Đi tìm nguồn gốc ngọc rắn

Ngọc rắn của gia đình chị Hiền là vật nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Huy
Ngọc rắn của gia đình chị Hiền là vật nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Ông Trần Hữu Nam - Phó chủ tịch Hội Đông y TP Đà Nẵng cho biết: Chuyện ngọc rắn chỉ nghe đến nhiều trong dân gian, cổ tích, chứ ngoài đời chẳng ai được tận mắt thấy ngọc rắn bao giờ. Có chăng là cách gọi khác về những vật chữa độc thời nay.

>>Kỳ III: Gặp những người được “đặt ngọc” cứu sống

Thực tế, nguồn gốc của những viên ngọc này cũng như cơ sở khoa học vẫn còn là điều gây nhiều tranh luận.

Ngọc rắn của gia đình chị Hiền là vật nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Huy
Ngọc rắn của gia đình chị Hiền là vật nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Huy.

Từ truyền thuyết, cổ tích

Theo PGS.TS Bùi Thanh Tâm - Tổng thư ký Hội Y tế công cộng Việt Nam: Bao năm nay, ông chỉ nghe người dân truyền miệng về công dụng của “ngọc rắn” nhưng chứng kiến thì chưa bao giờ. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Nam cũng nhận định: Thực tế ngọc tít (rết) là có thực và không ít người được chứng kiến, nhưng ngọc rắn vẫn còn là điều bí ẩn.

Chúng tôi thử lần tìm trong các kho truyện cổ dân gian. Danh từ “ngọc rắn” vốn không hề xa lạ mà được kể lại khá nhiều. Theo truyện “Viên ngọc của mặt trời” (cổ tích Cơ Ho), ngọc rắn được nhả ra từ những con rắn khổng lồ và của thần mặt trời. Với viên ngọc này, người anh trong câu chuyện có thể chữa người chết, chó chết, thậm chí xoa viên ngọc lên con trâu bị xẻ thịt sống lại như thường…

Hay như chuyện Dã Tràng (sách Chuyện xưa tích cũ) được một con rắn đến nhả cho mình một viên ngọc sáng lòa trong bóng tối. Viên ngọc không chỉ chữa lành các vết thương, mà còn giúp người hiểu được tiếng của các loài động vật.

Theo chuyện tình đẫm lệ Bạch xà, Thanh xà của một tác giả vô danh đời nhà Minh, hai con rắn cái Thanh xà và Bạch xà nhờ tu luyện cả ngàn năm tại chốn sơn tuyền nên có ngọc. Đây là tinh khí luyện thành nội đơn có khả năng trị và giải chất độc muôn loài.

Ông Nam nhận định: Ngọc rắn do rắn tu luyện lâu năm là chuyện hoang đường, còn ngọc rắn được sử dụng xưa nay là chuyện có thật và đây là ngọc rắn nhân tạo. Ngọc này do con người tinh chế bằng các loại thảo dược có công dụng trừ và giải độc. Thường họ dùng gạc nai và bào chế với nhiều loại thuốc giải độc khác.

“Thần y” Hồ Văn Cần và viên ngọc rắn vẫn còn là điều bí ẩn. Ảnh: Nguyễn Huy
“Thần y” Hồ Văn Cần và viên ngọc rắn vẫn còn là điều bí ẩn.
Ảnh: Nguyễn Huy.

Thực hư ngọc rắn

Trở lại với câu chuyện của ông Lý Quốc Hải (Đà Nẵng) người đang giữ viên ngọc rắn đã hút độc cứu hàng nghìn người suốt gần 40 năm qua. Ông Hải cho biết: ông là con trai trong 4 người con được bố cho thừa kế viên ngọc đặc biệt này. Nó là vật báu gia truyền có đến hơn 200 năm và trải qua bốn thế hệ. Nhưng hỏi về nguồn gốc viên ngọc, ông lắc đầu không lý giải nổi.

“Tôi nghe kể lại từ thời cụ tổ của dòng họ đã có thanh ngọc này. Cụ làm quan ngự y của triều đình nhà Thanh (Trung Quốc), đến thời Thái hậu Từ Hy thì bất mãn nên đưa gia đình sang thương cảng Hội An (Việt Nam) và sinh sống ở đây rồi ra Đà Nẵng. Cứ thế viên ngọc được lưu truyền. Tôi đã nhiều lần chứng kiến bố mình dùng thỏi đá này để hút độc cứu người. Năm tôi hai mươi tuổi, ông truyền lại cho tôi. Viên ngọc có từ đâu, như thế nào thì tôi không rõ”, ông Hải bộc bạch.

Nhìn thỏi ngọc của ông Hải có hình chữ nhật, dáng bẹt bẹt đen bóng khá giống với ngọc rắn nhân tạo được ông Nam miêu tả. So với thỏi đá của ông Hải, viên ngọc của “thần y” Hồ Văn Cần (63 tuổi, thôn Ba De, xã Linh Thượng, Gio Linh - Quảng Trị) lại có hình khá tròn, màu đen tuyền. Công dụng hút độc cứu người của viên ngọc này không còn là điều bàn cãi khi hơn 30 năm nay, ông đã cứu hàng trăm người khỏi độc tố nặng do bị rắn cắn.

Không chỉ đặt ngọc, cách chữa của ông Cần còn kết hợp với việc ướp các loại thuốc tươi để trừ độc cho hiệu quả nhất. “Nhớ nhất là chuyện anh thanh niên trong làng bị loại rắn hổ phì cực độc cắn cách đây cả chục năm dẫn đến bị ngất lịm, tím tái, hơn nữa người bệnh đã không được cột garô nhằm hạn chế phát tán nọc độc nên mức độ càng nguy hiểm. Phải mất hơn một tuần liên tục đặt ngọc hút độc và ướp các loại lá thuốc giã mịn, người thanh niên này mới dần tỉnh và trở lại bình thường” - Ông Cần kể lại.

Cứ thế, hầu hết các ca bệnh nhẹ đến nặng đều được ông chữa khỏi. Với người dân thôn bản Ba De và khắp vùng lân cận, cảnh rắn cắn không còn là nỗi ám ảnh với người dân nhờ vào viên ngọc đang được ông Cần lưu giữ. Tuy nhiên, tìm hiểu về nguồn gốc vật đặc biệt này, ông Cần chỉ biết đó là vật gia truyền, “ngọc rắn” cũng là từ người dân quen gọi mà thành.

Ông Cần kể: Cha ông là cụ Hồ Văn Cửu (tên thường gọi là Hồ Ân), một chiến sĩ cách mạng. Tham gia các chiến trường giáp biên giới với nước bạn Lào, cụ Cửu được người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều truyền dạy cách nhận và chế biến các loại thuốc chữa rắn cắn phòng khi bất trắc.

Trong một lần hành quân trên đại ngàn Trường Sơn, cụ Cửu vô tình nhặt được vật giống viên đá có màu đen, cụ liền cất giữ cẩn thận. Sau ngày giải phóng, cụ Cửu đem câu chuyện kể lại với người dân, nghe mọi người phỏng đoán là ngọc rắn, cụ đem ra thử liền thấy công dụng hút độc rất bất ngờ. Cộng với nghề đắp lá, phun thuốc chữa độc, từ đó cụ Cửu liên tục chữa trị cho những ai bị độc tố.

“Tôi thường hay theo cha nên học được cách đắp thuốc chữa độc, sau khi về già, ông truyền lại cho tôi viên ngọc và dặn cất giữ cẩn thận để đem chữa bệnh tích đức. Từ đó, có ai đến nhờ là tôi lại làm như cách được cha truyền dạy” - ông Cần kể.

Ngay chính ông Túc, người trực tiếp chứng kiến ngọc rắn và bỏ 5 chỉ vàng để mua bằng được 5 viên ngọc từ vị bí thư huyện ủy Konplông (Kon Tum) gần 30 năm trước cũng không lý giải được nguồn gốc của vật đặc biệt này. Theo ông Túc “Tôi chỉ chữa bệnh, hút độc theo kinh nghiệm và những gì được chứng kiến chứ chẳng biết nó có từ đâu. Sau này, tôi cũng hay nhờ anh em trong các chuyến đi rừng để ý xem có vật nào giống thế nhưng họ đều cho rằng không tìm ra”.

Chúng tôi dẫn ý kiến của bác sĩ Nguyễn Út - Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng để tạm kết luận cho loạt bài viết của mình: “Theo quy định để phổ biến một phương pháp chữa bệnh mới nào đó thực hiện trên người các tổ chức, cá nhân phải xin phép ngành y tế, trên cơ sở đó sẽ tiến hành các hội đồng kiểm tra, thẩm định. Nhưng từ trước đến nay, việc đặt ngọc, hút độc chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu nào về vấn đề này. Trước mắt chúng tôi sẽ nhờ đơn vị quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) để kiểm tra vấn đề này”.

“Ngọc rắn” của ông Túc là trái… quà quạ

Đưa bức hình chụp “ngọc rắn” của ông Túc, ông Trần Hữu Nam - Phó chủ tịch Hội Đông y TP Đà Nẵng khẳng định: đây là trái quà quạ của một loại cây mọc trên các vùng sơn cước, hẻo lánh. Ông Nam đã nhiều lần thấy trái này, khi đi TPHCM, ông thấy nhiều người rao bán. Ông Lý Quốc Hải cũng khẳng định đây là trái đậu Lào (tên gọi khác của quà quạ) chứ không đặc biệt như thỏi ngọc rắn của ông.

Trao đổi về công dụng của trái này, ông Nam cho biết: Trái quà quạ có khả năng hút độc, trị độc nhưng ở cấp độ nhẹ. Sau khi cưa đôi trái, đem mài nó sẽ tạo thành hơi nóng, đem ép vào vết thương góp phần giảm đau. “Có nhiều phương thuốc chữa rắn cắn. Người ta chế ra cách này cách khác và gọi chúng bằng cái tên “ngọc rắn” nhưng thực tế thì khó mà biết được” - ông Nam trao đổi. 

MỚI - NÓNG