Đương đầu 'ông' voi

Anh Nguyễn Ngọc Luân đang châm lửa ống lố để thụt voi
Anh Nguyễn Ngọc Luân đang châm lửa ống lố để thụt voi
TP - Rời đồng bằng lên Tây Nguyên lập nghiệp, hàng nghìn dân định cư tại 6 thôn của xã Ia R’vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk phải làm quen dần với cảnh thức trắng đêm đuổi voi rừng.
Dấu chân voi rừng để lại trên một ruộng lúa
Dấu chân voi rừng để lại trên một ruộng lúa .

8 năm sống với voi

Ia R’vê là xã giáp biên giới Campuchia, được thành lập từ năm 2002 theo dự án di dân của Bộ Quốc phòng, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 120km về phía Nam, hiện có 5.081 dân, 14 thôn, trong đó có 6 thôn thường bị voi rừng kéo về quấy nhiễu.

Suốt 8 năm qua, người dân 6 thôn này bất đắc dĩ sống chung và gắn liền buồn vui của vùng kinh tế mới với những cơn điên giận thất thường của voi rừng.

Ngược miền sông nước Cửu Long lên, người dân Bến Tre định cư tại thôn 2 xưa kia vốn chỉ quen với con tôm, con cá, với nước lớn, nước ròng. Họ bỡ ngỡ trước cái nóng của rừng khộp, canh tác với đất khô và hốt hoảng khi voi rừng về tận làng.

Mọi người nơi đây vẫn còn nhớ như in ngày họ tập tễnh, dắt díu nhau lên vùng đất mới. Tất cả đều lạ lẫm, người giỏi tưởng tượng nhất cũng không nghĩ ra cảnh voi có thể về sau vườn nhà bẻ chuối ăn soàn soạt. Tiếng kêu rống của những con voi dữ khiến người lớn nổi da gà, trẻ em khóc thét. Nhiều hộ phải dắt díu nhau tìm nơi lánh nạn.

Rồi voi rời xa khu dân cư, cả đàn mấy chục con rút về rừng. Dân làng quay lại trồng lúa, trồng ngô trên diện tích được cấp. Bẵng đi một thời gian, đến khi cây trồng sinh trưởng xanh tốt, voi từ trong rừng lại về thu hoạch, ăn không hết thì phá. Đến hẹn lại lên, cứ mùa mưa đến là đàn voi xuất hiện. Hoa màu của dân trở thành món ăn khoái khẩu của chúng.

Xưa đuổi giặc, nay thụt voi

Đây là câu dân Ia R’vê chỉ cách xua đuổi voi mà không làm ảnh hưởng thân thể của con vật được tôn kính gọi bằng ông. Họ dùng ống tre dài khoảng 1,5 m, một đầu bịt kín, đầu kia để hở, cách đáy khoảng 5 cm, đục một lỗ để châm lửa, gọi là ống lố. Cho một ít nước vào ống lố, tra đất đèn vào châm lửa. Chất khí của đất đèn bốc lên, bén lửa, nổ ầm. Tiếng nổ khiến đàn voi sợ hãi tháo chạy vào rừng.

Anh Nguyễn Ngọc Luân đang châm lửa ống lố để thụt voi
Anh Nguyễn Ngọc Luân đang châm lửa ống lố để thụt voi.

Nhấp ngụm nước trà, ông Năm, một cư dân nhiều tuổi trong xã, kể cho chúng tôi nghe vì sao dân làng biết dùng phương pháp này để đuổi voi.

Vốn dĩ ngày xưa ở Bến Tre, vào thời chống Mỹ cứu nước, địch thường hay đi càn ở các làng. Do không có vũ khí chống lại, người dân bèn nghĩ ra cách đốt ống lố tạo tiếng nổ giống như đại bác khiến địch kinh sợ nghĩ rằng bộ đội chủ lực về mang theo hỏa lực mạnh, phải rút lui.

Khi mới lên đến đây, người ta khuyên gõ xoong chảo, thùng phi, nổ máy cày để xua đuổi voi. Nhưng dần dà, đàn voi quá quen với tiếng động này, không còn bỏ chạy như trước. Bà con Bến Tre mới nhớ lại phương pháp ngày xưa đuổi giặc bèn đem dùng thử, ai ngờ hiệu quả.

Mỗi lần tiếng nổ từ ống lố phát ra, đàn voi cắm đầu chạy không dám quay đầu lại nhìn. Từ đó, ống lố thụt voi trở thành bảo bối cầm tay của người dân nơi đây để bảo vệ mùa màng.

Trời nhá nhem tối, từng đoàn xe máy từ các hộ gia đình bắt đầu kéo nhau vào rẫy để thụt voi. Theo chân phó trưởng thôn Nguyễn Văn Đoàn, chúng tôi vào thăm chòi canh mà các hộ dựng lên làm nơi trú ngụ để canh voi. Vừa đi, ông vừa nhẩm tính cả thôn có đến 8 cái chòi canh như vậy rải đều trên 250 ha mì. Cứ 3-4 hộ có rẫy gần nhau làm chung một chòi canh. Cứ đêm đến, mỗi nhà cử một người ra để thức, canh chờ bắn.

Chòi canh voi của anh luân ở giữa rẫy mì
Chòi canh voi của anh luân ở giữa rẫy mì.

Đang ngồi nói chuyện về voi trên chòi của anh Nguyễn Ngọc Luân thì chuông điện thoại của anh reo. “Chòi nhà Lương nghe tiếng voi rống rồi”. Anh Luân cầm vội ống lố lên châm lửa. “Đoàng!” - một tiếng nổ lớn phát ra. Các chòi canh bên cạnh cũng hồi đáp bằng những tiếng nổ liên hồi.

Anh Luân kể: Nghe tiếng voi gầm, phải nổ ngay, chớ để mấy ông vào rẫy rồi là tan hoang hết! Mỗi lần voi lọt vào rẫy, người dân ở đây phải bám đít voi mà xua đuổi, có khi khoảng cách giữa họ đến voi chỉ khoảng 50m. Nếu đàn voi nổi giận quay lại, không biết điều gì sẽ xảy ra”.

Nghèo vì voi

Dân Ia R’vê gọi voi bằng ông: Ông Voi, ông Tượng. Cách gọi tôn kính đó không khỏa lấp những phiền toái mà bầy voi mang lại.

Khuôn mặt hốc hác, hai con mắt sâu hoắm vì mất ngủ, anh Nguyễn Văn Phụng than: “Ba tháng nay đêm nào cũng phải thức trắng để canh ông Tượng. Sao đợt này ông ở lại lâu thế không biết!”.

Cả thôn có 46/103 hộ thuộc diện nghèo nên khoản chi phí đuổi voi không phải nhỏ. Mỗi lán một đêm tốn 25.000 đồng tiền đất đèn, rồi còn tiền xăng xe, điện thoại, trà nước... Ông Nguyễn Văn Hồng Em, Trưởng thôn 2, buồn bã nói: “Nếu mấy ông Tượng cứ về hoài thì không biết người dân ở đây bao giờ mới thoát nghèo”.

Ông Nguyễn Văn Nói kể chúng tôi nghe chuyện đụng đầu đàn voi cách đây hai tuần. Hôm đó khoảng 7 giờ tối, chạy được khoảng 500m từ chòi canh ra thôn để uống cà phê qua ánh đèn pha xe máy, ông phát hiện cách đó khoảng 10m một đàn voi đang kéo nhau băng qua đường.

Ông chết điếng, tay ga thả ra lúc nào không hay, xe máy cũng tắt lịm. Ông cứ đứng vậy để mặc đàn voi đi qua. Khi thấy chúng kéo hết vào rẫy mì, ông mới vọt hết ga để ra kêu bà con vào phụ xua đuổi voi. Không may sập ổ gà, xe đổ đè suýt gãy chân.

Ngồi trên chòi, anh Nguyễn Văn Hoàng hướng đèn pin về phía đám mì vừa bị đàn voi xéo qua, cầu khẩn: “Nợ nhiều lắm rồi! Mấy ông lội qua chừng đó được rồi, đừng lội thêm nữa! Nợ đến bao giờ con mới trả xong?”.

Bà Mai đang gom lại đống mì non bị voi phá hoại để bán
Bà Mai đang gom lại đống mì non bị voi phá hoại để bán.

Ngồi bên đống mì mới nhổ, bà Nguyễn Thị Hồng Mai cho biết, nhà bà có 1ha rẫy trồng mì nằm sát rừng, ông về quần mất 4 sào nên dù mì đến tháng 12 mới đủ tuổi thu hoạch nhưng phải nhổ mì non. “Biết nhổ mì còn non là kém sản lượng lại bị tư thương ép giá, nhưng biết làm sao được, nếu không nhổ sớm thì các ông phá hết”.

Theo báo cáo của xã Ia R’vê, đàn voi rừng khoảng 20 con đang trú ẩn tại địa bàn, thường xuyên di chuyển qua lại giữa các thôn 2, 4, 10, và 12. Từ đầu năm đến nay đã có 32,6 ha hoa màu và nhiều tài sản khác trên địa bàn bị voi phá hoại, ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Lúng túng

Năm nào voi cũng kéo về, nhưng chính quyền địa phương hầu như bó tay, không tìm ra phương án hữu hiệu để bảo vệ rẫy cho người dân vừa an toàn cho đàn voi. Theo Chủ tịch xã Ia R’vê, Lê Thanh Hải, UBND xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân không làm hại voi, chỉ được sử dụng các biện pháp gây tiếng động để xua đuổi; phân công dân quân tự vệ tại chỗ trực để hỗ trợ người dân xua đuổi và thống kê thiệt hại, rồi kiến nghị lên cấp trên!

Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp, cho biết: “Huyện đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh để tìm phương án giải quyết dứt điểm nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là dùng các biện pháp lâu nay dân vẫn dùng để xua đuổi voi, và thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân. Nói cho cùng là chấp nhận sống chung với voi, chờ khi nào dự án bảo tồn voi được triển khai. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ 80 triệu đồng cho các hộ thiệt hại nặng mua giống phục vụ sản xuất”.

UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Quyết định số 2743 phê duyệt Dự án Bảo tồn Voi tại Đăk Lăk giai đoạn 2010-2015 với tổng kinh phí 61 tỷ đồng, nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hoá bản địa, tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái. Theo dự án, khoảng 100 con voi hoang dã và 60 voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2 trạm Bảo tồn Voi đặt ở 2 huyện Ea Súp và Lăk...

MỚI - NÓNG