Dựng cột mốc Trường Sa trước cửa nhà

Dựng cột mốc Trường Sa trước cửa nhà
TP - Nâng niu từng kỷ vật mang về từ Trường Sa như những vật báu; tự tay xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông ngay trước cửa nhà... với ông, nỗi nhớ Trường Sa vẫn chưa một ngày khỏa lấp.

> Nhân chứng sống, kể chuyện thật

Gần chục năm trời, ông lặn lội đi tìm những người đồng đội cũ một thời công tác nơi đảo thiêng...

Ông là cựu binh Trường Sa Trần Văn Xuất (48 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Tiểu đội trưởng DKZ75, Lữ đoàn 146 ra đảo Trường Sa Đông làm nhiệm vụ những năm 1984-1987.

“Người núi” của đảo

Tròn 25 xa đảo Trường Sa, vừa nhắc tên đảo thiêng này, đôi mắt ông Xuất sáng hẳn. Cặp râu quặp như “nhảy múa” theo lời kể không dứt trên khuôn mặt đen sạm, chất giọng hào sảng.

Năm 1984 chàng trai Xuất 18 tuổi, hăng hái gia nhập đoàn Trường Sa rồi lên đường ra đảo Trường Sa Đông làm nhiệm vụ.

“Có lẽ nghiệp biển ông bà để lại nên từ nhỏ tôi bắt đầu có ý định xin được ra đảo Trường Sa. Ngày đặt chân lên đảo, tôi bất ngờ. Đảo hoang sơ, đẹp rực rỡ trước bình minh, nhưng lắm phần khắc nghiệt”, ông Xuất hồi tưởng.

Là đảo nổi, nhưng Trường Sa Đông chỉ rộng vài nghìn mét. Ngày đó, rau xanh và nước ngọt vẫn còn là đặc sản hiếm có.

 Mình chỉ muốn nhắc nhở con cái, và mọi người hãy luôn ý thức Trường Sa là đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ dạo có cột mốc chủ quyền, mỗi lần du khách đến thăm quan, mua sắm, ông lại dẫn ra giới thiệu.

Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của ngành giáo dục địa phương trong các giờ ngoại khóa của học sinh về các tiết học chủ quyền 

Ông Xuất bảo: giờ thỉnh thoảng coi ti vi, tôi thấy Trường Sa đầy đủ hơn hẳn. Mừng cho đảo, cho anh em, chứ thời bọn tôi, khắc nghiệt lắm. Nhưng ai cũng đoàn kết, gắn bó, yêu thương như người một nhà.

Ngày đó, trong số hơn 30 cán bộ công tác, ông Xuất thuộc lứa lính trẻ nổi tiếng ở tài săn bắt cá. Có ngày, Xuất bắt cả xâu cá nặng vài buổi ăn chưa hết. Nhiều người lân la hỏi thăm, ông cười hề hề bảo “Tôi quê Đà Nẵng, dưới chân núi Ngũ Hành Sơn”.

Chẳng biết sóng biển đánh bạt tiếng nói thế nào, mà gắn luôn cho ông cái biệt danh “Xuất Núi”. Ông Xuất nhớ nhất kỷ niệm về những lần đón đoàn thăm đảo.

“Có lần, tàu ra đảo công tác mang cả tấn kẹo. Trời, cái thứ kẹo gì mà lạ, ăn đến ngọt lịm. Anh em ai cũng ngấu nghiến ăn từng gói này đến gói khác…".

Giọng ông vẫn tíu tít: Đón cái Tết 1985 thật đáng nhớ. Đảo được “cấp dưỡng” 3 con bò để đón Tết. Mọi người dùng trước 2 con, để một con cho những ngày sau Tết. Đúng thời khắc giao thừa, anh em bắn đạn chỉ thiên mừng năm mới. Không ngờ con bò hoảng loạn, chạy phăng ra biển bị nước cuốn trôi, khiến ai cũng tiếc ngủm”.

Nước ngọt là thứ hàng xa xỉ nên chuẩn bị mưa là anh em trên đảo tập kết đủ loại xoong nồi, xô chậu. Ai nấy chẳng ai bảo ai đều tự giác mặc quần đùi, đứng dọc hành lang. Vừa xuất hiện hạt mưa, mọi người ào ra sân, chạy chơi như những đứa trẻ. “Cũng nhờ thế, mà anh em đồng cảm, san sẻ với nhau. Ai có thư nhà gửi ra đều đọc cho cả đảo. Cảm động nhất là lần cấp cứu cho anh Quân. Anh này bị đau ruột thừa, phải đưa đến đảo khác để mổ. Biển động, nhưng mọi người chấp nhận nguy hiểm, dùng thuyền nhỏ tiếp cận đảo chữa trị kịp thời”.

“Xuất gàn” dựng cột mốc chủ quyền

Chăm sóc cây bàng vuông bên khuôn viên chủ quyền
Chăm sóc cây bàng vuông bên khuôn viên chủ quyền.
 

Năm 2010, TP Đà Nẵng đặt tên hai con đường Hoàng Sa - Trường Sa cho tuyến đường chạy dài ven biển. Duyên số thế nào, nhà ông Xuất lại nằm đúng mặt tiền đường Trường Sa và trước đó cả năm, tự tay ông mất gần năm trời chế tác, đục đẽo cho cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông.

Giữa cơ man đủ các loại đá mỹ nghệ của làng đá nức tiếng cả nước của cơ sở Xuất Ánh, cột mốc chủ quyền được ông Xuất đặt trang trọng một bên sân nhà.

Cột mốc bằng đá đen granite cao 6 m, rộng 1,5 m. Nổi bật dòng chữ lớn Đảo Trường Sa Đông vàng óng, vĩ độ 080 55’ 00”N, kinh độ 1120 21’ 00”E.

“Tôi hồi tưởng lại bằng ký ức, mô phỏng theo đúng cột mốc chủ quyền ở Trường Sa Đông, rồi lên bản vẽ và tự tay làm. Ban đầu mấy người thấy lạ, đến hỏi dò, rồi bảo tôi gàn. Đây có phải Trường Sa đâu mà làm cột mốc. Cũng có người đặt điều bảo tôi khoe khoang, thích làm để quảng bá… rồi đồn đến tai vợ, tôi phải giải thích mãi để bà xã hiểu. Mình làm theo ý nguyện của mình, cốt để vơi bớt nỗi nhớ Trường Sa” - ông Xuất bộc bạch.

Năm 2008, ý tưởng hình thành, phải mất cả năm trời, cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông mới hình hài trước mắt.

Con số gần 200 triệu đồng là cả một gia tài lớn, nhưng ông Xuất vui bảo: giờ có tiền dễ gì đi được Trường Sa, mình chỉ muốn nhắc nhở con cái, và mọi người hãy luôn ý thức Trường Sa là đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ dạo có cột mốc chủ quyền, mỗi lần du khách đến thăm quan, mua sắm, ông lại dẫn ra giới thiệu. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của ngành giáo dục địa phương trong các giờ ngoại khóa của học sinh về các tiết học chủ quyền.

Khuôn viên “chủ quyền”, được ông trồng hai cây bàng vuông do người một người bạn mang về từ đảo Trường Sa lớn tặng. Chiều nào cũng thế, ông Xuất kê bàn thạch, nhấp li trà nơi ấy.

“Tôi chỉ tiếc trước ngày hết nhiệm vụ từ đảo về đất liền năm 1987, chỉ được biết trước 30 phút vì lý do bảo mật. Tôi chạy thục mạng quanh đảo cố nhìn ngắm lại lần cuối, lưu lại những kỷ vật, nhiều anh em còn chưa kịp chào hỏi. Lúc bước chân lên tàu, ai nấy đều khóc”.

Ông Xuất cẩn thận lấy từng kỷ vật Trường Sa lưu trong ngăn tủ kính. “Cái này là áo lính nè. Nhớ hồi đó, ngày ra Trường Sa làm nhiệm vụ vì còn khó khăn chung nên anh em chỉ nhận được áo mà không có quần. Thêm cái mũ Trường Sa nữa. Còn đây là túi lưới. Tôi mất hơn nửa năm trời mới làm xong nó đó. Lưới của ngư dân bị đánh dạt vào đảo, tôi sưu tầm cho đủ các màu, rồi mài mũi đan, những lúc rảnh lại mang ra khâu” – ông Xuất kể.

Túi nhỏ đủ màu xanh đỏ trắng, ở giữa là hai chữ Trường Sa. Bao năm rồi, ông gìn giữ nó như những vật báu trong gia đình.

Đi tìm đồng đội Trường Sa

Chiếc mũ kỷ vật Trường Sa
Chiếc mũ kỷ vật Trường Sa.
 

Duyên may thế nào, buổi nói chuyện có thêm sự xuất hiện của ông Nguyễn Đắc Nhuận (48 tuổi, quê Phú Yên) đồng đội một thời ngoài Trường Sa Đông. Lần gặp nào, hai ông kê bàn uống nước tán chuyện dưới cột mốc chủ quyền.

“Cái thằng Xuất thế mà hay, nó làm cột mốc này khiến anh em như đang ngồi nói chuyện giữa đảo vậy. Cũng chính nó mà mọi người mới tìm lại được nhau”, ông Nhuận nói. Từ lâu ngôi nhà của ông Xuất là chỗ vào ra, gặp gỡ của những người cựu binh Trường Sa một thời.

Chuyện ông đi tìm đồng đội cũng “gàn” như xây cột mốc chủ quyền. Không nhớ nổi một cái tên, chỉ biết mang máng địa danh tỉnh, huyện thậm chí không có xã, hay nghề nghiệp chung chung… vậy mà ông quyết tâm lên đường.

“Mình cứ lân la hỏi chuyện này, chuyện kia là ra thôi. Như chuyện tìm anh Trung ở Phú Yên, lúc đó đâu nhớ tên đâu, chỉ biết láng máng làm nghề xe ôm. Rồi tôi bắt xe vào. Cả tuần trời nhậu hết với cánh xe ôm này đến xe ôm khác. Cuối cùng vẫn tìm được. Do hoàn cảnh lúc đó thiếu thông tin liên lạc, rời đảo, ai về nhà lấy, anh em ít có điều kiện liên hệ với nhau. Mình hay đãng trí, tên không nhớ được nhưng điểm danh nghề nghiệp, tỉnh, huyện nào thì rõ lắm”.

Giọng ông rưng rưng: cái thằng Quốc quê Vạn Ninh (Khánh Hòa) đó, tôi còn nợ nó nhiều lắm. Ngày hai thằng ở cùng phòng, tối đến rủ nó đi câu cá, nó không đi, tôi hăng máu dộng cho một đấm … sưng cả mặt.

Tuổi thanh niên giận rồi hề hà với nhau. Nhưng về đất liền, mình cứ nhớ mãi cú đấm đó, muốn gặp lại để xin lỗi một câu cho tử tế. Gần 2 tháng trời rong ruổi tìm kiếm, đến lúc tìm được đến nhà, tôi chết lặng khi thấy ảnh nó trên bàn thờ. Số nó khổ, trước khi mất hai vợ chồng còn ở nhà thuê.

Gần chục năm nay, cả nhà đã quen với việc ông Xuất khăn gói ba lô dọc ngang khắp các miền Phú Yên, Bình Định, ngược lên mạn Đắk Lắk, Gia Lai để tìm đồng đội.

Ông Xuất nhẩm tính đến nay đã tìm khoảng 30 đồng đội, và còn 6 đồng đội một thời Trường Sa Đông hiện chưa có thông tin cụ thể.

“Nhờ cột mốc chủ quyền kia mà có lần một ông chủ tịch huyện ở Bình Định đi qua, nhìn thấy đã tìm bằng được gia chủ. May thay, qua ông lại hỏi thêm được về hai đồng đội Nguyễn Đắc Hiếu và Nguyễn Như Hải ở Quy Nhơn” - ông Xuất nói.

Không chỉ tìm gặp đồng đội, ông Xuất lại vận động anh em chung tay giúp đỡ những người cần giúp. Như chuyện giúp tiền lo cho vợ con anh Quốc; nhiều lúc ông tự nguyện bỏ tiền túi đài thọ toàn bộ chi phí đi về cho cuộc gặp gỡ của anh em đồng đội tại Khánh Hòa vào tháng 2 vừa qua.

Đặc biệt, cơ sở sản xuất đá Xuất Ánh của ông, không chỉ nổi tiếng là doanh nghiệp lớn mà còn trực tiếp tạo việc làm, thu nhập cho các cựu chiến binh, con em cựu chiến binh trên địa bàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.