại miền Bắc bước vào hồi quyết liệt. Trong một trận chiến đấu với máy bay địch, anh - khẩu đội trưởng, cùng đồng đội trúng bom. Cả khẩu đội hy sinh. Tuổi già cộng với sự mất đi người con duy nhất, ông Mộc đâm ngã bệnh và mất năm 1972. Bà Phạm Thị Nối – vợ của liệt sỹ Đoàn Văn Nhuận, con dâu của cụ Nhã năm nay cũng đã ở tuổi 77. Từ khi chồng hy sinh, bà Nối vò võ một mình làm lụng sớm tối để nuôi bốn người con.

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nối nói trong sự xúc động đặc biệt: “Tôi về làm dâu, chẳng được biết mặt mẹ thế nào vì mẹ tôi đã lưu lạc từ lâu rồi. Bây giờ tìm được mẹ, gặp được mẹ là điều chúng tôi không dám mơ tới. Vậy mà gia đình chúng tôi lại có diễm phúc ấy. Không tiền bạc nào có thể mua được lòng nhân ái của người đã cưu mang, nuôi dưỡng mẹ chồng tôi trong suốt thời gian gần nửa thế kỷ. Gia đình chúng tôi mang ơn bà gia đình bà Giản biết nhường nào”.

Từ ngày 3/6/2006, cụ Vũ Thị Nhã được đón về Bắc Giang. Tuy người chồng thân yêu của mình đã không còn, người con trai duy nhất là anh Đoàn Văn Nhuận cũng đã hy sinh, nhưng cụ Nhã vẫn còn được gặp lại nhiều người thân trong gia đình. Đó là cụ Bảy, em gái của cụ Nhã, đó là người con dâu của cụ, bà Phạm Thị Nối, các cháu đích tôn, các chắt và còn có cả 6 đứa…  chít.

Tôi đã đến gia đình bà Nguyễn Thị Nối, đã được thấy bà chăm bữa ăn, lo  giấc ngủ chọ cụ Nhã và được nghe những tiếng mẹ ngọt ngào của bà Nối. Những điều đó làm tôi rưng rưng. Xúc cảm dâng trào nhiều hơn nữa khi  người mẹ của bà Nối, bà Giản được Đảng, Nhà nước phong tăng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Mới đây thôi, hôm 24/7/2009, trong buổi lễ trao tặng danh hiệu cao quý này,  cụ Nhã đứng bên con dâu, với các cháu, chắt và người con nuôi đặc biệt- bà Nguyễn Thị Giản, mắt ai cũng đỏ hoe. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, những giọt của hạnh phúc hội ngộ, của niềm tự hào vinh quang mà không quên những tháng ngày gian khó, cơ hàn, ly biệt…

Trong những phút giây ngập tràn cảm xúc ấy, bất cứ ai đã từng biết câu chuyện của mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Thị Nhã đều rơi nước mắt. Chúng ta tôn vinh mẹ, nhưng cũng không quên người chồng thủy chung của mẹ, đó là cụ Đoàn Văn Mộc; không thể quên tấm gương trung kiên của liệt sỹ Đoàn Văn Nhuận và sự sắt son của bà Phạm Thị Nối.

 Đặc biệt hơn, không thể quên tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương trọn vẹn của gia đình bà Nguyễn Thị Giản- những người đã phụng dưỡng, lo lắng, yêu thương mẹ suốt nửa đời người. Khi ấy, mẹ chưa được phong tặng danh hiệu cao quý mẹ Việt Nam Anh hùng.

MỚI - NÓNG