Đứa trẻ Mỹ Lai

Đứa trẻ Mỹ Lai
TP - Cậu bé 7 tuổi nằm ôm che đạn cho em trong bức ảnh nổi tiếng trong vụ thảm sát Mỹ Lai – Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) 43 năm trước sau này lớn lên sang học tập, làm việc và định cư ở Đức?

 > 'Tìm lại' Mỹ Lai

Ngoài những hệ lụy gây tranh cãi suốt nhiều năm trời về bức ảnh nổi tiếng này (đã nêu trong 2 bài trước), Trần Văn Đức (tên cậu bé nhân chứng) còn dõi về quê với bao hoài niệm và ký ức kinh hoàng.

Tôi bất ngờ trước những trang hồi ký ứa nước mắt của Đức gửi về. Đức bảo rằng: Đó cũng là một cách tự “giải thoát” cho ký ức Mỹ Lai bi thảm. Báo Tiền Phong xin đặt lại các tựa đề, trích đăng và giới thiệu cùng bạn đọc. (Trương Duy Nhất giới thiệu)

Bố con Trần Văn Đức và Ronald Haeberle - tác giả những bức ảnh tại nhà bảo tàng Sơn Mỹ Ảnh: Trương Duy Nhất
Bố con Trần Văn Đức và Ronald Haeberle - tác giả những bức ảnh tại nhà bảo tàng Sơn Mỹ Ảnh: Trương Duy Nhất .

Bình Đức, Thuận Yên không yên bình

...Đầu năm 1959, gia đình tôi chuyển từ Sơn Hội xuống Sơn Mỹ làm ăn sinh sống. Vì sau khi ba tôi ở tù ngoài Côn Đảo về, cuộc sống của gia đình ở Sơn Hội gặp nhiều trắc trở khó khăn, chính quyền luôn dòm ngó và nhiều lần bắt xuống hội đồng xã tra khảo.

Ở Sơn Mỹ, ba tôi may vá và làm nghề thuốc tây, còn mẹ tôi tạo được một quầy hàng tạp hoá ngoài chợ Sơn Mỹ kinh doanh vải, thuốc tây và quần áo... Tên tuổi ông bà Chín Tẩu dường như đã thành khá thân quen với người dân Sơn Mỹ thời bấy giờ.

Cuối năm 1959, mẹ tôi sinh đứa con thứ 2 - chị Trần Thị Mỹ. Năm 1962 mẹ sinh tôi. Trần Văn Đức tên tôi, lúc bé tí các dì gọi là thằng Trọng Hiền. Là đứa con trai đầu tiên nên cả gia đình vui lắm. Hai năm sau, 1964, đứa con thứ tư ra đời, là em Trần Thị Huệ của tôi.

Thời gian này chiến tranh ác liệt, dân Sơn Mỹ chết rất nhiều dưới bom đạn quân thù, những lần oanh tạc của máy bay Mỹ, và những đợt đột kích từ hạm đội ngoài biển. Gia đình tôi và dân nơi đây có hôm cả ngày phải núp dưới hầm, nhiều gia đình bị bom dội trúng hầm chết cả nhà. Do vậy dân Sơn Mỹ tản cư đi nơi khác nhiều, để tránh đạn, kẻ đi Lý Sơn, người xuống Bình Đức, nhiều người phải lìa quê xa xứ....

Cùng một số gia đình, ba mẹ tôi dẫn các con tản cư xuống Bình Đức. Ở tạm nhà một người quen gần chợ Bình Đức. Gần 2 năm sống nơi này, ba mẹ vẫn theo nghề may vá và buôn bán. Nhưng rồi Bình Đức cũng không yên bình như tôi tưởng. Bom đạn Mỹ cũng dội xuống liên tục, máu dân lành lại nhuộm đỏ mảnh đất thân thương.

Chợ Bình Đức, máy xay gạo bên chợ và bao căn nhà tranh làm mồi cho bom xăng cùng rocket. Năm 1967, mẹ tôi sinh đứa con thứ 5: em Trần Thị Hà. Gia đình lại một lần nữa phải tản cư lên xóm Thuận Yên, Tư Cung. Dựng một căn nhà tranh nhỏ ở tạm trong khu vườn bà Bộ. Cũng năm này, ba tôi phải lên Tịnh Hiệp công tác. Ông là y sĩ của C12 huyện Sơn Tịnh.

Hơn một năm ở xóm Thuận Yên, Tư Cung là quãng đời hạnh phúc nhất của tôi, của gia đình tôi, dù lúc ấy chiến tranh có phần khốc liệt hơn, bom càng dồn dập hơn.

