Đội quân “mắt biển”

Đội quân “mắt biển”
TP - Thả phao quây, tập trung quan sát trên các chòi canh, có mặt tại các khu vực bãi tắm, hay lăn xả cứu người giữa biển nước hiểm nguy. Công việc với các thành viên đội cứu hộ, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng bắt đầu với tần suất dồn dập. Họ được ví như đội quân “mắt biển” nhanh nhạy, góp phần đem lại sự bình yên, an toàn cho một trong những bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh.

>> Bài 1 Cứu hộ trên bãi tắm biển - Họ là ai?

Đội quân “mắt biển” ảnh 1


Vừa cứu hộ, vừa chăm sóc

Cái nắng hè oi bức miền Trung dồn người dân, du khách ra hướng biển. Mới 15 giờ chiều, dọc các bãi chính tuyến biển hơn chục cây số kéo dài từ Nguyễn Tất Thành qua Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê phút chốc đã chật như nêm. Công việc của đội cứu hộ đến hồi cao điểm. Lực lượng, phương tiện huy động tối đa, hàng chục đôi mắt hướng ra phía biển vẫn còn hầm hập nóng.

Hết kiểm tra phao quây, khảo sát các vùng nước xoáy nguy hiểm, anh Lê Hồng Cường (26 tuổi, xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) lại cùng các đội viên săm soi trực tiếp tại khu vực tắm trung tâm. Dáng người nhỏ gầy nhưng mỗi lần có người gặp nạn, Cường khỏe, nhanh nhẹn như con rái cá, rẽ sóng ra cứu người.

Một ngày hè năm ngoái, anh được phân công bảo vệ khu vực biển Hồ Tùng Mậu. Giữa dòng người chật chội, bất ngờ anh phát hiện cậu thanh niên không còn tắm ở vị trí cũ. Cường vội buộc chiếc phao nhỏ vào bụng rồi lao vào dòng nước. Vừa đến nơi, anh phát hiện người thanh niên dập dờn tầng sâu làn nước biển.

Vật lộn kéo chàng trai vào bờ, Cường tiếp tục hô hấp nhân tạo. Toàn thân người bị nạn tím ngắt, biểu hiện chết lâm sàng. Còn nước, còn tát, Cường huy động anh em kêu xe cứu thương, tức tốc cấp cứu. “Phải mất ba ngày cậu sinh viên tên Trương Hoàng Ngọc, năm hai khoa Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) này mới tỉnh lại, anh em đội phải chia nhau túc trực trong bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân thay cho người nhà vì không biết ai để liên hệ”- anh Cường kể.

Đội quân “mắt biển” ảnh 2

Hơn 10 năm làm công tác cứu hộ, Lê Hồng Cường không nhớ rõ đã cứu được bao nhiêu người khỏi tay thủy thần, chỉ biết sau những lần như thế anh càng gắn bó, tâm huyết với nghề. Cường bộc bạch: “Thành tích” mới vào nghề là cứu được cả ba chị em một gia đình ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) khỏi tay thủy thần. Ba chị em cùng đi tắm biển và ngợp nước. Lúc đó tôi đang đi kiểm tra gần đó nên phát hiện và kịp thời cứu vớt. Nghe đâu, sau khi chuyển vào bệnh viện, chị đầu phải mất 1 tháng mới xuất viện vì bị đuối nước nặng”.

Không riêng Cường, với mỗi anh em đội cứu hộ, theo bề dày thâm niên là chuỗi dài thành tích cứu người trên bãi biển. Mới đây nhất, chuyện anh Nguyễn Văn Tài, thành viên đội cứu hộ khi làm nhiệm vụ tại khu vực biển Phước Mỹ đã một mình cứu sống ba người đang chới với dưới dòng nước được người dân, du khách nhắc đến như hiện thân của sự dũng cảm thời nay.

Anh Phan Minh Hải, Phó trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay: Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến nay, có gần 100 trường hợp bị nạn khi tắm biển đã được đội cứu hộ thành công. Đặc biệt, như các ngày tết Đoan Ngọ 5 - 5 âm lịch, lượng người đổ ra tắm biển đông nghịt, nhưng vẫn giữ an toàn trên bãi biển. Đáng nói, những tháng đầu năm, số người tử vong do đuối nước giảm đáng kể.

Đội cứu hộ cứu người bị nạn trên biển
Đội cứu hộ cứu người bị nạn trên biển.


Đủ chuyện bi - hài

Mặc cho nắng gay gắt, Đội trưởng Đội cứu hộ Nguyễn Quốc Vinh cùng toàn đội cẩn thận kiểm tra khảo sát dọc bờ biển trên tuyến Nguyễn Tất Thành và Sơn Trà – Điện Ngọc, phát hiện các luồng nước ngầm, vùng nước xoáy để cắm biển báo, hạn chế du khách. Phút nghỉ ngơi hiếm có của đội chỉ là buổi trưa nắng cháy hay như khi tối muộn, mọi người mới rời bãi biển. “5 giờ sáng, chúng tôi đã bắt đầu công việc của mình, và cứ thế thay nhau túc trực cho đến tận khuya. Đặc biệt trong các giờ cao điểm, đội phải huy động tối đa lực lượng mới tạm đủ để bao quát hết chiều dài 15km bờ biển. Mình phải chuẩn bị chu đáo để dọn chỗ an toàn cho mọi người tắm biển” - anh Vinh nói.

"Dù còn khó khăn nhưng những năm qua đội cứu hộ hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn người dân, du khách, kéo giảm tình trạng đuối nước. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu bãi biển an toàn cho Đà Nẵng và kích thích sự phát triển của du lịch địa phương." - Phó Giám đốc Sở VH - TT&DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh

Rành sông nước, sành sỏi các đường bơi cứu hộ, hơn chục năm nay, anh Vinh cùng anh em gắn bó với nghề khổ nhiều hơn sướng này, theo đó là biết bao câu chuyện vui buồn, thế thái nhân tình. Anh Vinh nhớ rõ trường hợp cứu vợ chồng anh Nguyễn Cam, du khách Hà Nội. Hai người thuê phao nhưng không may gặp gió lớn lại rơi vào vùng nước xoáy nên bị cuốn ra biển và chìm nghỉm. Anh em đội kịp thời dìu nạn nhân vào bờ và đưa đi cấp cứu. Sau này, hai vợ chồng họ quay lại cảm ơn đội cứu hộ và cho biết lúc đó người vợ đã có thai 3 tháng.

Gác biển, cứu người âu cũng là cái nghiệp, niềm vui của những người cứu hộ, nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Anh Vinh bảo: anh em chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó, chỉ sợ nhất những người… say xỉn tắm biển. Nghề mình như làm dâu trăm họ, gặp người bình thường nhắc nhở, cảnh báo họ còn nghe, chứ gặp những người say xỉn thì khó lắm.

Anh Cường kể có lần đến nhắc vị khách không nên tắm khu vực nguy hiểm, vùng xoáy nên đã bị anh chàng cao to lực lưỡng lớn giọng chửi mắng và dọa đánh. Thậm chí không ít trường hợp do người nhà nạn nhân hiểu lầm, khiến một số thành viên đội “mang vạ vào thân”. Gặp những trường hợp như thế lực lượng cứu hộ cũng chỉ biết nín nhịn khuyên giải và tìm giải pháp kịp thời ứng cứu khi họ gặp nguy hiểm.

Một số thành viên đội cứu hộ trong giây phút nghỉ ngơi. Ảnh: Nguyễn Huy
Một số thành viên đội cứu hộ trong giây phút nghỉ ngơi. Ảnh: Nguyễn Huy.


Nỗi niềm “ân nhân” thầm lặng

Lẫn trong dòng người ken đặc trên các bãi biển, màu áo vàng đồng phục, màu nắng chói chang của đội cứu hộ biển Đà Nẵng tạo sự an tâm, an toàn cho du khách. Hơn 10 năm thành lập, biết bao mạng người được đội cứu hộ giành giật từ tay thủy thần. Họ là ân nhân thầm lặng, ngày ngày gác biển.

"Anh em chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó, chỉ sợ nhất những người… say xỉn tắm biển. Nghề mình như làm dâu trăm họ, gặp người bình thường nhắc nhở, cảnh báo họ còn nghe, chứ gặp những người say xỉn thì khó lắm." - Anh Vinh bảo 

Anh Phan Minh Hải cho biết: Để vào đội, các thành viên phải là những người có thể lực, sức khỏe tốt, đặc biệt có kỹ năng bơi lội và ứng cứu người bị nạn. Ngoài ra, Ban quản lý thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, mời chuyên gia cứu hộ cứu nạn biển trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, nghiệp vụ. So với những năm đầu thành lập, giờ Đội cứu hộ được đầu tư xây dựng mạnh, trang bị phương tiện ca nô, bộ đàm, trở thành một trong những đội cứu hộ quy mô lớn nhất nước.

Đặc biệt, các chế độ chính sách của anh em bước đầu cải thiện. Mới đây, lực lượng đội cứu hộ được tính lương theo thâm niên, thêm tiền phụ cấp độc hại… Tuy nhiên, điều trăn trở là phần lớn đời sống anh em vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tại, mức lương của các thành viên đội được tính theo ngạch bảo vệ, chỉ dao động từ hơn 1 triệu đến gần 2 triệu đồng mỗi tháng nên rất khó để trang trải cho cuộc sống thường ngày.

“Lao ra biển cứu người, anh em nhiều khi gặp nguy hiểm chẳng khác nào những người gặp nạn. Nhưng tất cả đều bám trụ với công việc không chỉ bằng cái tấm lòng trách nhiệm mà còn vì yêu nghề, yêu biển và yêu bình yên - an toàn cho một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh” - Anh Vinh bộc bạch.

MỚI - NÓNG