Địa danh thương nhớ của Tô Hoài

Địa danh thương nhớ của Tô Hoài
TP - Gập ghềnh những ngày núi non chạnh nhớ Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Thoai thoải hay chất ngất của những con dốc thuộc châu Bắc Yên hay Quỳnh Nhai cứ quanh quất bâng khuâng con dốc nào Tô Hoài gò mình theo bộ đội vượt sông Đà sang châu Phù Yên hoặc Trạm Tấu.

>> Kỳ 3: Gặp cháu của Vừ A Dính
>> Kỳ 2: Đường sương Sìn Hồ
>> Kỳ 1: Chuyện nơi ngã ba biên giới

Địa danh thương nhớ của Tô Hoài ảnh 1
Ba em gái Mông trên dốc châu Quỳnh. Ảnh: Xuân Ba

Những địa danh mà nhà văn vốn hiếm khi dùng những thán từ đã phải nhiều bận thốt lên  từng để thương để nhớ cho tôi nhiều...

Sắp tới Hồng Ngài của huyện Bắc Yên, Sơn La. Cái thứ gió mà xe đang xé ra ào ào kia chắc vẫn là thứ gió hơn nửa thế kỷ trước Tô Hoài gặp vợ chồng A Phử ở Tà Sùa để có Vợ Chồng A Phủ chưa bao giờ yểu mệnh trong dằng dặc những thế hệ bạn đọc.

Một lần hầu chuyện nhà văn, tôi được biết sở dĩ nhà văn bây giờ dùng thạo được tiếng Mông là do, năm 1952, ông vào các khu du kích vùng mới giải phóng của Tây Bắc trong đó có châu Phù Yên của huyện Bắc Yên bây giờ (Tô Hoài là nhà văn cao niên nhất hiện nay và có lẽ độc nhất trong giới nhà văn Việt Nam nói được tiếng Mông).

Học tiếng Mông chả phải do tò mò mà, theo như Tô Hoài, ông hay đi một mình nếu muốn giao thiệp được nhanh mà phải đợi giao thông và cán bộ địa phương thì không thể đi nhiều hiểu chóng  được.

Biết tiếng mà học trực tiếp thì được cả lời ăn tiếng nói. Không rõ tiếng Mông không cắt nghĩa được sắc thái địa phương trong sáng tác. Thời gian ở châu Phù Yên ông ghi được lời ăn tiếng nói nhiều tục ngữ và cả thơ ca  dân tộc Mông, Mường, Thái.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên người Mông Sùng A Giao, người thấp nhỏ vẻ mặt chất phác cứ ngỡ ông là giao thông viên, nhân vật nào đó của Tô Hoài bước ra từ Truyện Tây Bắc thuở nào.

Bắc Yên 54 ngàn dân, có bảy dân tộc, người Mông chiếm non nửa.  Chuyện bên chai vang Sơn Tra, Sùng A Giao bộc trực thẳng thắn về tỷ lệ đói nghèo chiếm đến gần 50% của Bắc Yên và khấp khởi lộ ra đường hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương bằng nhiều mũi nhọn trong đó có việc duy trì phát triển rượu vang Sơn Tra.

Thì ra cái thứ vang Sơn Tra mà một số bợm vang vẫn nhắc đến  vang Mèo vang Mán là vang chế ở vùng Bắc Yên hiện đang lù lù đây. Tôi vốn không rành lẫn sành vang nhưng Chủ tịch Sùng A Giao cho hay, hằng bao đời nay quả Sơn Tra (táo Mèo) thứ mọc hoang thứ trồng chỉ dùng ngâm rượu hoặc ngâm đường uống chơi kể cả làm thuốc (Sơn Tra, Mạch Nha, Thần Khúc thường đứng đầu vị đại bổ trong đông y) dùng chả xuể đem vứt lay lứt.

Từ khi Bắc Yên nghiên cứu chế ra rượu vang từ Sơn Tra, cây táo Mèo đâm ra bán chạy và có hướng ra. 15.000 lít vang là chỉ tiêu năm 2009. Sắp tới theo chuyên gia công nghiệp thực phẩm, vang Sơn Tra của Bắc Yên sẽ được điều chỉnh lại một vài thông số không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà sẽ xuất sang một số thị trường ngoài nước. 

Tôi cũng chưa có dịp hầu lại chuyện cụ tiên chỉ làng văn Tô Hoài để vỡ thêm ra cái nhẽ, có thể là khi viết Truyện Tây Bắc Mường Giơn giải phóng, Mường Giôn cụ viết chệch ra là Mường Giơn? Bởi khi đến châu Quỳnh Nhai của huyện Quỳnh Nhai bây giờ, cột cây số ghi là Mường Giôn. Các văn bản hành chính đều ghi Mường Giôn.

Chị Duy nước mắt dân dấn khi kể lại chuyện hai cụ già hơn 80 tuổi ở bản Chiếng nắm tay chị mà khóc: Con ơi ta nghe lời cán bộ phải nhường cái bản cũ mà ta ở từ bé đi nơi khác vì lợi ích của cả nước chứ ta đau lòng lắm...

Con dấu UBND xã cũng in Mường Giôn. Nhưng chị Điêu Thị Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cười tươi  Mường Giơn giải phóng của nhà văn Tô Hoài đấy! Chả phải có người sau này nắc nỏm với tôi nhưng, thoạt nhìn dù đã đứng tuổi, chị Duy vốn là người đẹp của châu Quỳnh Nhai. Hình như ngoài gene đẹp ra, dòng họ Điêu, một dòng họ Thái nổi tiếng  ở châu Quỳnh Nhai cũng có gene làm quan thì phải? Chứ không à, cụ gì tôi quên mất tên mà chị Duy gọi bằng kỵ từng giữ chức quan kha khá của châu Quỳnh.

Cụ có tới năm bà vợ tinh là người đẹp và, lạ nữa, năm bà đều sống với nhau hòa thuận! Nhiều người họ Điêu có chân trong phìa tạo (hệ thống chức sắc chế độ cũ ở vùng cao Tây Bắc). Dưới chế độ mới cũng người họ Điêu giữ nhiều cương vị chủ chốt trong chính quyền của Quỳnh Nhai nói riêng và Sơn La nói chung.

Bữa nay, cán bộ Quỳnh Nhai đang bấn bao việc. Mà việc nước sôi lửa bỏng vẫn là chuyện di dân. Thử tưởng tượng, trong số hàng chục ngàn hộ dân của mấy tỉnh Tây Bắc phải di dời phục vụ cho công trình thủy điện Sơn La thì Quỳnh Nhai của Sơn La chiếm hơn 50%. Quỳnh Nhai có 13 xã, một thị trấn thì chín xã và một thị trấn phải di dời đến nơi ở mới.

Từng rậm rạp rục rịch lâu rồi về một Quỳnh Nhai sẽ chìm sâu dưới lòng hồ hàng chục thước nước khi có thủy điện Sơn La. Vì thế Quỳnh Nhai trước nay bặt đi những sự xây cất này khác, thị trấn Quỳnh Nhai cứ để cũ kỹ, hoang phế!

Một thị trấn Quỳnh Nhai cách huyện Quỳnh Nhai cũ hơn 40 km thay cho huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ kỹ hơn trăm năm tuổi đang được khẩn trương xây dựng. Quỳnh Nhai đang bước vào cuộc di dân khổng lồ mà chỉ có cái thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới có thể diễn ra.

Mường Giôn của Quỳnh Nhai cũng như Mường Giơn của nhà văn Tô Hoài cũng đang những ngày chộn rộn. Chị Duy cho biết, Mường Giôn  gần chín ngàn dân có bảy dân tộc Thái Mông mai kia sẽ tiếp nhận thêm một số hộ từ xã khác đến định cư. Sẽ tách Mường Giôn thành hai xã Mường Giôn và Lã Giôn. 

Mường Giôn là xã thuộc diện vùng ba, vùng đặc biệt khó khăn, số hộ đói nghèo khá cao không biết sau cuộc di dân lẫn chia tách liệu có thành được Mường Giơn no ấm sau Mường Giơn giải phóng của Tô Hoài hơn nửa thế kỷ không?

...Gập ghềnh trên một con dốc châu Quỳnh, ngoái lại thấy mình như có lỗi. Sau xe thoáng cảnh ba em gái Mông đang địu trên lưng những tấm phibroximăng dùng để lợp nhà. Những tấm lợp ấy nằm trong số 50 triệu đồng tiêu chuẩn cấp cho mỗi hộ khi di dân đến nơi ở mới. Các em ở bản nào trong chín xã phải di dời ấy? Châu Quỳnh thoắt cái đã thăm thẳm vời vợi sau lưng...

Tà Sùa, làng Chểu, Xím Vàng, Hang Chú - bốn xã ấy là thung thổ của Sơn Tra. Vùng nguyên liệu ấy cung cấp cho cơ sở chế biến vang không đủ, nay Bắc Yên cho trồng mới 150 ha táo Mèo. Hóa ra ông chủ tịch người Mông cũng là một bạn đọc lâu năm của Tô Hoài.

Ông cho biết Bắc Yên đang mở ra hướng thu hút du khách bằng các chợ phiên truyền thống. Có nhiều khách du lịch tìm đến Tà Sùa, Hồng Ngài nơi nhà văn Tô Hoài dựng nên Vợ Chồng A Phủ từ nguyên mẫu.

Tà Sùa không chỉ có cây chè là đặc sản nổi tiếng mà bây giờ còn có cây Sơn Tra với diện tích lớn chế ra vang Sơn Tra. Mong sao mai kia, vang Sơn Tra của Bắc Yên cũng thơm lây cũng nổi tiếng như Vợ Chồng A Phủ!

Làng Lon sắp đông chí năm Tý

Xuân Ba

MỚI - NÓNG