Đến Mỹ

Đến Mỹ
TP - Ngồi trong ngày mưa New York, nhìn ra màn mưa từ một căn nhà gỗ, rất nhớ mưa ở Quảng Ngãi. Bang New York thì rộng và thuộc miền Trung Đại Tây Dương, còn thành phố New York thì như mũi nhọn của bang nhoài ra biển cùng những dòng sông.

Bám xung quanh thành phố với những rặng cao ốc chọc trời là chi chít những vịnh nhỏ như những ngón tay của biển vuốt ve đất liền. Thành phố được hợp tụ bởi ba cù lao nơi cửa sông. Một cù lao nhỏ làm thành quận Manhattan sầm uất và sôi động bậc nhất thế giới.

Cù lao nhỏ khác là quận Staten Island. Còn cù lao lớn thì gói bọc các quận Brooklyn, Queens, Nassan, Suffolk. Quận Bronx thì lại là đầu mỏm của Westchester đấu vào. Một thành phố độc đáo khởi từ sông, biển và cù lao bên Đại Tây Dương.

Sau thượng thư Bùi Viện ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vào cuối năm 1912, có một thanh niên Việt Nam đã đến Mỹ trong hành trình đi tìm đường cứu nước. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ở New York và ngày 15/12/1912, trong khu Harlem, Người đã viết thư cho khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm địa chỉ cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc để gửi từ Mỹ cho ông số tiền hàng tháng. Ngày ấy, Người đã đi làm việc ở Brooklyn với lương tháng 40 USD. Năm Người đến Mỹ là năm phong trào Tiến Bộ đang phát triển ở nhiều nơi trong đó có New York.

Mưa ở New York suốt một ngày dài, rồi cũng đến lúc tạnh. Chúng tôi vui vẻ bước vào đêm New York. Điều đầu tiên ở bến xe điện ngầm là mua vé ở bốt bán vé tự động. Nếu tiền xu thì bỏ vào một khe, còn tiền giấy thì bỏ vào một khe khác. Nạp đủ 2 USD, bốt sẽ nhả ra một chiếc vé đi một lần. Còn nếu anh muốn đi cả ngày không tính thời gian và quãng đường thì hãy nạp vào 7 USD.

Lấy được vé rồi nhưng khi quẹt vé vào khe từ để cửa mở cũng không dễ. Những người lần đầu đến Mỹ như chúng tôi đúng là kẻ lớ ngớ trước cánh cửa này dù đã từng đi xe điện ngầm ở nhiều nước châu Âu. Quẹt mấy lần, cửa vẫn không mở. Có người thì được một thiếu nữ Mỹ quẹt hộ. Có người thì kiên nhẫn quẹt mấy lần. Rồi cửa cũng mở ra.

New York ồn ã, đông nghẹt hơi người tứ phương nhưng không chỉ có những tòa cao chọc trời mà còn có những cánh rừng như lá phổi xanh của thành phố. Ở Manhattan cũng có một công viên như thế gọi là công viên trung tâm (Central Park) và một công viên nhỏ hơn gọi là công viên Highbridge Park ở giữa hai công viên này là khu Harlem. 

Chữ Harlem vốn là tên con sông nhỏ ở New York chảy ra sông Hudson lớn lao. Nhưng vì khi xưa nó là phố của những căn nhà ổ chuột của người da đen nên chữ Harlem mỗi khi được nhắc đến là ta có cảm giác hiện ra nhày nhụa bùn lầy. Khu Harlem hôm nay không còn như thế nữa khi những người da đen ở New York càng ngày càng tìm được chỗ đứng tốt trong xã hội. Đã khác xa thời G. Lorca đến New York và viết bài thơ “Ông vua Harlem”.

Nhưng G. Lorca vẫn rất đúng khi gọi New York là “thành phố không ngủ”. Chính “thành phố không ngủ” này là quê hương của Walt Whitman. Bài thơ dài “Ra đi từ Paumanok” là bài thơ làm về quê hương Long Island của ông mà người da đỏ thường gọi là Paumanok.

Càng đi trong đêm New York, càng có cảm giác đi giữa những câu thơ của Walt Whitman và G. Lorca. Và xa lắc phía cầu Brooklyn cổ kính, khi G. Lorca vừa khuất đi, lại thấy Maya Kobsky xuất hiện với những câu thơ bậc thang rất hợp với nhịp lên xuống của những tòa cao. Họ những thi sĩ lớn của thế giới loài người đã từng đến đến đây hoặc sinh ở đây, để viết ra những câu thơ New York bất diệt.

New York đêm như không có đêm. Đây là một ban ngày trong ánh nắng của đèn chiếu sáng. Trong ánh sáng này, chúng ta nhìn thấy tất cả những gì bên ngoài và bên trong New York đều hiện diện. Ở New York, mọi khát vọng đều được tự do thực hiện. Bên cửa những tòa cao chọc trời là những thân phận bé nhỏ nằm thu mình trong bóng đêm với tấm thân được đắp bằng những tấm bìa xé từ các hộp đựng hàng. Chẳng có nơi nào trên trái đất này là hết những cảnh tương phản như thế nào.

Đi xuyên đêm New York là gặp bình minh. Nếu G. Lorca đã từng viết về đêm New York: “Không ai ngủ trên trời. Không ai. Không ai ngủ…” thì cũng có những câu thơ sương mờ về bình minh New York: “Rạng đông New York rỉ rên – trong những thang gác mênh mông – và đi tìm những góc nhọn – nỗi khắc khoải họa hình cỏ hoa…”. Nhờ có ban ngày mà đến được công viên  Battery để chiêm ngưỡng tượng Nữ Thần Tự Do từ xa và nhẩm đọc những câu thơ Hoàng Hưng: “Trăm con tàu lượn đến chào nàng nhưng không đến gần nàng được – Tự Do! Tự Do! Một đời khao khát phút này nàng vẫn cách xa”.

Đến New York làm sao mà bỏ qua được Thị trường chứng khoán và Phố Wall của các công ty tài chính khổng lồ trước tượng bò vàng may rủi. Từ quả cầu bẹp dí trước cửa tòa tháp đôi được đưa về công viên Battery làm góc tưởng niệm với ngọn lửa leo lét cháy không ngừng đến nhìn hẳn hố sâu nơi đã từng mọc lên tòa tháp đôi kiêu hùng ngất trời. Từ lỗ thủng của Bức tường Berlin 9/11/1989 đến hố sâu tháp đôi 11/9/2001, nhân loại bước vào thế giới phẳng với đầy toan tính mới, khát vọng mới.

Tương lai đã nạp thuế cho quá khứ không phải là ít. Từ ngày New York, chúng tôi lại đi sang đêm qua một hoàng hôn âm nhạc Mozart bảng lảng ở công viên Washington với những gương mặt đắm chìm giai điệu như thiên thần.

Đến Mỹ ảnh 1
New York không đêm  Ảnh: N.T.K

Khi tôi đến New York, thì triển lãm sắp đặt của nhà thơ – họa sĩ Ly Hoàng Ly (trưởng nữ của nhà thơ Hoàng Hưng) tại đây vừa khép lại. Ly là một trong không nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam có triển lãm ở cường quốc này. Nhưng đấy là chuyện hôm nay. Còn quá khứ… chúng tôi chầm chậm bước vào Bảo tàng Metropolitan.

Ở Bảo tàng này, từ cái cách thu tiền rất linh động đã cho thấy chủ trương cần người đến chiêm ngưỡng hơn là kinh doanh. Bởi vậy, ở phiếu thu tiền ghi thuế (tax) là 0.00 USD. Không đánh thuế cho cuộc chiêm ngưỡng văn hóa thế giới đồ sộ này. Tiền thu vào cửa để được tặng một vật kỷ niệm nhỏ giống như huy hiệu chỉ là tiền tượng trưng.

Thông thường, để xem kỹ và xem hết cả Bảo tàng rộng mênh mang này, người xem phải bỏ thời gian từ bình minh đến cuối hoàng hôn. Như vậy tiền vào cửa là 25 USD. Nhưng khi chúng tôi đến thì Bảo tàng chỉ còn hơn hai tiếng nữa là đóng cửa. Bởi vậy, thay vì cho số tiền trên, người thu tiền chỉ thu 5 USD. Vào sau tôi ít phút vì còn mải chụp ảnh, nhà thơ Hoàng Trần Cương do chỉ còn 1 USD lẻ cũng được vui vẻ đón nhận.

Để đáp lại thiện chí này, nhà thơ họ Hoàng đã mua một cái đĩa của Bảo tàng với giá 10 USD có thuế. Vì ít thời gian, chỗ chúng tôi tìm đến đầu tiên chính là một góc nhỏ nhoi trong Bảo tàng dành cho nghệ thuật Đông Nam Á (Southeast Asian Art). Vượt qua những phòng trưng bày mỹ thuật Nhật Bản, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc (ghi chung là Korean Art), chúng tôi tìm đến góc khiêm tốn của những quốc gia Đông Nam Á. Lọt thỏm giữa mỹ thuật Thailand, Cambodia (nghệ thuật Ankor), Indonesia… là chiếc bàn rộng chừng nửa mét vuông.

Ở đấy, rất nhỏ nhoi là nơi trưng bày hiện vật mỹ thuật cổ Việt Nam. Trên bàn trưng bày, ở góc bên trái là hai chiếc đĩa có hoa văn ghi niên đại là thế kỷ 11 - 12 (chắc là đồ gốm sứ thời Lý - Trần), còn ở bên phải là ba chiếc đĩa có hoa văn ghi niên đại là thế kỷ 15-16 (chắc là thời vua Lê, chúa Trịnh). Cũng niên đại ấy ghi ở dưới chân một con hạc màu xanh lam cô độc nhưng tự tin. Nhìn vào những hiện vật bé bỏng và thân thương của dân tộc mình, tự nhiên giọt nước mắt chợt rơi…

Tôi tin có rất nhiều người Việt sang Mỹ nhập cư có khi vì mải mưu sinh, có khi còn chưa nguôi những khúc mắc quanh co mà vẫn chưa tạo ra một dịp thảnh thơi đến chiêm ngưỡng bảo tàng này, đến nhìn vào chiếc bàn nhỏ nhoi này như một chiếc gương để soi nhìn lại gương mặt đong đầy thăng trầm và biến động trong lịch sử nước nhà của mình. Soi nhìn và tự vấn có thể sẽ thanh thản hơn những ứng xử xốc nổi khác.

Tôi tiếp tục bước vào thế giới nghệ thuật từ cổ chí kim của nhân loại. Ập vào tôi, vây hãm tôi và khuất phục tôi là vẻ đẹp thiên thần của những pho tượng của nền văn minh Hy-La vĩ đại. Đôi khi lòng trùng xuống như những sợi dây đàn căng trên cây đàn ghitare Tây Ban Nha thời của nghệ thuật Baroque. Và tranh nữa, miên man là tranh của các bậc thầy hội họa thế giới từ Rembrandt, Goya, Raphael... đến Degas, Manet, Dali... những danh họa tôi đã từng xem tranh qua các cuốn sách in của nhà xuất bản Kim Đồng thì giờ đây là những khung tranh biểu hiện trước mặt.

Thú vị nhất là góc dành cho những bức tranh của các tác giả đương đại. Tôi cố lần tìm xem có bức tranh nào của các tác giả Việt Nam dù là trong nước hay hải ngoại, nhưng tuyệt nhiên là không. Không hiểu có phải vì tôi quá “có máu dân tộc” hay không mà tôi vẫn thấy ấm ức không hiểu vì sao những thần thái trên lụa của Nam Sơn, của Nguyễn Phan Chánh... những độc đáo sơn mài của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... những quẫy cựa hiện đại trẻ trung của những Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh, Hoàng Hồng Cẩn, Trần Trọng Vũ... lại thiếu vắng trên những bức tường này. Không lẽ vẫn còn những bức tường vô hình nào đó ngăn chặn mỹ thuật Việt Nam bước vào mỹ thuật toàn cầu?

Cũng như thế với các ngành nghệ thuật khác. Dù ở hải ngoại đã có những nhà văn như Đinh Linh, Ngọc Lan... viết văn bằng tiếng Anh được dư luận Mỹ để ý. Dù truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ. Và sắp tới là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Vẫn là quá ít ỏi tuy rất mừng rằng tập thơ tác giả thời chống Mỹ gồm có: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ khi dịch ra tiếng Anh được bán rất chạy. Người Mỹ muốn hiểu cuộc chiến tranh với sự thật của nó hiện trên các hình ảnh của thơ hơn là những tóm lược khô khan.

(Còn nữa)

Bút ký của Nguyễn Thụy  Kha

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.