Dạy chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho trẻ vỡ lòng từ thời Tự Đức

Dạy chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho trẻ vỡ lòng từ thời Tự Đức
TP - Từ năm Tự Đức thứ sáu (1853) đã có sách dạy trẻ em học vỡ lòng, trong đó khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của nước ta - Anh Trần Văn Quyến, giảng viên khoa Xã hội-Nhân văn (ĐH Phú Xuân - Huế), chuyên nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định.

Theo anh Quyến, sách Khải đồng thuyết ước bằng chữ Hán gồm 2 quyển: thượng, hạ do tác giả Phạm Vọng (hiệu Trúc Đường), Ngô Thế Vinh (hiệu Khúc Giang) biên soạn và Dương Đình (1802 - 1856) quê xã Bái Dương, huyện Nam Chân (nay là huyện Nam Trực, Nam Định) nhuận sắc. Tác giả Phạm Vọng, tự Phục Trai, hiệu Kim Giang, người làng Kim Đô, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, đậu Cử nhân năm Thiệu Trị Tân Sửu (1841). Sách in trên ván gỗ, giấy bản thường, gồm 44 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 6 dòng, mỗi dòng 16 chữ, khắc to rõ ràng, viết theo lối văn tứ tự có vần, mỗi câu có 4 chữ, 4 câu hai vần, các thanh bằng, trắc thay đổi nhịp nhàng, nhằm giúp người mới học đọc thuận miệng, dễ học thuộc lòng...

Khải đồng thuyết ước dạy sử Việt Nam, sản vật, các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời); thiên nhiên (thiên văn, địa lý); cách tu dưỡng bản thân, có hình vẽ bản đồ Việt Nam, mặt trời, mặt trăng, thân thể con người, bí quyết về việc xem vận số...

Đặc biệt, trong các trang 15–16 có vẽ Bản quốc địa đồ (Bản đồ nước ta) với phần khẳng định rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên bản đồ ghi vị trí các tỉnh và các ngọn núi lớn, từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long. Sau đó là những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, của từng tỉnh. Phần ngoài biển, đối diện địa phận Thừa Thiên và Quảng Nam trong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ: Hoàng Sa Chử, nghĩa là Bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa.

Khải đồng thuyết ước được khắc nhiều lần qua các triều vua. Vì thế, trong nhiều gia đình và các kho tư liệu vẫn còn cuốn sách này. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện quốc gia đều lưu giữ Khải đồng thuyết ước là sách được sử dụng trong các trường học của nước ta ngay từ đầu đời Tự Đức cũng như sách giáo khoa ngày nay, với ghi chú về quần đảo Hoàng Sa cho thấy ý thức chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được xác nhận vững chắc. Bản quốc địa đồ thêm một chứng cứ về chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn.

Thêm tư liệu mới về chủ quyền “dải Trường Sa”

Mới đây anh Quyến công bố sử liệu Nam Hà tiệp lục (tác giả Lê Đản, 1742 - ?), góp thêm một tư liệu mới về chủ quyền dải Trường Sa (Bãi Cát Vàng) và đội Hoàng Sa. Nam Hà tiệp lục được Lê Đản hoàn thành năm 1811. Đây là bộ sách có giá trị, ghi chép về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Đàng Trong. Sách tuy gọn nhưng có nhiều tài liệu mới. Khi nghiên cứu về Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, từ Gia Long về trước, có thể dùng sách này làm tài liệu tham khảo quý giá cùng với các sách: Ô Châu cận lục của Dương Văn An; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Nam Hà ký văn của Đặng Trọng An; Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức...

Trong đó, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa và Đội Hoàng Sa nằm ở phần Tài Lợi, Sơn xuyên hình thắngPhong vực trong sách bao gồm 3 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 (thuộc quyển 2, phần Tài Lợi) phiên âm Đại Chiêm hải môn, hải trung hữu trường sa, danh Bãi Cát Vàng. Tự Đại Chiêm hải môn chí Trường Sa ước ngũ lục bách lý, khoát tam tứ thập lý, trác lập hải trung Tây Nam phong tắc chư quốc thuyền tao phiêu bạc tại thử. Đông Bắc phong ngoại việt diệc phiêu bạc tại thử, tịnh giai ngạ tử, tài hoá đôi tích. Mỗi niên quý đông tương thuyền thập bát chích tác thủ. Nhất vân tứ nguyệt vãng thất nguyệt hồi. Thử xứ sản đại mạo - (Cửa biển Đại Chiêm, giữa biển có dải Trường Sa gọi là Bãi Cát Vàng. Từ cửa biển Đại Chiêm đến Trường Sa chừng năm sáu trăm dặm, rộng chừng ba bốn mươi dặm, đứng giữa biển. Mùa gió tây nam thì tàu bè các nước phiêu bạt vào đó. Đến mùa gió đông bắc từ ngoài vào cũng phiêu bạt vào đây, đều bị chết đói, của cải được tích tụ ở đây. Hằng năm đến cuối đông 18 chiếc thuyền được đưa ra đây để nhặt lấy những của cải ấy. Có chỗ nói tháng 4 đi tháng 7 về. Nơi đây cũng sản sinh nhiều đồi mồi).

Giảng viên Trần Văn Quyến Ảnh: Nguyễn Huy
Giảng viên Trần Văn Quyến Ảnh: Nguyễn Huy .

Tại đoạn 2, quyển 3, phần Sơn xuyên hình thể ghi rõ: Đại Chiêm hải môn, hải trung hữu Trường Sa Châu, danh bãi Cát Vàng. Tự Chiêm môn chí Sa châu ước ngũ lục bách lý, khoát tam tứ thập lý, trác lập hải trung - (Cửa Đại Chiêm, giữa biển có cồn nổi Trường Sa, tên là Bãi Cát Vàng. Từ cửa Đại Chiêm đến Sa Châu (Hoàng Sa) ước chừng năm sáu trăm dặm. Sa Châu rộng chừng ba bốn mươi dặm, nổi lên giữa biển...).

Trong lời bạt, tác giả Lê Đản viết: “Nghe thấy nói trong cùng quận (tỉnh) tôi, các nhà họ Lê [tức Lê Quý Đôn (1726-1784)] ở Diên Hà, họ Uông [tức Uông Sĩ Lãng (1733 - 1802)] ở Vũ Nghị, nhà thì đời trước có sách Phủ biên tạp lục, nhà thì có sách Nam hành tiểu ký, tôi cũng chưa kịp hỏi mượn mà xem”, tức là tác giả không được tham khảo các sách có viết về Hoàng Sa trước đó. Tuy nhiên khi đọc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay phần Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đều thấy có những khảo tả tương tự về Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa như trong Nam Hà tiệp lục. Các sách trên tuy không tham khảo nhau nhưng những ghi chép về Hoàng Sa và đội Hoàng Sa là tương đối thống nhất, cho thấy những hiểu biết về Hoàng Sa đến cuối thế kỷ XVIII đã rất phổ biến.

Rõ ràng, cùng với các sử liệu trước đó của Việt Nam và cả Trung Quốc, như: Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư (của Đỗ Bá, 1687), Hải Ngoại kỷ sự (hòa thượng Thích Đại Sán, Triết Giang - Trung Quốc, 1696), Phủ biên tạp lục (1776)..., Nam Hà tiệp lục góp thêm tư liệu mới về hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và đội Hoàng Sa.

Phát hiện sách giáo khoa có Hoàng Sa Chử như Khải đồng thuyết ước thì đây là công trình nghiên cứu đầu tiên và mới nhất. Cho thấy ý thức chủ quyền biển đảo luôn được giáo dục, phát huy từ trước đến nay - TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT-XH TP Đà Nẵng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.