DK 1: Hai mươi năm gìn giữ chủ quyền - Kỳ cuối

DK 1: Hai mươi năm gìn giữ chủ quyền - Kỳ cuối
TP - Ngày anh ra biển nhận nhiệm vụ, đứa con vừa tròn thôi nôi phải nhập viện; biết đang báo cáo trực tiếp cho vợ mình trong đất liền nhưng anh - nhân viên báo vụ của nhà giàn không thể hỏi tình trạng sức khỏe của con hay nói với chị một lời yêu thương, dù lúc ấy ruột gan anh cồn cào như thiêu đốt…

>> Kỳ trước

Nối liền cách trở

DK 1: Hai mươi năm gìn giữ chủ quyền - Kỳ cuối ảnh 1
Phút chia tay lưu luyến với cán bộ nhà giàn DK1

Ở hai đầu nỗi nhớ

Hai vợ chồng anh Vũ Ngọc Thạch đều là cán bộ thông tin thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân. Năm 2001, Thạch về nhận nhiệm vụ tại khung quản lý DK1, triền miên với những chuyến công tác dài ngày trên biển với vai trò là một nhân viên báo vụ. Chị Thủy - vợ Thạch làm nhiệm vụ trên đất liền. Hai vợ chồng thường xuyên chat với nhau qua điện đài.

Hàng ngày, Thạch có nhiệm vụ báo cáo về đất liền tình hình, diễn biến trên nhà trạm, vùng biển. Toàn bộ nội dung đều đã được mã hóa. Anh nói: “Nghe giọng của cô ấy là tôi nhận ra ngay. Và, cô ấy cũng vậy. Nhiều lúc muốn nói với nhau một lời yêu thương để động viên, chia sẻ nhưng rồi chúng tôi kiềm lòng được.

Quy định không cho phép được sử dụng phương tiện thông tin liên lạc của đơn vị để phục vụ mục đích cá nhân. Giữa muôn trùng cách trở, nghe giọng nói của nhau là vui rồi vì tôi biết cô ấy vẫn khỏe mạnh để quán xuyến gia đình.

Anh Thạch được điều động về đất liền làm nhiệm vụ tại Đại đội Thông tin (Lữ đoàn 171) được hơn một tháng nay. Thạch kể có lần, sau đợt nghỉ phép, lúc chuẩn bị lên tàu ra nhà giàn nhận nhiệm vụ thì đứa con đầu lòng của anh đột nhiên bị sốt cao. Thạch lặng lẽ lên tàu, phó thác hoàn toàn cho vợ.

Hình ảnh đứa con thơ ngằn ngặt khóc rồi lả đi trên tay vợ khi chờ taxi chở vào viện cấp cứu đã ám ảnh anh suốt nhiều ngày sau đó. Ruột gan như thiêu đốt, lo và thương vợ con cồn cào nhưng qua điện đài, Thạch không dám hỏi vợ về tình trạng sức khỏe của con. Quân lệnh như sơn. “Sau khi gác máy, nước mắt tôi tự nhiên trào ra, không sao kìm được” - Thạch nói.

Không như ở Trường Sa, làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1, cán bộ, nhân viên và chiến sĩ hoàn toàn mất liên lạc với gia đình. Thiếu tá Bùi Văn Tài - Trưởng trạm DK1/10 bùi ngùi nhớ lại:

“Có lần về thăm nhà, đứa con gái đầu lên ba vừa thấy bố là bỏ chạy, mẹ cháu phải dỗ dành mãi cháu mới chịu gọi bố. Làm sao trách cháu được. Hơn một năm trời tôi công tác ngoài biển, không tiếp xúc, điện thoại cũng không nên cháu quên cả bố”.

Nghe cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1 kể: Có người lúc lên tàu ra khơi, người thân vẫn khỏe mạnh, bình thường, đến khi quay về thì đã qua ngày giỗ đầu.

Đầu tư chưa tương xứng

“Ghé thăm nhà giàn, tôi hết sức bất ngờ khi thấy anh em còn phải cặm cụi viết báo cáo ra giấy. Một bộ máy vi tính giá chỉ vài triệu nhưng các nhà giàn vẫn chưa được trang bị. Trong khi đó, DK1 có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc mà còn là vùng đặc quyền kinh tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, vào sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiên đại hóa. Thềm lục địa phía Nam còn là nơi chứa đựng tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nhất là tiềm năng dầu khí, nơi có trữ lượng dầu và khí lớn nhất cả nước, đã và đang được thăm dò, khai thác, trong đó có nhiều mỏ có trữ lượng lớn như Bạch Hổ, mỏ Rồng, Đại Hùng, Hồng Ngọc, Rạng Đông, Sư Tử Đen với trữ lượng ước tính lên tới ba tỷ tấn dầu”.

Không chỉ thiếu thốn nước ngọt, rau xanh, không có trạm phát sóng viễn thông, điện thoại di động trở nên vô dụng. Mọi thông tin liên lạc giữa cán bộ chiến sĩ nhà giàn với gia đình, đất liền hoàn toàn bị cắt đứt, cô lập với thế giới bên ngoài.

Chúng tôi chợt nhớ đến câu nói ví von của một chiến sĩ nhà giàn DK 1/17: “Ở nơi này, sóng rất nhiều nhưng chỉ có sóng biển thôi, không có sóng điện thoại, nước cũng rất nhiều nhưng chỉ toàn nước mặn của biển, còn nước ngọt thì phải dè sẻn từng ca”.

Chiều 27/6, tiếp đón đoàn đại biểu các cơ quan Dân - Chính - Đảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Cộng Hòa dẫn đầu lên thăm, Đại úy Dương Văn Hoan - Trưởng trạm DK1/16 cho biết các cán bộ nhân viên và chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên định, vững vàng làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió nhưng trong thâm tâm, nhiều anh em vẫn canh cánh bên mình nỗi lo.

Hoàn cảnh gia đình của một số cán bộ nhân viên chiến sĩ còn nhiều khó khăn, trong khi thông tin liên lạc với gia đình hoàn toàn bị mất.

“Nếu có sóng điện thoại, cán bộ nhân viên và chiến sĩ nhà giàn sẽ không còn cảm giác nghìn trùng xa cách với hậu phương, đất liền” -  anh Hoan thổ lộ. 

Cùng bắc cầu ô - thước

DK 1: Hai mươi năm gìn giữ chủ quyền - Kỳ cuối ảnh 2
Chim sáo giúp vơi nỗi nhớ đất liền

Theo số liệu của Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, từ năm 2004 đến 2008, các cơ quan đoàn thể thuộc hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đã chi viện vật chất cho 15 nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam với tổng số tiền trị giá gần hai tỷ đồng.

Ông Võ Ngọc Minh - ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: Vừa qua, tỉnh đã quan tâm đóng góp hỗ trợ vật chất, tinh thần để các cán bộ nhân viên và chiến sĩ nhà giàn phần nào ổn định cuộc sống.

Việc tuyên truyền về nhà giàn, về sự hy sinh anh dũng và đóng góp của các cán bộ chiến sĩ nhà giàn cần phải đẩy mạnh hơn để nhân dân trong tỉnh và cả nước hiểu được, quan tâm chia sẻ để có những nghĩa cử đóng góp thắp sáng nhà giàn, quyên góp ủng hộ để xây dựng các trạm phát sóng điện thoại, tạo điều kiện để cán bộ chiến sĩ có thể liên lạc về đất liền, về gia đình; đóng góp các sinh hoạt văn hóa như truyền hình, vi tính, tủ sách…

Những vấn đề đó sau chuyến đi này tôi sẽ trực tiếp báo cáo và đề xuất với lãnh đạo tỉnh và phát động rộng rãi trong các hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn thể như Đoàn TNCS HCM để có những hưởng ứng, đóng góp thật cụ thể.

Các nhà giàn đang thiếu điện, nước ngọt, sắp tới chúng tôi sẽ tính đến phương án vận động nhân dân đóng góp để cùng tỉnh xây dựng các hệ thống Pin mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt…

Lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của cán bộ nhân viên chiến sĩ nhà giàn, muốn có quỹ nhà ở xã hội bán trả góp cho một số gia đình còn khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, góp phần ổn định cuộc sống ở hậu phương để anh em yên lâm làm nhiệm vụ trên biển”.

Đại tá Đinh Gia Thật - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết, Quân chủng đã làm việc sơ bộ với Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel), sắp tới sẽ phấn đấu để lắp đặt trên mỗi nhà giàn DK1 một trạm phát sóng Viettel, đồng thời sẽ vận động mỗi bộ ngành, địa phương kết nghĩa với một nhà giàn để quan tâm chăm lo đời sống cho cán bộ nhân viên và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

MỚI - NÓNG