Trăm năm ký ức và "cú sốc" tỷ đô:

Di sản trong lòng dân

Bức ảnh màu đầu tiên chụp cầu Long Biên của người Pháp năm 1915 (bộ sưu tập của Albert Kahn)
Bức ảnh màu đầu tiên chụp cầu Long Biên của người Pháp năm 1915 (bộ sưu tập của Albert Kahn)
TP - Cầu Long Biên (xây dựng 1899 - 1902) là một chứng nhân quan trọng trong suốt hơn một thế kỷ không chỉ của Hà Nội mà cả nước. Nhưng hiện nay cầu Long Biên đang đứng trước khả năng phải thay đổi, biến dạng...

Thả bộ trên những nhịp cầu sắt trong tiết mưa Xuân nhè nhẹ nhìn những nhóm bạn trẻ và khách du lịch người nước ngoài chụp ảnh hai bên thành cầu tôi thấy như vơi đi phần nào cái náo nhiệt của phố phường. 

Hơn một trăm năm tuổi, cầu Long Biên còn đó chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, những kỷ niệm không thể phai mờ...

Dấu ấn thời gian, ký ức về Hà Nội

Rảo bộ chỉ chừng trăm mét từ đầu cầu trên phố Trần Nhật Duật đi sang hướng bờ Bắc sông Hồng người ta đã có được cảm giác thoát ly phần nào cái náo nhiệt của phố phường. Hai bên thành cầu, có tới 3-4 nhóm thanh niên chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm hết đứng lại ngồi tạo dáng. 

Di sản trong lòng dân ảnh 1

Người dân tập trung xem khánh thành cầu Long Biên năm 1902.

Ảnh: Tư liệu

Một đoàn khách nước ngoài trung tuổi cả nam và nữ thư thái vừa đi bộ theo lan can vừa ngắm nhìn cây cầu, sông nước. Anh Hùng, nhân viên trông xe ô tô ở ngay gầm cầu cho biết, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến đêm, nhất là những ngày thời tiết đẹp, có rất nhiều người đến đây tham quan, chụp ảnh cây cầu.

Được khởi công xây dựng từ năm 1899, đến nay cầu Long Biên vẫn giữ được tương đối nguyên bản so với thiết kế ban đầu nhưng các cấu kiện, chi tiết của cầu thì đã nhuốm màu thời gian, thậm chí nhiều chi tiết đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều thanh tà vẹt đường sắt trên cầu đã mục ruỗng, chằng buộc hai đầu. Những cây cột sắt đã mọt trơ cả lõi, nắng mưa bào mòn lộ ra lớp gỉ đen xì. 

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay trên thế giới với giải pháp kết cấu và vật liệu bằng thép như cầu Long Biên thì chỉ còn có 4 di sản có cùng tính chất, trong đó có tháp Eiffel (Pháp). 

Về lịch sử, cầu Long Biên là minh chứng cho chiến thắng hào hùng của quân và dân Việt Nam qua các thời kỳ. Đây là nơi ghi lại hình ảnh đoàn quân viễn chinh Pháp rút khỏi Thủ đô Hà Nội; là nơi ghi nhận đoàn quân chiến thắng của bộ đội cụ Hồ qua cầu Long Biên vào giải phóng Thủ đô năm 1954.

Di sản trong lòng dân ảnh 2

Nhóm chiến sĩ đầu tiên qua cầu Long Biên tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của không lực Hoa Kỳ năm 1972, cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1.500 m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. 

Tuy nhiên, bằng trí tuệ và nội lực của quân và dân Hà Nội, cầu đã được hàn gắn lại, đảm bảo phục vụ nhân dân. Cầu Long Biên cũng là minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội, mối quan hệ của Hà Nội với nhiều tỉnh, thành. Cầu có sự gắn kết với hệ thống các di tích xung quanh khu vực cầu như phố cổ, hệ thống các chiến tích của Nhà máy xe lửa Gia Lâm, sân bay Gia Lâm. Khu vực cầu Long Biên là nơi đã tổ chức 2 trận địa pháo đã bắn rơi nhiều máy bay của giặc Mỹ...

Di sản trong lòng người

Nhiều gia đình người dân Hà Nội sống ngay sát đầu cầu Long Biên trên phố Trần Nhật Duật cho biết hình ảnh cầu Long Biên hết sức thân thương, gắn bó lâu đời với cuộc sống mỗi người dân. “Tôi và các con, cháu sinh ra đã thấy cây cầu Long Biên rồi. Nhiều năm chúng tôi đi lại hàng ngày qua cây cầu ấy”- ông Lê Quốc Khánh ở phố Đào Duy Từ cho biết.

Di sản trong lòng dân ảnh 3

Tấm biển ghi tên nhà thầu và thời gian xây dựng cầu Long Biên

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, mặc dù cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản bằng văn bản nhưng thực ra cây cầu từ lâu đã trở thành di sản trong lòng người dân không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. 

“Cầu Long Biên xét về góc độ thời gian như một cơ thể đã già nua và giá trị của nó đôi khi mong manh, yếu ớt chứ không phải mạnh mẽ nhưng với hàng triệu người dân Việt Nam, cầu Long Biên đã trở thành di sản, đi vào lòng người nhiều thế hệ với biết bao kỷ niệm”- ông Thông nói.

Cũng theo Hội KTS Việt Nam, cầu Long Biên đã đi vào tiềm thức như một dấu ấn về mặt kiến trúc lịch sử. Cầu Long Biên đại diện có tính biểu tượng cao cho công nghệ, kỹ thuật, kiến trúc của cả một thời kỳ đó là kiến trúc gang thép của thế kỷ 18 may mắn còn sót lại tại Việt Nam. 

Thời kỳ thế kỷ 18 công trình chủ yếu là xây bằng gạch đá thông thường nên khi xuất hiện kết cấu - vật liệu mới bằng gang thép đã thật sự tạo ra cuộc cách mạng trong giải pháp thiết kế và xây dựng công trình. Tháp Eiffel là một ví dụ. “Thời kỳ tháp Eiffel tại Pháp được xây dựng nhiều người coi đó như con quái vật, nhưng sau đó thì nó lại trở thành biểu tượng tuyệt đẹp”-ông Thông chia sẻ.

KTS Nguyễn Quốc Thông khẳng định, cầu Long Biên là một thành phần của di sản kiến trúc đô thị và là di sản sống khi nối liền hai bờ sông Hồng, nằm cạnh phố cổ, thành cổ, kết nối cả một cấu trúc đô thị cổ. 

Ông Thông cũng chia sẻ rằng, di sản cấu trúc đô thị là di sản bền vững nhất nhưng lại thường ít được để ý. Vì sao cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản? Ông Thông cho hay, xếp hạng chỉ là một trong nhiều hành động để bảo vệ di sản và trong trường hợp Việt Nam chưa làm thì tương lai các tổ chức quốc tế cũng sẽ làm việc này...

Theo một số tài liệu được công bố, dự án xây dựng cầu Long Biên được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khởi công ngày ngày 12/9/1899 và xây dựng trong hơn 3 năm. Phương án thiết kế của Công ty Daydes& Pille’ được lựa chọn. Để phục vụ cho việc xây cầu khi đó đã có tới 3.000 công nhân bản xứ và 40 giám đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp được lựa chọn để điều hành công việc. Đã sử dụng khoảng 30.000 m3 đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì)...cho công trình.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.