'Đại tang' tôm hùm

'Đại tang' tôm hùm
TP - Với 2 ngàn tôm thịt, 4 ngàn tôm xanh bị chết, anh Nguyễn Văn Tuấn - người được mệnh danh là “vua tôm hùm” ở Vịnh Hoà, xã Xuân Thịnh (Phú Yên) mất hơn 700 triệu đồng. Nhiều nhà khác cũng mất trắng vụ tôm vì lũ.
'Đại tang' tôm hùm ảnh 1
Anh Tuấn trắng tay sau lũ

Vựa tôm hùm huyện Sông Cầu (Phú Yên) vừa trải qua một tang thương, mất mát lớn nhất từ xưa đến nay. Những con số báo cáo khiến ai nấy cũng phải giật mình, xót xa.

Khi về tận nơi, chứng kiến cảnh người dân bàng hoàng đau xót trong buổi “đại tang” tôm hùm, mới thấy con lũ chẳng từ ai, nó cuốn đi tất cả..., để lại chồng chất khổ đau cho người dân nơi đây.

Bài 1: Vịnh Hòa trắng đồng tôm

Con đường đất đầy ổ voi, ổ gà từ quốc lộ 1D xuống thôn Vịnh Hoà, xã Xuân Thịnh, khiến tôi chốc chốc lại phải dắt bộ xe máy vì sạt lở. Những hố sâu đen ngòm, nước cuồn cuộn chảy xiết, dù rằng, lũ đã rút hơn 2 ngày rồi.

Vịnh Hoà đón tôi bằng một không khí buồn hiu, tang tóc. Buổi trưa nắng gắt, nhưng hình như lãnh đạo xã Xuân Thịnh vẫn không nghỉ, các cán bộ cắm cúi tổng hợp, thống kê thiệt hại sau lũ lụt.

Anh Lâm Duy Dũng - Chủ tịch xã Xuân Thịnh, buồn rầu: “Mất hết rồi, người dân quê tôi sống bằng con tôm, bây giờ lũ nó cuốn trôi. Thật đau xót”.

Ngày định mệnh

Từ đầu cổng làng Vịnh Hoà, hàng trăm lồng tôm hùm đã vứt chỏng chơ bên vệ đường, anh Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng Công an xã, giải thích: “Đồng tôm hùm bị lũ xoá sổ rồi, giờ bà con biết làm chi nữa. Lồng tôm chỉ biết vớt lên, để đó cho vui mắt thôi”.

Anh Lâm Duy Dũng, thảm thiết: “Tình hình bà con giờ thảm thương lắm”.

Tôi gõ cửa từng nhà ở thôn Vịnh Hoà, trưa nắng gắt, không khí buồn thiu, những cái nhìn gần như vô cảm hướng ra song cửa. Ai cũng hiểu, cú sốc vừa rồi là quá lớn.

Mất trọn buổi trưa, cứ đi từng nhà một, cuốn sổ ghi chép của tôi cứ dày lên mãi, chi chít những dòng chữ đau xót. Từ hộ gia đình bà Đỗ Thị Của, Đỗ Minh Trang, Lê Văn Hớt, Trần Văn Thư..., cho đến Trần Văn Hoàng, Lê Văn Lợi... tổng cộng là 115 gia đình ở thôn Vịnh Hoà lâm vào cảnh trắng tay vì tôm hùm chết.

Con số 23 tỷ đồng mà xã Xuân Thịnh thống kê đã là ghê gớm cho một thôn, nhưng có đi về tận nơi, có nghe những tiếng khóc của phụ nữ, người già, trẻ em, có nghe những lời tường thuật về sự mất mát trong tiếng nấc, mới biết nỗi đau còn hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Văn Nô, vừa trở về từ đầm Cù Mông, rầu rĩ: “Gia đình nẫu trắng tay rồi. Giờ cơm chẳng có mà ăn nữa là nuôi tôm”. Anh Nô có đến 1.000 con tôm thịt và 1.000 con tôm xanh bị nước lũ kéo đến cuốn đi.

Anh nói: “Phóng viên cứ tính thử coi, một con tôm hùm thịt bán 400 ngàn đồng (khoảng 600 gam), tôm xanh 150 ngàn, chừng đó tôm của nhà tôi chỉ trong ngày 5/11 đã chết sạch”. Tính sơ sơ, lũ đã cuốn trôi của gia đình anh Nô hơn 600 triệu đồng.

Đại gia thành tay trắng

Đầm Cù Mông nước xanh như tàu lá chuối, tôi lầm lũi đánh bạo thuê một chiếc thuyền, thẳng tiến “vựa” tôm sú lớn nhất miền Trung, nơi chỉ cách đây 3 ngày, xác hàng ngàn con tôm to như cổ chân chất từng đống.

Xe xuống chở tôm đi vứt, nam phụ lão ấu cả làng nhìn theo rớt nước mắt. Gió rít lồng lộng, xô nghiêng từng bóng người đi lại trên vựa tôm hùm, chẳng còn không khí làm việc khẩn trương như thường lệ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - người được mệnh danh là “vua tôm hùm” ở Vịnh Hoà, và cũng là người bị thiệt hại nặng nề nhất, ngồi bệt trong căn lều dập dềnh trên sóng nước, hỏi mãi mới chịu bắt chuyện.

Anh Tuấn ấm ức: “Gần chục năm nuôi tôm hùm, chưa bao giờ chứng kiến sự mất mát lớn như thế này. Trong một đêm, hai ngàn con tôm thịt chết bất đắc kỳ tử vì ngấm nước ngọt. Như trận lũ năm 1999, nước dâng ào ạt thế, nẫu vẫn cứu được hơn nửa số lồng tôm, còn lần này thì bó tay”.

Dáng người đen đúa, thấp đậm, dân xứ biển ăn sóng nói gió, dù đầm tôm hùm của mình vẫn đang hiu hắt nhưng thỉnh thoảng anh vẫn cố gắng cười nói oang oang với tôi. Tiếng cười hoà tan trong sóng nước, nghe đậm vị mặn của biển.

Trước khi lên thuyền ra đầm, chị Lê Thị Hạ - vợ anh Tuấn dặn với theo: “Cả đời anh ấy mải mê theo con tôm, giờ mất trắng, tui sợ ảnh không gượng nổi. Ai ngờ ảnh còn động viên tui, ráng vượt qua”.

Căn nhà nhỏ của anh Tuấn chị Hạ tối om, 2 đứa con nhỏ vẫn ngây thơ vui đùa, không biết tai họa vừa ập xuống đầu gia đình. Anh Tuấn lầm rầm: “Ngày mùng 4, mưa to tôi đã cẩn thận dặn anh em lặn xuống, dìm lồng tôm sâu hơn 2 mét để ăn nước mặn. Vậy mà không hiểu sao đến tối mùng 5, khi xuống kiểm tra, con nào con nấy mềm oặt. Nó chết không kịp ngáp. Không riêng gì tôi, bà con làng Vịnh Hoà ai cũng trở tay không kịp. Cơn lũ này đúng là tai quái”.

Cơn lũ dữ quay cuồng đến tận bây giờ vẫn còn như hiển hiện trong tấm trí anh Tuấn: “Tôm của tôi to hơn cổ chân rồi, sắp bán được, định bán xong, ra giêng cất cái nhà rộng hơn. Ai ngờ.

Hôm lũ, tôi ngồi trong lều ni mà không dám bước ra ngoài, chỉ sai anh em lặn xuống, thấy lồng nào có tôm chết thì vớt lên, đưa vào bờ kẻo ảnh hưởng đến các lồng khác. Tôi ghé mắt nhìn ra, thấy từng con tôm mập ú, trắng xoá mềm oặt mà đau như đứt từng khúc ruột”.

'Đại tang' tôm hùm ảnh 2
Con tôm hùm vừa chết vì nhiễm nước ngọt được thợ lặn vớt lên

Trong làng Vịnh Hoà, mặc dù anh Tuấn không có nhà cao cửa rộng, nhưng “cộng đồng tôm hùm” vẫn liệt anh vào hàng “đại gia”, với thu nhập hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng. Với những con số tiền lãi từ tôm như vậy, anh dư sức làm căn nhà mấy tầng.

