Cửu vạn “nhí” vùng biên

Cửu vạn “nhí” vùng biên
TP - Sự xuất hiện đường đột của những người lạ, dù đã mượn áo cải trang thành “cửu vạn” chúng tôi cũng không thoát khỏi sự đeo bám của những “chim lợn” lủng lẳng bộ đàm với đôi mắt lạnh và sắc.
Cửu vạn “nhí” vùng biên ảnh 1
Còng lưng gánh hàng qua biên

Khi biết tôi có ý định ra đường mòn Hang Dơi- Thác Ném, anh em trong đội chống buôn lậu huyện Văn Lãng khuyên nên cẩn thận.

Bởi chỉ cần thấy bóng dáng của người lạ, lập tức “chim lợn” báo động, đồng thời đám đầu gấu, bao hàng toàn những “lục lâm thảo khấu” xuất hiện là nguy. Tốt nhất là cất ngay máy ảnh ở nhà, nếu không xác còn chẳng giữ được, nói gì đến máy móc. Họ còn cho biết thêm: Trong đám cửu vạn đến miền biên ải này kiếm sống có khá nhiều trẻ vị thành niên.

Những đứa trẻ sớm đánh mất tuổi thơ

Sự xuất hiện đường đột của những người lạ, dù đã mượn áo cải trang thành “cửu vạn” chúng tôi cũng không thoát khỏi sự đeo bám của những “chim lợn” lủng lẳng bộ đàm với đôi mắt lạnh và sắc.

Chỉ vài mét lại xuất hiện một chặng “thu tiền đường” của người bản địa. Tôi mất ba lần, mỗi lần 2000 đồng/người/lượt. Đám người thu tiền hỏi chúng tôi “lần đầu đến Hang Dơi phải không” và họ tỏ vẻ ngờ vực.

Có thể những người này đồng thời cũng là quân cảnh giới của nhóm “chim lợn” vì sau đó thấy con đường mòn ra biên vắng hẳn…

Chúng tôi đến nhà trưởng thôn Khưa Đa (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu gia cảnh cũng như công việc “cửu vạn” của hai anh em họ Triệu, ông Trưởng thôn dẫn chúng tôi đến nhà Triệu Đức (*) (sinh năm 1991) và Triệu Duy (sinh năm 1993) ở lưng chừng đồi.

Gia đình hai anh em có hoàn cảnh khá éo le. Bố mù chữ, đã vậy thần kinh lại không bình thường. Mẹ của hai anh em chúng đã bị bắt trong vụ vận chuyển 970 ống thuốc gây nghiện, lĩnh án 18 năm tù.

Cách đây 2 năm khi mẹ đi chấp hành án phạt tù, Triệu Đức bỏ học từ đó. Gia đình nghèo, ruộng nương ít nên đời sống khó khăn. Bố thỉnh thoảng phải đi chăn trâu thuê.

Thấy ông Trưởng thôn nên lũ trẻ bớt nghi ngại rồi tiếp chuyện với chúng tôi. Căn nhà ở kiêm bếp rộng chưa đầy 20 m2 chật chội. Thực ra quê hương của anh em họ Triệu này ở Khun Lùng, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, ra nơi ở mới này từ khi mở cửa đường biên.

Mẹ chúng là người khoẻ mạnh gánh hàng rất khoẻ và là một “cửu vạn” được nhiều chủ hàng tin dùng. Một thời gian sau, thay vì cõng những bao hàng lặc lè vất vưởng thì người ta thấy chị ta qua lại biên giới bằng một túi xách nhỏ nhẹ. Người nhà biết chuyện khuyên ngăn không nên vận chuyển “hàng độc” nhưng chị ta không nghe.

Một thời gian ngắn sau, thay vì túp lều tồi tàn, vách được kết bằng những bìa thùng hàng các-tông, gia đình họ Triệu xây được một ngôi nhà.

Điều gì phải đến đã đến, chị ta bị bắt và sa vào vòng lao lý. Gia sản không còn gì, bố lúc khóc, lúc cười, hai anh em Đức, Duy không biết lấy gì để sinh sống. Hàng xóm, láng giềng thương cho cái gì, ăn cái đó. Ai bảo gì cũng làm miễn là kiếm được đồng tiền, bát gạo.

Nhà anh em Đức, Duy chỉ cách Hang Dơi vài trăm mét nên một số chủ hàng người địa phương lôi kéo tham gia đội quân “cửu vạn”. Triệu Đức tâm sự: Mới đây, có cô N nhà ở thành phố Lạng Sơn, một chủ chuyên “đánh hàng” cặp số qua biên gọi làm.

Vì nhà gần biên giới, hai anh em chỉ cần ở nhà, khi nào “đường thông”, hàng mang áp sát bên kia biên giới, anh em Đức được chủ hàng báo thì “lên đường”. Có hôm kiếm được ba, bốn chục ngàn, có hôm về không.

Vác hàng trên biên giới rất nguy hiểm. Đường nhỏ, dốc dựng đứng. Phải hôm trời mưa, con đường như đổ mỡ, trơn trượt ai nấy đều phải rất cẩn thận. Sức khoẻ không bằng người lớn, bàn chân nhỏ liêu xiêu, nhưng anh em Đức dù có ngã đau ướt hết quần áo, nhưng vẫn cố vác hàng.

Cửu vạn “nhí” vùng biên ảnh 2
Lao động từ nhỏ giúp gia đình

Triệu Đức thở dài cho biết: Có những lần bị đội chống buôn lậu chặn bắt, hàng bị tóm, phải lấy tiền “đi chuộc”, coi như hôm đó công toi. Đức nhìn về phía Hang Dơi nói với tôi: “Nhiều lúc vác hàng trên đường biên, đối mặt với nguy hiểm, bọn em không khỏi lo lắng, băn khoăn. Nhất là mỗi khi nghĩ đến hình ảnh mẹ gạt nước mắt ân hận, xót xa khi chia tay gia đình đi tù…”.

Nhỏ tuổi hơn hai anh em họ Triệu ở Khưa Đa, chúng tôi bắt gặp một “cửu vạn nhí” đang vận chuyển hàng ở cửa khẩu Tân Thanh. Đó là Lê Văn, năm nay vừa tròn 12 tuổi, đang học lớp 6A trường THCS Tân Thanh (huyện Văn Lãng- Lạng Sơn). Văn gò lưng đạp xe hổn hển mời tôi về nhà. Cậu vui vẻ cho biết, hôm nay qua “cổng chính” dễ dàng nên đỡ mệt hơn mọi khi.

Là con đầu trong gia đình có hai anh em nên Văn sớm phải kiếm tiền để đỡ đần bố mẹ. Năm 1999, bố mẹ Văn đến bản Nà Lầu, cửa khẩu Tân Thanh làm ăn. Bố hàng ngày lên rừng kiếm củi, mẹ làm công việc tạp vụ, quét dọn vệ sinh tại một nhà hàng ở khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh.

Năm 2004, nhà hàng làm ăn thua lỗ, giải thể nên mẹ cậu thất nghiệp phải bán hàng rong kiếm sống. Lê Văn chỉ vào cái xe kéo rồi tâm sự: Thấy gia đình em nghèo nên nhà hàng cho chiếc xe đạp này.

Hàng ngày, Văn đạp xe qua biên giới lấy những món hàng mẹ dặn ở một chủ quán quen người Trung Quốc bên kia chợ Pò Chài.

Trẻ em ở bản Nà Lầu, Tân Thanh cũng không ít em phải sớm bươn chải với cuộc sống. Trong lớp của Văn có vài em vẫn “tăng bo” mang vác những thùng “bò húc” từ Việt Nam sang Trung Quốc. Mỗi thùng nặng khoảng 8 kg qua biên được trả 2 nghìn tiền công.

Giải phóng cho những “cửu vạn nhí”: Cách nào?

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Hoàng Văn Páo- Bí thư Huyện ủy Văn Lãng cho biết: Hiện nay các xã biên giới được tỉnh, huyện rất  quan tâm đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế- xã hội. Năm nay chương trình 120 CP đang được triển khai ở Tân Mỹ.

Vấn đề giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con là một vấn đề nóng bỏng mà huyện phải chỉ đạo, tìm hướng giải quyết. Văn Lãng đang xúc tiến việc bàn thảo với một doanh nghiệp có uy tín để hợp tác triển khai dự án trồng cây đặc sản tại địa phương, đem lại nguồn lợi từ chính tiềm năng, lợi thế của vùng núi đá.

Ngoài đội quân “cửu vạn nhí” người bản địa, còn có nhiều em độ tuổi từ 12 đến 16 đến từ các tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Bà Đỗ Thị Thanh, trú tại thôn Tư An, xã Tam Đồng, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, gia đình bà kéo nhau lên làm ăn khá đông ở biên giới Lạng Sơn. Trong đó có nhiều em nhỏ đi theo.

Phóng viên Tiền phong đã chứng kiến và “chộp” được nhiều  kiểu ảnh trẻ em trên những chiếc xe ba gác, xe lam rong ruổi khắp miền biên ải…

Dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn song nhưng khát vọng về ngày mai tươi sáng vẫn cháy bỏng trong các em. Triệu Đức vẫn động viên em trai theo học phổ thông. Năm nay, Duy đang học lớp 7 trường THCS Tân Mỹ.

Điều đáng trăn trở là đời sống của người dân ở các xã giáp biên rất khó khăn. Đặc biệt là “điểm nóng” Khưa Đa, toàn thôn có 102 hộ với khoảng 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào người dân tộc. Nhiều hộ nghèo bởi ruộng ít, nương khô cằn, trong năm chỉ trồng được một, hai vụ đỗ tương và ngô. Hiện xã đang phải đối đầu với hạn hán, mất mùa.

Ông Hoàng Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Xã Tân Mỹ được trang bị 4 máy bơm nước từ năm 1999 nhưng chỉ còn 2 cái hoạt động được nên việc cung ứng nước phục vụ nông nghiệp rất khó khăn. Chính vì vậy mà  những người có sức lực đều tham gia vào công việc “cửu vạn” trên biên giới kiếm tiền để mưu sinh và kéo theo các cháu nhỏ.

Trưởng thôn Khưa Đa Vương Văn Hà cho biết mặc dù các cấp chính quyền cùng các đoàn thể tăng cường tuyên truyền cùng dân cam kết không tham gia vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu. Thế nhưng việc thực hiện triệt để là rất khó…

(*): Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

MỚI - NÓNG