“Đấu” với đàn voi dữ

“Đấu” với đàn voi dữ
TP - Qua nhiều tháng ròng thức đêm đuổi voi, vẻ ể oải thể hiện rõ trên từng gương mặt của người dân buôn Bana : “Mệt lắm nhà báo ơi, nhưng không giành ăn với voi thì mình cũng chết đói!”

Buôn Bana heo hút thuộc xã biên giới Ya Jrơi (huyện Ea Súp - Đăk Lăk) chỉ có 60 nóc nhà hợp lại bởi hai làng di cư tự do của người Bana từ Gia Lai sang và người Tày từ Cao Bằng đến.

Dù hai làng đã hợp sức chống chọi với đàn voi rừng gần 40 con, gần 100 hécta hoa màu của họ vẫn bị voi phá nát.

“Đấu” với đàn voi dữ ảnh 1

Voi cướp của người, người hù doạ  voi 

Qua nhiều tháng ròng thức đêm đuổi voi, vẻ ể oải thể hiện rõ trên từng gương mặt của người dân buôn Bana : “Mệt lắm nhà báo ơi, nhưng không giành ăn với voi thì mình cũng chết đói!”.

Y Pek, trưởng buôn Bana kể: Ban đầu, bà con trong buôn rất sợ voi rừng. Vì buôn ngay bên cánh đồng nên những đêm voi kéo nhau về phá hoa màu, mọi người phải nháo nhào dắt díu nhau chạy về tụ tập ở nhà rông đốt lửa thức cho đến sáng. Vụ mùa năm ngoái các ông tượng thoải mái phá phách, người dân chỉ biết đứng nhìn đồng lúa mỗi ngày có thêm vài hécta bị dẫm nát mà đau đớn xót xa.

Giáp hạt vừa rồi hộ nào may mắn thì đủ ăn, còn lại phải sống bằng gạo cứu trợ và củ mài đào trong rừng. Vào đầu vụ năm nay lúa đậu vừa nhú mầm , voi rừng nghe hơi tiếp tục về phá với mật độ dày hơn hẳn năm trước. Chúng “định cư”  ngay bìa rừng , mới chạng vạng tối đã ào ào xông ra . Đám con nít chăn bò có lần leo lên cây cao đếm được đàn voi rừng cả thảy 38 con. Người lớn họp nhau lại bàn bạc và quyết định phải đối đầu với voi.

Đàn ông thanh niên đóng trại ở gần bìa rừng để chặn voi. Họ lập thành 10 tổ, mỗi tổ  5 người, mỗi người được trang bị dụng cụ đuổi voi là 1 cái … đèn pin. Khi thấy voi xuất hiện, họ ngồi trong lán tìm cách dọi đèn pin vào mắt để voi bỏ đi.

Sau nhiều đêm đuổi voi kiểu như thế, diện tích hoa màu bị voi phá có vẻ... tăng lên. Thấy không ổn, các tổ đuổi voi trang bị thêm mỗi người một chiếc can rỗng. Nghe tiếng chân voi thậm thịch gần lán, họ gõ can ầm ĩ đến khi tay mỏi nhừ mới thôi. Sáng ra vẫn thấy lúa đậu bị voi dẫm nát khắp nơi.

“Đấu” với đàn voi dữ ảnh 2
 Dấu chân voi để lại khắp nơi trên cánh đồng lúa bị phá nát

Đàn voi tức giận vì bữa ăn của chúng bị con người quấy rối. Chúng dằn mặt bằng cách đạp đổ 2 chòi canh. May mà hôm đó vì quá mệt mỏi nên người ở hai chòi này nghỉ ở nhà. Đàn voi còn kéo nhau vào làng dẫm nát nền nhà mới đắp của ông Phạm Thế Luân.

Nhà ông Mã Văn Cam cắt lúa sớm chạy voi, lúa đem về chất đống ngoài sân cũng bị voi hất tung toé và dẫm nát bét.

Bà Nguyễn Thị Luyến đang lom khom ngoài vườn bị đàn voi kéo đến huơ vòi lên doạ, bà Luyến mặt mày xanh mét,  vừa khóc vừa chạy khắp làng. Từ đó bà Luyến nhất định không cho người nhà ra lán đuổi voi và gặp ai cũng khuyên con voi to hơn cái nhà, đừng chọc giận nó kẻo nó giẫm nát hết làng này.

Không chịu thua, đám thanh niên liều lĩnh bàn kế sách cuối cùng: Thử hù voi xem chúng có sợ không? Tối đến, lán nào phát hiện ra voi trước cử người lặng lẽ đi báo cho các lán khác. Mọi người tụ tập lại, nhẹ nhàng tiến sát gần đàn voi rồi cùng đồng thanh hét lên thật lớn, đập can đập nồi và huơ đèn pin loạn xạ. Bầy voi giật mình chạy thục mạng.

Bàn về cách giáp lá cà đuổi voi, ông Chu Văn Cuông - Trưởng ban Mặt trận thôn tỏ ra căng thẳng: “Nguy lắm các anh ạ. 50 con người hù 40 con voi. Nhỡ chúng giật mình không chạy vào rừng mà chạy lạc về phía làng này thì khó tránh khỏi nguy cơ nhà cửa bị voi tông sập. Còn nhỡ bọn voi điên tiết quay ngược lại dẫm vào đám người hù nó thì sao?”.

Để tránh voi ập vào làng, mỗi khi ngoài cánh đồng thanh niên chuẩn bị hù voi là già trẻ trong làng cũng mang nồi xoong tụ tập ra ngoài cửa. Nghe tiếng la đồng thanh ngoài đồng, trong làng cũng hò hét gõ xoong nồi inh ỏi để voi không chạy về hướng đó.

Đám voi rừng đã quen mùi cao lương nào có chịu thua. Chúng phân tán thành từng nhóm vài ba con. Nhóm này chạy thì nhóm khác nhởn nhơ đánh chén. Anh Hoàng Bế Viện, phụ trách an ninh và chi đoàn thôn tỏ ra lo lắng: “Thanh niên là lao động chủ chốt, nhưng đêm nào cũng thức đuổi voi, ngày còn sức đâu mà làm . Đã vậy voi cứ tìm mọi cách ăn cướp của người thế này thì có ngày người phải  nghĩ kế giết voi mất”.

Hứa và hứa 

Khi tôi đề cập đến chuyện hỗ trợ của chính quyền, mọi người có mặt ở nhà ông thôn phó thôn Bana đồng loạt thở dài cho biết: Chúng tôi toàn nghe hứa này hứa nọ. Mấy tháng trước có đoàn công tác giới thiệu là ở Bộ về, họ cùng ra lán thức tới khuya với những người đuổi voi.

Họ hứa là sẽ hỗ trợ kinh phí cho những người thức đuổi voi, hứa sẽ xem xét phương án đuổi voi lâu dài, rồi đi. Vài ngày sau có đoàn công tác giới thiệu là ở tỉnh xuống, họ phát cho chúng tôi cuốn sách về luật bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, nói rằng nếu làm chết voi sẽ bị phạt tù nặng, rồi cũng hứa hỗ trợ này kia, xong họ đi.

Tôi gặp cán bộ xã Ya Jrơi, anh ngao ngán nói:

“Nghe bà con báo cáo diện tích bị voi phá tăng liên tục từng ngày, nhiều nhà mất trắng, số hộ bị voi phá hết 60 - 70% sản lượng lương thực cũng nhiều. Xã nghe sốt ruột nhưng phải chờ ý kiến ở trên chứ không biết làm sao.

Xã có mấy cái loa tay công vụ, phát cho bà con dùng đuổi voi nhưng nghe đâu bà con không xài đến vì loa kêu nhỏ hơn người la. Xã trích ngân sách mua đèn pin và mấy chục cặp pin cho bà con nhưng nghe nói họ cũng không xài vì đèn pin họ tự trang bị dùng tốt hơn. Dần dà hình như người dân cũng không muốn báo thiệt hại lên cho xã nghe nữa, vì họ thấy báo hoài cũng không được gì”.

Lúc tôi ra về, anh Hoàng Bế Viện phụ trách chi đoàn thôn nửa đùa nửa thật: “Các cán bộ vô đây trước khi về đều để lại vài lời hứa. Nhà báo cũng hứa gì đi chứ”. Tôi hứa sẽ chuyển 2 nguyện vọng tha thiết nhất của người dân Bana đến các cơ quan chức năng: Một là giúp họ kinh phí để  thuê đàn voi nhà đuổi voi rừng lui vào sâu trong rừng. Hai là hướng dẫn và hỗ trợ cho họ loại cây trồng gì voi không thích ăn. 

Theo người dân buôn Bana, nơi voi rừng về phá hoa màu cách Vườn Quốc gia Yok Đôn khoảng 40km đường chim bay và nhiều khả năng những con voi đói từ vườn mò ra đây. Tại sao khu rừng rộng hàng trăm nghìn hécta lại không dung chứa nổi đàn voi 40 con để chúng phải đi giành ăn với người?

Tiền phong đã nhiều lần đăng các phóng sự về rừng bị tàn phá trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, Bộ NN & PTNT, tỉnh Đăk Lăk đã có công văn chỉ đạo Vườn phải sớm kiểm tra và báo cáo sự việc. Tuy nhiên từ khi Tiền phong lên tiếng  đến nay đã hơn 8 tháng, phía Vườn Quốc gia Yok Đôn vẫn chưa có phản hồi.

MỚI - NÓNG