Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội

Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội
TP - Như đã kể ở phần trước, kết quả của thiên tình sử lãng mạn giữa Văn Hải Thanh và Phạm Thị Duyên đã sinh cho đời một danh tướng huyền thoại: Nguyên soái Hắc y Văn Dĩ Thành.

>> Kỳ trước

Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội ảnh 1
Bản chữ Hán “Tứ vọng giang sơn” của Văn Dĩ Thành

Nguyên soái Hắc y Văn Dĩ Thành

Tương truyền rằng, mới 12 tuổi, Văn Dĩ Thành đã bộc lộ rõ tư chất thông minh, học đâu biết đó, thông thạo kinh sử, binh thư, sau sang làng Hạ Lôi mở lớp dạy học; vốn tài ba lại đức độ, nên người theo học rất đông. Ngoài việc dạy chữ, thầy đồ Thành còn cắt nghĩa, giảng giải chỉ dẫn những điều thiện căn theo sở trường tâm lý của trò để đưa họ dần vào các tổ chức với mục đích: chống áp bức, giải phóng con người.

Tiếng lành đồn xa, hàng ngàn người từ vùng Bắc Núi Dõm, núi Đôi Thanh Tước, đến làng Hạ Lôi đều ngợi khen. Có người còn thốt lên “Thầy đồ Thành giỏi lắm, y như người Trời phái xuống hạ giới giúp đời vậy!”.

Ngay từ nhỏ, Văn Dĩ Thành đã kết thân với Lê Ngộ - cũng là bậc tài trí hơn người. Đôi bạn tuy còn trẻ nhưng suốt ngày bàn thảo chuyện thế sự, binh thư và luyện tập võ nghệ. Không chịu nổi sự ngang ngược bạo hành của giặc Minh, Văn Dĩ Thành đã cùng Lê Ngộ phất cờ khởi nghĩa, chiêu mộ binh sĩ.

Vốn đã biết danh tiếng Văn Dĩ Thành, người người kéo đến quy tụ dưới cờ khởi nghĩa của Văn Dĩ Thành – Lê Ngộ rất đông. Một đội quân chính quy được tổ chức kỷ cương nghiêm ngặt; đại bản doanh đóng trên gò cao Đống Đám làng Vân Hội.

Điều đặc biệt là nghĩa quân toàn mặc đồ đen nên còn gọi là đội quân “hắc y”. Cách điều binh khiển tướng cũng có rất nhiều nét độc đáo, bất ngờ khiến cho quân giặc trở tay không kịp, bạt vía kinh hoàng ví dụ như lối đánh lén, nửa đêm, nghĩa quân đột nhập vào đồn giặc với cây xiên dài 4 - 5m nhọn, đầu tẩm thuốc độc cực mạnh, khi gấp lại chỉ còn khoảng 1m, cùng với binh khí khác là những cây nỏ với mũi tên tẩm thuốc độc, bí mật mai phục chờ lúc gần sáng khi những tên địch ra ngoài nhiều thì đánh tỉa. Có khi mang theo cả hỏa pháo nếu thuận tiện thì cho nổ thiêu cháy cả đồn địch.

Hoặc như cách đánh trà trộn ở những phiên chợ đông người; nghĩa quân mặc áo quần như lính nhà Minh rồi bất ngờ tiêu diệt từng tốp lính giặc khiến chúng trở tay không kịp. Còn có lối đánh Thách tặc nghĩa là tìm mọi cách khiêu khích kích động bọn giặc ra khỏi đồn, trại rồi thừa lúc chúng sơ hở, tiêu diệt…

Với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, thanh thế của nghĩa quân “Hắc y” ngày càng khiến cho quân giặc mất ăn, mất ngủ; phạm vi hoạt động của nghĩa quân cũng lan rộng tới các vùng Mê Linh, Quế Dương, Quế Võ, Lương Tài và Văn Dĩ Thành đã được dân chúng tôn vinh là “Đại nguyên soái Hắc y nhất bộ”.

Sau nhiều cuộc tấn công thất bại, giặc Minh bèn cho sứ giả 8 lần đến dụ dỗ bằng chức quyền, tiền bạc đều không thành. Lần cuối cùng, nhân lúc phó tướng Lê Ngộ đưa quân áp thành Đông Đô, giặc lại cho sứ giả đến dưới chiêu bài đàm phán, đồng thời bí mật cho đại quân áp sát vào dinh.

Mặc dù bị động, quân sĩ lại ít hơn nhiều lần, nhưng nghĩa quân đã cùng chủ tướng Văn Dĩ Thành đã anh dũng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Hôm đó là ngày 12/3 âm lịch năm Bính Thân 1416.

Sau này có câu về Ngài rằng: “Sinh Canh, tử Bính cả đời tuổi Thân”. Thương tiếc vị tướng trí dũng song toàn, dân làng đã suy tôn ông làm Thành Hoàng làng Vân Hội nay là xã Tân Hội, Quốc Oai, Hà Tây và lập đền thờ Văn Dĩ Thành tại Miếu Voi Phục (nay đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia).

Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại sau gần 10 năm chiến đấu, song, điều làm cho Đại tướng Văn Tiến Dũng hết sức ngạc nhiên là tư duy quân sự và tư tưởng dân tộc của tiền nhân Văn Dĩ Thành chứa đựng rất nhiều điều mới mẻ, hiện đại.

Tương truyền rằng, sau khi chồng bị sát hại, được tin đứa con trai độc nhất dựng cờ khởi nghĩa, cụ bà Phạm Thị Duyên không hề ngăn cản con mà chỉ dặn dò rằng “Thù nhà, nợ nước không chỉ trả bằng nước mắt hay sức lực. Thắng bạo tàn phải bằng trí tuệ”.

Có lẽ, xuất phát từ lời dạy của mẫu thân, cộng với tố chất bẩm sinh, trong huấn luyện binh sĩ, Văn Dĩ Thành đã chủ trương mở mang trí tuệ, đánh giặc phải đi đôi với học hành và tăng gia, muốn thắng lớn thì học hành càng phải cao, lương thực càng phải nhiều.

Đích thân Văn Dĩ Thành đã soạn ra “Lục điều kim ngọc” để truyền bá cho quân sĩ và dân chúng, đó là:

Nhất túc thảo lương hữu tối đa
Nhị dụng chiến thuật giữ can qua
Tam trừ Minh tặc xâm biên giới
Tứ diện chu toàn mật quốc gia
Ngũ kết đồng tâm đồng thượng hạ
Lục cương nghiêm tĩnh nhất sơn hà

Tạm dịch là:

Một là thóc gạo thật nhiều
Hai dùng chiến thuật lựa theo sức mình
Ba là quyết đuổi giặc Minh
Bốn mặt hiểm mật tình hình kín bưng
Năm là trên dưới một lòng
Sáu nghiêm quân kỷ, quân phong hàng đầu

Rõ ràng “Sáu điều vàng ngọc” nêu trên là tổng hợp các yếu tố tối quan trọng cho bất kỳ một cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc nào. Điều gây bất ngờ hơn nữa là Văn Dĩ Thành đã đề ra “Tứ vọng giang sơn” – Bốn điều ước vọng vì đất nước – mà trong đó chủ đề tư tưởng không thua kém gì một “Bản Tuyên ngôn”: Đất nước độc lập, dân tộc tự do, nhân dân hạnh phúc...

Đến đây thì tôi vô cùng băn khoăn (chắc hẳn bạn đọc cũng vậy) tự hỏi, không hiểu vì sao một nhân vật như Văn Dĩ Thành – có họ tên, gốc tích, năm sinh và ngày tháng năm mất, với những chiến tích và tư tưởng tân tiến như vậy, mà cho đến nay vẫn chưa hề một công trình hay chí ít là một bài nghiên cứu chính thống được đăng tải trên sách hoặc tạp chí, báo chí.

Xin nói thêm rằng, tại “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” “Miếu Voi phục” và Lăng Văn Sơn” vẫn còn lưu giữ được 40 đạo sắc phong của các triều đại Lê – Nguyễn ghi nhận công lao của Văn Dĩ Thành: “Nam thiện thượng đẳng thân” “Nguyên soái Hắc y anh hùng hào kiệt, hữu công tối đại”… sắc phong của vua Quang Trung ca ngợi ông: “Người có tài giúp đời cứu dân, một nhân tướng khoan dung đại độ, thông tuệ, quả đoán, có kiến thức rộng lớn”…

Lại nói thêm rằng, thận trọng hơn, tôi đã hỏi đi hỏi lại một số con cháu của Đại tướng Văn Tiến Dũng:  Liệu có một công trình hoặc một bài viết nào về tiền bối Văn Dĩ Thành mà các vị bỏ sót chăng? Trả lời: - Con cháu dòng họ Hoa – Văn có tới hàng ngàn, hàng vạn. Một chữ về dòng họ, chúng cũng không bỏ qua huống chi là một công trình.

Từ trước tới nay, chỉ duy nhất có Tạp chí Cửa Biển của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng đã dành cho cụ Văn Dĩ Thành hơn hai chục dòng. Cũng đã đôi lần chúng tôi đặt vấn đề với một số người, nhưng vẫn chưa thấy hồi âm gì!?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.