Nằm sát bên quốc lộ 24 B là hai dãy núi tiếp nhau, um tùm những rặng liễu và cỏ tranh. Bên này đường là xóm Thuận Yên, Tư Cung. Xen lẫn các xóm dân cư là những thửa ruộng bát ngát xanh. Bà con chân lấm tay bùn, cố đổi lấy những giọt mồ hôi để đong nhận từng bát cơm ngon, những manh áo lành.

Dân Mỹ Lai quê tôi rất siêng năng cần cù, vì phải luôn đương đầu với bom đạn. Họ phải tranh thủ từng giờ phút, khi sáng sớm hoặc chiều tối là khoảng thời gian im tiếng súng nhất họ đồng loạt ra đồng để trồng trọt, đổ nước cho lúa, tưới nước cho huỳnh tinh, rau lang, mì, bón phân và làm sạch cỏ cho hoa màu... Những người buôn bán cũng thức dậy sớm để lo cơm nước cho gia đình, con cái trước khi ra chợ.

Buổi sáng định mệnh

Buổi sáng ngày 16-3-1968, một buổi sáng định mệnh của tôi, của gia đình tôi, của xóm Thuận Yên, của Mỹ Lai.

Sớm hơn bao trận càn quét trước, 5 giờ 30 phút các tràng pháo từ nhiều phía đã bắn vào làng Thuận Yên, Tư Cung, Mỹ Khê. Pháo nã dài hơn mọi khi và sau đó, khoảng hơn 7 giờ trên bầu trời Mỹ Lai xuất hiện rất nhiều máy bay trực thăng, chúng tha hồ bắn rocket vào các khu dân cư.

Lúc này bà con mới biết một ngày chẳng lành đến với họ. Má tôi cùng mấy chị em nghe tiếng la làng kinh hoàng của rất nhiều bà con trúng đạn bị thương... Không lâu sau mấy tràng rocket là tiếng máy bay trực thăng bay rất thấp và hạ cánh xuống đồng lúa làng Thuận Yên.

Vang lên tiếng súng của những tên lính Mỹ vừa hạ cánh bắn dữ dội. Những tiếng la xé trời, tiếng khóc van xin của bao người trên đường ra đồng hoặc đi chợ. Thế nhưng những tay súng đâu có tha, họ vẫn nổ súng bắn giết những người ấy, giết hàng loạt, giết hết, giết sạch ...

Mấy nhà gần rìa làng bị lính Mỹ lôi ra đầu tiên. Họ lôi ra hết bắt tập trung trên bờ ruộng gần ngã ba Tháp Canh. Mẹ tôi thấy không ổn nên chuẩn bị thật chu đáo, lấy túi vải thật to màu nâu bỏ quần áo của mấy chị em tôi vào đó và đưa cho chị Hồng giữ. Mẹ còn bó vào đùi của mấy chị em tôi mỗi đứa 10.000 đồng, phòng khi chạy lạc có tiền mà xài. Tôi bị nhột quá nên mở ra đưa lại mẹ số tiền ấy. Bà còn kịp ra hầm phía sau nhà, cất giấu rất nhiều thuốc tây và vải....

Công việc vừa xong thì toán lính Mỹ ập vào nhà, tay súng lăm lăm, lôi xềnh xệch mẹ cùng chúng tôi ra đường. Dù ôm Hà trên tay, bà cũng không quên cầm theo chiếc nón. Ra tới đường, gia đình tôi nhập vào đoàn người và bị lính Mỹ dẫn ra ngã ba Tháp Canh tập trung.

Bà Nguyễn Thị Tẩu, mẹ Đức và chiếc túi vải màu nâu Ảnh: Ronald Haeberle
Bà Nguyễn Thị Tẩu, mẹ Đức và chiếc túi vải màu nâu Ảnh: Ronald Haeberle.

Vừa tới nơi, lợi dụng lúc hỗn loạn, mẹ kéo chúng tôi vào hầm nhà bà Nhiều để trốn. Nhưng lúc đó dưới hầm đông nghẹt người, mẹ và mấy chị em tôi phải đứng gần miệng hầm. Tôi thấy nhà trên của bà Nhiều cũng vậy, người ta vào trốn thật nhiều, dưới phản, sau bàn thờ...

Nhưng họ trốn không được lâu. Khi những toán lính Mỹ khác lùa bà con từ các nơi đến ngã ba, chúng bắt ngồi xuống và một toán khác ập vào nhà bà Nhiều, lôi toàn bộ những người trốn trong nhà ra. Chúng chĩa súng xuống hầm và la lớn.... Mọi người sợ quá lần lượt kéo nhau chui lên.

Tôi nghĩ trên thế gian này chắc không bao giờ và không ở đâu lại có cảnh bi thảm nào hơn vậy. Tiếng khóc sợ hãi, tiếng van xin, tiếng trẻ thơ khóc thét khiếp đảm.... rồi những tràng súng liên thanh hướng vào đám người vô tội ấy bắn xối xả.

Tôi còn thấy một bà già, già lắm, chắc bà quá yếu nên từ dưới hầm bước lên chậm, bị một thằng Mỹ tức giận dùng báng súng phang vào giữa lưng, chắc bị gãy xương nên bà đi không được nữa, bà té xuống hiên nhà và thằng Mỹ ấy nắm tay bà lôi ra chỗ tập trung.

Sau sân có bụi tre khá rậm, mẹ định kéo chúng tôi ra hướng ấy để trốn, nhưng bị một thằng Mỹ phát hiện chạy lại lôi mẹ rất mạnh làm chiếc áo ngoài của mẹ bung hết nút. Hết cách, mẹ cùng mấy chị em phải theo ra nơi tập trung.

Cả nhà tôi ngồi sát mé ruộng, chiếc túi đồ màu nâu còn in rõ nơi chúng tôi ngồi, thật đau thương và bi thảm. Chiếc túi ấy vẫn có thể nhìn rõ trong những bức ảnh chết chóc mà nhiều người đã biết.

Tôi nghĩ trên thế gian này chắc không bao giờ và không ở đâu lại có cảnh bi thảm nào hơn vậy. Tiếng khóc sợ hãi, tiếng van xin, tiếng trẻ thơ khóc thét khiếp đảm.... rồi những tràng súng liên thanh hướng vào đám người vô tội ấy bắn xối xả. Rồi không còn nghe thấy tiếng van xin nữa mà thay vào đó là những tiếng ré kinh hoàng. Tôi còn nghe thật rõ: “Chết tôi rồi trời ơ...ơ...i!” .

Những người chưa trúng đạn đồng loạt đứng dậy chạy xuống ruộng lúa. Nhưng khó ai làm được việc đó. Những làn đạn dày đặc của lính Mỹ nã vào họ, họ bị trúng đạn và lần lượt ngã xuống, máu vương vãi mọi nơi, nhiều thi thể không còn toàn thây vì sức công phá quá lớn của những tràng liên thanh ngay cự ly gần.

Trần Văn Viễn (con trai Trần Văn Đức) trước ảnh bà nội và ba mình tại nhà chứng tích Sơn Mỹ Ảnh: Trương Duy Nhất
Trần Văn Viễn (con trai Trần Văn Đức) trước ảnh bà nội và ba mình tại nhà chứng tích Sơn Mỹ Ảnh: Trương Duy Nhất .

Giữa lúc hỗn loạn, mẹ ôm Hà và một tay đẩy tôi xuống bờ ruộng lúa. Mùa lúa đang lên đòng nên cũng khá cao, bà nằm đè lên tôi và Hà, chiếc nón là vật ngụy trang thật tốt lúc nầy, bà dùng để che thêm cho tôi, phần mà thân bà đè lên chưa lấp hết. Chị Mỹ cũng ngã xuống gần đó và nằm im giả chết...

Lính Mỹ vẫn tiếp tục bắn dữ lắm, khi thấy không còn ai sống nữa, chúng lại đến rất gần, tìm trẻ em và một số xác người còn cử động bắn tiếp. Sau đó chúng lần lượt kéo đi vào làng theo hướng ngã ba. Trên đường cái và dưới ruộng xác người nằm la liệt khắp nơi, máu tươi nhuộm ướt cả một quãng đường và phun ướt đẫm cả vạt lúa nơi ấy.

Lính Mỹ rút đi được một lúc thì Hà bỗng khóc. Mẹ bảo tôi: “Con ôm Hà về nhà ngoại đi chứ lính Mỹ trở lại họ bắn chết”. Mẹ bị thương rất nặng ở đầu, bụng và đùi, bà không còn đứng lên được nữa...

Bà nghiêng thân mình để khỏi đè Hà nên tôi nhìn thấy rất rõ. Lúc đó tôi chỉ nghe lời và vội ôm Hà kéo lê trên đường. Tôi chỉ còn nói được một lời cuối cùng với mẹ: “Con ôm Hà về ngoại nghen mẹ...”. Tôi sợ lính Mỹ trở lại bắn chết, nên vội đi không suy nghĩ gì để cứu mẹ, dù không làm được gì cho mẹ lúc đó, nhưng nghĩ lại tôi thấy rất buồn và ân hận. Tôi thương mẹ thật nhiều... Tôi vật vã kéo ôm em Hà thoát khỏi những xác người vương vãi ...

(còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG