Đánh đổi với nghề 'độc' dưới đáy đại dương

Thợ lặn Bùi Trận giờ trong cảnh tật nguyền không thể đi biển
Thợ lặn Bùi Trận giờ trong cảnh tật nguyền không thể đi biển
TP - “Nghề lặn có thu nhập khá hơn nhưng mấy ai giầu được với nghề đâu. Ngay đến thoát nghèo cũng chẳng bền vững. Thợ lặn mất nhiều hơn được vì chuyện sinh tử mong manh lắm” - thợ lặn Bùi Thượng (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) nói.

 >> Kỳ 1: Nghề 'độc' dưới đáy đại dương

Ở độ tuổi thất thập, kình ngư Bùi Thượng vẫn quắc thước, tráng kiện, giọng nói sang sảng. Dân trong nghề tôn ông lên bậc lão tướng lặn biển với thành tích là người nín lặn (lặn không cần ống thở) sâu nhất Việt Nam năm 1963, ở độ sâu đến 75m.

Thợ lặn Bùi Trận giờ trong cảnh tật nguyền không thể đi biển
Thợ lặn Bùi Trận giờ trong cảnh tật nguyền không thể đi biển . Ảnh: Nguyễn Huy

Hiểm nguy chực chờ

“Ngày trước làm gì có máy nén khí như bây chừ. Muốn theo nghề lặn phải tập nín hơi, rồi quấn chì nhảy xuống biển. Cánh thợ lặn lúc đó đều lặn được chừng 40 - 50m cả. Tay cầm xiên, tay mang vợt cứ thế săn hải sâm, cá mực. Có khi nín lặn đến gần chục phút”- lão ngư kể lại. Mãi đến sau giải phóng, một số chuyên gia Nhật mới sang hỗ trợ phương tiện máy nén khí, dạy kỹ thuật sử dụng ống hơi. Kình ngư Bùi Thượng là một trong số những người tham gia khóa đầu tiên rồi truyền lại cho các thế hệ lặn tiếp theo.

Bao năm rồi, tôi đi biển có giàu lên được đâu. Yêu biển nhưng chỉ đến đời tôi thôi, các con các cháu tôi định hướng cho đi học hết. Biển hào phóng mà đời thợ lặn thì trắc trở lắm. - Thợ lặn Bùi Thượng 

Có máy nén khí, dân huyện đảo càng đổ xô theo nghề lặn. Lý Sơn nổi tiếng với những thợ lặn cừ khôi như rái cá biển khơi, với hơn 1.700 người chuyên lặn nước sâu. Tuy nhiên, “vua lặn” Bùi Thượng không khỏi ái ngại: Trước đây, lặn nín hơi coi bộ nguy hiểm nhưng lại an toàn hơn bây giờ nhiều. Cả năm có mấy người chết hay thương tật gì đâu.

Vậy mà giờ máy móc tốt hơn, nghề thợ lặn lại mất mát nhiều quá. Một phần do máy móc trục trặc, người lặn không nắm rõ kỹ thuật, tăng giảm áp không theo quy trình, chủ quan, một phần do thời tiết khắc nghiệt... Hầu như ai đi lặn cũng đều mắc các bệnh về thần kinh, tê liệt, có người mất mạng ngoài biển khơi.

Hơn 20 năm đi biển, thợ lặn Bùi Trận (40 tuổi, thôn Tây, An Hải) không thể ngờ chuyến ra khơi vào đầu năm 2009 trên tàu QNg 6362TS lại là chuyến đi biển cuối cùng. Đang lặn bắt hải sâm ở độ sâu 60m tại vùng biển Trường Sa, bất ngờ máy hơi bị trục trặc. Anh Trận được kéo vội lên mặt nước.

“Trong tình thế cấp bách, họ phải kéo mình lên gấp, do đó không thể đảm bảo các quy định về giãn cách thời gian. Mình bất tỉnh lúc nào không hay, đến khi tỉnh dậy thì toàn thân hoàn toàn bất động. Chạy chữa mãi mới đỡ dần nhưng giờ đôi chân bị liệt không thể di chuyển bình thường” - anh Trận kể lại.

Nhớ chuyến tàu ra Lý Sơn cách đây mấy năm, chúng tôi chứng kiến cảnh người thân đưa quan tài thợ lặn Phạm Văn Nhật về lại đảo, hương khói nghi ngút. Anh Nhật thiệt mạng trong khi lặn bắt hải sâm.

Hải sâm luôn kích thích sự quyết tâm của những người thợ lặn Lý Sơn
Hải sâm luôn kích thích sự quyết tâm của những người thợ lặn Lý Sơn . Ảnh: Tr.Q

Theo ngư dân Lê Tấn Phát (thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn)- chuyên lặn mò hải sâm, trước kia, quanh đảo lặn xuống khoảng 10 mét là bắt được vô khối. Từ sau năm 1990, hải sâm được xuất khẩu, giá cao, ngư dân ồ ạt đi bắt, thế là cạn kiệt, phải ra xa lặn sâu tới 80 mét mới có. Khi ấy trên tàu được trang bị một bình nén khí lớn gấp năm lần bình bơm hơi xe máy. Bình nén khí bơm hơi xuống, không chỉ có oxy mà có cả khí carbonic cùng nhiều khí độc khác do bình nén sản sinh ra. Có trường hợp đang lặn bị vỡ ống dẫn khí, nước tràn vào khiến người lặn chết ngay dưới biển, như trường hợp anh Nhật.

Nhiều người vẫn nhớ vụ tai nạn của ngư dân Dương Miết (Vĩnh An, Lý Sơn). Tháng 8-2006, khi đang lặn thì đồng hồ báo thiếu khí. Ba người lặn cùng kịp nổi lên, còn anh Miết vì tiếc hải sâm mò thêm ít phút, thế là sau khi nổi lên bị tê liệt cột sống. Tốn kém quá trời tiền chạy chữa, thuốc men. Một năm sau, anh qua đời.

Những mùa đại tang

Đôi mắt lão ngư Nguyễn Xuân Nhạc (65 tuổi, thôn Châu Thuận, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) hấp háy dưới nếp nhăn dày đặc, hướng về phía những ngôi mộ gió hiu hắt dưới nắng chiều: “Tội lắm. Những ngôi mộ không xác này là chứng tích, là nỗi đau mất mát còn mãi với người dân làng chài”. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề biển nhưng lão ngư Nhạc chưa bao giờ chứng kiến cảnh dân chài Gành Cả gặp nhiều tai ương như mấy năm trở lại đây.

Những người thân đi đưa thi thể thợ lặn Phạm Văn Nhật về đảo
Những người thân đi đưa thi thể thợ lặn Phạm Văn Nhật về đảo . Ảnh: Văn Tư

Cách đây ba năm, bác Nguyễn Huệ (anh trai của ngư dân Nguyễn Văn Trung) cùng con trai Nguyễn Văn Ngữ mãi mãi bỏ thân chốn biển khơi, trong cơn bão tháng 4-2008. Cũng trong chuyến tàu tàu QNg 95137 định mệnh đó, đại gia đình bác Huệ còn chịu thêm tang của người em rể Nguyễn Hanh, mất xác tại khu vực đảo Bom Bay khi đang trú tránh bão. Giờ đến lượt em trai Nguyễn Văn Trung, chủ tàu QNg 95904 cùng ngư dân Phạm Cẩm (thôn Châu Thuận) gặp nạn trong cơn bão số 1 (năm 2010).

Ngày đến chịu tang, thắp hương trên bàn thờ những ngư dân xấu số, cả làng chài Gành Cả, ai cũng ái ngại. “Đúng là họa vô đơn chí. Mới đầu năm nay, tàu anh Trung bị mắc cạn, sửa chữa ngốn vài trăm triệu đồng. Giờ coi như mất hết, chỉ còn lại nợ nần. Không biết gia đình anh Trung sẽ nương tựa vào đâu”” - ông Nhạc nói.

Cạnh nhà anh Trung, nén hương thắp trên bàn thờ mới lập của ngư dân Phạm Cẩm vẫn nghi ngút khói. Chị Nguyễn Thị Đào cùng ba đứa con gái ôm nhau, khóc trong đau khổ, tuyệt vọng. Nhà đông con, giờ mất thêm người chồng, chị Đào không thể hình dung tương lai phía trước mình sẽ như thế nào. Những ngày trước, dù bị thương tật do tai biến mạch máu não, anh Cẩm vẫn gắng gượng đi biển kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày.

Ông Tiêu Viết Hội - trưởng thôn Châu Thuận cho hay: Hầu như mùa bão lũ nào làng chài cũng có tang, thậm chí đại tang, do nhiều người thợ lặn trong gia đình cùng bỏ mạng ngoài khơi. Tính đến nay, số người chết của thôn đã gần 50, phần lớn là thợ lặn trẻ.

MỚI - NÓNG