Đảo Chim - Còn, mất?

Đảo Chim - Còn, mất?
Cách đây 7 năm, vào một ngày hè đẹp trời, trên chiếc tàu đánh cá 33 mã ngựa, bắt đầu từ cửa biển Nhật Lệ, chúng tôi đã làm một chuyến “thám sát” Đảo Chim.
Đảo Chim - Còn, mất? ảnh 1
Một góc đảo chim

Gần 4 giờ chồm trên sóng, chúng tôi ngất ngư đến được đảo. Ngày ấy, đây là một thiên đường của hải âu xám, cứ nghe ngư dân nhắc đến đảo Chim với tất cả sự hoang sơ, kỳ vĩ của nó mà…thèm. 

Khi đến cách Đảo Chim chừng 1 hải  lý đã nghe ầm ĩ, râm ran cả một vùng trời nước tiếng chim. Thuyền càng vào gần đảo, tiếng chim vang át cả tiếng sóng xô vào các ghềnh đá. Những cánh chim hải âu rợp trời che mờ cả một góc đảo.

Đảo rộng chừng 1km vuông. Muốn lên được đảo phải bám chắc vào các tảng đá từ từ nhích chân thận trọng tìm đường. Cây trên đảo chủ yếu là cây bụi và dây leo, đan thành một tấm lưới khổng lồ cách mặt đất chừng 20 phân bảo vệ cho loài chim biển ở đây tồn tại qua năm tháng.

Ngày đó, cứ mỗi bước chân đi trên đảo chúng tôi phải thật nhẹ nhàng đến mức khẽ khàng để tránh dẫm phải trứng chim. Chim hải âu dạn người đến mức chỉ cần đưa tay ra là có thể bắt được. Nếu trong tay có một chiếc vợt cá thì mỗi lần huơ vợt lên là có thể vài chú hải âu nằm gọn trong đó.

Đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về loài chim biển này và khẳng định lượng hải âu xám “định cư lâu dài” ở đây khoảng trên 2 triệu con…Ngày đó, chúng tôi đã lãng mạn nghĩ đến một tiềm năng du lịch mà một trong những mũi nhọn của Quảng Bình đang hướng tới…

Lần này đây, cũng vào một ngày hè đẹp trời. Cũng trên một chiếc thuyền đánh cá, chúng tôi khấp khởi ra đảo. Khấp khởi là bởi vì ngần ấy năm qua chúng tôi muốn tìm lại cái cảm giác vẹn nguyên giữa trời biển mênh mông, một cõi tiên bồng hoang sơ, ngất ngây để may ra vợi bớt đi những vướng bận đời thường.

Thuyền cứ nhích gần đến đảo. Một hải lý, nửa hải lý…Đâu rồi bản đại hợp xướng  tiếng chim, tiếng sóng bể của 7 năm về trước. Đã thưa thớt lắm rồi những cánh chim. Và đâu như những cánh hải âu xám kia (một loài hải âu quý của biển cả) cũng đang thảng thốt khi thấy bóng người…

Thuyền cặp vào chân đảo. Những con hải âu róng rít bay vội lên với những tiếng kêu “khẹc, khẹc” đầy lo âu báo động cho đồng loại.

Chúng tôi cho thuyền lùi xa ra một khoảng cách vừa đủ để tầm nhìn có thể bao quát đảo. Từ điểm nhìn này, có một không gian nhìn về Đảo Chim đủ để có một sự nhìn nhận, đánh giá khách quan…

Ngày đó, chúng tôi cũng neo thuyền ở vị trí này, Vị trí mà những ống kính têlê có thể ôm trọn đảo và đặc tả được những “đám mây” chim. Nhưng giờ đây, những ống kính cứ huơ mãi lên trời và cũng chỉ bắt gặp mươi chú hải âu neo lại giữa một ô kính vuông vô cảm.

Đảo Chim - Còn, mất? ảnh 2
Những kẻ vào đảo nhặt trứng hải âu

Những người bạn đồng hành trong chuyến đi này, trót nghe theo “quảng cáo” của chúng tôi hình như không kiên nhẫn hơn được nữa, họ yêu cầu được lên đảo. Ừ, cả một chuyến đi thì cũng ít ra được đặt chân lên đảo. Được bám tay vào các gờ đá, tận thấy thế nào là tổ, là trứng hải âu… Chúng tôi hoàn toàn thất vọng…

Lang thang suốt cả một cây số trong tiếng chim hải âu chợt gần, chợt xa thảng thốt. Lớp dây leo xanh um ngày nào giờ đã không còn, thay vào đó là những đám cây tàn bị dẫm nát, trên những lối mòn, vàng úa, xác xơ… Không thể tin, một cõi non bồng giữa bao la của đại dương giờ đang gần lắm hình hài phế tích. Ai đã làm cho đảo chim tiêu điều sau chỉ ngần ấy năm?. 

Ông chủ tàu đánh cá có tên là Hồ Sới, nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của chúng tôi,  tỏ ra cảm thông và chia sẻ: Như ri là các chú còn may. May còn thấy được bóng hải âu, chứ năm sau ra e không còn con hải âu mô cả…

Như để chứng minh cho cái sự tiên lượng của ông Hồ Sới, phía bên kia đảo âm âm những tiếng nổ rền. Họ đánh mìn dưới chân đảo. Những cột nước bắn dựng lên tung toé. Những tiếng chim hải âu thảng thốt, những sải cánh chập choạng bay dạt xa ra khỏi đảo.

Tít xa phía tây góc đảo, 3 chiếc thuyền con đang neo lại bên ghềnh đá. Một thuyền thúng, hai thuyền thúng từ từ hạ xuống biển. Trên mỗi thuyền có khoảng 3-4 người nhằm vào hướng đảo. Mỗi người xách 2 chiếc làn to,  nhằm hướng đỉnh đảo leo lên. Họ lầm lũi kiếm tìm một cách cần mẫn và nhẫn nại.

Ông Sới: Họ đi nhặt trứng hải âu đấy. Thuyền tôi ngày nào cũng đánh cá ở đây và ngày nào cũng chứng kiến cảnh này. Sau vài giờ càn quét là họ có thể có  5-7 làn trứng hải âu đầy nhóc mang về tập kết trên thuyền thúng. Bọn tôi đã hơn 10 năm đánh cá ở vùng này và thấy hải âu bây giờ chỉ còn không đến 1/10 ngày trước…

Trên đỉnh đảo, những đám chim hải âu thấy bóng người táo tác bay lên với tiếng kêu rên “khẹc, khẹt” thảm thương. Tốp người nhặt trứng đã lên thuyền rời đảo…

Trứng hải âu xám to như trứng gà so và luộc không bao giờ chín lòng đỏ. Muốn ăn thì chỉ có chiên và tráng lên - Ông Sới bảo vậy. Ngư dân đánh cá chẳng mấy ai lấy trứng hải âu vì ăn nó rất tanh, và thêm nữa tâm linh không cho phép họ đùa với chuyện “chim sa, cá lặn”.

Vậy những ai đang thường ngày đến đảo Chim tận diệt trứng hải âu? Tìm câu trả lời cũng không mấy khó. Người ta kháo nhau về món “bổ âm, kích dương” được ngâm từ trứng hải âu với rượu. Ven QL 1A đã có nhà hàng trưng biển quảng cáo có món đặc sản được chế biến từ trứng hải âu.

Có cung, có cầu và những chiếc thuyền lá có chung điểm đến: Đảo Hải âu (Đảo Chim). Trứng không phải mua được bán với giá trên trời. “Cơ hội vàng” ấy, những người kinh doanh đang ráo riết khai thác.

Hàng ngày, theo cách sơ tính của những ngư dân, có chừng 10-15 lượt người “quần thảo” trên đảo và khi rời đảo họ nhặt chừng 2 làn nhựa. Mỗi làn đựng từ 120-150 quả trứng hải âu,  vị chi mỗi ngày có 2-3 ngàn quả  trứng “hoá thân” thành mồi nhậu.

Chúng tôi bần thần rời đảo. Những tiếng kêu thảm thiết của loài chim biển đã lùi lại phía sau. Một đảo chim đã và đang trở thành phế tích? Đâu như trong “Bản đồ Du lịch “của Quảng Bình,  Đảo Chim (Hòn Gió hay Hòn Ông, theo cách gọi của ngư dân) đã được các nhà hoạch định khuyên bằng một vòng tròn đỏ, trong cái thế “chân vạc” Phong Nha-Đảo Chim-Nước khoáng Bang.

Thế mà, giờ đây, đảo Chim đang đơn độc, cô quạnh, không tự bảo vệ được mình. Một tấm biển nhỏ thôi dưới chân đảo: Điểm du lịch, cấm bắt, nhặt trứng hải âu…Chỉ thế, sao mà khó. Sao cứ thấy vời vợi nghìn trùng…  

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.