Đời đò

Đời đò
TP - Đò vừa chui qua khỏi cầu Nông Sơn thì bắt đầu mưa. Cây cầu này gắn liền với sự kiện đau buồn chấn động cả nước bằng sự ra đi mãi mãi của 18 trẻ em trên con đò già nua định mệnh của người chèo đò già 80 tuổi mù chữ Võ Nghỉnh.
Đời đò ảnh 1
Gia đình chị Thương quây quần bên bữa cơm đạm bạc

Nước thượng nguồn về lênh láng đôi bờ. Ông Bảy Hoàng nhắc: “Mấy chú  vào khoang ngồi, ướt hết”. Tôi chui vào, chốc chốc lại mò ra bởi cảnh trí đôi bờ thượng nguồn khép lại mở ra như cổ chai xanh một màu của nước sông và cây cỏ núi non, khiến lòng khó cưỡng.

Bảy Hoành cũng trần mình trong mưa. Đò này không hành nghề chạy khách, nên khi đón khách, lắm khi Bảy Hoành cũng ngán thanh tra đường thủy bất thần kiểm tra. Tôi hẹn chiều mai nhờ ông đón về luôn. Ông gật, nhưng giao hẹn nếu trễ  đò phiên thì ông mới chở, còn không thì thôi.

Ông xuống  Trung Phước mua thuốc lá, nước ngọt, ít đồ khô. Tôi nhìn kỹ mớ đồ ông quẳng vào khoang, có đến hàng chục bộ bài. “Đàn ông trên ni, ngoài đi rẫy, đánh cá thì giỏi thêm món uống rượu với đánh bài”. Một đồng nghiệp người bản địa, vẻ rành rẽ: Trên này, Tết, mấy cha máu cờ bạc chơi ngon lắm. Đánh con đò ra giữa sông, cắm sào, thế là sát phạt, vừa hữu tình vừa yên ổn. Nhà chức trách mà sờ đến, thì nhảy xuống nước, lặn một hơi, mất tăm.

Bảy Hoành dong thuyền bán đồ tạp hoá trên sông. Vài ba bữa, một tuần, hết hàng, lại xuống mua lên, gặp khách đi ngược thì đón luôn. Cái lối rước khách xe đò thế nào thì đò trên sông Thu Bồn cũng vậy, chạy một đoạn, có người trên bờ vẫy vẫy, lại tấp vào.

Chiều ngang của đò không bằng sải tay, dài chưa đầy 10   thước, nhưng ông cam đoan nếu chở đủ, phải 30 người. Tôi nghe, nhớ lại những vụ chìm đò, ớn lạnh. Rút thuốc mời, tôi liếc thấy ngón chân cái bên phải của ông mẻ một miếng to, chai sần.

“Không phải bị nạn chi đâu, đứng chống đò mấy mươi năm, chai, tau lấy dao cắt dần dần”. Cầm lái là một cô gái trẻ măng. “Con chú à ?”. “Ừ, tên là Chung, năm ni 23 tuổi”. “Chồng chưa?”. “Chưa, học tới lớp 11, nghỉ,  ở nhà phụ giúp tau. Sang năm hắn có chồng”. “Học không nổi hả?”. “Không, thiếu tiền”. “Chồng làm nghề chi ?”. “Vạn đò thì lấy bủa lưới giăng câu chứ sao. Tau nghe nói thằng chồng cũng có biết đôi chữ”.

Ông gần 70 tuổi. Sinh ra ở đất Quế Lâm. Xuất thân là dân làm ruộng. Đói quá, mò xuống sông kiếm cá, rồi dính luôn sông nước. “Làm cái nghề ni, chữ nghĩa ích chi”. Nói đến đây, Bảy Hoành ném điếu thuốc xuống sông cái xèo, bỏ lại đằng lái ngồi cạnh con gái...

Đò chạy hơn 2 giờ đồng hồ thì cặp bến Sé, ngay ngõ dẫn vào xã Quế Lâm. Đò lớn bé đậu san sát. Có đò phiên từ Phú Thuận - Đại Lộc vừa cập. Bến sông náo nhiệt hẳn lên, vì đây là đò chở hàng. Rau muống, khổ qua, bánh khô, mì tôm, bia, khô lang, cá phèn, cá bả trầu. Tất cả được chất lên hai chiếc xe công nông. Cá ướp đá, bắt đầu xuất bến từ Đà Nẵng lúc đến 9 giờ sáng, đến đây khi trời đã ngả sang chiều, thì mình mẩy đã cong cứng.

“Ai về nhắn với nậu nguồn-Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”.  “Trên ni làm chi có cá biển tươi hả anh” - Chị Thương vừa ăn vừa nói. Đã 3 giờ chiều mới cơm trưa. “Thả lưới xong hồi mô thì ăn hồi nấy”. “Ngày ni kiếm được bao nhiêu?”. “Chừng 15 ngàn”. 

Con đò mà vợ chồng chị cùng hai ông bà già ngồi ăn, nhỏ hơn cả đò của Bảy Hoành, bằng nan tre, to cỡ hai bàn học ghép lại, bàn ăn lèm nhèm nước cũng là khoang đò. “Cực lắm chú à, kiếm được đồng mô hay đồng nấy, chim trời cá nước biết dò nơi mô” - Ông Mai Bảy, bác ruột của anh Thương cười hiền hậu. Năm nay 80 tuổi, ông làm bạn với đò từ thuở lọt lòng. Cha mẹ đẻ ông trên thuyền rồi giao luôn mái chèo.

“Bác không được học hành chi mô, cực từ hồi nhỏ đến  chừ”. Bà già ngồi bên cũng tên Bảy, em ông, nay đã 60 bảo: “Mấy chú chụp ảnh làm chi, đưa lên báo, nhà ni có ai biết chữ đâu”. Cả nhà cười rân. Mâm ăn vài ba con cá sông, nhỏ vụn như ngón tay. Làm nghề này có bao giờ được ăn cá lớn, bởi đã bán hết. Vợ của Thương vui tính: “Như ông Thương em đây nửa chữ cũng không biết”. Thương cười: “Thiệt mà. Năm ni 30 tuổi rồi. Chắc đời em cũng như bác Bảy”.

Một thuyền nhôm tí tẹo tròng trành len đến. Trên thuyền là hai đứa bé mũi dãi lòng thòng, đứa lớn hơn khua chèo rột rạt. “Coi chừng té, vòng dây cột vô đây rồi ăn cơm” - Thương nói vọng sang - “Con em đó. Đứa lớn 6 tuổi, học mẫu giáo, đứa nhỏ 4 tuổi, chưa học”.

6 tuổi  đã biết lái đò. Đôi chân bé xíu lập cập bước sang mũi thuyền. Dưới là nước sâu. Tôi nhìn cháu, nhìn  Thương rồi nhìn ông Bảy, thoáng nghe dưới lòng đò nước chảy ồ ồ... “Bão lớn năm ngoái  ra răng?”. “Thôi anh ơi, khổ không chi bằng. 10 giờ sáng, nước  vào đến nửa ghe. Cả nhà nhảy hết lên bờ. Kệ cho chìm, mình giằng chặt thôi. Nghề ni ớn nhất mưa lớn. Uớt như chuột. Ngồi tí mà ra tát nước”. “Sao không ráng kiếm đò lớn hơn”. “Tiền mô? Trúng số  mới mua nổi. Giỡn chơi thôi, trên ni vùng sâu vùng xa làm chi có vé số”.

16 chiếc đò. Gần 100 con người quần tụ một khoảnh bến trải dài theo dòng mà luật bồi lở của sông nước đã  kiến tạo nên bên kia lở, bên ni bồi. Một cụ già nói thêm: “Hồi nớ bờ ở xa lắm. Càng ngày càng chật. Đến đời cháu tôi chắc dẹp nghề”.

Xã này nằm trong diện đặc biệt khó khăn vùng thượng nguồn Thu Bồn - Quảng Nam, đò giang cách trở,  đường sá ngập ngụa bùn. Mỗi lần đi học, Thương phải chèo đò cả tiếng mới đưa con đến nơi. Gian nan vậy, nên không mấy đứa theo. Thêm nữa, phận nghèo, rồi kiếp đò như ràng buộc trong vô thức, thuở chưa sinh, “sống nhổ neo buông chèo, chết   buông chèo thả neo” đeo bám họ.

Vẫn mưa. Tôi nhớ Bức tranh quê của nữ sĩ  Anh Thơ. Vẫn mưa đổ bụi trên bến, nhưng bến không hề vắng, đò cũng chẳng biếng lười mặc kệ nước sông trôi. Đằng mũi đò của Thương chất đầy nhá - một dụng cụ bắt tôm hao hao giống lờ bắt cá.

“Nửa đêm đến sáng là thả nhá, bủa câu. Mùa ni toàn cá vụn anh à. Sáng ra thì bán, đổi gạo, mắm, có khách thì chạy xuống Trung Phước kiếm mấy đồng. Làm biếng, lười nhác là đói meo”. Giọng Thương buồn tênh. Những trang viết về khách thương hồ trong Chân trời cũ của Hồ DZếnh với tiếng hò lạc lõng, với biệt ly rứt lòng cố hương duềnh doàng sông nước trong khuya vắng bơ vơ đường sá, không hiểu dội về trong trí nhớ.

Ở đây, chẳng có ai xa xứ, cũng chẳng có thủy tặc,  cướp đường, chẳng có nước mắt như ứa máu đứt đoạn chia ly, nhưng không hiểu sao nó cuốn tôi dạt về những phương trời ấy, phương trời của những  tiếng hò, tiếng gọi ơi đò loang ra rồi chìm trong nước, chảy miên man như kiếp người trôi nổi theo sóng, buồn vui cùng sông, đời của những tiếng mái chèo gõ lộc cộc be thuyền khi thả lưới để xua cá như nốt nhấn không dứt của phận lênh đênh.

Đời của những vạn đò khác chi con đò với nước lớn nước ròng, một ngày nào đó, đò mục, người mỏi tay chèo, thuyền nằm úp trên bến  thì người khoanh tay nhìn đò. “Con nít ở đây, không có đứa mô học qua lớp 10”- Ông Bốn Rong xô con đò, nhìn xa lắc về xuôi. “Biết làm sao cháu. Số kiếp vậy thôi mà. Làng chài ni tên là Vũng Bùn đó!”. Ông thức trắng đêm, bắt được nửa ký tôm, bán được 18 ngàn. Chừng đó đủ nuôi vợ chồng  và hai đứa cháu ngoại.

Bữa tôi về, tìm Bảy Hoành không thấy, bèn kêu đại chiếc đò gần đó. Bà Hai Tròn ừ ngay. “Tên là Tròn mà số cô nó méo lắm” - Bà nói mà không cười. Cầm lái là Cường, con trai bà. Đò sắp rời thì mấy anh em nảy ý tìm mồi nhậu. Cường ới đủ người, nhưng thảy đều lắc vì cá đã bán hết. Bỗng chị Lan gần đó lên tiếng: “Mua ba ba không, tôi bán”. Con ba ba bằng bàn tay giá ba chục ngàn. Rẻ gấp 5 lần so với nhà hàng dưới phố, mà đây là thứ ba ba bủa câu bắt được, thịt ngon và thơm, mai của nó để khô, đốt gần thành than, chữa bệnh khớp cực kỳ hiệu nghiệm; huyết thì uống sống, chữa tăng xông máu, chứ không như ba ba trang trại được nhồi bởi thức ăn công nghiệp. Chị ra tay mổ giùm. 

Nháy mắt, mai đằng mai, thịt đằng thịt. Bà Tròn vừa xào giúp, vừa kể: Cha thằng Cường chết lúc hắn 5 tuổi. Cô ở vậy mà nuôi. Nay hắn đã 20 tuổi. Cô nuôi hắn cực nhiều khi muốn khóc. Hết bủa lưới, chạy đò, lại đi cuốc thuê. Răng hả? Do hắn quá ham học. Cả xóm đò ni thì chỉ mình hắn học tới lớp 12, rồi tin học, tiếng Anh. Năm ngoái khi rớt Đại học Xây dựng, năm ni đòi thi nữa. Hắn mà đậu, tiền mô đi học, chắc cô lo chết mất”.

Tôi ra đằng lái với Cường. Gương mặt tuổi 20 sông nước đò giang vạm vỡ và cương nghị. “Thi lại chứ?”. “Dạ”. “Ừ, mi giỏi, thi rồi lấy chi để học?”-Giọng bà Tròn vọng ra từ khoang. Tôi lắc vai Cường, rằng đừng thoái lui, cứ thi, rồi sẽ học được, bao nhiêu ước mơ tuổi trẻ tưởng chừng đã bị vùi vạ bởi cơm áo nhưng rồi cũng chừng ấy khát vọng đã bùng cháy ngọn lửa vượt lên số phận, biết đâu vận may sẽ đến, sẽ mỉm cười. Cường gật nhẹ nhàng không đắn đo: “Em cũng nghĩ rứa. Đậu rồi sẽ tính”.

Đò xuôi con nước, đi nhanh gần nửa tiếng. Đời đò. Đời người. “Đò ơi”. Tiếng kêu của khách phương xa đã vang vọng suốt triền sông này từ thuở khai sinh.

Nếu Cường đậu đại học, đó có lẽ  là sự kiện của làng Vũng Bùn, một ngày trở về bến sông làng bỗng dưng thành khách cất tiếng gọi, nhưng có lẽ  âm sắc thần khí  đã khác,   như dáng ngồi tự tin trên con thuyền lật úp trên bãi chờ khách khi nãy...

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.