Đến Mỹ - Kỳ cuối

Đến Mỹ - Kỳ cuối
TP - Nhận được lời mời của Nguyễn Bá Chung, chúng tôi rời New York. Để đến với Boston, chúng tôi lựa chọn cuộc xê dịch trên xe bus.

>> Kỳ trước

Đến Mỹ - Kỳ cuối ảnh 1

Giáo sư Frederis Turner (thứ hai từ phải sang) - Giám đốc ĐH Dallas tiếp các nhà văn Việt Nam tại nhà riêng. Ảnh: N.T.K

2. Nghe mưa ở Boston

Có đi đến phố Tầu (China town) ở New York để ngửi thấy nồng hắc “mùi Tầu” không lẫn được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, thì mới thấy cuộc cạnh tranh thị trường để tồn tại và phát triển của người Trung Quốc khắp năm châu là đáng nể trọng.

Đa số các hàng may mặc, đồ kỷ niệm ở New York và khắp nước Mỹ, cả hàng điện tử nữa đều mang nhãn hiệu made in China. Đấy là sự hiện diện công khai không thể phủ nhận được.

Để tới Boston bằng xe bus, nếu đi xe các hãng của Mỹ thì giá vé ít nhất là 40 USD. Nhưng nếu đi xe bus của hãng Phụng Hoa ở phố Tầu thì giá vé chỉ còn 15 USD. Mà nghe nói sự xê dịch đều nhẹ nhàng và sạch sẽ như nhau. Cạnh tranh thế mới siêu chứ. Đã chứng kiến sự cạnh tranh của hãng China Airlines với các hãng hàng không khác, giờ lại chứng kiến sự cạnh tranh xe bus đường dài của người Trung Quốc. Một sự cạnh tranh thầm lặng nhưng quyết liệt và không khoan nhượng.

Boston là một thành phố thuộc bang Massachusetts của miền New England. Vịnh Boston là nơi quân Anh đổ bộ thời chiến tranh Anh - Mỹ. Ngay con sông chảy giữa thành phố cũng mang tên vua Anh Charles. Người ta thường gọi Boston là “châu Âu trên đất Mỹ”. Ngay cái tên thành phố cũng mang tên một điệu vallse chậm của cung đình châu Âu.

Trong công cuộc mở rộng nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, nếu miền Trung Đại Tây Dương đóng góp sức vóc tạo thành những trung tâm công nghiệp nặng: sắt, thủy tinh và thép thì miền New England trong đó có thành phố Boston đóng góp như bộ óc và túi tiền.

Nhiều nhân vật nổi tiếng ở nước Mỹ đều đã từng học qua Đại học Harvard hoặc MIT (Massachusetts institute of Technology) và đoạt các giải thưởng thế giới. Nhiều người còn cho rằng Boston là cái nôi văn hóa Mỹ.

Trước khi đến làm việc ở New York, Bác Hồ đã chọn Boston làm điểm dừng chân đầu tiên ở Mỹ. Khách sạn Ommi Parker là nơi anh Ba ngày ấy đến làm đầu bếp. Ở đây còn giữ được chiếc bàn đá mà Bác đã từng cán bột mì trước khi đưa từng chiếc bánh vào lò nướng.

Chiếc bàn cũng nhỏ bằng chiếc bàn trưng bày các đĩa cổ Việt Nam ở Bảo tàng Metropolitan - New York. Chỉ khác, một chiếc bàn giới thiệu quá khứ Việt Nam, còn chiếc kia lại là hiện vật lịch sử Việt Nam.

Trong cuốn lịch sử của khách sạn do Susan Wilson viết, có những dòng ghi nhận về Hồ Chí Minh như một người đã từng làm việc ở đó. Nghe nói Bác làm bánh mỳ rất giỏi. Khi Bác về New York, người làm bánh kế nhiệm đã từng viết thư để hỏi lại Bác về công thức pha chế nước với bột và các phụ gia khác.

Để thấy được Boston cổ kính, những người bạn Việt Nam ở Boston đưa chúng tôi đi khắp các phố cổ giống như đi trên các phố ở Varsawa, Berlin, Brucel, Amsterdam, Paris... ngày nào. Chúng tôi vào ăn trưa tại nhà hàng “Union Oyster House” cổ nhất Boston đã có từ 180 năm trước. Nhà hàng với những món hải sản đặc biệt và một thứ bia riêng nấu để kỷ niệm 180 năm khai trương. Đấy là một thứ bia có vị đắng khác với bia ở Houston, ở New York. Vị đắng của thời gian.

Bạn thơ Nguyễn Bá Chung đưa chúng tôi đến thăm Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts. Rất tiếc Giám đốc trung tâm Kewin Bowen lại cùng gia đình về châu Âu nghỉ hè. Nhiều năm nay, chính Nguyễn Bá Chung thủy chung làm chiếc cầu nối cho văn học Việt Nam giới thiệu ở Mỹ. Bất chấp cả lời xì xào này nọ của một số người quá khích trong cộng đồng người Việt ở đây.

Không chỉ riêng làm việc cho sự phát triển của văn học Việt Nam, trung tâm còn làm nhiều việc cho các nước khác trên toàn thế giới. Nhìn thấy những tập thơ của Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa được trung tâm dịch ra tiếng Anh, lòng đầy cảm phục.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã bất ngờ có một tiệc sinh nhật ở tuổi 59 tại căn nhà ấm áp của Nguyễn Bá Chung vào đêm 30/7/2007. Nhờ sự thẩm định và giới thiệu của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, chúng tôi đã nhận được lời mời của Giám đốc Đại học Dallas - giáo sư Frederick Turner - sang Mỹ cùng giáo sư Hoàng Ngọc Hiến tham gia trao đổi về “chủ nghĩa cổ điển mới” và đọc thơ. Không ngờ lối đọc thơ băm bổ, đầy chất lính của Cương với sự độc đáo của trường ca “Trầm tích” đã khiến nhiều người cảm phục. “Trầm tích” đã lộ thiên như tên của nó cùng bìa sách được in trên vỏ hộp đựng thuốc lá - một sản phẩm tiếp thị đặc biệt của nhà sách Sent - Paris.

Có lẽ lâu lắm, Hoàng Trần Cương do bận bịu công việc và thói quen chặc lưỡi cho qua đã không còn để ý đến sinh nhật của mình. Nhưng ngày sinh của anh in sau bìa sách thì làm sao giấu được bạn bè ở Boston.

Chiều hôm đó, sau khi đi thăm Thiền viện Vipassana về, Nguyễn Bá Chung ghé xe vào một nhà hàng, chỉ ít phút sau, một bánh gatô sinh nhật và một hộp bia được mang ra.

Tối đến, sau bữa ăn chiều thịnh soạn. Giờ phút thiêng liêng của những ngọn nến thắp đã đến. Nhìn cánh tay cầm dao cắt bánh của Hoàng Trần Cương run lên bần bật như bị sốt rét ác tính, mới thấy hết cái giá phải trả trong chiến tranh, cái giá của mảnh đạn còn nằm trong đỉnh đầu không chỉ để mỗi tháng lĩnh 600.000 đồng tiền thương binh, mà chính là hình ảnh chân thật như sự hóa giải mọi điều cho dân tộc này.

Trọng Khôi hát vang lên những giai điệu xa xứ. Đã lâu từ những năm 80 của thế kỷ trước ở Sài Gòn, giọng hát vàng của chàng họa sĩ đã giúp chúng tôi kiếm được bao bữa bia say ngất. Sang đây đoàn tụ gia đình nhưng ly hương. Khôi dồn trống trải vào nét, vào mầu và giai điệu. Tất cả đều hát theo một giai điệu tiền chiến. Một giai điệu về mưa.

Đêm ấy, Boston mưa thật. Nghe mưa xa gần cứ như ai đó nức nở một nỗi niềm trắc ẩn.

3. Thủ đô của cây xanh và hoa cỏ

Nước Mỹ không cho một ai tưởng tượng ra nó. Chỉ có đến tận nơi nạp thuế để nghe nhìn thì mới thấy được nó thế nào. Nếu Hà Nội tự hào là thủ đô có nhiều mặt hồ nhất thế giới thì Warshington D.C chắc chắn sẽ tự hào là thủ đô có nhiều cánh rừng nhất thế giới. Đi đâu ở Warshington D.C cũng nhìn thấy rừng thắm với màu xanh ngút ngát và yên lòng với một không gian ít ô nhiễm nhất.

Nước Mỹ dù có những đời tổng thống từ Harry Truman đến George Bush (Bush bố) đã có những đối sách không thiện chí với Việt Nam, nhưng vẫn có những đời tổng thống khiến cả thế giới kính phục.

Giống như Hồ Chí Minh ở Việt Nam trở thành tên gọi của thành phố Sài Gòn, tên của Warshington vừa thành tên một bang ở Tây Bắc nước Mỹ vừa thành tên thủ đô nước Mỹ.

Và không thể nào không nhắc đến Abraham Lincoln - vị tổng thống đã tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ và quyết tâm thống nhất nước Mỹ. Nhìn bức tượng ông ngồi ngay ngắn tại khu tưởng niệm, mới thấy sự bất diệt của ông ở nước Mỹ. Ông mãi bất diệt trong bài thơ “Tưởng niệm tổng thống Lincoln” của Walt Whitman.

Bài thơ được viết vào năm nội chiến kết thúc và chỉ mấy tháng sau khi A.Lincoln bị ám sát. Nhà thơ của “Lá cỏ” hết lòng ngưỡng mộ Lincoln, mặc dù ông không hề biết rằng khi còn là luật sư, Lincoln là một trong số rất ít người Mỹ lúc bấy giờ bảo vệ cho tập “Lá cỏ” sớm được xuất bản. Nhìn vào bức tượng là không thể không thấy những câu thơ Walt Witman vọng vang đâu đó:

Khi hoa li-la lần cuối nở trong sân
Khi ngôi sao lớn đã sớm nghiêng xuống phía trời Tây, trong đêm tối
Tôi đau đớn chịu tang này và sẽ còn chịu mãi
Cho dù mùa xuân sẽ luôn luôn còn trở lại
Mùa xuân luôn luôn còn trở lại
Người đem cho tôi cả ba ngôi bền chặt không phai
Hoa li-la nở mãi không tàn...

Cái ám ảnh của Warshington, của Lincoln là cái ám ảnh của rừng thắm cứ theo ta suốt các nẻo đường của thủ đô nước Mỹ. Biệt thự của bạn tôi ở  đây cũng ở rất gần cánh rừng. Rừng như lấn vào nhà, nhà như choàng lấy rừng. Trong vòm không gian rất đỗi thiên nhiên ấy, có thể nào im lặng được những câu thơ. Và những ly rượu đã loang tràn đêm khuya.

Có thể nói bạn là những người không thích bàn đến sự hiện diện ảo, sự hiện diện như bóng ma của một thời đại đã sụp đổ. Nhưng bạn vẫn đau đáu về xứ sở khi chỉ nghe những thông tin thất thiệt. Cuộc gặp gỡ chân thật đã gạt bỏ đi tất cả lớp sương mờ che phủ. Niềm tin tưởng chừng đã bị tan chảy đâu đó chợt rắn lại giữa trái tim hừng hực đam mê sống, đam mê khát khao.

Câu chuyện về những giá trị đích thực không thể mất của dân tộc đã khiến chủ nhà sơ hở. Một chú thỏ trắng đã lọt ra khỏi chuồng chạy vào rừng đêm. Và kết quả là sáng ra, chỉ còn thấy những mảnh lông trắng bay lất phất trên bãi cỏ xanh.

Chú thỏ ham tự do đã trở thành mồi ngon cho cụ cáo già nào đó đang rình rập quanh nhà từ lâu, chỉ chờ dịp may là kiếm miếng. Bạn nói: “Chúng ta cứ sơ hở hoài ấy mà. Chặt chẽ quá sao làm thơ được”. Nhưng không chặt chẽ thì làm sao kinh doanh thành công để có tiền nuôi thơ đây? Chỉ cần nhìn ánh mắt của vợ bạn sau câu nói là hiểu tất cả.

Vợ bạn - dù là một nhà văn với những truyện ngắn và tiểu thuyết đượm buồn về thân phận con người - đã chọn mưu sinh giữa thủ đô nước Mỹ bằng một nghề mình thích là nghề cắm hoa cho những khách sạn lớn của Warshington D.C. Trong một siêu thị lớn giữa thủ đô, có một cửa hàng hoa tươi của cô.

Cô tâm sự rằng khi rời Việt Nam, tuổi còn quá nhỏ nên không hiểu gì về chiến tranh. Cứ chỉ nghe giọng điệu của “mấy ổng bên này” thì nghĩ các anh khác lắm. Nhất là chẳng được đọc nhiều về văn chương trong nước nên mù tịt chẳng hiểu nó có thành tựu ở chỗ nào. Không lẽ văn chương trong nước chỉ vỏn vẹn có mấy câu thơ sex, mấy câu chuyện sex hay sao. Nghe thơ các anh mới thấy một thế giới khác, đáng trân trọng. Có lẽ em vẫn cổ như các cụ thôi.

Nhìn cô cắm những lọ hoa tươi vừa say mê vừa uyển chuyển, cứ nghĩ rằng chính cô là một đóa hoa kiêu sa giữa thủ đô nước Mỹ. Hoa được cắm xong là có người phụ việc là một cô gái người Argentina mang đi cùng với một trong hai người lái xe da đen.

Vừa cắm hoa, cô vừa trò chuyện rất vui vẻ như đang chơi hoa cho thỏa mãn chính mình. Cô thổ lộ rằng rất muốn đóng góp chi đó cho nước nhà. Một lần, có một hợp đồng của một Cty cỡ 1 triệu USD làm có giỏ hoa nhỏ bằng mây tre. Khi cô gọi điện cho các nơi sản xuất ở Thailand thì được cho biết giá sản xuất là 1,5 USD, còn ở Trung Quốc thì chỉ có 90 cent (thiếu 10 cent là đủ 1 USD).

Dù biết vậy, cô vẫn muốn giao hợp đồng này cho một cơ sở sản xuất mây tre đan ở Việt Nam. Thông qua báo “Tiếp thị và gia đình”, cô tìm được số điện thoại của Tổng Biên tập báo là nữ nhà báo Kim Hạnh (vốn là Tổng Biên tập báo “Tuổi trẻ” nhiều năm). Chị Kim Hạnh cho cô một số điện thoại của một cơ sở sản xuất ở Hà Tây. Cô hồ hởi gọi cho cơ sở này. Câu trả lời về giá của cơ sở này khiến cô hẫng hụt, 10 USD một giỏ! Vậy là cô không sao đưa nổi hợp đồng này về Việt Nam.

Cô nói: “Nếu sản xuất 10 USD một giỏ, thì khi chuyên chở tới đây, không lẽ em bán 100 USD một giỏ hay sao?”. Và từ đó, cô không hiểu sẽ tìm cách nào để làm việc với nước nhà được nữa. Thật phí khi có những con người nhiệt tình như thế. Nếu cả hai phía đều chia sẻ và nhiệt tình hợp tác thì đâu đến nỗi như thế.

Do được học cắm hoa có bài bản, cô rất mong khi nào về Việt Nam sẽ được mở lớp huấn luyện cắm hoa miễn phí. Nhìn cô mảnh mai như một sợi tơ xanh được dệt bằng rừng thắm và hoa tươi của Warshington D.C, bỗng ngẫu hứng những câu thơ:

Trong vốc cát nhỏ nhoi người Việt bị ném vãi vương thế giới.

Em nhỏ nhoi một hạt cát nhỏ nhoi
cắm giữa Warshington D.C những lọ hoa tươi rói

Em là bông hoa kiêu bạc xứ người

Đôi khi hạt cát hóa giọt nước mắt mưa rơi

Rồi nước mắt lại trở về cát hát
một điệu gì xa lắc

Từ ly hương đến da diết hoài hương...

MỚI - NÓNG