Đứa con nuôi của buôn K, Te và 30 năm lưu lạc

Đứa con nuôi của buôn K, Te và 30 năm lưu lạc
TP -  Bốn tháng nay không ai phải nghe tiếng khóc nhớ mẹ làm thổn thức cả buôn K’Te của Siu Phê. Cha mẹ Siu Phê đã tìm được anh sau ba mươi năm kiếm tìm trong đớn đau và tuyệt vọng…
Đứa con nuôi của buôn K, Te và 30 năm lưu lạc ảnh 1
Gia đình Siu Phê ở buôn K’Te. Ảnh: Ngọc Tấn

…Tháng 8, cánh đồng Ayun Hạ chín vàng sắc nắng. Theo con kênh ăm ắp nước dẫn vào buôn K’Te, hai người đàn ông và một người đàn bà mải miết từng bước bồn chồn.

Đến trước cửa nhà Siu Phê họ chợt khựng lại đưa tay lên vuốt ngực. Cử chỉ của những người lạ khiến cả buôn K’Te phải ngó ra: Ba chục năm nay có người lạ nào tìm đến nhà Siu Phê đâu? Hay là ba mẹ nó đã tìm được đến?

Không ai bảo ai, mọi người đều chạy đến coi thử. Mảnh sân nhỏ của Siu Phê thoáng chốc đã chật những người…

“Con tôi đây, chính nó đây thật rồi mà. Con ơi…’’ Người đàn bà chỉ thốt lên có thế rồi nghẹn ứ. Người đàn ông đứng sững như bị ai đóng đinh xuống sàn nhà. Khuôn mặt ông như dại hẳn đi, cặp môi run run rồi méo xệch…

Cả buôn K’Te thốt nhiên cùng vỡ ra tiếng khóc… Bao năm nay rồi, mỗi lần nghe Phê nức nở “con nhớ mẹ lắm mẹ ơi”, buôn K’Te ai cũng cố nuốt tiếng khóc của nó vào lòng, bây giờ mới có dịp trào ra…

…Tháng 3 năm 1975…

Con lộ 7 hoang tàn bỗng chốc trở thành con sâu róm khổng lồ. Những sắc lính ngụy, những xe pháo rùng rùng tràn tới như đám xiếc điên. Một chiếc xe tải căng cứng những người đang cố lết qua những gò đất nóng bỏng.

Người đàn bà đứng cheo leo cuối thành xe một tay bế đứa con nhỏ, tay kia cố sức bấu víu cho khỏi lăn xuống đường…

Bất chợt một tiếng nổ vang lên chát chúa. Chiếc xe khựng lại. Đứa con bị bứt khỏi tay như chiếc lá rồi chìm nghỉm trong dòng thác hỗn mang…

…Sáng hôm đó như thường lệ, bà Siu H’Ba ở buôn Bùm Boong, xã Chư Răng lùa đàn bò chăn thuê vào rừng. Chẳng hiểu cơ duyên gì, bà đi không chủ đích vào lùm cây xác xơ trước mặt.

Một hình hài co rúm trong bộ quần áo rộng thùng thình. Từng đàn kiến vàng, kiến đen châu vào đông đặc. Bà rón rén quỳ xuống rút mấy sợi vải te tua đưa lên mũi nó, sợi vải mới khẽ lay động. Bà vội bế xốc nó lên phủi kiến lia lịa rồi bỏ mặc đàn bò chăn mướn chạy một mạch về buôn…

Cậu bé lúc đó chỉ khoảng 3 tuổi. Không hiểu tại sao nó nhỏ như cái bắp chân mà bò được ra khỏi nơi chết chóc cả cây số. Và có lẽ cũng nhờ Yàng giúp nó mới chịu nổi đói khát dễ đã bốn, năm ngày đêm rồi như thế. Thằng bé nói tên nó là Phong nhưng bà Siu H’Ba cứ đặt cho nó là Siu Phê.

Bùm Bong đã nghèo, Siu H’Ba lại còn nghèo nhất buôn. Nhà có hai vợ chồng với hai đứa con, quanh năm cái chân cái tay luôn để ngoài rẫy mà không khi nào đủ ăn.

Nhưng nụ cười vẫn nở trên gương mặt ông Rơlan Nhút: “Nghèo nhưng tôi vẫn sống được, các con tôi vẫn sống được thì thằng Phê này cũng sống được. Nó là con tôi …”.

Và quả thật là ông bà đã coi Siu Phê không khác gì con đẻ dù nuôi Siu Phê chẳng dễ dàng gì vì nó ốm yếu quá. Suốt ngày nó gào khóc, chỉ việc ép nó ăn được miếng cơm cũng đủ khổ…

Nhưng rồi Siu Phê cũng nói được tiếng Jrai và bắt đầu quen với tụi nhỏ trong làng. Từ đó suốt ngày nó lăn lóc với đám trẻ đen nhẻm, tóc đỏ như râu ngô.

