Đội 'vác tù và' với 243 căn nhà miễn phí

Đội 'vác tù và' với 243 căn nhà miễn phí
TP - Có những người đông con, gia cảnh vẫn nghèo khó, nhưng nhìn xuống thấy nhiều người còn nghèo hơn, nhà cửa tạm bợ hơn mình. Thế là họ góp công góp của đi xây nhà từ thiện, góp lúa cứu đói.

Nghề dẫn đường lên Fansipan
> Xuyên Việt lượm đất thiêng

Giúp bà con nghèo

Xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang) có hơn 5.000 hộ, hiện còn 165 hộ nghèo. Nhiều tổ từ thiện trong xã ra đời mấy năm nay để quyết xóa hộ nghèo.

Trận lũ lớn vừa qua làm sạt lở ở ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, khiến 242 hộ dân phải di dời nhà. Gia đình ông Trương Văn Tiếu, thuộc diện di dời khẩn cấp và được mua một nền nhà trả chậm trong 10 năm ở khu dân cư Mỹ Long 1, nhưng không có tiền làm nhà. Gia đình ông quá nghèo, ông đã 66 tuổi, suốt đời làm mướn, mấy tháng trước trèo cây bị té, một tay tàn phế. Vợ ông là bà Lê Thị Lắng, 57 tuổi, bán rau ở chợ làng và bán vé số dạo nuôi chồng. Hai con trai bị bệnh tâm thần, ngoài ra ông còn mẹ già 86 tuổi. Trong lúc khốn khó, ông Tiếu được tổ làm nhà từ thiện xã Mỹ Hòa Hưng làm cho căn nhà diện tích 48 m2 , mái lợp tôn, nền lát gạch bông, trị giá 26 triệu đồng. Ngày vào nhà mới, ông Tiếu nghẹn ngào: “Ba đời rồi tui mới được ở nhà lát gạch bông”. Còn 49 hộ dân khác trong vùng sạt lở, được tổ từ thiện giúp đỡ dời nhà.

Tổ làm nhà từ thiện xã Mỹ Hòa Hưng do ông Nguyễn Tấn Khỏi khởi xướng năm 2007, đến nay làm được 243 căn nhà cho người nghèo. Mỗi căn nhà rộng hơn 30 m2, mái tôn, cột gỗ, nền gạch bông trị giá trên 20 triệu đồng. Ông Khởi 63 tuổi, nhà có 18 công đất, đủ nuôi 8 người con. Ông nói: “Tui chưa khá giả gì nhưng thấy nhiều người không có nhà hoặc nhà tạm bợ, khổ quá nên cùng bà con tìm cách giúp đỡ”.

Căn nhà đầu tiên cho bà Trần Thị Bạch Tuyết ở ấp Mỹ Long 2, có 6 người trong ấp góp cùng ông Khỏi được 12 triệu đồng. Họ mua vật liệu dựng nhà đúng Tết 2007. Nhà bà Tuyết trước đó chỉ dựng mấy cây cột, che ni lông. Bà con trong xã biết chuyện tham gia tổ từ thiện ngày càng đông. Nhiều người ở TP HCM và nước ngoài cũng gửi tiền ủng hộ. Nhờ đó, tổ từ thiện có tiền làm nhà cho người nghèo khắp 9 ấp của xã Mỹ Hòa Hưng, trong đó, ấp nghèo nhất là Mỹ Long có 23 căn. Năm 2010, tháng làm nhiều nhất được 20 căn.

Tổ làm nhà từ thiện xã Mỹ Hòa Hưng hiện có 35 người. Vài người thợ mộc, đa số là nông dân hoặc buôn bán nhỏ, trong đó 9 người dưới 25 tuổi. Anh Đỗ Văn Xuân mới 20 tuổi, bị câm, là thợ mộc chính của tổ, được dân ấp ca ngợi là đục khung nhà rất khéo. Trước đây, anh Xuân theo cha là nông dân Đỗ Văn Ken đi làm nhà từ thiện, học được nghề mộc và năm 2009 xin làm thành viên chính thức của tổ. PV Tiền Phong muốn chụp ảnh anh Xuân, ông Ken nói: “Xin đừng chụp, chúng tôi chỉ giúp bà con nghèo trong xã thôi mà”. Ông Khỏi cho biết: “Nhiều thanh niên trong xã cũng tự nguyện tiếp sức, tham gia theo kế hoạch hẳn hoi, mỗi tuần 3 ngày. Các cháu làm tích cực lắm”.

Tổ làm nhà từ thiện không sử dụng vật liệu rẻ tiền, tạm bợ, mà thường mua gỗ dẻ hoặc trâm, mỗi khối 6,5 triệu đồng. Gỗ được đem về đình làng, nơi có sân rộng, làm thành khung nhà xếp sẵn đó, khi có địa chỉ là chở đi ráp, chưa hết một ngày dựng xong một khung nhà.

Tổ làm nhà từ thiện còn góp công hoàn thành nhiều căn nhà do UBND xã Mỹ Hòa Hưng thực hiện theo chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ. Ông Hà Quốc Sử, Chủ tịch UBMTTQ xã Mỹ Hòa Hưng kể: “Nhà nước cấp tiền, ngân hàng chính sách xã hội cho vay thêm, tổng cộng mỗi căn nhà cho người nghèo gần 20 triệu đồng nhưng không đủ để làm một căn nhà hoàn chỉnh. Tổ làm nhà từ thiện giúp thêm mới hoàn chỉnh được, từ năm 2008 đến nay đã cất được 88 căn”.

Bồ lúa tình thương

Cũng ở xã Mỹ Hòa Hưng, lão nông Nguyễn Văn Thương, 81 tuổi, lại đặt bồ lúa tình thương trong nhà mình hơn chục năm qua. Bồ lúa thực ra là cái kho rộng khoảng 30m2,, xây tường, lợp tôn. Ông Thương kể: “Tôi cứ trăn trở sao ở vựa lúa mà còn có người đói? Nên tôi vận động mọi người đóng góp bồ lúa tình thương”. Thời gian đầu, bà con góp lúa, khoảng 6 năm nay, chuyển sang góp gạo và tiền. Mỗi người thường góp mỗi tháng từ 5 – 20 kg gạo hoặc 200 - 500 ngàn đồng. Hiện có 25 người góp gạo và tiền thường xuyên. Góp tiền thì ông Thương cũng đem mua gạo.

Ông Nguyễn Văn Thương với bồ lúa tình thương Ảnh: Thanh Chương
Ông Nguyễn Văn Thương với bồ lúa tình thương Ảnh: Thanh Chương .

Định kỳ ngày Rằm hằng tháng, ông Thương và một số người đem gạo đi phát tận nhà cho hơn 20 hộ nghèo trong xã, mỗi hộ từ 7-10 kg, đóng thành bao đàng hoàng. Dịp tháng 10 mới đây, hơn 200 hộ dân trong xã phải di dời do sạt lở, thiếu cái ăn, bồ lúa tình thương đã kịp thời có mặt. Bà Nguyễn Thị Hiền, một người dân phải di dời kể: “Trong nhà không còn một hột gạo, may có tổ của chú Thương giúp đỡ mà có cái ăn”.

Ông Thương cho biết, mỗi năm trong xã có khoảng 4 người thoát nghèo không còn nhận gạo. Một số khá lên, trở lại đóng góp cho bồ lúa tình thương. Ông nói: “Chúng tôi thường bảo nhau, cố gắng làm từ thiện đến khi hết người nghèo đói mới thôi”.

Thời gian đầu, sau những vụ mùa bội thu, bà con nông dân ở xã Mỹ Hòa Hưng mang lúa đến góp vào bồ lúa tình thương hàng tấn lúa. Họ kể, hằng tháng ông Thương và các con vác từng bao lúa ra sân phơi, rồi đóng bao cất lại vào bồ lúa tình thương để dành xát gạo phát cho dân nghèo. Ông Thương không ngủ trưa, ngồi canh chừng và đảo lúa. “Mỗi hạt lúa ở đây không chỉ thấm mồ hôi mà còn chan chứa nghĩa tình. Nếu để rớt một hạt cũng là có tội với người nghèo đói”, ông Nguyễn Văn Thương bộc bạch. Ngoài phát gạo định kỳ mỗi ngày rằm, thỉnh thoảng một số người nghèo ốm đau, cơ nhỡ tìm đến nhờ bồ lúa tình thương. Nếu còn dư tiền, ông Thương giúp họ thêm tiền thuốc men.

“Có những nơi có gạo, nhưng thiếu củi để nấu cơm cho người nghèo”. Từ suy nghĩ đó, ông Nguyễn Văn Thương dành khu đất 120 m2 trong vườn nhà dựng kho củi tình thương. Kho củi được dựng bằng gỗ, lợp mái tôn, nằm ở mặt tiền tuyến đường liên thôn. Củi ở đây là những khúc gỗ tròn, to, được cắt khúc khoảng 1,2 m, xếp đầy kho”. Ông Phạm Văn Lăng, Phó Ban điều hành cơ sở nhân đạo bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang nói rằng, kho tình thương của ông Thương đã giúp cơ sở 1/4 lượng củi đun đấu phục vụ bệnh nhân nghèo.

“Tôi cứ trăn trở sao ở vựa lúa mà còn có người đói? Nên tôi vận động mọi người đóng góp bồ lúa tình thương”. Lão nông Nguyễn Văn Thương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG