Điều kỳ diệu: Một người bị mù 14 năm bỗng nhiên sáng mắt

Điều kỳ diệu: Một người bị mù 14 năm bỗng nhiên sáng mắt
TP - Nhận được tin bà mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Ngụ (tên thường gọi là Bích) 103 tuổi, suốt 14 năm bị mù không chữa trị gì, sau một đêm ngủ dậy đôi mắt tự sáng ra, chúng tôi vượt cả hơn trăm cây số về làng Đại Nghĩa, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh.
Điều kỳ diệu: Một người bị mù 14 năm bỗng nhiên sáng mắt ảnh 1

Bà Ngụ đang dùng cơm tối

Tìm đến nhà ông Phùng Văn Bằng con rể đầu nơi bà mẹ liệt sỹ này đang ở với con, cụ ngồi ở thềm ăn cơm. Nghe chúng tôi giới thiệu việc có mặt bất thường này, bà cụ lên tiếng hỏi:

“Lại nhà báo à? Chiều nay có hai chú nhà báo đến cả buổi hỏi đủ thứ chuyện, chú ấy còn bắt cả tay tôi ra xem tướng…”- vừa nói, bà cụ vừa chìa bàn tay trái ra trước mặt chúng tôi với giọng khá hài hước:

- Nhà báo ni có biết xem tướng không? Chú khi chiều cũng to cao giống chú nhưng tóc tốt xỏa ngang vai như đàn bà, coi xong tay tôi, chú ấy nói - Bà thọ lắm là phải, đường sinh đạo của bà dài và đậm ra như ri thì còn sống được nhiều năm…

Thật bất ngờ, một cụ bà đã bước sang tuổi 103, xưa chẳng được học hành gì mà ăn nói rất lưu loát, chất giọng còn khỏe pha chút ngữ điệu thật hóm và vui. Để tỏ lòng hiếu khách bà bỏ bát cơm xuống, chúng tôi ái ngại nói lời cảm thông mong bà cứ ăn cơm xong rồi sẽ tiếp chuyện.

Tôi quay sang ông Bằng người con rể năm nay 75 tuổi, hỏi và ghi chép những gì liên quan đến cuộc đời và đôi mắt bà cụ. Khoảng thì giờ kéo dài đủ để cho bà ăn nốt bát cơm trên tay, uống nước xong; câu chuyện chính được bắt đầu.

Bà cụ kể: Bữa đó là ngày 10/9/2006 âm sau một đêm ngủ dậy, tôi mở mắt ra thì bỗng dưng thấy trời sáng choang, tưởng mình đang nằm mơ, đưa tay sờ hai mí mắt thì không còn bị díp lại nữa.

Tôi cầm cái gậy chống đi ra cửa, biết mình không phải mơ, tôi sung sướng quá gọi người con gái đầu: Bà Bích ơi, mắt tôi nhìn thấy rồi… bà Bích chạy vô dắt tay tôi xuống thềm đi ra sân. Tôi nhìn trời nhìn đất ở mô cũng thấy sáng choang.

Sung sướng lắm các chú ạ, 14 năm hai mí mắt này cứ díp kín lại, như ai lấy mủ trái mít dán vô không tài chi mà trương ra được. Sống trong cảnh mù lòa ngồi một chỗ, đôi chân cũng bị xo bại. Từ hôm mắt được sáng ra, cứ mỗi bữa thức dậy là tôi chống gậy ra ngoài sân đi thể dục đến 6 vòng. Làng xóm nghe tin chạy đến mừng đông lắm.

Điều kỳ diệu: Một người bị mù 14 năm bỗng nhiên sáng mắt ảnh 2
Bà Ngụ với con cháu và chắt (Phùng Thị Quyết người ngoài cùng bên phải)

Tập xong cả tuần đôi chân ni khỏe hẳn ra, tôi chống gậy đi thăm hỏi được hơn 10 nhà trong xóm. Hôm bầu cử Quốc Hội tôi đi sớm nhất làng… nay phải gắng tập để đôi chân khỏe ra rồi phải lên xã, lên huyện xem sự đổi thay của quê hương sau 14 năm mắt mù không nhìn thấy...

Qua lời kể của bà có thể tóm tắt lý lịch trích ngang của những người trong gia đình như sau: Bà Nguyễn Thị Ngụ sinh năm Ất Tỵ 1905, chồng bà tên là Nguyễn Bích hơn vợ 11 tuổi. Ông sinh năm Giáp Ngọ 1884. Người con đầu cũng tên là Nguyễn Thị Bích sinh năm Ất Hợi 1935 nay 73 tuổi.

Sau đó bà còn đẻ thêm hai lần nhưng không nuôi được. Năm Kỷ Mão 1939 vợ chồng sinh thêm con thứ tư đặt tên là Nguyễn Thị Tứ. Năm Giáp Thân 1944 sinh con thứ 5 đặt tên là Nguyễn Hữu Duyệt. Khi Duyệt chưa tròn 3 tuổi thì chồng mất. Một mình chạy chợ nuôi 3 con đến tuổi trưởng thành đầy gian truân cơ cực.

Rồi ngày chồng chết…  ngày con hy sinh… ngày nhà bị bom tàn phá... những ngày theo con thì ăn nhờ ở đợ hết nơi này đến chốn nọ… bà Ngụ nói ra những con số và địa chỉ cứ vanh vách như đọc thuộc lòng.

Những năm miền Bắc bị đánh phá ác liệt, xã Đức Yên nằm ở vùng ven cầu đường sắt Thọ Tường bắc trên Sông La. Đây là trọng điểm đánh hủy diệt của máy bay Mỹ, gia đình bà phải sơ tán lên vùng núi, nhà giao lại cho đơn vị trực pháo ở.

Năm 1968 hai nguồn gia tài lớn nhất của bà đều mất: Người con trai duy nhất Nguyễn Hữu Duyệt đã hy sinh ở chiến trường. Ngôi nhà 2 gian thì bị bom san phẳng. Từ đó bà mẹ liệt sỹ này sống “vô gia cư”.

Người con gái đầu Nguyễn Thị Bích làm cấp dưỡng cho ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã đưa mẹ đi theo hết nơi này đến nơi khác. Khi bà Bích nghỉ hưu mới đưa mẹ về định cư trong nhà mình ở thôn Đại Nghĩa, xã Đức Yên bây giờ.

Bệnh mù của bà cụ này cũng khác người. Đôi mắt đang bình thường sau một đêm ngủ dậy thì mi trên và mi dưới dính chặt với nhau không mở ra được. Thấy tình cảnh mẹ mình như vậy năm 1993 con cháu trong nhà bàn với nhau vay mượn tiền đưa cụ đi chữa trị.

Bà nói “Nhà đứa mô cũng nghèo, đi vay mượn tiền phải mang nợ... mẹ gần 90 tuổi rồi, bỏ ra khoản tiền lớn chạy chữa để lại nỗi khổ cho con cháu là mẹ sống không yên…”.

Từ đó bà Ngụ gần như ngồi một chỗ. Mọi sinh hoạt đều cậy nhờ vào con cái cháu chắt. Suốt 14 năm như thế, cực quá trời.

Sau ngày mắt bỗng dưng “sáng choang”, bà luôn chống gậy lên nhà trên ngắm bức chân dung con trai Nguyễn Hữu Duyệt nhập ngũ lúc 20 tuổi và hy sinh năm 24 tuổi, lồng trong khung của tấm Bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1968.

Bà Ngụ có 9 cháu ngoại và 16 chắt. Cuộc đời bà gắn bó nhất với chắt đầu có tên là Phùng Thị Quyết. Bà gọi Quyết lại giới thiệu với chúng tôi: “Hồi nó lên 10 tuổi, mắt tôi mới bị mù. Nó thương cố lắm. Suốt những năm mù lòa ngồi một chỗ, nó là đứa giúp tôi nhiều nhất.

Khi cháu 18 tuổi vì nhà nghèo, không có tiền theo học lên, phải vào Nam làm thuê sinh sống. Nay nghe nói mắt tôi sáng ra là nó về ở với bà luôn. Con Quyết dạo ni to cao, trắng trẻo và đẹp gái chứ không còn đen và nhỏ như trước đây”.

Cháu Quyết khoe: “Dạo ni bà rất chăm xem ti vi, thấy cô nào đẹp là bà thích lắm và trầm trồ khen: “Con nhà ai mà đẹp rứa”.

Khi được hỏi về nguyện vọng cuối đời, bà cụ cầm tay chúng tôi với vẻ mặt khổ sở buồn rầu, bộc bạch: “Từ khi mắt tôi được sáng lại, mỗi lần xem ti vi thấy nhiều nơi trao nhà tình nghĩa cho các thân nhân liệt sỹ, tôi thấy mừng cho họ mà tủi thân cho mình.

Giá như thằng con trai tôi không hy sinh vì nước thì năm nay nó cũng đã 63 tuổi; cũng có nhà có cửa, có bàn thờ tổ tiên, ông bà, cũng có cháu nội, cháu ngoại như bao nhiêu người khác... nhờ các chú nói với cấp trên giúp bà với...”.

Suốt 14 năm đôi mắt bị mù, sống trong bóng tối bà cụ ước được nhìn thấy ánh sáng để tự đi lại khỏi làm khổ con cháu. Rồi một đêm ngủ dậy, điều kỳ diệu đã đến là đôi mắt bà đã tự “sáng choang” nhìn rõ mọi thứ xung quanh.

Còn một điều mà người mẹ liệt sỹ ấy chờ đợi mong ngóng suốt 40 năm nay là ước có được một căn nhà của chính mình để trú thân những ngày cuối đời và làm nơi hương khói cho chồng cho con và cả chính mình, khi về thế giới bên kia… để “linh hồn của những người thân khỏi phải nương nhờ nơi cửa người khác” như cụ nói.

Chẳng biết điều ước đơn giản vậy của thân nhân liệt sỹ này có kịp nhìn thấy không khi đời mẹ như ngọn nến lắt lay trước gió, sắp bước qua tuổi 103 có thể vụt tắt bất cứ lúc nào?

Tháng 6/2007

MỚI - NÓNG