Dọc miền chân sóng - Kỳ 4: Mỗi nhà mỗi cảnh…

Bãi tắm Cửa Việt lớn nhất tỉnh Quảng Trị đìu hiu bóng khách.
Bãi tắm Cửa Việt lớn nhất tỉnh Quảng Trị đìu hiu bóng khách.
TP - Chúng tôi đang nói về những nhân tình thế thái, không đầu không cuối, đều đều như tiếng sóng vỗ không dứt qua 16 xã miệt biển của xứ Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng trên dải đất eo thắt Quảng Trị này.

Vẫn là Thái Lai, mạch nước

Vĩnh Thái, địa danh khi nhắc tới có lẽ vẫn còn lưu lại trong bộ nhớ của nhiều người ở rốn “đặc sản gió Lào, cát trắng” Quảng Trị. Nghèo, nghèo rớt,  “sống trên cát, chết vùi trong cát”, nhưng là xã 2 lần vinh dự khoác tấm áo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã bãi ngang dài nhất tỉnh, những 12 cây số. Bên Nam làng Tân Thuận giáp Vĩnh Kim cùng huyện nhà Vĩnh Linh, phía Bắc làng Mạch Nước láng giềng với Ngư Thủy huyện Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình. 

Là xã với vô số giai thoại vui, cười hết… nước mắt. Như chuyện “Người Chính phủ phỉnh bày choa”, đại loại thế này, mấy o làng cát Thái Lai, Mạch Nước gánh cá lên chợ huyện Hồ Xá, bán xong tạt vô cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp mua mươi cây kem lạnh cho chồng cho con, rồi quày quả lội bộ chục cây số băng cát bỏng về. Đến nhà nhìn lại trên rổ, kem chỉ còn lại toàn que tre không… Lòng thòng như thế muốn ý rằng, người Vĩnh Thái khổ mà thừa can trường, đầy ắp tiếng cười trên những giọt mồ hôi biển mặn chát.

Ở xứ cát Vĩnh Thái có một người con đặc biệt. Ông là Nguyễn Tải, Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Trị thời mới chia tách Bình-Trị-Thiên năm 1989. Ông là dân làng biển Thái Lai thứ thiệt. Cương trực, kỹ sư thủy sản hệ chính quy, đối tượng Đảng những 18 năm bởi thông minh, chuyên môn giỏi tư cách sạch, lối sống giản dị, chỉ mỗi tội… hay thẳng thắn bày tỏ quan điểm nên không “vui bụng” cấp trên. 

Ông là người đã đưa nền thủy sản tỉnh có nhiều cách tân đúng hướng hiệu quả. Ngư dân Quảng Trị trọng và phục ông. Đảm chức giám đốc sở to đùng nhưng ở phòng tập thể, cơm niêu nước lọ tự biên tự diễn dằng dặc quanh năm suốt tháng, thi thoảng vợ già tần tảo ngoài Vĩnh Thái mới nhảy xe đò vô thăm ông lo mấy bữa ăn tươm tất rồi lại tất tả về quê. Hồi hưu, như ông nói “vứt quách cái chốn phồn hoa đô thị Đông Hà ni, về quê ở cho đã”. 

Vậy là ông về làng cát Thái Lai quê nhà sống cùng vợ con chòm xóm để thỏa lòng ngắm sóng biển xanh dạt dào, thuyền ra khơi vào lộng mỗi ngày. Còn nữa, ông Tải có biệt tài kiểu chơi chữ nói lái rất tiếu lâm hài hước hóm hỉnh. Kiểu như “Gió đưa thủy sản lên cồn,… đồn lo, đồn liệu, đồn làm”, hay “Có giống cải mới,… cải ông tặc”, vân vân. Thượng tuần tháng Bảy, tôi về lại Thái Lai, Trưởng thôn Trần Văn Hòe giọng buồn thông báo, ông Tải về cõi đã hơn mấy tháng rồi. Gặp tôi, vợ ông bảo: “Dạo ni con về không gặp được ông nhà, biển giã thì hiu hắt, buồn lắm phải không con!”.

Từ nhà Trưởng thôn Tân Mạch Nguyễn Tất Hữu, men theo đường quốc phòng rải nhựa chạy dọc bờ biển, bất ngờ gặp Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Ngô Thế Thân đang xuống thực tế thôn Thử Luật. Dừng xe, bệt ngồi gốc dương bên đường, Chủ tịch Thân vào chuyện, toàn xã có đến hơn 85% hộ sống nghề đánh bắt ven bờ, thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Xã có 840 hộ, 3.240 khẩu nhưng hộ nghèo đến 14,6%. Đấy là tỉ lệ trước vụ cá biển chết hàng loạt, chứ giờ thống kê lại chắc chắn là cao hơn nhiều. Gay cấn nhất là 3 thôn Thái Lai, Tân Mạch và Đông Luật. Bà con vẫn đi biển, làm cá bán giá được chăng hay chớ song vẫn không bán được. “Giờ phải chuyển đổi nghề gì, bao đời nay bà con quen rặt mỗi nghề đi biển, chưa hề làm nông nghiệp, mà quỹ đất đâu để làm. Đầu tư nâng cấp tàu thuyền đánh bắt trung bờ, xa bờ ư? Chạy vạy từ nhiều nguồn có thể lên tàu lên thuyền lên ngư lưới cụ được đấy, nhưng Vĩnh Thái là bãi ngang, muốn có khu tàu thuyền neo đậu phải chạy mấy chục cây số vô tận Cửa Tùng kia. 

Mới đây một số cán bộ thôn trong xã tham gia với đoàn của huyện tham quan học hỏi mô hình trồng rau sạch trên cát ở huyện Thạch Hà ngoài Hà Tĩnh. Tìm hướng đi mới là rõ rồi nhưng thực hiện cho được phương án mới không phải ngày một, ngày hai mà cả quá trình gian nan”, Chủ tịch Thân bày tỏ.

Dọc miền chân sóng - Kỳ 4: Mỗi nhà mỗi cảnh… ảnh 1

Phụ giúp phơi cá khô, một nghề mới cho dân miệt bãi ngang Quảng Trị.

Ngư dân Nguyễn Đình Phúc ở làng Mạch Nước đi ngang đường thấy ông Chủ tịch xã là chú em trong họ đang to nhỏ với khách, vui chân liền tạt vô. “Năm ni nắng hạn nhưng mùa lúa đông xuân vừa qua Quảng Trị lại bội thu, sản lượng cao nhất từ trước đến nay, có nơi mỗi hécta đạt tới 7 tấn. Dân biển bày tui nghe mà mừng, muốn chuyển sang nghề lúa nhưng lấy mô ra ruộng. Biển khơi chính là cánh đồng của bà con tui, tính chuyển đổi nghề khác không phải dễ mô. Nhưng giờ ngư dân phải tìm kế để tồn tại và để sống”, ngư dân Nguyễn Đình Phúc góp chuyện.

Muôn nẻo sinh kế

Khu tắm biển Cửa Việt (huyện Gio Linh), niềm tự hào của ngành du lịch-dịch vụ biển Quảng Trị mấy ngày nay gió Lào khô khốc ràn rạt nắng khét da, hoa cả mắt. Đây là cao điểm mùa làm ăn song tịnh vắng bóng du khách sau ngày cá chết cuối tháng Tư. Ở hai nhà hàng có tên bắt mắt Biển Nhớ, Biển Đợi áp nhau chỉ có 2 bà chủ tên Hoa và Lan tuổi vượt ngưỡng 40 đang gác chân hóng gió tán chuyện. 

Tôi bắt chuyện, chị Hoa bảo, ngay sau khi xảy ra sự cố cá biển, UBND thị trấn Cửa Việt đã trích 10% kinh phí hoạt động của tất cả khối đoàn thể, Đảng, ủy ban trong năm này 100 triệu đồng để hỗ trợ kịp thời cho 43 hộ kinh doanh tại bãi tắm. Việc này sau đó Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh gật đầu thừa nhận, và cho biết thêm việc cắt giảm kinh phí không hề ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động khối, đoàn thể bởi đã được cân đong tính toán kỹ. 

“Sự chung sức chia sẻ lúc khó khăn này của thị trấn chính là liều thuốc tinh thần quý giá cho bà con”, ông Minh nói. Ông Minh bổ sung, một số ngư dân của thị trấn biển Cửa Việt đã chuyển sang đánh bắt cá trên sông, một số đi làm ăn nơi khác, song sinh kế đó không bền vững. Họ muốn trở về đánh bắt trên vùng biển quen thuộc. Đó là tâm nguyện, là mong ước, khát khao của họ.

Rong ruổi dọc miền chân sóng thuộc xã Gio Hải (Gio Linh), tôi gặp chị Trần Thị Vươn ở thôn 7. Trong sóng biển xô bờ chiều muộn, chị Vươn kể, nhà chị có một chiếc thuyền máy đánh bắt ven bờ do chồng chị là anh Lê Thiết Quốc làm chủ. Hằng ngày, tầm 1 đến 9 giờ sáng là nhà chị giắt hầu bao bét cũng được 5-7 trăm ngàn đồng. 

Sau ngày cá biển chết, anh Quốc thôi đi biển ven bờ và tạm xin chân làm thuê tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt nhưng cũng chả nhằm nhò gì do thị trường tiêu thụ ế ẩm, giá cá biển chạm đáy. Ba tháng nay tất tật chi tiêu của gia đình và tiền trang trải việc học hành của 3 đứa con đều nhờ vào đồng lương bèo bọt của chị, một công nhân môi trường đô thị thị trấn. Chị đang lên phương án vứt nghề sang Lào phụ nấu ăn cho cánh thợ nề quen trên thị trấn Gio Linh.

Dọc miền chân sóng - Kỳ 4: Mỗi nhà mỗi cảnh… ảnh 2

Thuyền ngư dân Gio Hải gác bờ.

Ngư dân Hoàng Văn Bòn ở làng Cang Gián, xã Trung Giang (Gio Linh) buồn buồn với tôi rằng: “Tui và 3 ngư dân trên thuyền đánh bắt gần bờ nhưng biển không còn cá như trước nữa, lưới kéo lên chỉ dính xương cá thôi. Nhiều bữa vừa đi biển nước mắt vừa chảy ròng, chẳng biết khi mô biển trở lại như xưa để cưu mang ngư dân đây. Tui đang chuẩn bị túi bị khăn gói vô Kon Tum phụ giúp thằng em vợ chăm sóc cà phê đây. Nghe trong đó đợt ni cà phê cũng không ăn thua, nhưng cũng phải đi tha phương kiếm cơm thôi”.

Còn ở làng biển Thạnh Hội của xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong), sau sự cố biển giã, ngư dân Hoàng Viết Dương tạm dừng tay lưới để chăn dắt 4 con bò, song đợi ngày chúng lớn lên bán được mới có nguồn thu nhập cho gia đình thì vời vợi quá, trong khi chi phí hàng ngày luôn chực chờ. Mấy năm nay vợ ông lại bị tai biến nằm liệt giường, nhà lại 8 miệng ăn nên đời sống càng khốn khổ hơn. Bốn người con của ông Dương lần lượt vào TPHCM kiếm việc làm. Còn ông thì ở nhà chăm đàn bò, đàn lợn. Đứa con trai út của ông đi thì phụ thợ hồ kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.

Chủ tịch huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho hay: “Trong số 22 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Linh thì Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng hoàn toàn phụ thuộc vào nghề biển. Biển ô nhiễm, cá biển cạn kiệt khiến hàng ngàn gia đình lao đao, khốn khó. Đây là hiện trạng mà cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của huyện căng đầu tìm hướng giải quyết”. 

        _________________

    (Đón đọc kỳ 5 trên Tiền Phong thứ 2 ra ngày 18/7).

MỚI - NÓNG