Đến nơi lưu giữ cuốn Phép giảng tám ngày

Một trang trong Phép giảng tám ngày
Một trang trong Phép giảng tám ngày
TP - Mằng lăng, thứ cây quý xứ Nẫu Phú Yên bây giờ chỉ còn trong ký ức từ cái thời hơn trăm năm trước xây nhà thờ Mằng Lăng. Mằng Lăng cũng là địa danh duy nhất xứ Nam hiện lưu giữ cuốn Phép giảng tám ngày của cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes ).

Nhắc đến Phép giảng tám ngày (PGTN) người viết không có ý góp thêm những tranh luận nhân chuyện hoãn đặt tên vị giáo sĩ Alexandre de Rhodes cho con đường ở Đà Nẵng. Mà nhân Noel này, muốn tôn vinh công đức của giáo dân xứ Phú Yên đã bảo tồn lưu giữ ngôi nhà thờ Mằng Lăng có tuổi thọ cao nhất miền Trung - trong đó có lưu giữ cuốn sách in bằng quốc ngữ PGTN đầu tiên của người Việt mình.

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh quê xứ Nẫu người Phú Yên chính gốc ngỏ với đám viết miền ngoài chúng tôi (nhà thơ Hữu Việt, nhà báo Phan Đăng…) rằng đã nhiều lần về lại đất Tuy An của Phú Yên nhưng cảm giác là lạ, ấm áp vẫn chưa lạt. Cảm giác được chứng kiến du khách đã nư con mắt ngắm ngó Gành Đá Đĩa, một vưu vật tạo hóa giành riêng cho xứ trời Nam (thắng tích dạng này trên thế giới chỉ có ba. Mà Tuy An của Phú Yên xếp nhất). Và không thể không tới xã An Thạch đây. An Thạch nổi danh hai thắng tích tầm cỡ quốc gia. Đó là nơi phát tích dòng Thiền Liễu Quán xứ Đàng Trong. An Thạch cũng là quê hương bản quán của Tổ Liễu quán vị Thiền sư trác tuyệt Lê Thiệt Diệu, người đã có công khơi nguồn phát tích dòng Thiền Liễu Quán ở xứ Đàng Trong. Ngài họ Lê húy là Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán sinh năm 1667, mất khi đã gần 80 tuổi. Ngài cùng thời với chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Ngạc nhiên khi biết thêm, trước năm sinh của vị Thiền sư Liễu Quán ấy gần nửa thế kỷ, làng An Thạch có một cậu bé con nhà nông dân bần hàn đã cất tiếng khóc chào đời. Cậu bé ấy sau này là phụ tá cho vị giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591- 1660) khi ngài đặt những bước chân truyền giáo đầu tiên đến xứ Đàng Trong trong đó có Phú Yên.

Cho đến tận bây giờ người ta không biết cậu bé có ơn thiên triệu ấy tên họ đầy đủ ra sao. Chỉ biết rằng, tại làng An Thạch này, năm 1641, Linh mục Alexandre de Rhodes đã rửa tội cho cậu và đặt tên thánh là Anrê, sau này quen gọi là ông Anre Phú Yên.

Chàng trai Anre Phú Yên tham gia vào tổ chức của linh mục Alexandre de Rhodes với vai trò thầy giảng. Năm 1642, ông được linh mục Alexandre de Rhodes đưa ra Hội An để học trường các thầy giảng, trở thành học viên xuất sắc nhất khi còn rất trẻ.

Năm 1643, ông phát lời nguyện tận hiến phục vụ Giáo hội suốt đời. Sau đó, ông cùng các bạn truyền giáo làm mục vụ ở các tỉnh Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam.

Việc truyền đạo khi đó khó khăn và nguy hiểm do nạn cấm đạo. Tháng 7 năm 1644, trong khi truyền đạo ở Quảng Nam, ông bị bắt giam. Khi đưa ra công đường, quan binh sở tại nhiều lần khuyên ông bỏ đạo để bảo toàn tính mạng, ông từ chối, cương quyết xưng mình là Kitô hữu, sẵn sàng hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa.

Ngày 26 tháng 7 năm 1644, ông bị tuyên án tử. Tương truyền, ông bị đâm nhiều nhát giáo xuyên cạnh sườn rồi bị chém đầu.