“Tôi chưa làm nhà, bởi vốn còn cần phải để nuôi tôm. Nói thật, đớp vào cái thằng tôm hùm ni như đánh bạc với ông trời, lũ lụt, dịch bệnh..., thôi thì đủ cả” - anh Tuấn chán nản.

Với 2 ngàn tôm thịt (tôm sao), 4 ngàn tôm xanh bị chết, anh Tuấn mất hơn 700 triệu đồng. Có bao nhiêu vốn liếng anh đều đổ vào vụ tôm này, không ngờ nay gần như trắng tay.

Giờ đây, anh chỉ còn lại 3 lồng tôm sao dưới đầm Cù Mông, từng con tôm vẫn còn thoi thóp vì nước ngọt chưa rút hết. Chụm tay vớt một ngụm nước, đưa lên miệng nếm thử, anh Tuấn lắc đầu: “Nước vẫn còn lơ lớ, thế này thì nguy hiểm thật. Lũ qua mấy ngày rồi mà đầm nước mặn vẫn còn ngọt như nước sông”.

Tôi cũng làm theo anh, quả thật, với lượng ngọt hoá thế này, tôm hùm chỉ có nước “tẩu hoả nhập ma” mà chết. Sát ngay bên cạnh đầm của anh Tuấn là của người anh trai Nguyễn Văn Thuận và anh rể Lê Văn Na. Dù không thiệt hại nhiều như người em, nhưng cả 2 hộ gia đình này cũng trắng tay vì lũ.

Hôm nay, vì chỉ còn lại 3 lồng tôm nên anh Tuấn cho thợ nghỉ ngơi, chỉ còn lại anh Nguyễn Văn Củ lặn kiểm tra. Trên dập dềnh sóng nước, thỉnh thoảng Củ lại ngoi lên, trong tay là xác tôm hùm mềm oặt, con nào con nấy to bè. Anh Tuấn nói: “25 lồng tôm mất sạch 22 lồng, giờ chỉ còn 3 cũng chờ chết luôn. Hôm lũ, thằng Củ cùng 2 đứa nữa phải lặn 2 ngày liền mới vớt hết xác tôm. Bây giờ tôm vẫn còn chết vì nước ngọt chưa rút hết. Tôi phải cho dìm lồng xuống sâu hơn cho tôm ăn nước mặn nhưng cũng không ăn thua”.

Trời bắt đầu nổi gió, căn lều nổi trên mặt đầm nghiêng ngả, anh Tuấn dặn với theo khi tôi lên thuyền vào đất liền: “Đi cẩn thận, nước sâu cả chục mét, ngã xuống loạng quạng là mất xác đấy. Hôm nào ghé Sông Cầu, lại ra đây với anh, nhớ cầm theo chai rượu, sông nước hữu tình, vừa uống vừa hát thì sướng lắm”.

Dứt lời, anh ca luôn đoạn cải lương Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà. Thuyền đã rời xa đầm tôm, giọng anh vẫn len trong gió, còn tôi, thấy đầu lưỡi tê tê vì vị lợ của nước.

Phải! Nước biển không mặn mà lại ngọt, chính cái vị ngọt đã đẩy anh Tuấn và hàng trăm gia đình khác vào cảnh trắng tay, nợ nần.  

Tôi lại đi qua con đường gập ghềnh để đến với làng Hoà Lợi, từng con số thống kê của xã Xuân Thịnh nhảy múa trong đầu: Tổng số thiệt hại ở xã Xuân Thịnh hơn 40 tỷ đồng, riêng về tôm chiếm đến 33 tỷ, làng Vịnh Hoà bị nặng nhất mất 23 tỷ đồng.

Giúp tôi đẩy xe qua vùng lõm nước xoáy, anh Lâm Duy Dũng hấp háy: “Nhớ viết cho anh với Cường ơi, viết để cấp trên biết mà cứu dân, không thì nguy lắm. Bây giờ người dân ai cũng nợ ngân hàng cả. Không biết họ lấy chi mà trả”.

Lòng chợt nặng trĩu.

Bài 2: Hòa Lợi - Cả làng cùng khóc

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.