Kỳ 1: Chuyện nơi ngã ba biên giới

Dọc đường Xuân Tây Bắc

Dọc đường Xuân Tây Bắc
TP - Mường Tè! Mường Tè là thế nào? Bảo rộng bảo dài là khái niệm. Cảm nhận tàm tạm cho sự gian hiểm trắc trở ấy có thể dùng đoạn đường từ Hà Nội vào Vinh để chỉ độ dài của một huyện thuộc Lai Châu trước đây.

Mường Tè mấy năm nay tách ra thành hai huyện. Một huyện thuộc Lai Châu vẫn địa danh là Mường Tè.

Một huyện có tên là Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên. Cùng với việc tách huyện, có đường từ Điện Biên lên Mường Nhé.

Còn khi huyện Mường Nhé chưa thành lập, muốn vào khu vực ngã ba biên giới Trung - Việt - Lào, phải đi đường vào thị trấn Mường Tè, vượt dốc cổng trời Tà Tổng.

Qua hết dốc này thì đến dốc khác. Cứ mải miết cuốc bộ chài chãi như thế. Nhanh thì bảy ngày, chậm thì hơn mười ngày  thì đến được bản A Pa Chải - bản cuối cùng của cực Tây Bắc Tổ quốc thuộc xã Sín Thầu của huyện Mường Nhé bây giờ!

Bốn năm trước, tôi bỏ cuộc đến ngã ba biên giới Sín Thầu vì nương theo sức xe chỉ đến được Mường Tè. Còn sức người thì quá kém để mà cuốc bộ! Lần này lên ngã ba biên giới được bám theo Nguyễn Như Phong và Phạm Ngọc Tiến, tác giả những phim bắt mắt một thời như Chạy án, Ma Làng, Gió làng Kình...

Như Phong thì cữ áp Tết cứ đều đặn làm cái việc phát quà của An ninh Thế giới cho những vùng sâu vùng xa... Hình như hai cha viết văn lẫn làm phim trong chuyến đi kết hợp này dự định làm cái gì hình như là Ma rừng nên hăng hái lắm làm tôi cũng lây cái hăng ấy theo.

Năm 1984, PV Báo Công an nhân dân Nguyễn  Như Phong là người viết đầu tiên dám đặt chân đến ngã ba biên giới A Pa Chải sau mười ngày cuốc bộ từ Mường Tè.

Như cuộc chạy tiếp sức sau hai chục năm, bởi năm 1962, nhà văn Hoài An thân sinh Như Phong cũng nằm ở Mường Tè một thời gian nhưng cũng phải bỏ ý định lên ngã ba biên giới vì không đủ sức leo tiếp.

Từ Điện Biên, chúng tôi đến Mường Chà. Bỏ lại  chiếc xe 12 chỗ ngồi mượn chiếc U oát dã chiến đi tiếp vào Chà Cang. Từ Chà Cang leo tiếp lên xã Mường Nhé.

Mường Nhé là thị trấn của huyện mới Mường Nhé. Từ Mường Nhé gập ghềnh con đường mới mở qua bốn con suối cạn chưa có cầu mà chỉ mùa khô này mới đi được để vào Sín Thầu.

Hơn 250 km mà vào lúc bửng tưng (năm giờ sáng) từ Điện Biên chỉ dừng ăn trưa ít phút ở Mường Nhé mà đến bốn giờ chiều mới đến được Sín Thầu đủ biết đường đất diệu vợi như thế nào. Nhưng có lẽ thế vẫn còn hên chán so với cha con Như Phong thời ấy.

Từ bản Tả Kho Khừ trung tâm xã Sín Thầu, chúng tôi vội vã đến bản A Pa Chải... Ngồi trên chiếc U Oát lắc lư đầu chạm trần cồm cộp mà Như Phong thi thoảng cứ rên lên vì sướng bởi đường nay đang mở vào A Pa Chải không phải leo dốc lẫn cuốc bộ.

Dọc đường Xuân Tây Bắc ảnh 1
Thiếu uý Dũng đang làm nhiệm vụ

Công ty Trường Thọ trường vốn lẫn dồi dào năng lực các loại phương tiện thi công hiện đại  đang nhận thầu con đường rộng bảy mét dài 11 cây số nối liền xã Sín Thầu với ngã ba biên giới A Pa Chải.

Tôi cẩn trọng để mũi giày cách vạch đường biên 10 phân. Thưa các đồng chí, nơi chúng ta đang đứng đây là kinh độ 102009... là điểm Cực Tây của Tổ Quốc... Chất giọng trầm và trịnh trọng của thiếu tá Hưng khiến tôi rởn hết cả gai ốc...

Trời đất sầm sì mấy bữa nay tự dưng chiều muộn này nắng bỗng bừng lên vàng rực. Thứ mây thành, thứ bông, thứ nõn, thứ khói đèn đang quây kín những rặng núi chất ngất dọc đường biên mà người xưa kêu bằng mây quan ải hay mây quan tái chi đó bắt được nắng bỗng rực lên nhiều sắc độ lạ mắt.

Mây xứ quan ải này hai phía y hệt nhau. Phía chếch bên kia nữa là bản Nhột U thuộc huyện Mường U của Phong Xa Lỳ. Cảnh sắc có khác chăng, cách vạch đường biên không xa, phía bên kia là những thửa ruộng vuông vắn tít tắp của huyện Long Phú thuộc Quảng Tây.

Mai kia tại điểm nối A Pa Chải - Long Phú này, hai bên sẽ dựng một cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc du lịch buôn bán thông thương. Còn bây giờ chỉ hào phóng những sắc mây quan ải vần vụ trên đầu và thứ gió hoang ràn rạt làm rạp khoảng lau lẫn cỏ gianh mênh mang nơi biên tái!

Trong âm thanh ràn rạt gió ấy, tôi phải căng tai để nghe thiếu tá Hưng nhiệt thành kể cho nghe qua thứ công việc gian khó là quản lý đường biên. 317 phải để mắt phải chăm bẵm từng thước đất của Tổ quốc gồm  56 km đường biên với 18 mốc giới các loại.

Và cũng duy nhất địa bàn này có tuyến đường biên 38,5 km với CHND Trung Hoa, 18 km với CHDCND Lào. Trong số hàng ngàn đồn Biên phòng quốc gia chỉ có 4 đồn trong đó có 317 được hưởng phụ cấp 200%.

Chúng tôi theo chân thiếu uý Khuất Quang Dũng đi thăm cột mốc mới dựng trong thời điểm phân giới cắm mốc. Hỏi ra mới biết anh sĩ quan biên phòng họ Khuất này cùng quê và đâu như có họ hàng bà con xa với nhà văn Khuất Quang Thuỵ ở Văn nghệ Quân đội...

Cột mốc được xây bằng đá hoa cương trên một bệ đỡ vuông vắn có diện tích 5x5m, là một cột đa giác cao hai mét có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.

Cột mốc mà chúng tôi đến thực ra được xác định chủ quyền từ năm 2001 nay mới được xây khang trang.

Nghe chuyện thiếu úy Dũng, tôi mới tường thêm là tại sao lại có cụm từ mà ta vẫn gọi nôm na là các loại mốc giới.

Đâu như có bốn loại cột mốc đại, trung, tiểu và phụ với chiều cao từ 1,2 đến 1,7 m. Phần cột mốc Việt Nam phải đảm nhận việc xây cất đều lấy mẫu từ Bộ Xây dựng. Như cột mốc số ba mà chúng tôi đang đứng đây thuộc loại 1,2m. Việc thi công cột mốc xem ra cũng chả phải là đơn giản! Bộ phận thi công phải khênh lên đây mốc mẫu là phần vỏ đá hoa cương màu trắng xám dày ba cm.

Sau khi tạo móng cho cột mốc (tùy theo chất đất mà tính độ nông sâu) một chất liệu hỗn hợp gồm xi măng, bột đá, phụ gia... được trộn đều và thứ chất liệu ấy được đổ vào thân cột mốc qua một loại phễu đặc biệt na ná như cánh thi công thân đập thuỷ điện khoan phụt xi măng để gia cố nền móng vậy!

Càng nghe chúng tôi càng tiếc hùi hụi bởi không có dịp đến cột mốc số không.  Mặc dù cùng nằm trong địa phận của xã Sín Thầu nhưng từ A Pa Chải đây leo lên đó, nhanh cũng phải mất ba tiếng mà trời lại gần tối!

Nghe thiếu úy Dũng, tôi hình dung ra cột mốc số không ấy thuộc loại đặc biệt không nằm trong hệ thống các loại cột mốc mà tôi vừa được nghe! Cột mốc số không  nằm ở Cực Tây A pa Chải là điểm xa nhất về phía tây của Tổ quốc, cũng là ngã ba biên giới đặc biệt của ba nước Việt Nam - Lào -Trung Quốc được các bên thống nhất và cắm xong mốc vào ngày 27- 6 - 2005.

Điểm này nằm trên đỉnh Khoang La San, cách bản Tá Miếu, bản cuối cùng về phía tây của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé sáu cây số.  Thiếu úy Dũng cười nói vui rằng, đến cột mốc số không,  nội chỉ trong vòng vài  phút,  người tham quan có thể xuất ngoại sang cả hai nước!

Chuyện quanh cột mốc số 3 trong ánh tà dương sắp tắt đang đến hồi xôm tụ thì chúng tôi phải rời địa đầu biên ải để về Tả Kho Khừ của Sín Thầu. Chuyện nói được ra miệng lẫn viết ra giấy và cũng có chuyện đành để đó!

Nhưng chuyện về những gian khó mà các chiến sĩ Biên phòng đồn 317 phải bươn chải có lẽ phải đeo bám dài dài đối với chúng tôi. Nhiều cán bộ chiến sĩ do công việc trên này bận bịu câu thúc nên cứ phải biền biệt.

Về được quê dưới Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình hay Thanh Hóa là trên dưới một ngàn cây số. Nhiều anh hiếm muộn phải đón vợ lên một thời gian với mục đích cố làm sao để vợ có bầu! Khi sinh nở có trường hợp cháu bé không quen với thung thổ và khí hậu trên này cứ sài đẹn luôn lại đành bố trí đưa mẹ con về xuôi...

Giá như được kéo dài câu chuyện trong bữa cơm thân mật với đại diện chính quyền địa phương Sín Thầu lẫn Đồn Biên phòng 317... Chuyện của ông Pờ Xìn Tài dân tộc Hà Nhì, nguyên trưởng CA xã Sìn Thầu được phép của kiểm lâm mưu trí diệt trừ hổ dữ, chuyện một chú hổ hiện đang ngự ở vườn thú Hà Nội do dân trên này bắt được khi còn bé ra sao... cả chuyện cái tên bản này mang tên Tả Kho Khừ (tiếng quan hoả nghĩa là Đại Công Cộng.

Xín Thầu nghĩa là nơi đầu khe suối) có từ đời nhà Thanh do  trước đây nơi này là trung tâm của mọi con đường qua lại, thông thương, buôn bán giữa ta và Trung Quốc. Đằng đẵng bao năm rồi bây giờ mới chuẩn bị để lặp lại cơ hội giao thương khi cửa khẩu quốc tế mở ra giữa A Pa Chải của Xín Thầu với  Long Phú của Trung Quốc...

Rồi chuyện về bài hát cổ dùng trong đám cưới của người Hà Nhì ở trên Mường Tè dài tới 400 câu! Cả chuyện ông Bí thư Đảng uỷ Sín Thầu Pờ Zần Sin có cậu con trai là Pờ Zần San sắp tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền.

Nghe mọi người nói vui rằng trong cộng đồng 17.000 người Hà Nhì ở Việt Nam sắp sửa góp cho làng báo Việt Nam một người con của dân tộc Hà Nhì? vv... và vv... Nhưng tất thảy đành tạm dừng lại để chúng tôi lại gập ghềnh hơn 50 cây số trở ra Mường Nhé để trả xe cho huyện...

Kỳ II: Đường sương Sìn Hồ

MỚI - NÓNG