Đừng đốt bằng tranh - Kỳ 5

Gặp lại đứa con tinh thần

Gặp lại đứa con tinh thần
TP - Sáng qua, 30-1, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, báo Tiền Phong tổ chức cuộc gặp giữa tác giả cuốn nhật ký bằng tranh Lê Đức Tuấn và những đồng đội của ông.

Kỳ 4: Đừng đốt bằng tranh

Gặp lại đứa con tinh thần ảnh 1
Thiếu tướng Lê Mã Lương trao tượng trưng cuốn ký họa cho tác giả Lê Đức Tuấn.


Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng, trao lại cuốn ký họa gốc cho họa sĩ - người lính Lê Đức Tuấn, để ông xem. “Tôi không thể tin, sau gần nửa thế kỷ lưu lạc, tôi lại được gặp đứa con tinh thần, mà tôi nghĩ nó đã hy sinh”, ông Tuấn nói.

Theo lời Tướng Lê Mã Lương, cách đây chừng hai tháng, ông nhận được điện thoại của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đó ông Vịnh nói một viên đại tá và viên tướng Mỹ, thông qua con đường ngoại giao có trao cho phía Việt Nam một số kỷ vật của những người lính Việt Cộng, trong đó có một cuốn nhật ký bằng tranh rất quý, một số cuốn nhật ký và kỷ vật khác.

“Cục Chính trị, Cục Tuyên huấn và Bảo tàng cần phối hợp tìm lại chủ nhân hoặc người thân của những kỷ vật này. Có thể có người còn, người mất, nhưng gắng tìm cho được, vì đó là những kỷ vật vô giá”, ông Vịnh dặn dò.

Gặp lại đứa con tinh thần ảnh 2

Cô y tá ở Kỳ Sơn, ký họa của Lê Đức Tuấn.

Tướng Lê Mã Lương cho biết, khi nhận cuốn nhật ký, ông cũng nghĩ tác giả đã hy sinh. Bởi kinh nghiệm chiến trường cho thấy, khi Mỹ đã thu được chiến lợi phẩm thì đồng đội mình đi hết là cái chắc.

“Cuộc chiến đã qua mấy chục năm, nhưng đất nước vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ chưa biết linh hồn phiêu dạt nơi đâu. Bởi thế, nay niềm vui nhân đôi, khi báo Tiền Phong đã tìm được tác giả cuốn nhật ký và anh còn sống. Thật vui, khi cả những chứng nhân lịch sử, những đồng đội của anh Tuấn cũng có mặt, trong đó có những người đã được anh Tuấn khắc họa trong cuốn sổ này”, Tướng Lê Mã Lương nói.

Tướng Lê Mã Lương trao cuốn ký họa cho người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. “Tác giả là anh, nhưng bây giờ nó đã là tài sản của quốc gia, của những người lính. Bởi thế anh xem rồi để lại. Vì chỉ có ở đây, nó mới phát huy được giá trị, mới truyền lửa cho lớp lớp thế hệ người dân Việt”, Tướng Lê Mã Lương nói.

Gặp lại đứa con tinh thần ảnh 3

Họa sĩ Lê Đức Tuấn và đồng đội xem lại tập ký họa sau hơn 40 năm lưu lạc. 
Ảnh: Hồng Vĩnh

Họa sĩ Lê Đức Tuấn run run, lật giở từng trang rất chậm. Như thể ông muốn tự mình bù lại hơi ấm cho hơn 40 năm qua, khi đứa con tinh thần của ông lìa xa chủ. “Tôi nghĩ nó đã hy sinh rồi, vậy mà nay, tất cả vẫn vẹn nguyên. Cảm ơn những người ở phía bên kia chiến tuyến đã không giết nó”, ông Tuấn nói.

Gặp lại đứa con tinh thần ảnh 4Là người lính trải qua cả chục năm trong cuộc chiến, khi tiếp cận cuốn ký họa này, tuy trong đó không có hình ảnh của tôi nhưng  tôi có cảm giác như mình là người trong cuộc.  

Chúng tôi đánh giá nó như một cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm.

Chỉ khác Đặng Thùy Trâm viết nhật ký bằng những dòng chữ, còn Lê Đức Tuấn ký họa trực tiếp từ chiến trường, nên giá trị của hai cuốn nhật ký này như nhau. Có thân phận rất giống nhau. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện rất có hậu, khi tác giả của nó còn sống.Gặp lại đứa con tinh thần ảnh 5 - Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Từng bức tranh được mở ra, vẫn tươi nguyên màu vẽ. Cuốn sổ tự tay người bạn - họa sĩ Hoàng Văn Thư của ông đóng, tặng Tuấn ngày nhập ngũ vẫn chắc nịch, không rách nát. 

Tôi thầm nghĩ, cuộc đời thật công bằng với Tuấn và Thư. Ngày ra đi, Hoàng Thư tặng Tuấn cuốn sổ cho bạn với lời đề tặng “L.Đ.Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thư, 15.3.1967”.

Nay không chỉ Lê Đức Tuấn mạnh khỏe, còn sống trở về mà cuốn sổ - vẫn vẹn nguyên. Cuốn sổ được các cựu binh Mỹ đóng thêm vài trang cuối, giấy trắng hơn, để ghi chú những dòng mục lục.

Nói như họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thời đó giấy hiếm lắm, nhưng Hoàng Thư đã tự tay đóng cuốn sổ tặng Tuấn. Nó biểu trưng cho tình bạn của hai người.

Hơn thế, giá trị của cuốn nhật ký bằng tranh, chính là số phận của nó, sau hơn 40 năm lại trở về với người sinh ra nó. Điều đó còn thể hiện tính nhân bản, nhân văn và chân, thiện, mỹ của con người.

Được tận mắt nhìn lại những bức tranh do Lê Đức Tuấn vẽ, đồng đội của ông cũng không kìm được xúc động. Ông Lê Văn Lương (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) nói: “Chúng tôi rất cảm phục tài ký họa của Tuấn. Bức tranh Tuấn vẽ tôi ngày 19-10-1967 (Chú liên lạc ở trong hầm). Khi đó, chúng tôi ở Kỳ Sơn - Hòa Bình. Tôi vừa đào hầm xong thì Tuấn đến. Anh bảo tôi ngồi lại, chỉ 20 phút sau đã vẽ xong”.

Ở một ký họa khác, ký họa cô y tá huyện Kỳ Sơn, tháng 12-1967. “Tôi nhớ, sáng hôm đó, Tuấn gọi tôi bảo “mày đi vẽ với tao”. Anh ấy dắt tôi tới một ngôi nhà sàn của đồng bào Mường, gọi cô gái ra, cô gái làm mẫu vẽ. Vẽ xong cô gái nằng nặc đòi phải tặng tranh, anh ấy đành vẽ bức thứ hai tặng. Vẽ xong, tôi trêu “cậu vẽ thì ít mà ngắm con gái người ta thì nhiều. Anh ấy chỉ cười”, ông Lương kể. Cả hội trường cười vui.

Gặp lại đứa con tinh thần ảnh 6

Chú liên lạc ở trong hầm, ký họa của Lê Đức Tuấn

Thực sự là một Đừng đốt bằng tranh

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Tướng Lê Mã Lương nói: “Một cuốn ký họa lưu lạc,  lính Mỹ thu được, sau hơn 40 năm lại quay về thì đến nay mới chỉ có một. Đặc biệt, có rất nhiều ký họa, người được ký họa vẫn còn sống, có người đã chết. Chúng tôi đánh giá nó như một cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm.

Chỉ khác Đặng Thùy Trâm viết nhật ký bằng chữ, còn Lê Đức Tuấn ký họa trực tiếp từ chiến trường. Giá trị của hai cuốn nhật ký này như nhau, có thân phận rất giống nhau. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện rất có hậu, khi tác giả của nó còn sống. Đến nay, đây là cuốn ký họa đầu tiên mà Bảo tàng có được”.

Tướng Lê Mã Lương cũng cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chức năng và thông qua các phương tiện truyền thông để tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của cuốn nhật ký bằng tranh này đến thế hệ sau.

Cuốn này là tư liệu rất quý đối với chúng ta, để các thế hệ sau biết nhiều hơn về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Tuần tới, Bảo tàng sẽ đưa kỷ vật (cuốn ký họa) vào triển lãm Kỷ vật kháng chiến sống mãi với thời gian,  kéo dài trong 2 tháng”.

Bá Kiên (Còn nữa)

MỚI - NÓNG