Đèo đêm

Đèo đêm
Chị cán bộ Tỉnh đoàn Lai Châu chở tôi bằng hon đa qua đèo Ô Quý Hồ, từ huyện Phong Thổ về Cam Đường.Con đèo này không nguy hiểm như những con đèo từ Phong Thổ ngược về thị xã Lai Châu cũ. Hai bên cây cối trồng trọt xanh tốt, huyện Phong Thổ có tiếng là hay trồng rừng.

Ghé vào Huyện Đoàn đúng lúc đoàn viên vác cuốc trồng cây quanh đèo. Trồng bạch đàn. Kể chuyện một lúc. Đèo này gần đường biên, hồi chiến tranh xảy ra những trận chiến đấu khốc liệt.

Cây cối quanh đèo mọc lên có hàng có lối, nằm giữa những cỗ đèo cổ xưa hoang dã tôi vừa đi qua, trông thật là kỳ lạ.

Tới thị xã Tam Đường trời vừa tối. Anh cán bộ Tỉnh Đoàn gợi ý nên đi ra Sa Pa luôn cho tiện, “ban ngày xe cộ qua đèo tránh nhau nguy hiểm”. Thế là nhịn đói, qua đèo, đêm. Vâng, lại qua đèo. Một ngày đi mấy cỗ đèo. Nhưng con đèo này dài hơn, nguy hiểm hơn nhiều, kể cả lúc có thể nhìn thấy nó phía trước phía sau và chung quanh. 

Người lái xe ôm mượn cho tôi một cái mũ bảo hiểm. Anh vừa bán thịt chó, vừa chạy xe ôm.

Đội mũ xong thì trời đã tối đen như mực. Nghĩa là tôi sẽ đi qua đèo mà không nhìn thấy đèo.

Cái đèn xe máy không như ông trăng, chỉ chiếu rọi được từng quãng đèo ngắn chừng vài chục mét, trúng tim đường nhựa, vắng vẻ và tẻ nhạt. Cảm giác như vùng này chỉ là một khối bê tông. Mãi thế. Thực ra đường nhựa ở đây rất hiếm, chỉ ưu tiên cho đèo. 

Không nhìn thấy gì cả. Tiếng xe máy nghe lâu rất khó chịu. Nhưng dù sao, nhờ nó mà đoán mình đang lên cao dần. Cao dần. Tiếng xe đã ì ì, như kéo sau lưng một khúc gỗ to.

Nó chậm lại rồi.

Xoạch. Giảm một số xe.

Có phải càng lên cao đêm càng sáng không ?

Miền Tây Bắc đêm xuống rất nhanh. Mây mù vây kín, loáng cái mặt trời đã tụt xuống sau ngọn núi cao, đầu tiên là bóng núi, sau đó bóng chính anh, sẽ chính thức che lấp những khúc quanh thiếu sáng. Vực thẳm nhọn hoắt, cắm phập vào lòng đất xa.

Khoảng cách giữa Điện Biên với Sa Pa là một đám đèo, tổng số đèo vừa bằng một tỉnh, tỉnh Lai Châu. Vô số vực.

Than Uyên cũng tựa như một cái đáy vực. Nó nằm ở đâu giữa đêm đèo đang lên cao ? Sau lưng tôi, chắc chắn rồi.

Cách đây lâu lâu có viết một bài về huyện Than Uyên, cái huyện heo hút mà Nguyễn Tuân nói đến trong “Sông Đà”. Huyện cách Sa Pa hơn một con đèo, cái con đèo chúng tôi đang leo lên mà không nhìn rõ mặt. Con đèo không dài đến mức ta chẳng nhớ nổi cùng lúc hai đầu, nhưng cũng đủ tạo nên hai vùng khí hậu. Sa Pa nổi tiếng mây và khu nghỉ mát, Than Uyên nổi danh về món gió Lào và cháy rừng. “Gió Than Uyên”.

Dạo ấy có anh làm ở Tỉnh Đoàn bảo dân đang mong Than Uyên ra khỏi Lào Cai để lập tỉnh mới, chứ ở tỉnh, cách con đèo, mịt mờ quá. Câu ấy được đăng lên báo. Anh hứng chịu bao nhiêu phiền toái : “Ai lại nói chuyện dân mong đi tỉnh khác bao giờ !”.

Thế đấy. Bây giờ tỉnh mới đã lập xong, Than Uyên thuộc Lai Châu. Câu chuyện của anh Tỉnh đoàn Lào Cai thành chuyện vui vẻ. Cái đèo vẫn còn đây, trên mình rặng Hoàng Liên, một phần của đỉnh Phan Si Păng hùng vĩ, dưới bánh hon đa chúng tôi.

Sáng trước mũi xe máy là những khúc cua. Tôi không thể nhìn thấy gì ngoài bóng tối dày đặc. Nhưng tôi cảm thấy Than Uyên gần lắm. Như nghe được, ấm áp, điệu dân ca Thái. Mà lại nghĩ mình đang chui sâu vào hầm Hải Vân khét mùi đất đá và bụi mìn. 

Có những nỗi cô đơn không vĩnh cửu. Nỗi cô đơn của Than Uyên là như thế. Những đêm vắng của nó cũng vậy. Những bài dân ca tôi nghe ở trong bản, chúng là một liên khúc, vừa ngủ vừa hát, dài như hòn sỏi lăn qua đèo, thao thức và cảm kích, khuôn mặt những người bạn trong chi đoàn, có gì gần gụi hơn ? Bây giờ, mọi người đã có tỉnh lỵ ở gần. Sẽ bán được nhiều gạo nhiều chè, bán được nhiều cây. Bận bịu, chẳng biết có hát đêm trong mơ nữa không. Nhưng tôi vẫn nhớ đêm tối trong bản, và tiếng hát truyền nhau như truyền quả còn.

Xoạch.

Giảm một số nữa.

Có gì vắng hơn đèo đêm không?

Tôi đã đi một mạch suốt tỉnh mới, từ tỉnh lỵ Lai Châu cũ đến Sa Pa, bằng những chiếc xe máy mượn. Qua đèo để gặp đèo. Những đứa trẻ trong bản xa lắc xa lơ, đi dạo đèo, như chúng ta thả bộ dạo trong công viên, trong thành phố. Chúng đi, như những thi sĩ, cô độc trên con đường nhựa mà chúng chỉ có thể gặp ở đèo. Chúng bước đi, mà đầu ngoảnh lại. Một vài người đàn ông mỏi mệt nằm ngủ bên vệ đèo, say sưa thanh thản chân đi giày tay cầm dao.

Mấy người đi chơi đèo thường gùi một cái gì đó, ngô, su su. Để bán. Họ có thể bán cả cái gùi. Đấy là vừa đi chơi vừa tranh thủ kiếm thêm. Tôi đã mua một con vẹt của hai cậu nhỏ người Mông. Hai cậu qua lại con đèo không biết bao lần, hai con vẹt trên vai. Tôi không muốn quên hình ảnh đó.

Con vẹt quen người, chẳng bay đi đâu, bình thản đứng trên cành cây khô. Và mắt đám trẻ nuôi vẹt vẫn ngày ngày chân đất đi tận trong vệ cỏ, không thể giấu hết được những ngạc nhiên và tò mò. Có thể với chúng thì con đèo chạy dài bất tận chăng.

Cuối cùng chúng tôi đã nhìn thấy một cái lán trống không nơi lưng đèo. Nó nằm ngay khúc cua. Tôi biết đây chắc chắn là lưng đèo. Tôi biết như vậy, trong sự ngạc nhiên khó tả. Tôi đã gặp đúng khúc cua này dăm năm về trước. Chiếc xe khách dừng lại, mọi người đi bộ qua khúc cua. Ngước lên và nhìn thấy giữa vách đá đồ sộ vẹt vào một dòng nước lớn. Đất đá, cây cối, từ trên ấy, mưa lở, nện xuống khúc cua này, làm thành cái thác sâu hun hút. Chịu vô số những trận “mưa đá”. Bao nhiêu năm không thay đổi, đó là khúc cua này. Ngổn ngang đất đá đỏ ối, lều lán, một cái máy xúc nằm chênh vênh, đã già.

Lại đi lên. Vào hai số xe, cục cục, vừa đủ cho hai người.

Từ đây, trong lưng chừng của đêm đèo tôi có thể nhìn thấy Phan Si Păng rất rõ, không phải bằng con mắt tôi lúc này mà bằng con mắt những năm trước đi qua đây. Con mắt ấy vẫn còn rõ lắm, vẫn còn nhìn thấy, bên tay phải của chúng tôi, bên kia cái vực sâu hun hút đầy cỏ tranh đáng sợ khi mùa gió Lào tới, bên kia, là dựng đứng lên Phan Si Păng, thẳng tưng, như một cây dẻ, đâm vút lên cao, từ đáy vực mà vươn thẳng lên đỉnh trời, những ngọn núi công kênh đỉnh Phan Si Păng.

Vào ngày đẹp trời ta có thể thấy mây vấn quanh núi như một cái khăn đẹp. Ngày mưa, núi như thác. Ngày mù, núi như một nét bút đã nhạt phai.

Bóng tối mịt mùng khiến tôi có thể nhìn rõ hơn quang cảnh con đèo, từ những ký ức và kỷ niệm. 

Từ đâu đó trên Phan Si Păng nguyên sinh tôi đã nhìn thấy con đèo này. Nó giống như một con suối vậy. Thấp thoáng, trắng, mềm mại, luồn qua những vách núi dựng đứng, như một sợi tơ, như một sợi chỉ. Trên Phan Si Păng chỉ có những con đường mòn bé xíu, đánh dấu bằng các mẩu ni lông buộc trên thân cây dại lớn không ai biết, chết không ai hay. Con đèo xa mờ, như dấu hiệu của cuộc sống con người sau hàng vạn năm thử thách, từ lối mòn nay đã thành con đèo chon von.

Đứng dưới chân đèo nhìn lên, con đèo lao xuống như một mũi tên, như một lưỡi sét, nhào vào dòng suối đá lổn nhổn. Chiếc xe khách chẳng khác gì quả cây trên cành gặp gió nhẹ.

Đứng nơi đỉnh đèo có bảng phân cung đường, nhìn chiếc xe khách vé có bán kèm bảo hiểm ấy, nó mang biển 0099, lắc lư, chầm chậm, nửa đi nửa dừng. Nơi toàn những đỉnh cao, cái xe cứ nhúc nhắc, như chú chim cánh cụt mới ra ràng.

Nếu sự sợ hãi một thời của những người chị người mẹ người em Than Uyên có thể đo đếm được mỗi lần ra Sa Pa thì có lẽ chúng đã chồng lớp lớp cao gần bằng ngọn Phan Si Păng kia rồi.

Đến đỉnh đèo thì lạnh vun vút. Người lái xe ôm cứ để xe nổ máy cho sáng, lấy áo rét ra mặc. Tôi mặc áo mưa. Run lên từng đợt. Gió không gặp vật cản nào cả. Tôi mò tìm tấm bảng đỉnh đèo, nhờ bác xe ôm chụp cho kiểu ảnh kỷ niệm. Nào có mấy khi nửa đêm lại đi qua đèo này. Đèn chớp lóe lên. Tưởng mình đã hỏng mắt. Một thứ ánh sáng chát chúa trùm lên tôi, như văng ra từ một quả bom. Sau này về Hà Nội tráng phim thấy khung hình đen kịt như bôi nhọ nồi. Tối quá bác tài đã giương ống kính chụp đi đâu. Bức ảnh đấy thực sự tối như một đêm đèo.

Qua bên này chướng khí giảm nhiều. Nhưng gió mạnh, ù ù, thúc vào vách núi, rách cả áo mưa. Con vẹt nằm giữa tôi và người lái xe ôm, chẳng biết nó ngủ được không. Nó đang rời khỏi vùng đèo để đến với vùng khác, nơi đứng ngó xuống cuộc đời từ chiếc ban công.

Có một bóng điện. Mấy bóng điện. Bao quanh bởi những bông hoa đỏ thắm.

Người lái xe ôm bảo : “Nó dân miền xuôi, làm ăn thất bát, lên đèo trồng hoa”.

Loáng cái, bóng điện đi đâu mất, lại đen kịt. Đèn xe khua khua vào toàn những cây đen trên miệng vực. 

Hỏi bác xe ôm : “Bác trước làm gì ?”. “Công nhân nhà máy chè”. “Thu nhập kém à ?”. “Không ăn thua”. “Giám đốc thì thế nào ?”. “Đi tù rồi”. “Tham nhũng à ?”. “ừ”.

Người lái xe ôm hóa ra lên Tam Đường xây dựng nông trường đã khá lâu. Nếu như ở Hà Nội mấy đời thì được coi như người Hà Nội, gia đình anh sắp có thể gọi là người Tam Đường rồi. Và cứ như anh cho biết, anh không có ý định về xuôi. Đất đai ở đây rộng hơn, đến mức thừa kha khá đèo.

Chúng tôi nhìn thấy Sa Pa như một chùm quả chín, điện sáng trong sương mờ, giữa vùng núi non hiểm trở và heo hút, ấm hơn, như sắp vùi vào tấm chăn thổ cẩm cứng và dày.

Nửa đêm tôi cõng ba lô tìm nhà nghỉ cho tôi và con vẹt. Nó vẫn thức. Co ro nép vào tôi. Không biết lúc qua đèo, con vẹt có nhìn thấy được gì không ?

Người lái xe ôm xin thêm hai chục và xin lại cái mũ bảo hiểm.

Anh quay đầu trở về Tam Đường, một mình, hai mũ bảo hiểm, một xe máy. Một đèo.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.