'Đừng đốt' bằng tranh: Mảnh sao băng lưu lạc

'Đừng đốt' bằng tranh: Mảnh sao băng lưu lạc
TP - “Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ký họa Lê Đức Tuấn chỉ là hai mảnh sao băng lưu lạc mà ta chợt nhận ra trong dải ngân hà của chiến tranh, do phía Mỹ chuyển lại".

"Những gì còn lại trong lòng đất nước là một biển sao trong dải ngân hà đó. Tôi mong đến một lúc nào đó tất cả được tôn trọng, khích lệ”, Họa sĩ Đỗ Đức cảm nhận về tập ký họa của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn.

'Đừng đốt' bằng tranh: Mảnh sao băng lưu lạc ảnh 1
Lên lớp chính trị trong rừng

Năm ngoái họa sĩ Nguyễn Văn Chung có triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật, trưng bày nhiều bức ký họa chiến trường. Họa sĩ nguyên là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ về loạt bài “Đừng đốt bằng tranh”:

Ký họa là sinh khí của chiến trường

“Trong chiến tranh, thầy trò Trường Mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật khác với trường Lê Đức Tuấn học là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) và giới họa sĩ đi B, đi C nhiều, có người đi ngắn có người đi dài, lấy thực tế để sáng tác. Như tôi thuộc loại đi ngắn nhưng cũng có nhiều ký họa nhất là về vùng đất Quảng Trị.

Nhà văn có thể ngồi trong hầm mà ghi chép nhưng họa sĩ phải xông ra mặt trận. Như anh quay phim vậy. Và bộ đội mà vẽ đẹp thì được anh em rất quí. Cũng phải thôi, ở chiến trường không khí căng thẳng mà anh vẽ được, viết được, diễn kịch được thì ai chả quí.

Tôi từng có bức ký họa một cô văn công Bình Trị Thiên đánh đàn trong lán dân quân. Đoàn văn công Bình Trị Thiên phục vụ bao nhiêu là buổi diễn giữa chiến trường.

Trong ký họa có tốc họa và thâm diễn. Tốc họa là vẽ nhanh. Thâm diễn là vẽ kỹ. Những bức anh Tuấn vẽ có lẽ là tốc họa. Thường người ta phải có cảm tình với nhân vật mới vẽ được.

Vừa vẽ vừa hỏi chuyện, có rung động thì tranh mới đẹp được. Như bức tôi vẽ cô Nguyễn Thị Hoa du kích ở Hải Lăng, Quảng Trị. Vừa vẽ tôi vừa hỏi chuyện. Cô ấy bị xăm trúng hầm rồi bị bắn vào mắt cá chân, bị bắt, dụ dỗ quy hàng. Cô ấy không khuất phục. Thế là bị tháo khớp chân, một bên chân chỉ còn từ đầu gối trở xuống.

Bình thường cô ấy chẳng bao giờ kể chuyện mình nhưng tôi vừa vẽ vừa hỏi, thế là cô ấy kể. Một nhân vật khác của tôi, đàn ông, hoạt động nằm vùng, suốt ngày ngâm mình dưới ao đến đêm lên bờ, da cứ nhợt như con cá trên thiếu sáng, thương lắm.

Vẽ cảnh bao giờ cũng dễ hơn vẽ người. Như vẽ cái cây thì có cành là cành bổng, hòn đá có hòn to hòn nhỏ không thành vấn đề nhưng vẽ người nếu không có tài thì lộ ra ngay.

Thời ấy văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Đường lối nghệ thuật của mình là phải có thực tế sáng tác. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi như phương pháp tốt nhất chứ không phải phương pháp duy nhất để sáng tác”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho PV xem cuốn kỷ yếu 50 năm Trường Đại học Mỹ thuật, trong đó ghi danh 24 thầy trò hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Nổi tiếng nhất đương nhiên là Tô Ngọc Vân, hy sinh năm 1954. Hy sinh trong chống Mỹ có Quách Thiện Thuật, Hoàng Thượng Lân, Hà Xuân Phong... Các họa sĩ ký họa chiến tranh nhiều, theo ông Chung, có Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Hồng Chinh Hiền, Trần Hữu Chất, Hoàng Đình Tài...

Trong khi một số họa sĩ, phóng viên báo Tiền Phong xúc động  và thích thú với các bức Thanh bình, Làng Đổng Viên... của Lê Đức Tuấn, thì họa sĩ Chung chỉ vào một số bức vẽ nhóm mà theo ông, có bố cục, có không khí, vẽ nhiều người nhưng từng người có dáng nét rõ ràng, tỉ lệ cũng đạt.

Một số bức mới chỉ là những ghi chép. Bức vẽ thanh niên hồn nhiên nhảy chân sáo, hai tay đút túi quần, áo không cài hết khuy mà báo Tiền Phong đã đăng, theo ông Chung, khá hoạt.

“Như đã nói, họa sĩ phải có cảm tình với nhân vật mới vẽ được. Có thể thấy anh Tuấn có tình cảm với đồng đội nhất là đại đội trưởng Lâm, chú liên lạc, cô y tá ở Kỳ Sơn vân vân, và cả những nơi anh từng đóng quân”.

Tú Quyên (ghi)

'Đừng đốt' bằng tranh: Mảnh sao băng lưu lạc ảnh 2
'Thanh bình', ký họa của Lê Đức Tuấn

Kho tư liệu vô giá

Nhớ lại, những năm máu lửa chiến tranh thập niên 60-70 thế kỷ trước, không biết bao nhiêu tập ký họa Từ tuyến đầu Tổ quốc được Nhà Xuất bản Văn Hóa in để động viên kịp thời, cổ vũ cho cuộc chiến đấu quyết liệt, là tài liệu để thế giới biết về cuộc chiến của chúng ta.

Loạt bài về cuốn nhật kí bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn gợi lại trong tôi nhiều cảm xúc và suy ngẫm.

Họa sĩ Tuấn thuộc thế hệ chúng tôi, thế hệ cầm súng ra trận đánh Mỹ. Tuy không lãng mạn như trai Hà Nội trong thơ Tây Tiến của Quang Dũng, nhưng ý chí không kém lẫm liệt. Anh Tuấn chỉ là một trong mấy trăm họa sĩ vác ba lô vào chiến trường, trong đó hàng trăm người đã bỏ mình.

Thế hệ trước Tuấn có Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Kính, Thái Hà, Quang Thọ, Văn Đa, Nguyễn Thụ, Cổ Tấn Long Châu, Phạm  Ngọc Liệu, Trương Hiếu, Bùi Quang Ánh... Cùng thời với Tuấn còn có Lương Xuân Đoàn, Hoàng Đình Tài, Lê Trí Dũng, Nguyễn Quang Bộ, Giang Khích, Nguyễn Văn Kế, Đặng Chung...

Họa sĩ Trương Hiếu ở Ngõ Quỳnh, Hà Nội, thỉnh thoảng lại đem hong nắng mấy trăm kí họa còn giữ lại được. Đó là những kỉ vật quí nhất của đời lính khi ông ở miền Đông Nam Bộ. Mỗi bức giở ra, ông lại nhớ từng tên đất tên người.

'Đừng đốt' bằng tranh: Mảnh sao băng lưu lạc ảnh 3Ký họa chiến trường là sinh khí của tuổi trẻ và cuộc chiến. Sinh khí nóng bỏng, đổi bằng những khoảnh khắc thiêng liêng, có tuổi trẻ và máu xương của người lính. Nên nó là vô giá. 

Nhưng ký họa chưa phải là tranh. So sánh với âm nhạc, ký họa như ca khúc chứ không phải giao hưởng. Mà một nền âm nhạc không thể chỉ có ca khúc. Trên thế giới ít khi người ta bày toàn ký họa, mà chỉ bày xen lẫn với những bức tranh khác. 

Ký họa chính là tài liệu, rất quan trọng. Nhưng khi vẽ, người ta không chỉ cần tài liệu mà còn dùng hồi ức, ký ức. Ký họa đánh thẳng vào trái tim, nhưng không phải là thứ để xem hằng ngày, bày hằng ngày. 'Đừng đốt' bằng tranh: Mảnh sao băng lưu lạc ảnh 4 - Họa sĩ Hoàng Đình Tài, giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, người có nhiều ký họa chiến trường và tranh về đề tài chiến tranh.

Năm trước, Bảo tàng Quân đội triển lãm ký họa của họa sĩ quân đội Phạm Ngọc Liệu vẽ ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tập ký họa trong triển lãm sau in thành sách. Một loạt nhân vật trong đó, đi qua cuộc chiến được gặp lại mình trong sách. Họ mời ông trở lại chiến trường xưa. Những mái đầu xanh thuở ấy giờ bạc trắng bên nhau.

Thời chiến tranh, người giữ những bức ký họa chuyển theo đường giao liên ra Bắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam là họa sĩ Hồng Hải. Có lần chị kể với tôi, kho tranh khổng lồ ấy được giữ gìn cẩn thận như thế nào.

Lần ấy tôi đã nghĩ, hết chiến tranh, chắc phải có cuộc hội ngộ bằng một triển lãm thật hoành tráng trong dịp kỉ niệm giải phóng miền Nam, và có cuộc gặp mặt những họa sĩ còn sống trở về. Nhưng rồi chẳng thấy. Cho đến giờ, 35 năm rồi, chắc chẳng mấy ai nhớ những bức ký họa từ tuyến đầu Tổ quốc vang danh một thời.

Tôi không rõ khi Hồng Hải về hưu, cái kho ký họa chị nói đến giờ ở đâu, có được bảo quản tốt hay đã thành giấy mục. Đó là cái nợ lớn của ngành, cũng là của cơ quan hữu trách đối với kho báu tinh thần có xương và máu của cả đội ngũ làm mỹ thuật ra chiến trường.

Ta không nghĩ tới nhưng người ngoài lại nghĩ từ lâu rồi. Cách đây trên chục năm có một ông đại sứ Ý, trong ba năm nhiệm kì ở Việt Nam lùng mua cả loạt ký họa chiến tranh của các họa sĩ Việt Nam. Ông mua với giá khá rẻ, vì có lẽ các họa sĩ nghĩ có giữ cũng chẳng để làm gì.

Nhớ không nhầm thì bức sơn mài khá lớn của họa sĩ Phan Kế An vẽ Khâm Thiên 12 ngày đêm cũng bán cho vị đại sứ trong dịp ấy. Còn họa sĩ Huỳnh Phương Đông được một nhà sưu tập chiến tranh mua và in để giới thiệu tại Mỹ. Họa sĩ quân đội Huy Toàn cũng vậy. Những người Mỹ vinh danh những người một thời là kẻ thù bằng sự trân trọng.

Chẳng đâu như ở ta, ký họa chiến tranh nhiều, vắt dài trường kỳ theo các cuộc chiến từ thập niên này sang thập niên khác. Dễ đến hàng vạn bức.

Ký họa chiến tranh là tư liệu sống, ghi lại những trang sử sống của đất nước một cách trung thực, đặc biệt quí giá, nhưng dễ bị lãng quên. Còn họa sĩ, hết chiến tranh trở về lại lo ổn định cuộc sống, lo cấy cày.

Những việc làm ở chiến trường chỉ coi như công việc bình thường đời lính. Nhìn trang báo Mỹ in những bức ký họa bình dị của họa sĩ Tuấn và đánh giá của họ về người lính bên kia giới tuyến, lòng tôi bỗng chùng xuống.

Không riêng họa sĩ, hội họa, các ngành khác trong Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam đều có đội ngũ không hề thưa vắng, đồng hành cùng người lính ra chiến trường. Đóng góp, hi sinh thầm lặng, nhiều trường hợp chẳng được biết đến và theo thời gian đang trôi dần vào quá khứ.

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ký họa Lê Đức Tuấn chỉ là hai mảnh sao băng lưu lạc mà ta chợt nhận ra trong dải ngân hà của chiến tranh, do phía Mỹ chuyển lại. Những gì còn lại trong lòng đất nước là một biển sao trong dải ngân hà đó. Tôi mong đến một lúc nào đó tất cả được tôn trọng, khích lệ”.

Họa sĩ Đỗ Đức

MỚI - NÓNG