Đã 75 năm ngày Dân quốc ấy: Ngông nhưng lành, hiền

TP - Nhiếp ảnh gia Trịnh Tiến chuyên về đề tài lịch sử phố cổ Hà Thành có lần kể cho nghe chuyện hồi ông còn thơ bé có Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) năm 1946 tá túc ở nhà ông, một con phố cổ Hà Thành.

Trịnh Tiến là con trai nhà tư sản Trịnh Đình Kính từng được mệnh danh là Ông hoàng thủy tinh Đông Dương từng hằng tâm hằng sản với cách mạng. Gia đình ông từng hiến nhà hiến vàng cho kháng chiến sau năm 1945 và Tuần lễ vàng. Thời điểm đó gia đình tư sản dân tộc Trịnh Đình Kính đã cưu mang nơi ăn chốn nghỉ, may sắm áo quần cho nhiều ĐBQH lần đầu ra Hà Nội họp QH Khóa I tháng Giêng năm 1946.

Cậu bé Trịnh Tiến được anh em ĐBQH miền trong cưng chiều. Trong số ấy có một anh đen đen vóc người rắn chắc nhanh chóng bắt quen với cậu bé Tiến. Hai anh em thân thiết nhau rất nhanh. Họ dạy nhau vài bài hát. Anh thanh niên người dân tộc Ê Đê ấy có cái tên mà bây giờ nhiếp ảnh gia ở tuổi trên tám mươi còn nhớ Y Ngông! Tên Ngông nhưng anh lành, hiền!

Đã 75 năm ngày Dân quốc ấy: Ngông nhưng lành, hiền ảnh 1 Y Ngông Nie kđăm

Những năm đầu chín mươi, cánh viết miền Trung đưa tôi về Đại học Tây Nguyên. Nhân Đại học Tây Nguyên có sự kiện là người cháu của danh họa Pi-cát-xô đến với Đại học Tây Nguyên và tổ chức phát học bổng khuyến học cho nhà trường. Đó là cả một câu chuyện dài. Cực kỳ ấn tượng là bữa phát học bổng, ông Hiệu trưởng nhà trường người Ê Đê đã dùng thứ tiếng Pháp cực chuẩn để đàm đạo với đoàn khách Tây nên hiệu ứng cuộc tiếp khách khá mỹ mãn. Thầy hiệu trưởng ấy là Y Ngông Nie kđăm, từng là Ủy viên dự khuyết T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk.

Sau sự kiện ấy, cánh báo chí có nán lại với Ban giám hiệu. Lần đầu tôi được anh bạn ở Đại học Tây Nguyên rành rẽ cho nghe, sở dĩ ông Hiệu trưởng có cái tên ấy là do mang họ mẹ Niê Kđăm theo phong tục mẫu hệ của người Ê Đê. Lại được biết thêm, ông có cô con gái tên là Tuyết Hoa Niê kđăm, tiến sĩ kinh tế, giảng viên kinh tế Trường đại học Tây Nguyên.

Như thêm thân gần và dễ chuyện hơn vì ông Hiệu trưởng Y Ngông Nie kđăm đang bộc bạch vì có thời gian dài ông phụ trách Trường Dân tộc Trung ương ở Mễ Trì, Khoa Văn trường Tổng hợp tôi học lại ngay gần đó. Chiều nào chúng tôi lại chả lang thang tản bộ xuyên vào những rặng phi lao um tùm xanh mát rợp cả sân trường dân tộc?

Chuyện cũng chỉ đến đó. Nhiều năm sau tôi không có điều kiện gặp lại vị Hiệu trưởng tính tình dễ mến hiền lành ấy.

Cho đến sau này thường xuyên lui tới chỗ Quốc hội, cánh viết chúng tôi lại được gặp ông! Thời gian ấy ông là thành viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội trước khi là Thứ trưởng Bộ giáo dục.

Có lẽ ông là tầm cỡ già làng trưởng bản của… Quốc hội! Hiếm có một vị nào ở QH liên tục là ĐBQH tới 9 khóa liền! Những lần gặp dẫu là chỗ quen biết nhưng chuyện có lẽ cũng không hết và chả tới, nên sau này qua nhà thơ Văn Công Hùng khi ấy là Chủ tịch Hội Văn nghệ Gia Lai và chị H’linh Niê Kdăm  còn gọi là Linh Nga Niê Kđăm, nhà văn, Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, tôi mới có được cuốn hồi ký của già làng Y Ngông Nie kđăm thì coi như là mới mãn nhãn!

Điều độc đáo là người vợ sau của ông chính là người chắp bút cho cuốn hồi ký mỏng ấy!

Như cái đoạn ông lần đầu ra Bắc họp Quốc hội mùa Xuân năm 1946. Chi tiết đầu tiên ông kể trong hồi ký khiến tôi bừng tỉnh, thú vị vì tự nhiên chắp nối câu chuyện của nhà nhiếp ảnh Trịnh Tiến. Hiểu thêm vì sao ông lại lưu lạc đến con phố cổ Hà thành và ở một trong cái nhà của vị tư sản Trịnh Đình Kính!

Chuyện ông bầu và trúng cử ĐBQH khóa I tóm lược thế này.

Y Ngông Niê Kđăm sinh ngày 13/8/1922 tại buôn Ea Sup, xã Kma Rang Prong, nay thuộc thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, tại Đắk Lắk.

Cuối năm 1945 có lệnh chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội. Công việc rất gấp rút, làm sao phải kịp thực hiện đúng ngày 6/1 cùng cả nước bầu cử.

Bà con các buôn làng vùng xa đa số không biết chữ, chúng tôi phải hướng dẫn bầu bằng cách dùng những hạt đậu, hoặc hạt bắp. Ví dụ bầu cho ông A thì dùng hạt đậu xanh, cho ứng cử viên B thì dùng hạt đậu đỏ...Ở vùng sâu, tôi được trúng cử bằng rất nhiều những hạt như thế!

Tháng 3/1946 tôi được mời ra họp Quốc hội lần đầu tiên. Chúng tôi về tập trung tại Huế cùng các đoàn miền Trung, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh dặn dò rồi đi xe lửa ra Hà Nội.

 Trước khi họp, chúng tôi là những đại biểu các dân tộc ít người ở miền Nam được Bác Hồ mời gặp mặt. Đêm trước ngày hẹn được gặp Bác, mọi người đều náo nức chờ đợi, thao thức trò chuyện suốt đêm. 8h sáng chúng tôi đã có mặt ở Bắc bộ phủ. Đúng 9h sáng Bác Hồ đến. Bác thật giản dị đơn sơ trong bộ quần áo kaki, hơi gầy nhưng mắt sáng như sao. Khi Bác tới, chúng tôi đều đứng dậy chào, nhiều người ứa nước mắt vì xúc động. Bác ân cần:- Các chú có khỏe không ?/- Dạ có ạ- chúng  tôi đồng thanh. Bác hỏi tiếp: - Thực dân Pháp đã tấn công miền Nam, đương đánh lên Tây kỳ, xâm chiếm lại các buôn làng dân tộc, các chú có buồn không ? Có quyết tâm đánh lại chúng không ? Lại đồng thanh: - Dạ có ạ.

Các đại biểu được nói chuyện với lãnh tụ rất cởi mở thân mật. Tôi nói tiếng Kinh chưa rõ, nên nói xen cả tiếng Pháp, tiếng Êđê với Bác: - Thưa Bác, làm thế nào đánh đuổi giặc Pháp? Bác trả lời ngay: - Các chú ra họp Quốc hội, nói với Quốc hội, tỏ rõ quyết tâm trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc miền Nam đoàn kết lại chặt như bó đũa sẽ đủ sức mạnh. Tới lúc đó thực dân Pháp sẽ phải thua chúng ta. Các chú thấy thế có được không nào?

Gặp được Bác Hồ rồi, thỏa mãn rồi. Lời dặn của Bác thấm gan, thấm ruột.

Vào họp Quốc hội, tôi còn nhớ, đại biểu chia ba khối, phân biệt bằng trang phục bên ngoài.

+ Khối nghiên cứu chủ nghĩa Mác đeo cà vạt đỏ rực rỡ.

+ Khối trung lập - không đảng phái, chỉ mặc com-lê.

+ Khối của các đảng phái khác đeo cà vạt xanh tím.

Trên bàn chủ tịch gồm có: Người ngồi giữa là Bác Hồ, người ngồi bên cạnh là Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam ( đại diện Quốc dân Đảng) và cụ Bùi Bằng Đoàn (đại diện các nhân sĩ yêu nước). Tôi vô cùng cảm phục vì Bác Hồ đã tập hợp được các lực lượng đoàn kết lại để đấu tranh. Bác Hồ thật tài giỏi quá.

 Được phép phát biểu, tôi phải dùng cả tiếng Pháp, tiếng Kinh, tiếng Êđê mới diễn giải nổi. Tôi nói: Tôi là người dân tộc Êđê tỉnh Đắk Lắk. Đồng bào dân tộc chúng tôi sau Tổng khởi nghĩa được đổi đời khỏi ách áp bức bóc lột, khỏi cuộc đời nô lệ bị bọn Pháp khinh miệt như con trâu, con bò. Chế độ dân chủ cộng hòa hợp lòng dân nhất. Đồng bào tôi quyết tâm theo đuổi kháng chiến. Không biết ngày nào thắng lợi, nhưng chúng tôi, những con người của Tây Nguyên không sợ khó, không sợ khổ, không sợ chết, đánh giặc đến cùng để bảo vệ độc lập!

MỚI - NÓNG