Dọc Kà Lừm

Mẹ con chị Hiên
Mẹ con chị Hiên
TP - Huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Koong - Lào) vẫn còn khó khăn khi cung đường biên thùy hai nước Lào - Việt còn những con dốc dựng đứng lầy lội giữa rừng già. Nhưng, những nụ cười đã lấp lánh trên gương mặt bà con hai nước bởi dăm tháng nữa, họ sẽ cùng được qua lại, giao thương trong không gian văn hóa - thương mại mới.

>> Kỳ 1: Anoonh - như phố giữa rừng già

Dọn dẹp về nhà mới Ảnh: Nam Cường
Dọn dẹp về nhà mới. Ảnh: Nam Cường.

Bản mới bắt đầu đỏ lửa

Trung úy Viêng Xay - Đồn trưởng ĐBP cửa khẩu Tà Vàng (Kà Lừm, Sê Koong - Lào) tận tình làm thủ tục cho chúng tôi qua cửa khẩu A Đớt (giữa 2 huyện Kà Lừm và A Lưới, TT-Huế) đồng thời không quên cảnh báo: Mấy anh đi đường này vất vả lắm. Trời mới mưa xong, có những đoạn dốc dựng đứng, đường trơn như mỡ. Đi bộ còn khó, nói gì đến xe.

Chiếc Uaz mới keng, hai cầu vừa vượt qua con dốc ngang cửa khẩu Tà Vàng chưa được 2km, lời cảnh báo của Viêng Xay có hiệu lực ngay tức thì. Chúng tôi bắt buộc thực hiện cuộc hành trình đi bộ đầy gian nan nhưng cũng vô cùng thú vị dọc Kà Lừm, chứng kiến biết bao đổi thay trên từng nóc nhà, từng gương mặt của người dân Lào.

Dọc hai bên đường tiến sâu vào Kà Lừm, những cây gỗ to bằng thân người chất ngổn ngang. Đồn phó Viêng Khon giải thích, đó là gỗ được đốn hạ để lấy mặt bằng làm bản mới. Năm ngoái, BĐBP cửa khẩu A Đớt (Việt Nam) đã sang giúp 64 hộ dân từ sâu thẳm trong rừng già chuyển bản ra đường lớn.

Đó là con đường độc đạo, chỉ một lối vào Kà Lừm và phải vượt không biết bao nhiêu con suối, qua bao nhiêu đồi dốc sừng sững. Hơn 65 nóc nhà được dựng tạm ở bản mới Arooc. Nhà chưa lợp mái, ngổn ngang trên vạt rừng cháy đen, nham nhở. Sáng vừa chớm nắng, xế trưa mây mù đã bao phủ vùng biên, mang theo hơi lạnh len tận từng thớ da thịt. Bà con đang gấp rút dọn dẹp, lợp mái nhà để về bản mới.

Ngày trước, từ con đường độc đạo, vượt qua bờ suối và đi thẳng vào rừng sâu tận 30km theo chim bay, người dân Arooc chưa hề biết đến thế nào là tiền, là cuộc sống văn minh bên ngoài. Với họ, vòng khép kín là cuộc sống tự cung tự cấp. Cá dưới suối, thú trên rừng, ngô khoai trên rẫy. Cán bộ chiến sĩ đồn BP A Đớt vận động bà con dân bản dời ra đường, chấm dứt cuộc sống mịt mù bao năm nay.

Anh Cong Thoong - chủ một trong 65 nóc nhà, hớn hở: “Không có gì tả nổi niềm vui của chúng tôi ngày hôm nay. Giờ đây chúng tôi không sợ đói, không sợ lạnh nữa”. Cong Thoong mới 26 tuổi còn vợ 20 nhưng đã kịp sinh 4 đứa con.

Anh tâm sự: “Nếu cán bộ biên phòng Việt Nam không khuyên bảo mình dừng lại để nuôi con cho tốt thì bây giờ vợ chồng mình có đứa thứ 5 rồi. Ở đây ai cũng đẻ nhiều hết”. Cong Thoong là một trong 2 người dân ở Arooc biết nói bập bẹ tiếng Việt nhờ những lần giao tiếp với BĐBP cửa khẩu A Đớt và Tà Vàng.

 Mẹ con chị Hiên
Mẹ con chị Hiên .

Chị Cong Hiên - vợ Cong Thoong trên lưng cõng đứa con út mới 7 tháng, tay dắt đứa con trai thứ 3 mới 2 tuổi, nói tiếng Việt trọ trẹ: “Cảm ơn bộ đội, cảm ơn chính quyền Việt Nam đã đưa chúng tôi về bản mới”.

Bàn chân trần của chị Hiên cùng đứa con 2 tuổi lấm lem than bùn, nhưng vẫn bước vững chãi trong tiết lạnh. Đối với Hiên và hơn 300 người ở Arooc, như thế vẫn chưa nghĩa lý gì so với việc họ cũng như ông bà tổ tiên của họ hằng chục năm nay cắt rừng lội suối, sống biệt lập tìm cái ăn, săn con thú.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cùng vượt rừng đi bộ với chúng tôi dọc Kà Lừm nhận định, phải mất 3 tháng nữa, đời sống bà con Arooc mới đi vào ổn định cho việc sản xuất, làm rẫy.

Cong Thoong 26 tuổi và cũng chính là trưởng thôn mới Arooc bày tỏ: Trước mắt cuộc sống của bà con sẽ cực kỳ khó khăn. Chưa có rẫy, chưa biết kiếm cái ăn qua ngày nên phần lớn nhờ sự giúp đỡ của BĐBP ở A Đớt và Tà Vàng.

Con đường từ suối lên Arooc chợt nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng cười vang của trẻ con. Trời lạnh căm, nhưng hai chú bé gùi sắn về bản lại trần như nhộng. Đứa lớn con của trưởng thôn Thoong, đứa nhỏ con của Viêng Xen.

Cong Thoong cười: “Thế đấy, con nít ở đây chẳng biết lạnh là gì. Núi rừng nuôi, chúng chưa bao giờ biết mùi bệnh tật”. Hai đứa trẻ đi bộ gần buổi sáng, sang tận bản Ka Lô gùi sắn về luộc. Mới một nhà duy nhất đỏ bếp. Người dân đang chuẩn bị về hẳn bản mới...

Những nóc nhà dở dang ở bản mới A rooc
Những nóc nhà dở dang ở bản mới A rooc .

Tây Giang gần lại Kà Lừm

Trong đoàn đi dọc Kà Lừm của chúng tôi có ông Bhriu Liếc, với mục đích quan sát thực tế con đường từ thôn Tà Vàng về cửa khẩu A Đớt để tiếp tục với dự án mở cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm. “Đã có chủ trương rồi, hai bên cũng đã ký kết thống nhất.

Nhưng tôi phải đi chuyến này để xem tuyến đường nào thuận tiện hơn. Nếu đường từ thôn Tà Vàng về khu 7 Tây Giang thuận tiện hơn, có thể đề xuất mở cửa khẩu chính ở Tây Giang, nhằm thông thương hàng hoá kinh tế, phát triển đời sống của bà con, thay vì mở cửa khẩu phụ” - Ông Liếc nói.

Ngày 21-1-2011, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã ký văn bản gửi các tỉnh Thanh Hoá, TT- Huế và Quảng Nam về việc xúc tiến mở các cặp cửa khẩu phụ và nâng cấp một số cửa khẩu chính. Trong đó, cửa khẩu phụ A Đớt - Tà Vàng sẽ được nâng cấp, cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm được khai trương. 

Ông Bhling Mia - Chủ tịch huyện Tây Giang nhớ lại: Mở cửa khẩu Kà Lừm - Tây Giang là mơ ước từ lâu của chính quyền và người dân 2 huyện.

Đầu tháng 1 vừa rồi, khi sang tận Tây Giang để ký kết hợp đồng ghi nhớ, Phó tỉnh trưởng tỉnh Sê Koong Liệng Khăm Phun sau những thoáng trăn trở đã không giấu được vui mừng, khi tâm sự với ông Mia rằng, rốt cuộc thì người dân vùng biên hai nước Việt - Lào ở Sê Koong cũng sẽ có ngày thuận đường đi lại, giao thương.

Biên bản đã ký cách đây hơn 1 tháng, ông Mia nhắm mắt cũng đọc vanh vách toạ độ cửa khẩu: X = 1752.502.00; Y = 740.145.00, cách cột mốc biên giới số 692 khoảng 40m về hướng tây.

Hành trình dọc Kà Lừm của chúng tôi kết thúc ở vùng giáp ranh giữa Tà Vàng và xã vùng biên Ch’ơm (Tây Giang). Nhiều lần lên vùng biên được mệnh danh là khu 7 Tây Giang (gồm 4 xã vùng biên), mỗi lần lại chứng kiến vài thay đổi. Sau sự kiện ký kết hợp đồng mở cửa khẩu phụ, dường như bà con dân tộc vùng biên ngày nào cũng như có hội.

Khăm Phôi - dân bản Tà Vàng nắm tay tôi, trọ trẹ tiếng Kinh: Chúng tôi mong mở cửa khẩu từng ngày từng giờ. Có đường sá qua lại thuận tiện, ai cùng mừng. Ông Khăm Xơ Vạt Xả Ngà - GĐ Sở Ngoại vụ tỉnh Sê Koong nói: Việc nâng cấp cặp cửa khẩu phụ A Đớt - Tà Vàng và mở cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm sẽ là một dấu mốc, một sự kiện trọng đại của người dân vùng biên. Từ nay, sợi dây đoàn kết sẽ bền vững hơn bằng những hoạt động qua lại, buôn bán.

Chúng tôi vẫn mất gần nửa ngày đi bộ từ Ch’ơm về tận xã A Xan mới có xe đón về xuôi, nhưng Bí thư Huyện hủy Tây Giang Bhriu Liếc nói như đinh đóng cột: Dăm tháng nữa thôi, ô tô sẽ chạy qua tận Kà Lừm. Và nếu là chạy qua cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm, đó sẽ lại là một dấu mốc nữa của bà con dân tộc Tây Giang, cả dân Kà Lừm nữa.

Ký sự của Nam Cường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.