Có chuyện như huyền thoại rằng, thi hài của ông được an táng tại nhà thờ Thánh Phaolô ở Ma Cao. Riêng thủ cấp thì được linh mục Alexandre de Rhodes mang về cất giữ tại nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Tên ở Rôma.

Nhà thờ Mằng Lăng độc đáo và nổi tiếng gần xa bởi có hang thánh đường trong lòng một quả đồi nhân tạo phía trước nhà thờ.

Giữa hang thánh đường có những chiếc tủ kính nhỏ. Chút cảm giác ngài ngại rờn rợn khi chứng kiến trong làn kính mờ mờ có lưu giữ chút lọn tóc của vị giáo sĩ tử vì đạo Anre Phú Yên. Và kia nữa, chiếc… đầu lâu của ngài mà cha Alexandre de Rhodes luôn mang theo bên mình rồi mang đến tận Roma để lưu giữ. Như một thứ châu về hợp phố, câu chuyện chiếc đầu lâu của Anre Phú Yên từ Roma trở về nhà thờ Mằng Lăng quê hương bản quán của ngài chắc không ít bi thương lẫn ly kỳ?

Hang Thánh đường không chỉ có thế. Một chiếc tủ kính nữa. Đó chính là nơi lưu giữ cuốn giáo lý PGTN của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes mà dân Nam ta vẫn thường gọi là cha Đắc Lộ. Cuốn sách được in song ngữ La tinh và quốc ngữ. Sách được Tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành, ấn hành tại Roma, Italia năm 1651. Đây là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang chia 2 cột.

Tôi kính cẩn đặt tay lên mặt kính lành lạnh dường như đang truyền đi một cảm giác là lạ? Bìa cuốn PGTN được bọc vải. Theo như mô tả thì ngay trang đầu tiên có dòng chữ La tinh "Cathechismvs pro ijs, qui volunt suscipere baptismvm in octo dies diuisus". Dưới đó, có dòng chữ tiếng Việt vào thời kỳ xa lắc xa lơ, chú (dịch) câu ấy thế này: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rứa tọi, ma beào đạo thánh Đức Chúa Blời. Tạm dịch ra tiếng Việt hiện đại: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà theo đạo thánh Đức Chúa Trời".

… Trong không gian lặng phắc, im lìm, thảng thốt với ý nghĩ, gần 370 năm đã qua đi biết bao nhiêu là những khen chê về cuốn giáo lý đặc biệt này. Ở đây tôi không mon men lặp lại nhắc lại những ngữ nghĩa giáo lý này khác mà cha Đắc Lộ đã công bố và truyền tải trong PGTN. Đặc biệt bởi một ấn phẩm, một cuốn sách đã hiện diện ở trần thế từng ngần ấy năm mà vẫn ngời ngợi sắc giấy cùng con chữ? PGTN hấp dẫn du khách không kể người trong hay ngoại đạo bởi nó trước nhất được in bằng thứ chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

PGTN từng được cha Đắc Lộ coi là công cụ hữu hiệu để khai tâm, khai trí, khai nhỡn cho những kẻ người trần mắt thịt đến với Đấng Toàn năng. Ngài đã thành thực lẫn đắc ý như thế này.

… Các chư tăng rất hài lòng vì thấy tôi làm cho họ nhận biết sự hoà hợp giữa Tôn giáo và Lý trí và nhất là họ khen ngợi Thập điều của Chúa… Phương pháp tôi đem trình bày với họ là: trước hết tôi bàn về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, rồi từ đó tôi làm chứng cớ có Thượng đế, sự quan phòng của ngài, và dần dần tôi đưa họ tới những mầu nhiệm khó hơn … Kinh nghiệm cho hay rằng lối trình bày giáo lý cho người ngoài Kitô giáo như vậy rất bổ ích. Phương pháp đó, tôi đã giải thích trong sách Giáo lý (Phép giảng tám ngày) mà tôi đã làm tám ngày, trong đó tôi cố gắng đề cập đến hết các chân lý căn bản phải dạy cho người ngoài Kitô giáo”. Dẫn theo Tủ sách Đại Kết năm 1993, trích từ trang XXIV-XXV “Phép giảng tám ngày”.

