Đường Hạnh Phúc

Đường Hạnh Phúc
TP - Con đường bê tông uốn qua thôn xóm của tỉnh miền Trung Thừa Thiên – Huế được xây bởi hơn 1.400 cặp uyên ương. Có điều lạ, tỷ lệ các đôi vợ chồng trẻ được ghi tên trên đường Hạnh Phúc dài 5.000m bị đứt gánh giữa chừng khi về chung sống với nhau rất hiếm xảy ra.
Đường Hạnh Phúc ảnh 1
Đường Hạnh Phúc rợp trong bóng dừa

Khi lấy nhau, dù giàu sang hay nghèo khó, tất cả đều tự nguyện xây một đoạn đường bê tông cho xã, cũng là vừa để kỷ niệm ngày trọng đại nhất của cuộc đời. Dân quê quen gọi đó là con đường Hạnh Phúc. Con đường Hạnh Phúc này ở xã Điền Hòa, Phan Điền (Thừa Thiên – Huế).

Con đường có một không hai

Một lão nông chỉ đường cho chúng tôi đến trụ sở UBND, nơi đang lưu giữ cuốn sổ lưu niệm của hơn 1.400 cặp vợ chồng trẻ đóng góp xây đường nhân ngày trọng đại của cuộc đời họ. Trụ sở xã nằm ngay bên đường Hạnh Phúc.

Đường đúc bằng bê tông rộng rãi, thoáng đãng, là tuyến huyết mạch của xã uốn mình qua nhiều xóm làng yên ả, hai bên còn được điểm thêm ghế đá, những hàng dừa xanh tít tắp đẹp hệt như tranh vẽ. Ngày cưới, các cặp đôi nhất định phải làm lễ rước qua con đường Hạnh Phúc.

Năm này qua năm khác, đường Hạnh Phúc cứ dài thêm ra... Cuốn sổ lưu niệm được cán bộ văn phòng UBND xã Điền Hòa cất giữ cẩn thận như một vật quý, các trang viết giờ đã ố màu theo thời gian và không còn một chỗ trống. UBND xã chuẩn bị bổ sung sổ mới.

Lật giở những trang lưu niệm đầu tiên, anh Nguyễn Đăng Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã – kể lại: Xã nghèo bãi ngang ven biển như Điền Hòa cách đây chừng mười lăm năm điều kiện đi lại hết sức khó khăn, đường sá chỉ toàn đất cát lầy lội. Cả xã đến một tấc đường bê tông cũng không có.

Khi tổ chức cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chính quyền đã lồng ghép huy động sức dân, lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt để thực hiện công tác bê tông hóa giao thông nông thôn.

Nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực tế không hề đơn giản. Hai bên con đường Hạnh Phúc hồi đó toàn là tre pheo bịt bùng kéo dài hàng cây số. Vận động nhân dân phá bỏ để giải tỏa mặt bằng làm đường, trồng mới hơn 3.000 cây dừa tạo bóng mát, cảnh quan đẹp như hiện nay là cả một vấn đề.

Cây tre cũng là nguồn lợi kinh tế của dân, nên thời đó rất khó chặt bỏ. Lâu dần dân ý thức được trách nhiệm đối với quê hương, không chỉ chấp nhận hy sinh cây cối mà còn tích cực hiến thêm đất, giải phóng hàng trăm ngàn gốc tre để mở rộng đường làng ngõ xóm.

Đường Hạnh Phúc ra đời sau phong trào phá bờ tre, hiến đất mở rộng đường sá cách đây hơn 10 năm. Con đường cũng là niềm tự hào đối với cả huyện Phong Điền, vì lúc đó phong trào xây đường bê tông còn xa lạ đối với nhiều vùng quê. Đường Hạnh Phúc cũng là một trong những nơi khởi đầu cho phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn dựa vào sức dân của toàn tỉnh.

Hạnh Phúc trổ thêm nhánh mới

Đường Hạnh Phúc ảnh 2
Cuốn sổ ghi nhận đóng góp xây đường Hạnh Phúc giờ đã kín những dòng lưu bút

Đường Hạnh Phúc qua hơn 10 năm khởi xướng xây dựng đã thu hút 1.437 cặp vợ chồng trẻ tham gia. Mỗi đôi vợ chồng đóng góp xây dựng tối thiểu từ 9m2 đường bê tông trở lên.

Phong trào cũng ghi nhận sự tham gia của hơn 300 cặp vợ chồng cao tuổi, gốc gác Điền Hòa nhưng sống xa quê như ở Huế, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, thậm chí ở tận nước Mỹ, Canada...

Có những cặp vợ chồng ngoài 80 tuổi vẫn sốt sắng góp tiền làm đường Hạnh Phúc, như trường hợp vợ chồng cụ Nguyễn Đăng Giá kết hôn từ năm 1953, nhưng cuối năm 1997 vẫn hăng hái tham gia làm đường Hạnh Phúc.

Nhiều cụ ông, cụ bà lấy làm tự hào khi cùng chúng tôi ra thăm đoạn đường của vợ chồng họ. “Đoạn này là của tui và ông nhà. Hai người cưới nhau hàng chục năm, già rồi, nhưng cũng mong tự mình làm được một đoạn đường làng trước khi nhắm mắt về với tổ tiên”- Bà Trần Thị Kiêm, ở thôn 7, khoe.

Mỗi cặp vợ chồng được cấp một tấm thẻ lưu niệm có số thứ tự ứng với số đoạn đường đóng góp công sức xây dựng. Rất nhiều đôi vợ chồng trẻ ở Điền Hòa đang giữ thẻ lưu niệm như một kỷ vật quý theo những cách khác nhau, lồng vào khung kính treo lên tường, ghép vào ảnh cưới, hoặc để ở vị trí trang trọng tại nơi làm việc...

Có một điều lạ, tỷ lệ những đôi vợ chồng trẻ có tên trên con đường Hạnh Phúc ở Điền Hòa bị đứt gánh giữa chừng khi về chung sống với nhau rất hiếm xảy ra. Dân Điền Hòa vẫn truyền tai nhau, đường Hạnh Phúc có lẽ là mối dây vô hình quấn chặt hạnh phúc của từng đôi lứa với nhau.

Đường Hạnh Phúc từ lâu còn là chốn hẹn hò của những lứa đôi đang yêu nhau. Có người mạnh dạn đề nghị, nên công nhận một kỷ lục nào đó cho đường Hạnh Phúc, vì là công trình có nhiều cặp vợ chồng mới cưới ở nông thôn tham gia xây dựng nhất. Đường đã kéo dài qua chín thôn, với chiều dài hơn 5.000 mét.

Đường Hạnh Phúc làm từ thôn 9 đến thôn 1 thì đấu nối vào đường bê tông do tỉnh đầu tư nên... hết đất. Tuy nhiên, công trình không dừng lại ở đây, mà đã trổ thêm những nhánh mới về các xóm nhỏ, cụm dân cư hoặc mở ra khu văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ xã.

Đường bê tông ở Điền Hòa bắt đầu phủ kín các địa bàn dân cư nhưng rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới tại địa phương này vẫn tha thiết được chung tay xây thêm một tuyến đường Hạnh Phúc mới, giống như những người đi trước từng làm vì khát vọng tình yêu và hạnh phúc trường tồn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.