Đứa con nuôi đáng sợ

Đứa con nuôi đáng sợ
TP - “Em chào các anh các chị. Báo cáo các anh các chị, chúng em đã về” - tiếng ông lão 80 sang sảng trong Hội trường lớn Sở Công an Hà Nội sáng 18/2/2013 - ngày Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt đón nhận danh hiệu Anh hùng.

> Có một Đội quân báo thiếu niên
> Vinh danh Anh hùng Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt

Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với nhà văn Phạm Thắng (bìa trái), tổ trưởng Trần Vân (áo trắng) và một số đội viên Đội Bát Sắt
Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với nhà văn Phạm Thắng (bìa trái), tổ trưởng Trần Vân (áo trắng) và một số đội viên Đội Bát Sắt.

Ông là nhà văn Phạm Thắng, một đội viên Bát Sắt năm xưa, cũng chính là “người chép sử” của Đội, tác giả cuốn truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” từng bán chạy nhất sau ngày miền Nam giải phóng.

Số phận một cuốn sách

“Nói tự hào sung sướng thì cũng không hẳn. Nhưng hôm đó tôi thấy mình trẻ lại, lâng lâng như trở về thời niên thiếu, được trở về với gia đình mình, được gặp lại các anh, các chị. Câu nói đó là câu chúng tôi thường reo lên sung sướng mỗi lần từ vùng Hà Nội tạm chiếm về lại căn cứ báo cáo tình hình với các anh, các chị lãnh đạo Công an quận 6”- ông Phạm Thắng nói với PV Tiền Phong.

Ông Thắng lật giở những bức ảnh, những bút tích tư liệu từ những năm 1946 – 1948, được gói ghém cẩn thận bằng những tờ giấy trắng. Những bức ảnh chân dung đồng đội cũ, những bút tích của lãnh đạo Đội đã ngả màu thời gian... “Năm 1949, tôi vào bộ đội, gửi những tư liệu này về cho bố tôi cất giấu. Ông cụ cho tất cả vào chum, chôn trong vườn, nên mới còn đến ngày nay” – ông Thắng kể.

Nhà văn Phạm Thắng giới thiệu với PV Tiền Phong về những tư liệu quý giá ông lưu giữ được hơn 60 năm qua
Nhà văn Phạm Thắng giới thiệu với PV Tiền Phong về những tư liệu quý giá ông lưu giữ được hơn 60 năm qua.

Những bức ảnh, bút tích trên sau trở thành những tư liệu vô cùng quý giá, để nhà văn Phạm Thắng viết cuốn hồi ký “Đội tình báo thiếu niên” năm 1964, và sau này phát triển thành cuốn truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” năm 1976.

Năm 1964, Sở Văn hóa Hà Nội phát động đợt viết về những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp. Gom góp những tư liệu còn lưu giữ, đi tìm một số đồng đội cũ, nhà văn Phạm Thắng bắt tay vào viết cuốn hồi ký “Đội tình báo thiếu niên”. Cuốn hồi ký mong mỏng vài chục trang, in vài nghìn cuốn, đến năm 1967 tái bản với lượng in 3.000 bản.

Từ cuốn hồi ký này, năm 1971, NXB Kim Đồng đặt ông Phạm Thắng viết thành truyện. “Thế mà cũng phải mất 5 năm, đi gặp lại nhiều người, sưu tầm thêm những tư liệu lịch sử, năm 1975 tôi mới hoàn thành bản thảo. Nhưng để xuất bản được cuốn sách còn là câu chuyện dài” – ông Thắng nói.

 Sự hy sinh anh dũng và công lao to lớn của Đội thiếu niên Bát Sắt mãi mãi là niềm tự hào, tài sản tinh thần vô giá của lực lượng CAND.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Lúc chưa giải phóng miền Nam, vì lý do bí mật nên việc xuất bản cuốn truyện gặp khó khăn. Khi NXB đồng ý thì cơ quan công an lại không, hoặc ngược lại. Dù tên các nhân vật trong truyện đã được thay đổi với nguyên mẫu, được chỉnh lý nhiều lần, song nhiều đồng chí lúc đó vẫn đang hoạt động trong chiến trường miền Nam. Nguyên tắc bí mật được đặt lên hàng đầu.

Đầu năm 1976, cuốn truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” chính thức được in lần đầu, tại Nhà in Thanh niên Thành đoàn TPHCM, với lượng in kỷ lục: 100.300 bản. “Chỉ sau khoảng 2 tuần ra sạp, hơn 10 vạn cuốn sách đã hết veo” – ông Thắng nhớ lại.

Các phiên bản cuốn “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” qua những lần tái bản
Các phiên bản cuốn “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” qua những lần tái bản.

Cuốn truyện nhanh chóng được các thế hệ thiếu niên Việt Nam say mê đón đọc, được tái bản 7 lần từ năm 1996 đến nay, chưa kể 2 lần in nối bản. Năm 2011 – 2012, cuốn sách được tái bản lần thứ bảy, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Vừa là cha đẻ cuốn sách, nhà văn Phạm Thắng vừa là nguyên mẫu nhân vật Thân “bột” - một đội viên Bát Sắt được cài vào làm con nuôi vợ chồng tay đại úy Lăm - pe, với nhiều tình tiết đấu trí ly kì.

Từ bồi bàn thành con nuôi tay đại úy

Hồi đó, qua cơ sở bí mật của ta, 4 cậu bé trong đó có ông Phạm Thắng được cài vào làm bồi bàn tại tiệm nhảy Li – đô, nay là số nhà 18 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình. Đây là nơi dành riêng cho các sỹ quan địch lui tới rượu chè, nhảy nhót trước và sau mỗi trận càn, có lính bồng súng canh gác cẩn mật.

“Trong vai những chú bồi bàn trẻ con, vô hại, nhóm chúng tôi đã nghe ngóng được nhiều tin tức quan trọng mà sỹ quan địch nói chuyện trong lúc nhậu say, kịp thời báo về căn cứ. Rồi tôi may mắn được làm con nuôi vợ chồng tay đại úy Lăm – pe, tiếp tục nắm bắt nhiều tin tức quan trọng” – ông Thắng kể.

Nhà đại úy Lăm – pe sát tiệm nhảy. Tay sỹ quan gốc Phi kết hôn với một cô gái Hà Nội tên Mary Thúy, hai vợ chồng không có con. Những lúc Mary Thúy giặt quần áo cạnh hàng rào sát bên tiệm nhảy, cậu bé Thân “bột” (tức ông Phạm Thắng) thường nhanh nhảu chạy tới vò giúp.

Nhìn cậu bé trắng trẻo, đôi mắt một mí dễ thương bẽn lẽn như con gái, Mary Thúy lại dấy lên khát khao làm mẹ. Trong một lần nói chuyện, Mary Thúy mạnh dạn đề nghị Thân “bột” về làm con nuôi.

“Lúc đó quá bất ngờ, tôi không biết xử trí thế nào. Hằng ngày, những tin tức thu lượm được, chúng tôi viết vào mảnh giấy, tối đem giấu dưới bồn hoa trong khuôn viên tiệm nhảy, sẽ có người chuyển tới lãnh đạo. Hôm sau, tin cấp trên báo về: Đây là cơ hội rất tốt để trà trộn vào gia đình Lăm - pe, thu lượm thông tin tình báo” - ông Thắng tiếp.

Và thế là Thân “bột” từ giã tiệm nhảy về sống với gia đình đại úy Lăm -pe, được đổi tên Sác-lơ Thân. Thân được vợ chồng Lăm -pe bố trí cho ở riêng một căn buồng xinh xắn, có cửa thông ra ngoài và cửa ngách vào sân sau. Khi đóng kín cửa, căn buồng như một thế giới riêng biệt, nhưng lãnh đạo Đội thiếu niên Bát Sắt luôn chỉ thị cho chú hiểu, chú đang sống trong nhà kẻ thù, phải hết sức cảnh giác...

Thoát hiểm ngoạn mục

Tương kế tựu kế, thời gian đầu sống trong nhà Lăm - pe, Thân vờ như một đứa trẻ đãng trí, không bao giờ đóng cửa phòng. Chú đổ nước muối làm gỉ bản lề cửa, gió không làm xê dịch được. Suốt một tháng ròng, mỗi lần ra ngoài Thân đều lấy thước đo khoảng cách cánh cửa mở. Tất cả đồ đạc trong phòng chú cũng xếp vào vị trí nhất định. Lúc về, Thân kiểm tra, đo lại các khoảng cách và an tâm biết phòng mình không bị lục soát.

Suốt một tháng ròng, mỗi lần ra ngoài, Thân đều lấy thước đo khoảng cách cánh cửa mở. Tất cả đồ đạc trong phòng chú cũng xếp vào vị trí nhất định, tỷ mỉ đo khoảng cách... Lúc về, Thân kiểm tra, đo lại các khoảng cách và an tâm biết phòng mình không bị lục soát.

Thân báo cáo với lãnh đạo qua hòm thư bí mật: “Cho khởi công xây dựng kho Y”. “Nghe từ “kho” khá to tát, thực ra chỉ là việc bí mật cưa một viên gạch dưới gầm giường, lật lên để cất giấu tài liệu” – ông Thắng cười, tiếp chuyện.

Một thời gian sau, nhóm bồi bàn bị Phòng nhì phát hiện, một đội viên Chức “lém” bị bắt. Sáng hôm đó, khi đi chợ, chú bé Thân nhận được chỉ thị của cấp trên hủy hết tài liệu trong “kho”. Đang phân vân chưa rõ có chuyện gì, qua tiệm nhảy Li- đô, Thân giật bắn mình thấy chiếc rèm cửa sổ tầng 2 xoắn lại – ám hiệu báo động! “Bị lộ rồi. Không biết số phận các bạn ra sao” - trong cơn nguy biến, Thân lấy lại bình tĩnh khá nhanh, rảo bước về nhà, trong đầu nghĩ kế đối phó...

“Cậu thật là đáng sợ. Hóa ra cậu là Việt Minh” – Mary Thúy kéo Sác lơ Thân vào phòng, mặt tái nhợt. Ông Thắng kể: “Tôi vẫn cố chối, nhưng chối mãi cũng không ích gì, nhùng nhằng lính ập đến thì tính mạng vừa không giữ được mà đống tài liệu cũng chẳng thể bảo toàn. Biết tâm lý Mary Thúy, mình bị bắt cũng bị liên lụy, lại lo cách mạng trừng phạt, tôi yêu cầu bà ấy đưa mình ra ngoài an toàn”.

Trong lúc Mary Thúy luống cuống sửa soạn, ông Thắng nhanh chóng vào phòng ngủ, lôi đống tài liệu mật ra đốt. Hai “mợ - con” sau đó lên một chiếc xích lô hướng ra Bác Cổ.

“Trước khi chia tay, mợ Thúy còn dúi vào tay tôi tờ giấy bạc 500 đồng, nước mắt lưng tròng, nhưng tôi không nhận. Sau đó, cũng không rõ số phận bà Thúy ra sao”- ông Thắng nói.

Nói về danh hiệu Anh hùng tập thể Đội vừa được trao tặng, ông Thắng bùi ngùi: “Còn nhiều người xứng đáng anh hùng hơn chúng tôi. Đó là Đội trưởng Nguyễn Xuân Sinh, liệt sỹ CAND, bị địch thủ tiêu năm 1949. Đó là gia đình ông bà Hoàng Xuân Đài, chủ hiệu Quốc Việt 12 Hàng Nón, hậu phương an toàn của Đội Bát Sắt trong lòng địch. Người em của ông bà là Hoàng Xuân Tuế đã cùng đội viên Nguyễn Văn Hoạch trừ khử tên Việt gian Pa kê tức Lê Hữu Ba Kế tại nhà riêng của hắn... Đáng tiếc, do điều kiện chiến tranh, nhiều hồ sơ tài liệu đã không được lưu giữ đầy đủ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG