Gái làng nồi

Gái làng nồi
TP- Là một vùng quê thuần nông, dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), không sản sinh ra nhiều lúa gạo như bao vùng quê khác, mà là những chiếc nồi đất. Tạo nên những chiếc nồi đấy ở làng quê đất cằn cỗi này chủ yếu là nữ.
Theo ông Võ Công Hà, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, nghề làm nồi xuất hiện ở làng Trù vào nửa cuối thế kỷ XVIII, kết quả này dựa trên một số truyền thuyết để lại và kết hợp với những nghiên cứu gần đây. Khi đời sống phát triển, dân vẫn miệt mài bám trụ với nghề như một sự tri ân tổ tiên.

Dân xã Trù Sơn đến giờ vẫn còn truyền nhau câu đùa hóm hỉnh: “Gái làng nồi người không cân đối”, (tức là ngực bên to bên nhỏ).

Con gái làng Trù sinh ra đã biết làm nồi đất, lớn lên học hỏi người lớn rồi trở thành thợ thực thụ khi tuổi đời còn mười tám, đôi mươi. Hàng chục năm miệt mài khiến gái làng Trù ngực không được cân đối do suốt ngày nhào nặn nồi đất.

Không có tài liệu nào lưu giữ bí quyết làm nồi, cũng không có một lớp nào dạy cách làm nồi, nhưng kỹ thuật làm nồi vẫn được truyền qua từng thế hệ. Lớp hậu thế không những duy trì được độ bền dẻo, chất lượng của sản phẩm mà còn không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng hơn.

 Có một điều khá bất ngờ, truyền nhân của làng chỉ toàn nữ. Ngay từ lúc còn bé, họ đã quen thuộc với công việc của bà, mẹ mình. Hình ảnh những chiếc nồi đất đã đọng lại trong tuổi thơ của nhiều người, để lớn lên họ vẫn tiếp tục nghề một cách thành thạo.

“Làm nồi không khó, nhưng phải thật khéo tay và kiên trì thì sản phẩm làm ra mới đạt yêu cầu”, chị Nguyễn Thị Hương, xóm 11, cho biết.

Gái làng nồi ảnh 1

Trên chiếc bàn xoay là một nắm đất đã luyện kỹ, chị dùng chân xoay bàn, hai tay nhẹ nhàng uốn nắn từng thớ đất.  Chỉ năm phút sau một chiếc nồi đã có hình dạng. Nếu làm nhanh, thành thạo, mỗi ngày sẽ có 40 đến 50 sản phẩm nồi đất hoàn thành.

Công đoạn hoàn thiện mất khá nhiều thời gian đến mức một hòn đá dù rất nhỏ vẫn không bị lẫn vào đất nồi. Khi hai tay dính đầy bùn đất, người phụ nữ phải gác mọi công việc lại, thậm chí là những nhu cầu cá nhân.

Được hỏi về về nghề làm nồi đất có từ bao giờ cụ Nguyễn Thị Nhứt, 85 tuổi cho biết: “Từ khi tui còn là con nít đã thấy ông bà làm nồi bày ra khắp nhà. Lớn lên hỏi thì ông bà cũng chỉ nói rằng tổ tiên đời trước để lại. Còn tổ tiên là đời nào thì không ai biết cả.

Quê tui vốn nghèo, đất đai chẳng làm nên hạt lúa, tổ tiên sợ con cháu đời sau phải tha hương kiếm sống trong lúc trời đất ban cho một thứ đất sét nên đã nghĩ ra cái nghề này”.

Nghề làm nồi đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Những năm 1990, toàn xã có trên 1000 hộ làm nồi. Nay chỉ còn lại 50 hộ tập trung ở ba xóm 10, 11 và 12 trên tổng số 2.200 hộ, trong toàn xã còn bám trụ với nghề.

 “Nghề này rất cực, suốt ngày vật lộn với đất mà thu nhập lại thấp, đầu ra cũng vất vả, thụ động” - ông Hà cho biết thêm. Bên cạnh đó nhiều phụ nữ luôn mắc một số bệnh như viêm khớp, gai cột sống, gan...khiến họ mất dần khả năng lao động ở độ tuổi còn rất trẻ.

“Năm 2004, sản phẩm nồi đất làng Trù được trưng bày tại Viện Bảo tàng Dân tộc học. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một trong những làng nghề làm gốm cổ nhất Việt Nam”. Ông Võ Công Hà,Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết.

 “Hàng chục năm ngồi một chỗ nặn nồi, tiếp xúc nhiều hơi đất nên giờ tui nỏ (không) mần (làm) được việc chi nữa”, chị Nguyễn Thị Mùi, 43 tuổi có 26 năm gắn bó với nghề, tâm sự.

Đàn ông theo sau

Trước đây, nồi được chất đầy trên những đôi quanh gánh, từng đoàn người nối nhau đi khắp nơi để bán. Nay mỗi người lên đường với một chiếc xe đạp chở trên 300 cái nồi, kèm theo xoong nồi, bát đũa, chăn màn, gạo, muối...

 Hành lý xe hàng nặng gần hai tạ cùng vài chục ngàn bỏ túi lên đường. Để bán được hàng, phải có đôi tay dẻo dai, đôi chân cứng cáp đi hết ngày này qua ngày khác đẩy xe nồi đi bán.

Gái làng nồi ảnh 2
đàn ông đi bán nồi

Thị trường tiêu thụ chủ yếu là những địa phương lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Bình…Năm nay bước sang tuổi 55, vậy mà ông Phan Văn Xuân có 37 năm đi bán nồi đất.

Đến bây giờ ông không nhớ nỗi mình đã thay bao nhiêu lốp xe đạp và đi mòn mấy đôi dép nữa. Đang ngồi nấu cơm ăn bên đường bác kể: “Có nhiều chuyến trắng tay chú ạ! Tui đang đẩy xe đi bán thì bị một chiếc xe máy tông vô rồi chạy mất, cả xe nồi của tui bể hết.

 Gia tài vốn liếng đổ vô đó nay đi toi chuyến này rồi. Ở nhà vợ và các con đang nai lương ra mần cả tháng trời được từng nớ nồi, rứa mà oi ống trộng cồi”.

Lần đó tui đi bán ở (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang dựng xe ở bên đường đi vào nhà mời người ta mua thì nghe cái “rầm” ngoài ngõ. Liền ra, thấy con trâu đang chạy. Cả xe nồi không còn cái nào nguyên vẹn.

Về đến ngõ bốn đứa con cùng vợ chạy ra tưởng cha đi chuyến này bán hết, ai cũng mừng, Khi biết chuyện chỉ có khóc than mà thôi”, anh Minh than vãn.

“Trung bình mỗi ngày tui đi bộ 70-80km để bán hàng. May mắn thì cũng bán được 30-40 cái, trừ những chi phí dọc đường cũng kiếm được 30-40 ngàn”, anh Nguyễn Văn Thìn, một người bán nồi trên 10 năm, cho biết.

Trên nửa tháng cho một chuyến đi, chiếc xe chở nồi lăn qua biết bao vùng quê, chứng kiến biết bao vất vả cùng với chủ. Nồi đất không hoàn toàn quen thuộc với mọi người, mặc dù nó gợi nhớ quá khứ. “Có những nơi người ta nhìn xe nồi bằng ánh mắt lạ lẫm, dò xét.

Nếu muốn bán được thì mình phải giới thiệu về sản phẩm. Gặp ba người khách kiểu này là coi như hết buổi” - nói rồi anh Thìn tay cầm chiếc nồi đất và giới thiệu cho chúng tôi một cách kỹ càng  nguồn gốc ra đời, tiện ích, độ bền của nó.

Khắp nơi huyển sang dùng xoong nồi nhôm, gang, inốc… nên nồi đất không còn được sử dụng nữa. Vậy mà, dân Trù Sơn vẫn gìn giữ nghề truyền thống của mình. Hằng ngày, họ luôn cho ra lò những cái nồi đất mới. Vợ ở thì nhà làm còn chồng phải hành trình dài ngày đi bán nồi đất, hết chuyến này tiếp chuyến kia.

Ngày xưa nồi đất được dùng để nấu ăn, nhưng nay xã hội phát triển thì nồi đất vắng bóng trong các gia đình thành thị. Một ít được dùng trong các nhà hàng, khách sạn như cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ, còn ở nông thôn chỉ sử dụng vào dịp tết để nấu ăn các món ăn cổ truyền. Hiện khâu tiêu thụ sản phẩm tại chổ thì không thể. Để bám trụ với nghề buộc người đàn ông Trù Sơn từ bao đời nay có những chuyến hành trình dài ngày từ tỉnh này qua tỉnh khác rao bán nồi đất.
MỚI - NÓNG