Được chín, mười mùa rẫy gì đó Phê đã đòi đi chăn bò mướn thay mẹ nuôi. Sáng sớm, Phê lẫn vào đám bò đông hàng chục con như một hình hài được nặn bằng đất lầm lũi lên núi, cho đến tối mịt mới lùa bò về. Nhiều hôm không kịp về nhà, Phê phải chúi đầu vào gầm nhà chủ ngủ qua đêm.

Thế rồi có một người con gái đến với anh, cô tên là Ksor H’Ngom.

Cha mẹ chết sớm, H’Ngom cũng phải đi chăn bò thuê cho người kiếm sống. Cô lớn hơn Phê đến mười mùa rẫy. Chẳng hơn gì cảnh Siu Phê nhưng H’Ngom cũng dành dụm khi nắm cơm, khi trái bắp chia sẻ cho Phê…

Bốn, năm mùa rẫy lặng lẽ trôi, cho đến một hôm nằm co ro dưới gầm nhà người, cảm thấy lòng trống trải như đám rẫy chờ đến ngày gieo hạt, họ đã đến với nhau, tự nhiên như hơi thở đến lúc sinh ra…

Đứa con nuôi của buôn K, Te và 30 năm lưu lạc ảnh 2
Siu Phê và em trai ngày gặp mặt

Cuộc sống ngỡ đã hé nụ cười nhưng một bữa đi chăn bò giữa trưa Siu Phê đi tìm nước uống đã giẫm phải tổ ong đất. Nọc độc của những con ong ác nghiệt đã làm Siu Phê ngất xỉu.

Cả buôn K’Te  đổ đi tìm anh. Rồi suốt đêm họ đốt đuốc thay nhau cáng anh dưới trời mưa tầm tã, vượt hai chục cây số lên bệnh viện huyện cấp cứu… Chẳng hiểu tại sao, từ đó tóc Siu Phê trở nên bạc trắng…

- Người ta sinh ra chỉ được sống có một lần, thế mà tôi có hai lần được sống…

Bàn tay Siu Phê vít nặng cần rượu. Có lẽ anh muốn nói một câu gì đó cho thật sâu sắc nhưng vốn tiếng Kinh mới “học lại” khiến anh không thể diễn tả nổi. Môi anh run run…

Siu Phê kể lại cho tôi nghe hành trình tìm con đằng đẵng ba mươi năm của cha mẹ anh. Cuộc kiếm tìm có lẽ đã vô vọng nếu không có bài viết trên báo Gia Lai. Ông cậu Phê ở Kon Tum tình cờ đọc được rồi báo cho cha mẹ anh ở Long Thành – Đồng Nai biết…

Từ khi mất Phê, ông bà đã sinh thêm bốn người con nữa. Nhờ cây điều gia đình cũng khá… Sau bữa rượu đoàn viên, trước đông đủ dân làng K’Te, cha anh bảo cả nhà vào trong đó sống nhưng Phê đã từ chối, anh chỉ muốn ở lại  K’Te.

“Bà con ở đây tốt lắm – giọng Siu Phê như nghẹn lại. Lúc chúng tôi nên vợ nên chồng mà không chút của, không chốn nương thân, bà con buôn K’Te không ai bảo ai đã lặng lẽ góp người miếng tôn, người chiếc cột làm cho căn nhà nhỏ.

Vợ chồng tôi được coi như con chung của làng, ai cũng có trách nhiệm chỉ bảo. Dạo tháng 4/2004, kẻ xấu các làng quanh đây lén lút xúi giục một số bà con thiếu hiểu biết bày trò biểu tình gây rối. Chúng bắn tin cho tôi theo chúng vượt biên tìm cha mẹ. Biết chuyện, bà con đã đến nhà tôi khuyên can, an ủi.

Những năm gần đây nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, buôn K’Te đã đỡ khó khăn nhiều. Tuy nhiên cuộc sống bà con nói chung vẫn còn nghèo bởi do không biết cách làm ăn.

Vợ chồng Siu Phê cũng chưa thể nói là giàu nhưng cũng đã hơn khá nhiều người, sau bao năm cần mẫn tích cóp từng lon gạo trả công chăn bò thuê, vợ chồng anh bây giờ đã có 3 ha ruộng; 3 con bò và 18 con dê…

Siu Phê hào hứng nói về những kế hoạch sắp tới: Anh sẽ nuôi bò lai, dê lai- những con vật chưa bao giờ xuất hiện trên mảnh đất này.

Khi đã thành công, anh sẽ giúp dân làng con giống, hướng dẫn cách nuôi. Với niềm tin và nghị lực trong giọng nói của anh, tôi tin rằng đã sắp đến lúc Siu Phê đáp đền được chút công ơn cưu mang của dân làng mà anh vẫn canh cánh trong lòng.

Buôn K’Te những ngày cuối năm 2005.

MỚI - NÓNG