Tôi trước khi đến đây đã lẩn mẩn nhiều buổi thử thống kê thử biên ra mấy trăm từ cùng các cụm từ cổ mà hiện thời dân ở những vùng sâu, vùng xa ở nước Nam mình mà tôi có dịp ghé vẫn đường dùng. Và ngay quê tôi cũng đang sở hữu thông dụng khá nhiều. Tỷ như từ mầng (mừng) B lời (trời) muấn (muốn) tràng cao (giường) vv… và vv…Tiếng Việt cổ mà ông Đắc Lộ đã chớp đã ghi được vào cái thời gần 370 năm trước và qua bao biến thiên tao loạn nay vẫn lưu giữ được, điều đó quý giá nhường nào? Nhà truyền giáo Đắc Lộ và nhiều vị khác nữa cùng thời đã giữ được cái gốc của tiếng Việt để sau này làm căn bản mà sinh sôi phát triển. Hậu thế xin coi công trình PGTN như một lát cắt lịch sử ngôn ngữ Việt, xứng được coi là công trình xiết kể mấy mươi vậy?

… Chúng tôi tha thẩn trong gian thánh đường nhà thờ Mằng Lăng. Mằng Lăng là tên một loài cây tán rộng thân lực lưỡng gần như thứ tứ thiết ở xứ Phú Yên. Bây giờ loài cây ấy không hiểu sao đã bị tuyệt diệt? Vậy nên cả bọn đành ngơ ngác nhưng thấy mình may mắn được đứng bên chiếc bàn được chuốt, được đóng từ thân gỗ cây mằng lăng! Bàn được đóng theo lối cổ mà chắc kiểu dáng bây giờ có lẽ cũng đã thất truyền? Chiếc bàn tròn đường kính gần 2 mét đã lên nước đen bóng. Chiếc bàn được đóng vào cái năm xây nhà thờ Mằng Lăng. Thầm cảm ơn linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này. Cố Xuân khởi công xây dựng Mằng Lăng vào năm 1892. Cố cho xây cất ngôi nhà thờ này để tưởng niệm một vị tu sĩ của giáo xứ Mằng Lăng - người đầu tiên tử vì đạo được phong Á thánh Anre Phú Yên - đã không đặt tên vị Á thánh mà chắc thuận theo nguyện vọng giáo dân đã lấy tên loài cây quý thân thuộc thuở ấy còn mọc dày che phủ khắp khu vực nhà thờ rộng lớn với tên gọi, nhà thờ Mằng Lăng!

Choán nhiều thời giờ để đám viết chúng tôi loay hoay với những bức hình bên tượng ông thánh Tử Đạo Anre Phú Yên bằng đá cẩm thạch rất hồn cốt trong nhà thờ. Chợt nhớ bữa qua gặp lại ông Chủ tịch huyện Tuy An Bùi Văn Thành. Ông Thành từng làm luận án thạc sĩ về nhà thơ Nguyễn Mỹ. Ông Thành có chân trong Hội văn bút Phú Yên. Ông cho biết xã An Thạch đây có 586 hộ công giáo chiếm 33,2% dân số An Thạch. Đời sống bà con giáo dân gần đây dần dà được cải thiện, tỷ lệ nghèo còn rất ít. Noel năm ngoái, ngay tại lòng nhà thờ Mằng Lăng đây, được linh mục Trương Minh Thái cho phép, Chủ tịch Bùi Văn Thành đã ứng tác bài thơ đọc trước đông đảo bà con giáo dân dự Noel. 

Mừng Chúa giáng sinh/ Thông điệp an lành chúa truyền nhân thế/ Có ai trong chúng ta tự hỏi/ Mình đã làm gì cùng Thiên chúa giáng sinh? Chúa chịu đóng đinh vì hòa bình nhân loại/ Vì tự do bác ái loài người/ Cầu cho tư tưởng Người sống mãi với thời gian…

Hai ông, Linh mục nhà thờ Mằng Lăng Trương Minh Thái coi sóc phần hồn và ông Chủ tịch Tuy An đảm trách chăm nom đời sống vật chất tinh thần dân Tuy An đã xiết chặt tay nhau trong đêm cực thánh ấy!

Đến nơi lưu giữ cuốn Phép giảng tám ngày ảnh 1

 Bên trong nhà thờ Mằng Lăng

Đến nơi lưu giữ cuốn Phép giảng tám ngày ảnh 2

Tượng Anre Phú Yên với cuốn PGTN trên tay 

MỚI - NÓNG