Di tích giáo dục quốc gia: Bãi cỏ hoang

Di tích giáo dục quốc gia: Bãi cỏ hoang
TP - Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục đặt ở tỉnh miền núi Tuyên Quang có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt, đối với cán bộ của ngành giáo dục toàn quốc. Đáng tiếc, với giá trị và ý nghĩa lịch sử, khu di tích vẫn chỉ là bãi cỏ hoang phế.

Nếu chưa bị xâm lấn là cũng nhờ ý thức của lãnh đạo địa phương và bà con dân tộc ở đây mà thôi. 

Di tích giáo dục quốc gia: Bãi cỏ hoang ảnh 1
Bia di tích Bộ Quốc gia Giáo dục

Bụi mờ bia di tích

Khu di tích ghi dấu những ngày làm việc của Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục & Đào tạo, hiện là mảnh vườn hoang rộng chừng 10m2. Tấm bia nằm trong vườn một nhà dân, ngay cạnh cầu nước, gà, vịt giẫm vấy dơ bẩn.

Khu vườn bé tí so với đồi núi mênh mông, bốn phía rào phên nứa thấp lè tè chưa đến một mét, dây leo chằng chịt toàn cỏ và cây dại. Dường như hoang phế lâu rồi.

Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục nằm tại Thôn Khuôn Trú, Xã Yên Nguyên, Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang. Phía Đông giáp núi Quạt, phía Tây giáp thôn Đồng Quy, phía Nam giáp thôn Làng Đanh, phía Bắc là xã Hòa Phú.

Tại đây, Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục đã ở và làm việc từ cuối năm 1951 đến tháng Bảy năm 1954. Từ năm 1945 - 1960 có tên là Bộ Quốc gia Giáo dục.

Sau đó được đổi tên thành Bộ Giáo dục & Đào tạo như ngày nay.

Có lẽ, nơi ngành giáo dục cắm bia ghi dấu di tích ở vùng chiến khu xưa nằm trong đất vườn của nhà, nên vẫn được gia đình anh Hứa Văn Lâm, trú tại Thôn Khuôn Trú, Xã Yên Nguyên, Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang, trông coi tự nguyện.

Vườn nằm chếch về phía bên phải ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Lâm, đối diện với chuồng lợn. Nước thải từ đây đổ thẳng vào vườn. Đường lên xã Yên Nguyên không khó tìm, đường vào thôn Khuôn Trú cũng thẳng một mạch theo con đường bê tông chạy giữa những hàng cọ là đến.

Để vào được trong vườn, phải qua một sân rộng và qua rãnh nước thải từ chuồng gia súc đổ ra. Người phụ nữ đang cho lợn ăn thấy cán bộ văn hóa xã đến ngừng tay chỉ ra góc vườn.

Theo hướng của chị, tôi  căng mắt nhìn, từ chỗ chuồng lợn đang đứng đến góc vườn chưa đầy 10m, nhưng không tài nào tìm thấy bóng dáng của tấm bia. Hóa ra đấy là vị trí cắm bia, chứ tấm bia đã được đào đi lâu rồi.

Người phụ nữ đó là vợ anh Lâm. Gia đình anh chị đã ở đây hơn 20 năm. Chị cho biết, mấy tháng trước, cán bộ tỉnh về nhổ tấm bia lên và  nói là để làm bia mới vì điều chỉnh gì đó.

“Họ đến chụp ảnh, quay phim, rồi đào bia cũ lên và bảo để thay mới. Gia đình có thắc mắc là bao giờ có bia mới, họ bảo chưa biết được đâu. Chỉ biết họ đào lên thôi, còn khi nào họ lên thay thì  thay thôi. Không biết bao giờ họ mới làm lại, cứ tưởng là mấy ngày nữa, nhưng mãi chưa thấy gì”, vợ anh Lâm kể.

Vẫn theo lời vợ anh Lâm, thấy lãnh đạo xã bảo không cho mang bia đi, nên đào xong, gia đình chị phải sắm vai cán bộ bảo tàng bất đắc dĩ mang để dưới gầm  nhà.

Số phận tấm bia, nếu không được chủ nhà và anh cán bộ văn hóa xã chỉ tận tay, khó ai nhận ra cái biển ghi mốc di tích quốc gia ngành giáo dục một thời ở và làm việc tại nơi đây bởi bụi bẩn bám đầy.

Bia làm bằng bê tông có kích thước khoảng 40x50cm, dày khoảng 7cm, có cán dài trên dưới 70cm dùng để cắm xuống đất. Xung quanh tấm bia màu xám ấy là máng để thức ăn cho gà, và gia súc của chủ nhà.

Anh cán bộ văn hóa xã đi cùng nhanh tay phủi sạch lớp đất và bụi bám trên bề mặt bia khi tôi đưa máy chụp ảnh.

Ước muốn của nhà giáo già

Di tích giáo dục quốc gia: Bãi cỏ hoang ảnh 2
Ông Hứa Ngọc Táo chủ nhân ngôi nhà có bia của Bộ Quốc gia Giáo dục

Cách không xa khu vườn di tích là ngôi nhà sàn vẫn giữ nguyên nét hoang sơ. Năm xưa không ít lãnh đạo và cán bộ nhân viên ngành giáo dục sinh sống dưới mái nhà này. Chủ nhân của nó là ông Hứa Ngọc Táo.

Tiếp khách ngay bên dưới tấm bảng bằng đồng, ông Táo kể,  bảy năm trước, các cựu cán bộ ngành giáo dục từng ở và làm việc tại nhà ông trao tặng  khi họ lên thăm lại chiến khu.

Theo lời kể của ông Táo, ngày ấy ông mới hơn mười tuổi, chỉ nhớ là ở nhà mình có anh Giạng (Lê Văn Giạng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - TG), anh Toàn (Nguyễn Khánh Toàn khi đó là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) và mấy chú nữa.

Ông Táo cho biết, trước khi được công nhận là di tích quốc gia, cán bộ bảo tàng tỉnh có lên sưu tầm tài liệu. Nhưng không hiểu sao thời gian ghi trên tấm bia làm bằng xi măng lại sai. Bia ghi, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ở đây từ năm 1949 đến năm 1953. Theo ông Táo, thời điểm đó là từ năm 1951 đến năm 1954 mới chính xác.

Ngay ngôi nhà của ông, nếu không bị lãnh đạo xã coi là di tích quốc gia, ông cũng bán phứt đi rồi.  “Mình già rồi không có sức sửa nữa. Mái cọ mấy năm lại dột à. Bán đi lấy tiền xây cái nhà như người Kinh thôi ”, ông Táo xem ra cũng chẳng còn muốn ở với quá khứ.

Mấy tháng trước cố GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Danh dự Hội Địa chất Việt Nam, biên thư gửi  ông Táo cũng đau đáu: “Ở nơi trụ sở cũ của Bộ Giáo dục lúc ấy chúng tôi chỉ thấy một cái bia quá sơ sài, trên đó có mấy dòng chữ đề sai địa điểm làm việc của Bộ Giáo dục, sai cả ngày. Chúng tôi đã đề nghị với Bộ xây bia hẳn hoi, trang trọng như các bộ khác đã làm ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp.

Trong thư này, trước hết chúng tôi thăm sức khỏe của cụ, sau đó muốn được biết Bộ GD&ĐT đã xây một bia khác khang trang hơn như nhiều bộ đã làm chưa”.

Ông Táo chưa biên thư trả lời nhà giáo như mấy bận trước. Nhưng nếu có biên không biết ông nói thế nào. Vườn thì hoang, bia không có.

Còn ngôi nhà sàn này, từ ngày được công nhận, được gắn cho cụm từ di tích quốc gia, vợ chồng ông lão ngoài thất thập chưa nhận được đồng nào như một phần hỗ trợ, cũng như chưa biết phải làm gì cho việc trùng tu và duy trì sự tồn tại của nó. 

Xã chờ, tỉnh đợi

Bia di tích nằm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nên Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý. Nói về bia di tích này, ông Quan Văn Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, thừa nhận, di tích Bộ Quốc gia Giáo dục mới chỉ là một khu đất, chưa có gì ngoài tấm bia cắm tại đó.

Toàn bộ hệ thống nhà ở, nhà làm việc, hội trường, đường đi lại, sân bóng, vườn rau… của Bộ Quốc gia Giáo  dục nay chỉ còn lại địa điểm.

Kế hoạch cụ thể để chỉnh trang, tôn tạo thế nào, quy mô ra sao, ông Dũng bảo cũng chưa biết. “Vì đây là di tích của Bộ Giáo dục & Đào tạo, nên trùng tu, tôn tạo gì cũng đều phải có ý kiến cũng như kế hoạch của bộ chủ quản”, vị lãnh đạo cơ quan quản lý di tích địa phương này nói.

Theo ông Dũng, mấy năm trước, Bộ GD&ĐT có lên họp với lãnh đạo tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. “Do là di tích cấp quốc gia nên chúng tôi cũng rất muốn tôn tạo khang trang để dân địa phương cũng như các thế hệ sau biết về lịch sử của ngành giáo dục. Nhưng bảo tàng chỉ có thể giữ nguyên hiện trạng và không để bị xâm hại”, ông Dũng nói.

Đại diện Sở GD&ĐT, bà Mai Thị Thanh Bình, chánh văn phòng, cho biết, đơn vị cũng đã lên kiểm tra di tích nhưng kế hoạch tôn tạo của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch đến đâu và đang triển khai thế nào lại chưa nắm được. 

Bà Bình cho biết thêm, di tích của ngành giáo dục, nhưng việc quản lý và tôn tạo không thuộc trách nhiệm của ngành. Tất cả công tác tôn tạo, bảo tồn ra sao thuộc về sở chuyên môn.

Trong khi đó, tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa - nơi có di tích Bộ Quốc gia Giáo dục, Chủ tịch xã Triệu Văn Tuyên cho hay, xã vẫn đang chờ kế hoạch của tỉnh để sẵn sàng huy động bà con trong xã tham gia chỉnh trang, tôn tạo.

Mấy năm trước, trung ương cùng đoàn cán bộ tỉnh có lên khảo sát, đo đạc chuẩn bị cho việc tôn tạo khu di tích, nhưng không hiểu sao đến nay chưa thấy gì. Còn chuyện cán bộ bảo tàng lên đào bia cũ và nói để làm bia mới thay vào là có. “Họ còn định mang bia cũ đi nhưng xã  đề nghị không được mang ra khỏi xã mà phải có bia mới  đã” - ông Tuyên nói.

UBND xã Yên Nguyên là nơi đang lưu giữ quyết định xếp hạng bia di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin Phạm Quang Nghị ký ngày 17/1/2006. Theo đó, di tích lịch sử địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang là di tích cấp quốc gia.

Bao giờ lại đến ngày xưa

Theo tài liệu lịch sử di tích xã có, đây là nơi sơ tán của Bộ Quốc gia Giáo dục thời kỳ chống Pháp từ năm 1951 đến tháng 7/1954. Tuy nhiên, như đã nói, trên tấm bia cắm tại thôn Khuôn Trú, “mốc thời gian sai và ngay cả tên hồi đó cũng không phải là Bộ Giáo dục&Đào tạo như đề trên bia”, ông Tuyên nói.

Vẫn theo Chủ tịch xã Yên Nguyên, đây là nơi khởi nguồn phong trào bình dân học vụ, cụ thể tại làng Gò. Câu chuyện về phong trào bình dân học vụ được vị chủ tịch xã tự hào khoe với không biết bao nhiêu người đến làm việc tại xã. Hồi đó, tất cả người dân ở đây đều được học chữ.

Mỗi phiên chợ, người ta dựng hai cổng, cổng phụ dành cho những người không biết chữ. Cổng chính cho những ai biết chữ, kiểm tra, đọc thuộc mặt chữ mới được qua. Những ai qua cổng phụ bị mọi người cười nhạo ghê lắm. Chính nhờ thế mà phong trào học tập tại xã không đâu bằng.

Từ trẻ con, phụ nữ, đến cả người cao tuổi cũng đều tham gia các lớp bình dân học vụ do cán bộ dạy. Để đến tận bây giờ, trong xã những cụ già người dân tộc như cụ Bàn Thị Nhâm, ông Thắng, ông Táo… đều ngoài 70 tuổi nhưng đọc và viết tốt tiếng Việt.

MỚI - NÓNG