Đêm vạn đò sông Hương

Đêm vạn đò sông Hương
TP - Trời đổ mưa tầm tã, cơn mưa như muốn cuốn phăng đi tất cả những gì trên xóm vạn đò dột nát, tiêu điều. Những con xuồng tròng trành theo dòng nước xiết.

Mưa xuống, cũng là quãng thời gian mà dân vạn đò bắt đầu cho một đêm mưu sinh nhọc nhằn gian khó.   

Anh Lê Văn Nam ở phường Phú Hiệp cùng vợ và hai con bắt đầu chèo xuồng xuôi về dòng sông Hương buông lưới.

Gió rít lên từng cơn ớn lạnh, bốn người ngồi trên chiếc xuồng rung lên cầm cập.

Chiếc áo mưa rách tan tành không đủ để che hết thân người. Thấy chúng tôi anh lại cúi mặt đi  tiếp tục công việc. Sau gần một tiếng đồng hồ quần quật trên dòng sông Hương, anh cho xuồng ghé vào bờ để bắt lấy những con cá mắc lưới:

“Lạnh lắm các con ạ! Hôm nay mưa to, dòng sông nước lại chảy xiết nữa. Đi bắt cá giữa đêm hôm mưa to gió lớn như thế này chết lúc nào không hay. Nhưng không đi làm thì ngày mai lấy tiền đâu để mua gạo cho vợ con ăn”.

Anh nhặt nhạnh những con cá, con tôm, trong lúc mưa vẫn còn chưa tạnh. Tôi vào thuyền mệ Trần Thị Bông, năm nay bước vào tuổi 83. Cũng với chừng ấy thời gian, mệ sống trên con đò của mình.

Mệ thở dài: “Ông nhà tui chết năm năm rồi chú nờ, tui có tám đứa con, đứa mô cũng phải lăn lộn theo kiếp vạn đò, đứa đi làm cát trên sông, đứa thả lưới bắt cá... nỏ đứa mô có một túp lều trên bờ cả. Tui ở với con Loan (con gái).

Ngày hắn đi làm thuê được vài chục nghìn nuôi cả nhà. Tui nhờ hắn những ngày cuối đời. Chỉ sợ khi chết lại không có tiền mua đất chôn. Nghe người ta nói trên bờ giừ một cái lỗ chôn cũng mấy triệu...?”.    

Ngược qua cầu Da Hội, vượt qua dòng sông hương đi về đường Chi Lăng (Huế) khoảng bốn cây số. Chúng tôi lại bắt gặp một nhóm thanh niên trai tráng của xóm chài đang ngụp lặn dưới dòng sông.

Cứ một phút thì thấy một người lặn xuống tận đáy sông để mò mẫm những khúc gỗ trôi dạt về đây. Bên cạnh là một chiếc xuồng dùng để bỏ những thứ gì vớt được trên dòng sông.

Anh Nguyễn Văn Hùng ở phường Phú Hiệp cho biết: “Mưa to thế này mấy chú ra đây làm chi rứa. Mùa lũ năm trước có hai người chết ở con sông này khi ra sông vớt gỗ đó. Khi nào mưa to, lũ lớn, gỗ ở thượng nguồn mới trôi dạt về đây nhiều. Chúng tôi tranh thủ những ngày ấy để kiếm ăn.

Mưa tạnh hẳn, đường phố trở nên vắng lặng. Vậy mà dọc bên hai bờ sông Hương, những ánh đèn trên những chiếc xuồng bé xíu bắt đầu kéo ra sông nườm nượp. Xóm vạn đò trở nên nhộn nhịp, đêm mưu sinh vẫn chưa hết ,mặc dù đồng hồ điểm một giờ khuya.

Trên những chiếc xuồng ấy, không chỉ có thanh niên mà còn có cả phụ nữ mang bầu, trẻ em tuổi còn non choẹt. Trong những đứa trẻ vạn đò ấy, tôi bắt gặp Lâm.

Năm nay Lâm mới 13 tuổi, đã bỏ học từ năm lớp 3. Gia đình Lâm có 9 người con. Lâm cho biết: “ Đêm nào em cũng phải thức khuya như thế này để bắt chim, bắt rắn, bẫy chuột.

Đêm, đứng trên cầu Gia Hội, tôi bắt gặp ở đâu cũng lung linh bóng đèn màu của khách sạn, nhà hàng, quán bar sang trọng. Nhìn xuống chân cầu, tôi vẫn thấy một mảng tối của hàng vạn dân vạn đò đi ngủ sớm.         

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.