Ở nơi nghèo nhất nước:

Dời làng, dựng lều để học

Dời làng, dựng lều để học
TP - Huyện miền núi Tây Trà được xem là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước (trên 88% trong tổng số 3.520 hộ dân thuộc diện đói, nghèo). Đường đến trường của học sinh nơi đây quá gian nan, nhưng quyết tâm đến với cái chữ của các em rất cao.

Từ trung tâm huyện lỵ Tây Trà về xã Trà Quân, trên con đường nham nhở đá, từng đoàn học sinh quần áo lam lũ hì hục leo lên đỉnh dốc cao ngoằn ngoèo trước mặt, thỉnh thoảng dừng lại ngồi bệt xuống đất đưa tay quệt mồ hôi ướt đẫm trên trán....

Em Hồ Văn Lin, học sinh lớp 7A, trường TH Dân tộc nội trú huyện Tây Trà vừa thở vừa nói: “Nhà em ở xã Trà Thanh, đường đến trường phải mất một buổi đường đi bộ, phải qua ba con suối lớn, dốc cao nhiều lắm, em không nhớ nữa.

Mỗi lần về nhà rồi lại đến trường mất hết một ngày đường đi bộ tổng cộng khoảng... 40 cây số, nên em phải ở lại trường, mỗi tháng 2 lần về thăm nhà”.

Tôi vội nhẩm tính, nếu vậy, mỗi năm học trừ những tháng hè, nghỉ tết thì chí ít mỗi học sinh nghèo ở vùng núi cao xa thăm thẳm này đi bộ đến trường và về thăm nhà khoảng 320 cây số. Con đường đất đỏ quanh co, dọc hai bên đường hàng chục điểm sạt lở núi lõm sâu vào vách núi.

Đi bộ vài trăm mét, thỉnh thoảng từng tốp học sinh dừng lại vừa thở hộc hệch vừa cầm đôi dép nhựa đập cạch cạch vào đá ven đường vì bùn đất đỏ bám, cho đỡ trĩu nặng đôi chân.

Em Hồ Thị Châu, học sinh lớp 10 C, trường THPT Tây Trà, kể: “Thiếu gạo nên mỗi tháng em về nhà hai lần, nhà em ở tận xã Trà Nham, phải đi bộ gần một buổi đường. Có hôm về nhà cõng gạo lên trường, trượt chân ngã xuống suối, gạo theo nước hết... ngồi khóc rồi đành lên trường ăn nhờ gạo của bạn thôi”.

Có khi về nhà bầu gạo cả nhà trống trơn, mẹ phải ra quán tạp hoá ven đường ứng trước gạo cho em cõng xuống trường, sau đó đến mùa rẫy đổi cây đót hoặc đi làm công cho chủ hàng tạp hóa để trừ lại tiền gạo.

Đáng thương nhất là các em học sinh bậc tiểu học, tuổi còn nhỏ nhưng phải vượt qua nhiều sông, suối để đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, chủ nhiệm lớp 3 B điểm trường lẻ thôn Trà Na, Trường Tiểu học Trà Phong 2, tâm sự: Do nhà ở xa trường, các em phải dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày để đến lớp, thương nhất là vào mùa đông, sáng sớm trời lạnh tê cóng, các em học sinh nghèo, quần áo rách bươm, bụng đói lép kẹp, đi chân trần lội bộ đến trường thấy mà ứa nước mắt.

“Lều trọ” của học trò nghèo

Trong mái lều làm bằng cây lồ ô và cỏ tranh xập xệ vỏn vẹn chưa đầy 12m2 nhưng có đến 7 học trò nghèo cùng nhau dựng lên để trọ học. Vài tấm phên lồ ô ghép lại vá kẹp vào nhau mà vẫn không che kín nổi bốn phía của căn lều.

Em Hồ Văn Cang, lớp 10B, trường THPT Tây Trà cho biết: “Đầu năm học, bố mẹ từ tận Trà Thanh lên Trà Phong này hỏi người dân cho chúng em mượn nhờ đất để dựng lều. Mỗi bạn gom góp khoảng 20.000 đồng để cùng nhau mua cây lồ ô, cỏ tranh, bạt để về tự dựng lều trọ học.

Do không đủ tiền mua lồ ô, cỏ tranh nên mùa hè thì nắng rọi vào lều, mùa đông thì gió lùa, mưa tạt vào phên lồ ô lạnh buốt”. Em Hồ Văn Anh tiếp lời: Lều này có 7 bạn quê ở xã Trà Nham và Trà Thanh (3 học sinh nam, 4 học sinh nữ) đều học lớp 10 trường THPT Tây Trà.

Ba mẹ không hỏi được đất để dựng lều nên chúng em đành ở chung với các bạn nữ như thế này. Ngoài giờ học, từng đứa phải chia nhau đi kiếm củi, hái rau, phân công về nhà cõng gạo lên đây có “cái ăn” để đủ sức theo học cái chữ.

Trong căn lều lồ ô mới nửa năm học mà đã cũ nát, cùng ăn trưa với các em mà chúng tôi ái ngại đến nao lòng. Bảy học trò nghèo cùng ăn một xoong cơm bé tẹo đã đành nhưng thức ăn chỉ độc nhất là chén muối giã với củ riềng.

Châu vừa ăn cơm ngon lành vừa nói, có gạo nấu cơm ăn như thế này là sướng lắm rồi, thiếu gạo nên sáng nào chúng em cũng nhịn đói đến trường. Những hôm học suốt 5 tiết, đến trưa muốn ngất xỉu nhưng phải ráng gượng về đến lều trọ, chiều học bài cứ xây xẩm mặt mày.

Con đường dẫn vào thôn Trà Nga, xã Trà Phong, chúng tôi đếm đi đếm lại có ít nhất trên 50 căn lều làm bằng lồ ô, cỏ tranh... tồi tàn nằm rải rác bên đường, trung bình mỗi lều có từ 5 đến 10 học sinh ở khắp các xã vùng sâu, vùng xa về trung tâm huyện lỵ Tây Trà trọ học. 

Dời làng, dựng lều để học ảnh 1
Dựng lều trọ học ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà  - Ảnh: Trí Thanh

Dời làng cho gần “cái chữ”

Dẫu còn nhiều khó khăn, quanh năm làng Trà Reo, xã Trà Phong còn nhiều hộ gia đình còn thiếu đói thế nhưng trên 30 hộ dân ở làng này quyết định di dời chỗ ở xuống núi để xích lại gần điểm trường Tiểu học Trà Phong 2 để thuận đường cho con, cháu đến lớp, đến trường.

Ông Hồ Khơi, một người dân của làng Trà Reo, xã Trà Phong nói: “Trước đây dời nhà khỏi làng, cha ông làng mình kiêng kỵ lắm, nhất quyết không chịu đi đâu, bây giờ nghe cán bộ, thầy giáo vận động, mình thấy có lý, mình ưng cái bụng.

Đời mình ở quanh quẩn trong núi, trong rừng sâu, nghèo đói mãi rồi, đời con cháu mình phải khác, phải đi học kiếm “cái chữ” thôi”. Thầy giáo Huỳnh Thanh Danh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Phong 2 cho biết: Trước đây học sinh ở làng Trà Reo đi học phải mất gần 2 giờ đi bộ, qua nhiều suối, nhiều khe, vào mùa mưa lũ học sinh nơi đây thường xuyên nghỉ học, nhiều em đi học xa, vất vả nản quá nên nghỉ học luôn.

Trước tình hình này, trường đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Trà Phong tuyên truyền vận động từ năm học 2005-2006, đến đầu năm học 2007-2008 thì dân làng mới chịu di dời xuống núi lập làng mới, rút ngắn 2/3 quãng đường đi học cho các em học sinh.

Đoàn thanh niên của huyện, xã cùng giáo viên của trường tham gia giúp dân phát dọn nương rẫy, khai hoang ruộng bậc thang giúp dân làm lúa nước. Hiện tại có 20 học sinh bậc tiểu học của làng Trà Reo đang học tập tại điểm trường Tiểu học Trà Phong 2, xã Trà Phong, huyện Tây Trà.

Còn nhiều thách thức...

Ông Đinh Văn Lập, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Trà cho biết: Huyện hiện có 10 trường tiểu học, 4 trường THCS, 9 trường mẫu giáo và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú với khoảng 5.870 học sinh.

Trong đó có 51 lớp ghép tiểu học ở hầu khắp các xã, hơn 10 “lớp nhô” THCS học chung trường với bậc tiểu học ở 4 xã:  Trà Xinh, Trà Khê, Trà Lãnh và Trà Trung; 15 phòng học mầm non tranh tre, nứa lá và học chung trong nhà dân. Nan giải nhất là học sinh bỏ học mỗi năm 3 mùa, đó là mùa thu hoạch đót (khoảng tháng 2-3), mùa rẫy (tháng 5- 6) và mùa lũ (tháng 10-11).

Trung bình các học sinh nghỉ học từ hai ngày đến một tuần phụ giúp gia đình hoặc bị cô lập do mưa lũ, tắc đường do sông suối dâng cao, sạt lở núi... Sau mỗi đợt như vậy, phòng giáo dục chỉ đạo các trường rà soát, phân loại học sinh để có kế hoạch phụ đạo cho những học sinh yếu, kém.

Điều đáng lo là tỷ lệ học sinh bỏ học hẳn hàng năm của huyện Tây Trà quá lớn (trên 8%) do kinh tế gia đình khó khăn, đường đến trường quá xa. Huyện ủy Tây Trà đã ban hành hẳn Nghị quyết chuyên đề về phát triển sự nghiệp giáo dục xem công tác giáo dục là trọng tâm trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà trăn trở: Do địa hình huyện Tây Trà hiểm trở, học sinh đến trường không thể đi xe đạp, đành đi bộ đến trường phải qua nhiều đèo dốc, sông suối hiểm trở.

Đặc thù nhà dân ở trung tâm huyện Tây Trà sống chung hai đến ba thế hệ đông đúc trong một căn nhà chật hẹp nên các em khó xin ở trọ học được. Trước mắt huyện tạo điều kiện cho các em dựng lều tranh tre, nứa lá để trọ học.

Về lâu dài, huyện đã lập các dự án kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nhà ở bán trú cho học sinh, giáo viên cấp II, cấp III và các điểm trường lẻ bậc tiểu học ở các xã để tạo chỗ ở ổn định cho giáo viên, giúp các học sinh nghèo vươn lên trong học tập.  

MỚI - NÓNG