Du lịch hành xác

Du lịch không khác gì hành xác
Du lịch không khác gì hành xác
TP - Cứ đến những dịp nghỉ lễ là y như rằng tràn lan cảnh trần ai trong du lịch. Xem ra đi nghỉ còn khổ hơn đi làm.
Du lịch không khác gì hành xác
Du lịch không khác gì hành xác.

Trước mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, các phương tiện thông tin, doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý, các địa phương đều cảnh báo về tình trạng quá tải, tăng giá dịch vụ đột ngột ở các điểm du lịch nổi tiếng như: Hạ Long, Cát Bà, Sa Pa, Mộc Châu, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Phan Thiết, Mũi Né, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Côn Đảo, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột...

Và thực trạng diễn ra đúng như vậy: Dân tình kêu la thảm thiết về chuyện quá tải ở các điểm du lịch. Chi phí đi lại, ăn ở tăng cao đến choáng váng... Khốn nỗi, cái sự đi du lịch (mà như đi hành xác) ấy phần nào cũng do chính sự dễ dãi của du khách mà ra.

Dân mình có thói quen, cứ nghỉ là lên đường. Không cần đặt tua trước, cả vé tàu xe, máy bay, phòng khách sạn, nhà hàng cũng không.

Chị bạn tôi, công chức một cơ quan thấy sắp được nghỉ dài, cuối tháng Tư mới gọi điện để nhờ lấy vé máy bay vào Đà Nẵng xem thi pháo hoa quốc tế. Tôi chật vật gọi hết người này đến người khác, lấy được cho chị 2 vé người lớn, 1 vé trẻ em.

Vào đến Đà Nẵng, chị lại hốt hoảng gọi: “Em ơi không có phòng. Khách sạn mini, chẳng có sao gì cả cũng triệu rưỡi một phòng”. Về Hà Nội, chị tìm tôi, bảo: “Cạch, từ nay không du lịch dịp lễ trong nước nữa. Cứ như đi hành xác ấy”.

Người đến đông, dịch vụ sẽ kém
Người đến đông, dịch vụ sẽ kém.

Nhiều người chắc cũng như bạn tôi, phải rất khốn khổ (vì hết vé tàu, hết vé máy bay, ô tô thì “nhồi như nhồi vịt”) mới đến cái nơi nghĩ là sẽ du lịch được- thì hết phòng nghỉ hoặc có thì cao gấp 3, 4, 5 thậm chí 8, 9 lần ngày thường. Thức ăn càng hiếm vì nhà hàng không đủ sức phục vụ, giá thực phẩm tăng cao... Rơi vào cảnh ngủ trong xe, ngủ nhờ, ngủ ngoài đường, ăn uống vạ vật, ngột ngạt vì quá đông đúc, các thượng đế đâm ra giận cái kiểu “làm ăn không lương thiện” của những người làm du lịch tự phát.

Nhưng các thượng đế cũng nên hiểu, không ít người làm du lịch chưa khắc phục nổi bệnh mùa vụ. Mỗi năm chỉ có vài tháng làm ăn. Không chặt chém thì lấy đâu ra tiền để bù vào những tháng vắng khách ngồi chơi? Câu chuyện con gà - quả trứng mãi không giải quyết được. Đầu tư xây khách sạn thì sợ không có khách. Khách thì không đến vì thiếu khách sạn.

Theo các công ty du lịch nội địa, do tình trạng tăng giá hàng loạt dịch vụ đầu vào như giá xăng, giá điện dẫn đến tăng giá vận chuyển và giá dịch vụ khác. Cho dù các địa phương đã siết chặt quản lý các dịch vụ du lịch bằng cách quy định phục vụ đúng giá niêm yết. Nhưng chuyện niêm yết một đằng, làm giá một nẻo vẫn phổ biến tại các cơ sở lưu trú.

Có người, để tránh tình trạng chen chúc, đã cố tình khởi hành muộn hơn, chọn một nơi đến tương đối lạ nhưng vẫn không tránh khỏi bị “chém”. Một nhóm du khách Hà Nội vừa trở về từ bãi biển Hải Hòa (Thanh Hóa) kể: “Gọi điện cho khách sạn đặt phòng trước và chấp nhận giá 1 triệu đồng/phòng VIP.

Đến nơi tranh thủ đi chơi. Hôm sau, trả phòng, trả xong tiền rồi, nhìn lên bảng giá mới thấy khách sạn niêm yết rõ ràng 400 nghìn đồng/phòng VIP trong thời gian nghỉ lễ. Nhưng nhân viên lễ tân vẫn giải thích đó là giá mùa đông, chưa kịp xóa(!)”.

Không hiếm trường hợp các cơ sở lưu trú sẵn sàng xù đối tác vì quyền lợi của mình. Theo ông Đinh Quang Lực- Tổng Giám đốc công ty du lịch South Pacific: “Kể cả đối tác của các hãng lữ hành chuyên nghiệp vẫn sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, chịu phạt để có thể bán dịch vụ với giá cao hơn cho khách lẻ.”

Nhiều người rút kinh nghiệm du lịch trong nước, xoay ra đi nước ngoài. Chỉ cần thành thạo một số thao tác mạng, có ngoại ngữ là có thể đặt vé máy bay giá rẻ trước hàng tháng, tha hồ thời gian hoạch định chuyến đi. Dân phượt tự thiết kế tua tới các nước có mức sống xêm xêm nước mình như Lào, Campuchia, Myanmar…, đảm bảo chi phí rất vừa túi tiền công chức.

Giá tua đến các nước có ngành du lịch phát triển hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore… nhiều khi cũng rẻ hơn trong nước. Du khách nội có nhiều cơ hội mua sắm và thăm thú hơn, được phục vụ đúng như thượng đế, lại không bị đông đúc đến ngạt thở.

Tiền của người Việt thế là cứ đổ ra nước ngoài. Du lịch nội địa đúng là rất khó cạnh tranh với hàng ngoại. Hình ảnh du lịch Việt Nam những dịp nghỉ lễ, trong mắt du khách nội địa đã méo mó đến thảm hại, nói gì đến trong mắt bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Quý Phương - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch):

Tình trạng quá tải, tăng giá bất thường ở các điểm du lịch trong nước đã từ lâu không khắc phục được. Người dân vẫn có thói quen không mua tua hay đặt dịch vụ trước dù đã được cảnh báo, nên dễ rơi vào tình trạng bị động. Hơn nữa, trong những dịp lễ tết, khách du lịch hay đổ dồn về các trung tâm du lịch lớn, xảy ra quá tải cục bộ.

Điều đáng nói nhất- sức mạnh quản lý của địa phương, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể hiện được trong việc bảo vệ khách du lịch khi đã quy định niêm yết giá mà khách vẫn bị làm giá. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ chưa thực sự tốt, môi trường vẫn bị ô nhiễm, sản phẩm du lịch nghèo nàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG