Đời bè

Đời bè
TP - Họ coi những mùa nước nổi, những cơn lũ hung dữ cuồn cuộn đổ về như người bạn cũ mỗi năm lại ghé thăm. Cuộc đời của người dân nhà bè trên sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên ngược lên sông Tiền về phía Campuchia, đi qua 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp cứ phập phù theo từng con nước.

Nghề dẫn đường lên Fansipan
> Người lau phố

Xóm nhà bè nằm dọc sông Tiền

Một khu nuôi cá bè rộng lớn của anh Nguyễn Văn Mẹo (Bình Thạnh, Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Nhọc nhằn mưu sinh

Từ cửa Hàm Luông, cửa thứ tư trong chín cửa sông đổ ra biển Đông, chúng tôi bắt đầu ngược sông Mê Kông. Những xóm nhà bè lác đác xuất hiện. Sông Cửu Long nhộn nhịp, tàu bè ngược xuôi chủ yếu là tàu của giới thương hồ, mang đủ thứ tạp pí lù chạy khắp kênh rạch miền Tây. Tàu thuyền chở cát sạn thì ì oạp chậm chạp rẽ sóng. Trên thuyền người nào người nấy trần trùng trục, đỏ au, lơ đãng nhìn xung quanh.

Những chuyến tàu khách, tàu du lịch chở những ông bà Tây mắt chữ O mồm chữ A với máy ảnh lia lịa trên tay tạo nên sự thích thú đối với dân nhà bè. Họ kéo cả ra ngoài, đưa tay vẫy chào hồn nhiên, lũ trẻ con ríu rít đang lội dưới sông cũng cố nhoài người đưa cả hai tay lên vẫy vẫy.

Xóm nhà bè nơi chúng tôi đang trú ngụ nằm trên khoảng sông rộng lớn, sát bên một cù lao đang được bồi đắp. Hai bên bờ sông bị sạt lở nặng khiến mặt sông càng thêm rộng. Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ có vài hộ gia đình, phần lớn có quan hệ họ hàng xa gần, sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông, một vài người làm thuê tứ xứ.

Chị Tô Thị Điệp, thành viên của xóm, khoảng ngoài 30 tuổi, đã có chồng và 2 đứa con, cho biết, gia đình chị đến đây lập nghiệp đã gần 20 năm. “Hai vợ chồng tui quê Tiền Giang, theo con nước tìm nơi nhiều tôm cá. Ban đầu cũng chài lưới qua ngày. Tuy thô sơ nhưng hồi đó cá tôm nhiều, có khi làm một buổi mà ăn mấy ngày trời. Sau này cuộc sống khó khăn, vợ chồng cất căn nhà ven bờ. Vậy mà thiên nhiên vẫn không tha, sạt lở dần ngoạm hết đất, bước chân ra khỏi nhà là đứng bên mép nước. Cuối cùng phải trở lại với sông”, chị Điệp kể.

Ra sông dựng bè nuôi cá, vay mượn được gần 70 triệu đồng mua vật liệu, chồng chị vớt thêm củi, hái lá dừa nước làm mái lợp mới cất được căn nhà bè. Căn nhà nổi trên một đống thùng phi bằng nhựa ở dưới. Nước dâng, nhà dâng theo. Lũ về cũng bình thản ngồi ăn cơm. Hai đứa con nhà chị Điệp đã gửi về quê từ lúc chúng tới tuổi đi học.

Không biết cả nơi mình đang ở…

Ngày ngày, chị Điệp và chồng mỗi người giữ một bè cá. Bè cá của chị nhỏ hơn, khoảng vài ngàn con. Bè của chồng ở sát bên, lớn gấp mấy lần. “Nhớ con lắm mà không biết làm sao. Lâu lâu được nghỉ hè đưa tụi nhỏ lên chơi cũng lo canh chừng sông nước, mấy đứa nhớ ba nhớ mẹ nhưng lên đây ngày một qua ngày hai là thấy buồn rồi. Nghĩ cũng tội, xung quanh chỉ có sông và nước, tụi nhỏ buồn là phải” - chị Điệp nói.

Hai vợ chồng mải miết cặm cụi làm lụng gửi tiền về quê cho ông bà lo cháu ăn học. Ông bà ở quê đã già, nhà cũng không dư dả gì, chắt bóp lắm mới đủ cho cháu ngày ba bữa và đóng tiền học phí. Hôm con lên thăm, chị lựa những con cá béo nhất, đặt thêm tôm, cua loại ngon từ các thuyền chài bồi dưỡng cho chúng: “Nhìn tụi nhỏ ăn là biết ở quê chẳng mấy khi được ăn những thứ này”.

Đã gần 20 năm rời quê lên miệt Đồng Tháp lập nghiệp và cũng ngót 15 năm sinh kế trên nhà bè. Nhưng hỏi địa chỉ của nơi này, chị Điệp lắc đầu: “Hồi xưa khi cất bè có báo với chính quyền để làm giấy tờ. Rồi từ đó tới nay đâu có việc gì phải rời khỏi bè đâu. Nên cũng không biết giờ nơi mình ở là đâu nữa. Nhưng chú cứ đi bất cứ chỗ nào dọc sông Tiền hỏi cồn Bồng Bồng là người ta biết liền”. Vợ chồng chị Điệp mong ước gia đình được đoàn tụ. Nhìn lũ cá diêu hồng quẫy bọt trắng xóa tranh ăn, chị Điệp thở dài: “Về quê thì biết làm gì mà sống. Lại càng không thể để đời con lênh đênh như ba mẹ nó được”.

Xóm nhà bè nằm dọc sông Tiền
Xóm nhà bè nằm dọc sông Tiền.

Hò kara trên sóng nước miền Tây

Anh Nguyễn Văn Mẹo có riêng một xóm nhà bè ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, rộng lớn khang trang. Anh là chủ hộ và cũng được coi là xóm trưởng. Gần 50 bè cá của anh phủ rộng một góc sông. Mẹo có đứa con trai cả cao 1m75 nhưng lại có tên là Nguyễn Văn Lùn, ngoài 20, đã có vợ và một đứa con gái xinh xắn.

Anh Mẹo cho biết, phần lớn diện tích của xóm nhà bè để nuôi cá. Dành một khu để sinh hoạt và làm kho chứa hàng. Trong kho ngổn ngang đủ loại máy bơm, máy phát điện, từng bao tải thức ăn chăn nuôi chất thành đống, vài bộ áo quần cáu bẩn treo vắt vẻo.

Khác với nhà chị Điệp, đại gia đình anh Mẹo gồm cả 3 thế hệ cùng chung sống trên bè. Trên bè trang bị đầy đủ tivi, tủ lạnh đến bếp gas, dàn karaoke. Hai Lùn kể: “Nhà tui có khoảng 50 bè cá, mỗi bè cá trung bình có kích thước 4 m x 8m và sâu khoảng 4 m, cho sản lượng thu hoạch 5 - 6 tấn cá sau một vụ nuôi 5 - 6 tháng. Mỗi năm có thể nuôi 2 vụ cá bè. Nhà tui mấy đời ở đây. Ban ngày thì chăm mấy cái bè cá, đêm lai rai vài xị rồi đi ngủ. Cuộc sống giờ cứ vậy thôi. Con cái còn nhỏ quá, để lớn hơn tí rồi hẵng hay”.

Tất cả mọi thứ từ thức ăn, nước uống, vật dụng gia đình cho đến thức ăn chăn nuôi đều được chuyển ra bằng đò từ đất liền
Tất cả mọi thứ từ thức ăn, nước uống, vật dụng gia đình cho đến thức ăn chăn nuôi đều được chuyển ra bằng đò từ đất liền.

Hoàng hôn dần xuống trên cù lao. Xóm nhà bè lại tụ tập về từng căn để chuẩn bị bữa cơm chiều. Bếp gas đã thay cho hình ảnh khói bếp trong ráng chiều xa xưa, giọng hò cũng không văng vẳng năm nào mà đã sôi động hơn với sự hỗ trợ của dàn karaoke.

“May có cái máy kara này mà hò cho đỡ buồn, chứ trước kia ăn cơm chiều xong là nằm chèo queo”, anh Hai Lùn cười.

Tắm rửa, dạy bơi, tập bơi... nhịp sống muôn đời của dân xóm nhà bè
Tắm rửa, dạy bơi, tập bơi... nhịp sống muôn đời của dân xóm nhà bè .

Chiều muộn, thằng con lớn nhà ông Huỳnh Văn Út ở xóm bè xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh vừa tắm vừa tập bơi cho đứa em nhỏ. Không có nước sạch, cả 3 cha con múc nước sông lên tắm. Thằng anh túm lấy tay thằng em, dúi xuống nước. Thằng em quẫy đôi chân trồi lên, cười thích chí… Người cha có vẻ đã quá quen với kiểu tập bơi và dạy bơi này nên chỉ ngồi cười cười, múc nước dưới sông lên dội ào ào. Cả 3 cha con mang một màu da như phù sa dòng nước.

Ông Út cho biết, ngày xưa cả nhà ông ở trong cù lao miệt Ba Tri, Bến Tre. Càng ngày, cuộc sống càng khó khăn vì nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. “Nước bơm lên phải để 10 phút lắng sình, nước mặn không thể dùng sinh hoạt. Cá tôm, cây trái, cũng chịu không thấu với nước mặn”, ông Út thở dài.

Từ ngày dựng bè nuôi cá ở giữa sông, cuộc sống đã ổn định hơn. Thu nhập từ mấy bè cá cũng giúp ông trang trải được cuộc sống và lo cho hai đứa con ăn học. “Từ đây vào đất liền học phải đi đò gần nửa tiếng, vào đến nơi phải đi bộ thêm mấy cây số nữa”, đứa con lớn của ông Út học lớp 9 kể. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG